Lợi ích, cơ chế hoạt động và hiệu quả làm việc của mỗi loại màn hình (Plasma, LED, LCD) đã khá rõ, song không ít người sử dụng biết đến khả năng biểu đạt thực sự của chúng ở từng khía cạnh nhỏ bên trong.
Dưới đây là một số đánh giá chi tiết nhằm “xếp hạng” xem công nghệ màn hình nào thực sự giữ vị trí đầu bảng hiện nay trong cuộc "tam đấu" này.
Độ sáng màn hình (brightness)
Đứng đầu tiêu chí này phải nói đến màn hình LED, cuối cùng là màn hình Plasma và thứ là màn LCD.
Nếu có cuộc đọ sức này, người xem có thể dễ dàng nhận ra độ sáng màn hình của TV LED là số 1. Trung bình, độ sáng màn hình LED đều vượt quá con số 100 bước sáng Lambert (cách tính trong vật lý) nên để xem được những thước phim tuyệt đẹp được trình chiếu như trong rạp, màn hình TV cũng chỉ cần điều chỉnh ở thang 5 trong tổng số 10.
Không tươi sáng như LED và LCD, song màn hình Plasma không phải là cuối cùng bởi chúng vẫn sáng và trong hơn màn hình CRT cổ điển.
Tuy nhiên, lại một câu hỏi đặt ra: liệu có thực sự cần màn hình có độ sáng vượt trội như vậy? Trong một căn phòng tối, độ sáng 100 lambert chắc chắn sẽ đáp ứng được những hình ảnh tuyệt đẹp, song trong một căn phòng thừa sáng thì lại khó có thể trình diễn được những hình ảnh đẹp, rõ.
Giải pháp đưa ra là người xem cần chú trọng tới những biện pháp chống lóa do nhà sản xuất cung cấp khi mua màn hình LED hoặc LCD. Màn hình có thể được phủ một lớp chống lóa hoặc bổ sung tính năng tự động cân bằng sáng để phù hợp nhất với mọi điều kiện sáng.
Mức độ đen sâu (black level)
Ở tiêu chí này, màn hình Plasma là người thắng cuộc, LED đứng thứ hai và cuối bảng là màn hình LCD.
Màn hình công nghệ Plasma với các tinh thể phốt-pho sẽ cung cấp đầy đủ nhất các mức độ đen sâu của hình ảnh, tái hiện chân thực nhất từng chi tiết. TV LED cũng có thể trình diễn những gam màu đen tuyệt đối bằng cách tắt hết các đèn LED phía sau nhưng điều này khó có thể thực hiện khi TV đang hoạt động. Lại càng khó với màn hình LCD bởi hệ thống đèn chiếu là những bóng đèn huỳnh quang lạnh CCFL.
Độ tương phản (contrast ratio)
Độ tương phản trong các TV Plasma của Panasonic khá chính xác và sâu
Tương tự như tiêu chí “mức độ đen sâu”, đứng đầu vẫn là màn hình Plasma, tiếp đến LED và LCD.
Tỷ lệ tương phản hay còn gọi là tỷ số khác biệt giữa hai gam màu đen và trắng. Tỷ số này càng lớn cho hình ảnh càng chân thực. Đây là thông số quan trọng trong việc làm nên tổng thể chất lượng của một hình ảnh.
Mặc dù Plasma đứng đầu nhưng vẫn có những ngoại lệ với những màn hình LED công nghệ mới. Với một màn hình LED nền trang bị kỹ thuật xử lý vùng tối mờ cục bộ sẽ có thể cho độ tương phản tương tự như một màn hình Plasma (cùng phân khúc).
Tuy nhiên, loại màn hình này còn khá đắt đỏ, đắt hơn cả LED viền và rất nhiều so với màn hình Plasma cùng kích thước.
Góc nhìn
Đứng đầu vẫn là những TV sở hữu màn hình Plasma, cả TV LCD lẫn LED đều là người thua cuộc. Nhưng nếu công nghệ LCD/LED trang bị tấm nền hình IPS sẽ cho góc nhìn khá tốt, song chưa thể vượt qua Plasma.
