Để đến làng chài, bạn xuất bến từ bến Hàm Tử (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) chỉ mất 10-15 phút đi đò với chi phí 30.000 đồng. Hải Minh nằm trên bán đảo Phương Mai. Bán đảo như một bình phong khổng lồ án ngữ phía biển, che chở cho thành phố biển Quy Nhơn, với hệ thống núi đá trùng điệp chạy dài gần 20 km. Nơi đây từng là vị trí phòng thủ chiến lược quân sự quan trọng, là nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách của anh hùng áo vải Quang Trung.
Tàu vừa cập bến là đụng ngay nhà. Nhà sát nhà, dọc sát mép nước, bờ đá. Để đến được khu vực tượng đài, điểm tham quan chính của làng chài, du khách đi men theo những con đường nhỏ hẹp, quanh co, ngoằn ngoèo như mê cung. Qua đoạn nhà dân, tiếp tục leo theo con đường mòn bên sườn núi sẽ đến được chân tượng đài.
Tượng đài Trần Hưng Đạo được xây dựng và hoàn thành năm 1973, cao 16 m, nằm ở độ cao hơn 40 m so với mực nước biển. Dưới chân tượng, xung quanh có tường đá rào chắn và khoảng sân rộng, nơi để du khách nghỉ ngơi, đắm mình trong âm thanh của tiếng gió, tiếng sóng biển, ngắm nhìn những cánh chim hải âu sải cánh giữa bầu trời bao la
|
Hãy dành vài giờ để ngắm Quy Nhơn ở một góc khác.
|
Từ đây, bạn có thể nhìn được toàn cảnh thành phố Quy Nhơn hiền hòa nằm tựa lưng vào núi Vũng Chua, mặt quay ra đón gió biển Đông, Cù Lao Xanh ẩn hiện xa xa giữa trùng khơi, chiếc cầu vượt biển Nhơn Hội như vắt ngang chân trời vượt đầm Thị Nại nối đất liền với xã đảo Nhơn Lý.
Ngay sau lưng tượng đài có con đường mòn dẫn xuống bãi tắm khuất dưới chân núi. Người ta gọi nơi này là bãi Rạn, sóng êm, quang cảnh đẹp và vẫn còn hoang sơ. Du khách có thể tha hồ thả mình dưới làn nước trong xanh, mát mẻ.
Vào mùa xuân hàng năm, người dân nơi đây tổ chức lễ hội cầu ngư với đầy đủ kiệu rước, đội trống chiêng, ban nhạc, đội hò bả trạo, hát tuồng, diễn xướng theo nghi lễ đặc trưng.
|
Nơi đặt tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
|
Nếu đến thành phố biển Quy Nhơn, bạn hãy dành vài tiếng đồng hồ để đến làng chài Hải Minh, cảm nhận cuộc sống của người dân chài hiền hòa, hiếu khách và để được ngắm nhìn thành phố Quy Nhơn ở một góc độ khác.
Bài và ảnh: Duyên Mới