Nơi làm việc của vợ chồng chị cùng hai người phụ việc chỉ gói gọn trong diện tích 4 m2, nằm ở góc đường phía trước đường Bành Văn Trân, quận Tân Bình. Khoảng không gian hẹp chỉ đủ kê 4 chiếc máy may, máy vắt sổ cùng một số thùng đồ quần áo của khách và dụng cụ may vá với giá thuê 7,5 triệu đồng một quý.
Tự nhận mình "lượm bạc cắt" nhưng nhờ may vá số lượng lớn nên mỗi tháng chị thu về khoảng 8 triệu đồng, sau khi đã trừ hết mọi chi phí, tiền công cho hai thợ phụ. Khách có nhu cầu chỉnh sửa nhiều nhất là cắt bớt gấu quần jeans, nới hoặc thu hẹp vòng eo, đơm nút, thay dây kéo... Mỗi chiếc quần lên lai chị tính 20.000-25.000 đồng, nếu đơm nút quần "ăn" 15.000 đồng, còn điều chỉnh lưng quần lấy 20.000 đồng. Với những trang phục đòi hỏi sửa cầu kỳ hơn, khách có thể phải trả 100.000-120.000 đồng.
"Trước khi nhận đồ phải nói rõ giá cả để khách cân nhắc có nên điều chỉnh nữa không. Vì có những bộ đã quá sờn, dùng lâu mà chi phí sửa sang lại cao thì không đáng chút nào", người phụ nữ gốc Đà Nẵng chia sẻ.
Theo chị, nghề này có việc làm quanh năm, chứ không bị tính mùa vụ chi phối. Nếu mở ở gần chợ, chung cư hoặc nơi tập trung đông sinh viên, công nhân sẽ thu hút rất nhiều người, bởi đây là đối tượng chính có nhu cầu sửa quần áo cũ. "Mỗi khách hàng mình chỉ thu 20.000 đồng nhưng một ngày có 20 người lên lai quần đã có ngay 400.000", người thợ 43 tuổi cho biết.
Trong khi đó, góc làm việc của anh Thanh, quận Tân Phú ở trước cửa một căn nhà trong khu chợ nhỏ của quận. Những người đi chợ hoặc sinh sống ở khu vực này đã quá quen với hình ảnh người đàn ông trung niên bên chiếc máy may có phần cũ kỹ.
Nếu những tháng đầu tiên "tập kết" ở đây gần như không một người khách nào ghé tới thì hiện tại, anh đã có nhiều mối ruột, nhất là các bà, các cô lớn tuổi. "Người lớn tuổi chi xài rất tiết kiệm, cái quần hay chiếc áo chật, các bác không nỡ bỏ đi hay mua mới mà chọn cách nới ra", anh lý giải nguyên nhân chẳng cần treo bảng giới thiệu nhưng ngày nào cũng làm gấp rút để kịp trả hàng như lịch hẹn.
Bí quyết thu hút khách của anh là chỉnh sửa tỉ mỉ, đường cắt may phải đẹp, giao hàng nhanh, tính giá mềm 15.000 - 25.000 đồng, tùy loại. Chỗ của anh cũng thu hút một lượng lớn sinh viên có nhu cầu làm mới chiếc áo, quần. "Đôi khi có em sinh viên sơ ý bị móc quần áo làm rách áo. Nếu may vá theo kiểu bình thường sẽ không đẹp, các em sẽ mặc cảm mình mặc áo không lành lặn đến trường. Tôi biến hóa chỗ rách này thành hình thêu với kiểu dáng, đường chỉ hợp với màu áo nên nhiều em rất thích", anh tâm đắc kể.
Hiện tại, một tháng anh trả tiền điện, nước và mặt bằng khoảng một triệu đồng và thu về cho mình khoảng 5 triệu. Các tháng gần Tết thu nhập của anh có phần tăng lên do nhiều người sắm sửa quần áo mới nhưng có một số chi tiết không vừa vặn nên đem ra nhờ anh chỉnh sửa. "Do chi tiêu tiết kiệm nên tôi vẫn đủ trang trải cuộc sống mỗi ngày nhờ chiếc máy may này", anh nói.
Còn anh Trung ở quận 10 ngồi ké mái hiên nhà người quen ở gần khu chung cư Thành Thái nên không tốn phí mặt bằng. Anh còn kiêm thêm tài xế xe ôm nếu ai có nhu cầu. "Công việc sửa quần áo, ba lô, túi xách khá nhàn nhã nên tôi tranh thủ kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy. Với lại, nhờ vậy, mình thấy cuộc sống vui và ý nghĩa hơn", anh trải lòng.
Anh cũng tự tin nghề này không lạc hậu theo thời gian vì hàng mua ngoài thị trường không phải lúc nào cũng vừa khít với từng người. Có người rất hài lòng với thiết kế, màu sắc của chiếc áo nhưng cửa hàng không còn kích cỡ vừa vặn với họ. Nhiều người vẫn quyết định chọn mua và mang tới anh thu hẹp lại vòng eo. "Những trường hợp này tôi cũng chỉ tính vài chục nghìn đồng, không quá cao so với giá trị chiếc áo nên khách vẫn hài lòng", anh cho biết.
Tính chung cả 2 công việc, thu nhập hàng tháng của anh khoảng 7 triệu đồng, với khách hàng chủ yếu là sinh viên và người dân sống ở chung cư và khu vực xung quanh.
Hiện tại các cửa hàng bán quần áo thời trang gần như có thêm dịch vụ sửa quần áo kèm theo. Do đó, anh phải tự cập nhật, trang bị thêm kiến thức về may vá cho mình với kỳ vọng có thể nhận may đồng phục ở các công ty hay đơn vị có nhu cầu.
Minh Ngọc