Ông Võ Quan Huy (thường gọi là Út Huy, sinh năm 1955), ở ấp Thuận Hòa, xã Hiệp Hòa, Đức Hòa, Long An được coi là nông dân tích tụ được nhiều đất nhất ĐBSCL khi đang canh tác trên 580ha đất nông nghiệp.
Thất bại nhưng không nản
Út Huy sinh ra ở Đức Hòa, cái nôi của Nam Kỳ khởi nghĩa, cả gia đình đều là "Việt cộng nòi", tham gia kháng chiến. Sau ngày miền Nam giải phóng, Út Huy lăn lộn đủ nghề từ chạy máy cày, đốn mía thuê, làm lò đường, trồng mì, trồng đậu… nhưng vẫn không khá lên được. Có 3ha đất thì bị chua phèn, trồng cây gì chết cây đó. Năm 1977, Út Huy qua Tây Ninh "khẩn hoang" hơn chục ha trồng mía. Trận lụt năm 1978, mía bị nước nhấn chìm, Út Huy trắng tay phải quay lại nghiệp làm thuê.
Năm 1980, ông sang tỉnh Sông Bé tham gia chương trình vùng nguyên liệu mía 5.000ha do Nhà máy Đường Bình Dương phát động. Chân ướt chân ráo, không hiểu thổ nhưỡng và tập quán canh tác (phải cày sâu và nhuyễn để giữ nước), nên mía ông trồng không nảy mầm, vụ đầu tiên thiệt hại hơn 80%. Nhiều người tham gia trồng mía cũng rơi vào tình trạng như Út Huy, phải bỏ của chạy lấy người. Riêng ông quyết ở lại làm… trả nợ.
Không tiền mua gạo nuôi "quân", Út Huy thuyết phục hàng quán cho mua gạo nợ. Làm theo kiểu ăn trước trả sau, mất 6 năm thì trả xong nợ nhà máy. Khi ruộng mía ở Tân Uyên ổn định, Út Huy ấp ủ mở mang sang vùng khác. Đầu những năm 1990, Út Huy nhận 70ha đất ở Bời Lời (Trảng Bàng, Tây Ninh), khai hoang phục hóa trồng mía. Do bố trí hệ thống tưới không hợp lý nên mía thiếu nước mà chết, lại thua lỗ và mang nợ. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phải 3 năm sau ông mới trả hết nợ.
Sau khi cây mía ở cả 2 vùng Tân Uyên và Bời Lời ổn định, mỗi năm sinh lợi trên 500 triệu đồng (thời điểm đó tương đương hơn 100 cây vàng), ông ôm tiền theo chương trình "tiến quân lấp kín Đồng Tháp Mười" do tỉnh Long An phát động. Vụ đầu tiên, toàn bộ 240ha mía ông trồng cây nào chết cây đó vì phèn quá nặng...
Vừa làm vừa học…
Rút kinh nghiệm từ những bài học xương máu, Út Huy cho xây dựng hệ thống đê bao chống lũ, rửa phèn, thi công bằng cơ giới. Trận lũ lịch sử năm 2000 cuốn sạch mọi thứ, duy 240ha đất trồng mía của Út Huy nằm trong đê bao vẫn "vững như pháo đài".
"Tôi theo dõi thông tin biết thực hiện Hiệp định AFTA (giảm thuế nhập khẩu theo khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - PV), đường ngoại sẽ nhập vào Việt Nam ồ ạt, rồi thêm đường lậu, cây mía sẽ mất dần thế đứng. Biết trước sau gì cũng không trụ được với mía, tôi quyết định "tái thiết" lại cây trồng trên đất phèn, thử đưa dưa hấu và ớt vào Đồng Tháp Mười. Kết quả thành công ngoài mong đợi, ớt đạt năng suất bình quân 25 - 30 tấn/ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn" - Út Huy nhớ lại…
Tuy nhiên, 2 loại cây trồng này đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ, kỹ thuật cao và cần rất nhiều lao động, giá cả cũng chưa ổn định nên năm 2007 ông quyết định chuyển sang chuyên canh cây ăn trái. Toàn bộ diện tích được tập trung trồng bưởi da xanh, xoài, mít và cây thanh long. Hiện vườn cây của Út Huy đã bắt đầu có thu hoạch nhưng vẫn chưa sinh lãi vì còn trong giai đoạn "vừa làm vừa cải tiến"…
Con trai lớn của ông Huy là Võ Quang Thuận, tốt nghiệp kỹ sư nông học về nhà phụ trách kỹ thuật, con trai thứ là Võ Xuân Hòa tốt nghiệp Đại học Aucklan (New Zealand) cũng quay về bưng biền giúp ông phát triển trang trại. Cô dâu cả vừa tốt nghiệp đại học, cô dâu út người Thái Lan, là thạc sĩ du học ở New Zealand, cũng đồng ý về vùng đất phèn sống và làm việc đồng áng cùng nhà chồng.
|
Khi mới đầu tư ở Đồng Tháp Mười, các vùng khác dù có lãi vẫn không đủ "bù lỗ" nên Út Huy đem mấy chiếc xe cuốc xuống xã Liêu Tú (huyện Long Phú, Sóc Trăng) đào ao thuê kiếm tiền về "đắp" cho rốn phèn. Vừa làm công vừa học nghề, sang năm 2001, ông đầu tư nuôi 17 ao tôm, nhưng thất bại ê chề, mất mấy tỷ đồng…
Hiểu ra là không thể nóng vội, Út Huy dẹp mấy ao tôm qua một bên rồi lang thang khắp ĐBSCL để "tầm sư học đạo". Sau hơn 1 năm trang bị thêm kiến thức nuôi tôm theo công nghệ sinh học, Út Huy quay lại Sóc Trăng làm lại với con tôm và gặt hái thành công trên diện tích 100ha tại đây. Ông tìm về Bạc Liêu và gom tiếp 60ha để mở rộng diện tích. Tiếp đó, ông lại về Long An mua thêm 20ha thả nuôi cá đồng. Cho tới nay, tổng diện tích đất nông nghiệp mà Út Huy đang canh tác là 580ha...
Kỳ 2: Yêu đất, đất trả ơn
Hữu Danh