Hòa trong dòng người tranh mua tranh bán khi chợ hoa Nhâm Thìn sắp dẹp, anh Khoa, ngụ quận Bình Thạnh, là kiến trúc sư cho biết: "Năm nào tôi cũng chờ chợ xả giàn mới đi lùng đào. Năm nay giá bán tháo cực rẻ, chỉ 50.000-100.000 đồng một gốc đào, chả bù hôm 23 Tết lên đến bạc triệu. Dù đào giá bèo nhưng đừng vội chê, nếu khéo chọn có khi cũng nuôi được đến sang năm".
Anh Khoa tiết lộ bí quyết chọn đào đại hạ giá là không cần quá nhiều nụ và hoa, chỉ cần phần gốc có vân xanh, chơi Tết xong phạt hết cành, đào đất trong vườn nhà mà nuôi, cây tự khắc sẽ sống. "Bà chị tôi cũng đang chọn đào rẻ mua một lần dăm ba cây để nuôi. Nếu chơi Tết chỉ cần tưới nước ấm thì đào sẽ nở bung", anh giải thích.
Nhanh tay mua được gốc đào to 100.000 đồng, hoa hồng tươi trong nắng, nhiều nụ xanh ươm, chị Nguyệt, ngụ quận 8 vui vẻ kể: "Năm ngoái tôi cũng lùng đào rẻ nhưng giá lúc ấy lại đắt gấp đôi so với năm nay. Có lẽ do không có ngày 30 tháng Chạp nên Tết này giới buôn đào phải bán tháo thật rẻ để lấy lại tiền vận chuyển mà về quê".
Chị Nguyệt cho hay, đi lùng đào rẻ nhưng phải tính đến giá thuê người chở về nhà. Từ công viên 23/9, quận 1, chị phải chi thêm 70.000 đồng nữa để mang đào về tận quận 8. Chị giải thích, những gốc đào to thường rất nặng, phụ nữ khiêng không nổi, chỉ có đàn ông bưng bê, chuyên chở mới dễ dàng nên phải mất thêm chi phí vận chuyển.
Trong khi đó, mai kiểng đến giờ phút cuối tuy giảm giá nhưng vẫn đắt đỏ hơn đào vài trăm nghìn đồng một gốc. Anh Thiện, ngụ quận 4, chở chậu mai rực sắc vàng khoe: "Hôm 23 Tết tôi chấm cây này nhưng nhà vườn đòi hai triệu bạc, chỉ giảm tối đa 30%. Tôi kiên nhẫn chờ, hôm nay mua được giá 500.000 đồng, có lẽ không thể nào rẻ hơn được nữa".
Theo anh Thiện, mai sống lâu bền bỉ, có thể nuôi được cả trăm năm, càng già càng quý nên đà giảm giá ít hơn đào. "Nhà vườn và nghệ nhân trồng mai chỉ bán rẻ những chậu ít tuổi chứ mai lão thì đừng hòng mua được giá bèo", anh nói.
Đến 12h trưa, xe tải rước mai ùn ùn kéo vào công viên 23/9, nhà vườn cắt bỏ tất cả nhánh mai có nụ để tiện việc chuyên chở. Khách đến xin những nhánh mai đầy hoa cũng tranh nhau lấy lộc. Thời điểm này, những loại hoa ngắn ngày như: mào gà đỏ, cúc vạn thọ, hướng dương, hồng tỷ muội cũng hạ xuống giá sàn 20.000 đồng một cặp. Các nhà vườn phải dạt ra gần lề đường để tiện bán và dọn hàng.
Ngoài chợ hoa ở công viên 23/9, người Sài Gòn còn đổ về các con đường bán hoa Tết như Thành Thái, Tô Hiến Thành, Nguyễn Văn Cừ, 3/2... để săn hoa giá rẻ đang đồng loạt treo bảng xả hàng.
Dọc đường Thành Thái, hàng quán nào cũng đóng cửa, song xe máy xếp hàng dài dưới lề đường, mọi con mắt đổ dồn về các chậu quất, mai, cúc, thanh long... Không khí mua sắm xôm tụ khi hàng chục người bán cùng hét to "Hoa đại hạ giá, bán sổ chuẩn bị nghỉ Tết...". Thậm chí có nơi chừng một tiếng đồng hồ sau lại hạ giá tiếp, vừa bán vừa cho, nhất là các chậu cúc vàng.
"500.000 có bán không?", người mua chỉ vào gốc mai vẫn còn niêm yết giá 2 triệu đồng, chủ vườn đồng ý bán ngay. Cứ thế, hàng chục gốc mai "đại hạ giá" nhanh chóng chuyển đi trong chưa đầy 10 phút.
Ngay góc ngã tư Thành Thái, Tô Hiến Thành, ai đi ngang cũng phải ghé nhìn trước cảnh tượng người người săm soi từng chậu hoa, trả giá và cười tươi khi mua được hoa với mức giá "hợp túi tiền". Bỏ mặc xe máy nằm chỏng chơ ngay giữa đường, nhiều người ào vào chọn lựa vì e ngại nếu không nhanh tay sẽ hết hàng đẹp. "Tôi cố chờ đợi tới hôm nay mới sắm hoa đón Tết. 2 chậu thanh long chỉ còn 600.000 đồng, trong khi người bán đòi tới 1,2 triệu đồng", hí hửng với thành quả vừa đạt được, anh Trung, quận 10 cho biết.
Một nhà vườn ở Bến Tre bán hoa Tết tại TP HCM chia sẻ, nghề trồng hoa có nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nỗi buồn. Niềm vui đến khi vụ hoa được mùa, mua may bán đắt nhưng khi thất bát, ế hàng nỗi buồn sau khi kết thúc phiên chợ cũng đắng lòng. "Năm nay chợ hoa không xôm tụ, có lẽ do kinh tế khó khăn nên người dân ngại chi tiêu mua sắm. Chúng tôi bán xả giàn xong, trừ tất cả các chi phí vẫn còn lỗ tiền chuyên chở. Đành hy vọng vào mùa hoa năm sau vậy", ông tâm sự.
Vũ Lê - Bạch Hường