Sở dĩ có thứ tự xếp hạng như vậy vì màn hình LCD (bao gồm cả LED) đều chỉ hỗ trợ góc nhìn theo trục dọc chính giữa màn hình, vì vậy góc nhìn lớn, bên mép màn hình, chất lượng hình ảnh sẽ bị giảm xuống, cảm nhận hình ảnh tối và không rõ ràng.
Nhưng với công nghệ LCD trang bị thêm tấm nền hình IPS (In Plane Switching) sẽ cho góc nhìn rộng hơn, tốt hơn, hỗ trợ cả tỷ lệ tương phản lẫn độ đen sâu của hình ảnh.
Tiêu thụ năng lượng
TV LCD (đèn CCFL) tiêu thụ nhiều điện năng nhất
Chỉ cần hiểu sơ lược về công nghệ chế tạo màn hình cũng biết màn hình nào tiêu thụ ít năng lượng nhất. Đứng đầu là màn hình LED bởi hệ thống đèn chiếu tiêu thụ cực ít điện năng, tiếp theo là LCD và cuối bảng là Plasma.
TV LED tiêu thụ năng lượng thấp nhất ngay cả khi bật toàn bộ đèn chiếu nền hay độ sáng màn hình ở mức cao nhất. Trái ngược với Plasma, để xem được hình ảnh chất lượng, độ tương phản buộc phải tăng cao, đồng nghĩa với việc tiêu hao rất nhiều điện năng. Tuy nhiên, nhược điểm này đã được cải thiện nhiều so với vài năm trước đây.
Sử dụng TV LED sẽ góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng hàng tháng nhưng chi phí ban đầu khá lớn, thường đắt hơn so với các màn hình khác. Bạn nên cân nhắc kỹ trước khi đầu tư.
Giá bán
Như đã biết, rẻ nhất vẫn là các TV LCD sử dụng đèn chiếu CCFL, đắt nhất vẫn là các dòng LED đặc biệt có trang bị thêm kỹ thuật xử lý vùng tối mờ cục bộ (Local dimming).
Còn TV Plasma có giá bán khá tốt, tương xứng giữa kích thước và giá thành nên nhận được nhiều quan tâm của khách hàng trong năm 2011 vừa qua như riêng Panasonic đã bán được 5.7 triệu chiếc, cả LG và Samsung được khoảng 8 triệu chiếc trên toàn cầu.
Tuổi thọ
Đã có nhiều nghiên cứu khác nhau, chứng minh về tuổi thọ của các TV màn hình phẳng, song tựu chung lại là chúng khá bền. Tuy nhiên, màn hình Plasma vẫn được cho là có tuổi thọ thấp hơn màn LCD và LED mặc dù đã có nhiều cải tiến trong suốt thời gian qua.
Hiện tượng bóng ma (burn in)
Khẳng định rằng, tất cả các TV đều có thể có hiện tượng này. Bóng ma sẽ xuất hiện nếu một hình ảnh xuất hiện quá lâu trên màn hình dẫn tới đọng lại vệt mờ khi màn hình chuyển ảnh khác.
Lời kết
Thông qua bảng xếp hạng theo từng tiêu chí nêu trên, các bạn cũng đã có những nhận định riêng cho mình về từng loại màn hình. Thật khó để xếp hạng tổng thể cho chúng, bởi những tiêu chí trên không thể đong đếm mà chỉ mang tính khái niệm với mỗi người. Có người đồng tình, có người không, nên hãy căn cứ vào nhu cầu thực tế của mình để chọn lựa được một TV ưng ý nhất.
Một gợi ý nhỏ: nếu bạn dành phần lớn thời gian để xem TV hoặc vị trí kê TV của bạn là một căn phòng có ánh sáng đầy đủ với nhiều cửa sổ thì TV LED sẽ là lựa chọn tốt nhất. Còn nếu bạn chỉ dùng TV vào việc xem phim ban đêm, và để nâng cao hiệu quả hình ảnh, màn hình Plasma sẽ đáp ứng yêu cầu này.
Quỳnh Anh