Hầu như trong mỗi gia đình người Việt đều có bàn thờ tổ tiên, được đặt trong không gian của một phòng nào đó, hoặc trong một không gian riêng gọi là phòng thờ. Thờ cúng tổ tiên là một nét văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt, thể hiện lòng thành kính, lòng tri ân tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giữ gìn gia đạo.
“Thà đui mà giữ đạo nha
Còn hơn có mắt ông cha không thờ”
(Nguyễn Đình Chiểu)
Duy trì nền tảng gia đình với tục lệ thờ cúng tổ tiên, cụ Phan Bội Châu có nói: “Tôi biết ít chữ, dạy lại cho con trẻ để sau này nó biết khấn tổ tiên”. Theo cụ Phan, nền tảng gia đình mà tinh thần là sự thờ cúng tổ tiên phải được duy trì, để như chất keo sơn gắn chặt các thành viên trong gia đình nhỏ với gia tộc lớn, từ đó kết thành tinh thần đoàn kết dân tộc.
Thờ cúng tổ tiên, ở một khía cạnh khác, xuất phát từ quan niệm cho rằng, chết chỉ là sự tiêu tan của thể xác, linh hồn vẫn còn và luôn ở bên con cháu, giúp đỡ, che chở con cháu. Do đó, những khi trong nhà có việc quan trọng như sinh con, làm nhà, cưới gả, đi xa, thi cử…, người Việt đều dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và cầu tổ tiên phù hộ.
Với các ý nghĩa nêu trên, bàn thờ luôn được đặt ở vị trí cao ráo, sạch sẽ, trang trọng nhất trong mỗi gia đình. Trong nhà ở gia đình truyền thống, phổ biến là “ba gian, hai chái”, bàn thờ được lập ở chính giữa gian giữa của ngôi nhà. Với những ngôi nhà có kiến trúc hiện đại ngày nay, nhất là nhà phố, hoặc căn hộ chung cư, các kiến trúc sư đều cân nhắc kỹ vị trí đặt bàn thờ, nhằm đảm bảo sự trang nghiêm, tôn kính, sự thuận tiện trong sinh hoạt gia đình, cũng như đảm bảo tính thẩm mỹ.
Đối với nhà một tầng hoặc căn hộ chung cư, nếu diện tích không cho phép xây phòng thờ riêng thì bàn thờ thường được bố trí trong phòng khách. Đối với nhà phố nhiều tầng, các kiến trúc sư thường thiết kế phòng thờ ở tầng trên cùng vì vị trí này kín đáo, tĩnh lặng, đảm bảo tính tôn nghiêm, thông thoáng, các không gian khác không bị ảnh hưởng bởi khói hương, đồng thời thuận tiện trong việc cúng ngoài trời và hóa vàng mã.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, phòng thờ trên cao mang lại cảm giác xa cách, lạnh lẽo, thiếu ấm cúng, gắn bó. Vì thế, phòng thờ cũng có thể được thiết kế ở các tầng khác.
Theo khoa học phong thủy, phòng thờ/ bàn thờ trước tiên nên đặt tại các cung tốt của thuật định vị Cửu cung thần sát như: Âm quý nhân, Dương quý nhân, Thiên lộc, Thiên mã; thứ đến mới chọn các cung Diên thọ, Tài lộc, Tử tức trong 16 cung Huyền không trạch vận.
Bàn thờ thu nạp được sinh khí thì con cháu sẽ hưởng phúc, làm ăn phát đạt, mọi sự như ý. Tuy nhiên, xác định các vị trí này không đơn giản, nên phòng thờ/bàn thờ thường được bố trí ở vị trí tốt và hướng về hướng tốt theo mệnh quái chủ nhà, cụ thể là các cung và hướng Sinh khí, Thiên y, Diên niên, Phục vị. Vị trí đó ở tầng nào cũng được.
Nếu không chọn được cả vị trí và hướng thì nên ưu tiên chọn hướng tốt.
Quan trọng hơn, bàn thờ cần tránh rơi vào những trường hợp sau:
* Tầng trên là phòng vệ sinh hoặc giường ngủ hay tủ quần áo.
* Bàn thờ đặt áp tường bếp, nhà vệ sinh hoặc đối diện nhà vệ sinh (bàn thờ đòi hỏi phải hấp thụ được thanh khí, rất kỵ xú uế).
* Bàn thờ quá gần cửa sổ, cửa đi hoặc các nút giao thông trong nhà (khu vực bàn thờ thuộc tính âm, mang tính chất hướng nội, nên cần yên tĩnh).
* Bàn thờ đặt ở vị trí lấn chiếm khoảng không.
* Phía dưới hoặc đối diện bàn thờ là bể cá (Thủy - Hỏa xung khắc).
* Bàn thờ đặt trong phòng ngủ, phòng bếp hay phòng ăn.
* Bàn thờ bên dưới cầu thang, dưới xà nhà hoặc có vị trí khuất lấp, nhỏ bé, tối tăm, ẩm thấp.
* Bàn thờ bị ánh nắng mặt trời chiếu hoặc thắp đèn điện quá sáng ngay trên bàn thờ (tia bức xạ mặt trời và ánh sáng “thô” từ đèn điện không thích hợp với không khí trang nghiêm, thanh nhẹ).
Lưu ý: bàn thờ phải được kê lắp chắc chắn, có độ cao thích hợp, luôn sạch sẽ, bát hương luôn luôn tịnh (không bị rung hay xê dịch).
Theo Đầu tư CK