Khởi nghiệp táo bạo
Tháng 7/2013, Trí tốt nghiệp, chỉ nghỉ ngơi vài ngày, tân cử nhân đăng kí một khóa học đầu bếp tại Trường dạy nghề ẩm thực (quận 1, TPHCM), trọng tâm là món phở. Sau một tháng, Trí có bằng, lập tức khăn gói về quê thực hiện ước mong kinh doanh ẩm thực của mình.
Vừa mới nói về ý tưởng mở quán phở, Trí bị gia đình và người thân phản đối, ai cũng chung quan điểm tốt nghiệp đại học thì phải làm việc đúng ngành, đúng nghề, có người còn bảo bị “hâm”.
Trí lập một bản kế hoạch kinh doanh rồi trình bày với mọi người trong gia đình để thuyết phục. Nửa tin nửa ngờ nhưng thương con, mẹ Trí cũng gật đầu cho cậu con trai “mượn” hơn 100 triệu đồng làm vốn mở quán. Trí đi thuê mặt bằng, tu sửa quán, tuyển nhân viên, rồi vòng vèo khắp các quán phở trên địa bàn để nghiên cứu khách hàng, cách làm ăn của họ. Cậu cũng tự mua nguyên liệu về nhà nấu thử, ai cũng tấm tắc khen ngon.
Ngày khai trương quán với cái tên “Phở Hằng” (số 120 Quốc lộ 9, Đông Hà), rất đông khách đến ủng hộ, nhưng chỉ được vài hôm là vơi dần. “Nhiều đêm bán chỉ được hơn mười tô, mình lo không biết tiền đâu mà trả chi phí mặt bằng, lương nhân viên”. Không chỉ vậy, do chưa thạo tay nên nước dùng Trí nấu lúc mặn, lúc nhạt, có hôm lại luống cuống chan nước dùng không đủ nóng, bị khách chê ròng. Quá nhiều áp lực, cậu mất ngủ thường xuyên. Đêm thì gác tay lên trán suy nghĩ, 3 giờ sáng đã lọ mọ dậy nấu nướng, người ốm tong. Thấy việc kinh doanh của con “lên bờ xuống ruộng”, mẹ lại giục Trí nghỉ quán để xin việc làm.
Thành công từ “biến tấu”
Trước tình hình quán phở ngày một xuống dốc, Trí đã làm hàng loạt cuộc khảo sát khách hàng, lấy ý kiến số đông thích hương vị gì, thích được phục vụ ra sao… để dần khắc phục. Cậu bắt đầu đi theo công thức nấu phở mới, đó là “phở ba miền”.
Khác với những quán còn lại luôn đậm đà hương vị Bắc, phở của Trí là sự kết hợp giữa hương thơm của miền Bắc, vị đậm đà, cay cay của miền Trung và vị ngọt của miền Nam. Nhờ sự “biến tấu” đó mà quán mỗi ngày một đông khách, khi nói đến phở ở Quảng Trị, nhiều người nhắc ngay đến phở Hằng vì vị “lạ” của nó.
Hỏi Trí, vì sao lại có tên Phở Hằng, cậu cười: “Đó là tên của mẹ mình. Để cảm ơn mẹ, và cũng muốn cho mẹ thấy sự đầu tư của mẹ vào thương hiệu này chưa bao giờ là sai”. |
Khi quán đã có lượng khách ổn định, Trí đào tạo cho phụ bếp đứng nấu theo công thức của mình, cùng thống nhất với các nhân viên về cách chăm nom quán, cách phục vụ khách hàng. Nhờ vậy, mỗi ngày chỉ cần ghé quán kiểm tra một chút, Trí cũng nắm được tình hình kinh doanh của quán, cách làm việc của nhân viên.
Sắp tới, cử nhân 9X sẽ cho hai nhân viên trong quán ra mở cơ sở ở Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) và Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh) cũng lấy thương hiệu Phở Hằng.Cát Hiền