Khi “dân” cơ khí nghiên cứu công nghệ
* Với ngần ấy thời gian “chinh chiến” trong ngành cơ khí, yếu tố nào khiến ông trụ lâu với nghề đến thế?
- Đó chính là tình yêu nghề. Bởi ngành cơ khí bản chất đã khô khan, toàn số liệu, bạn phải say mê nó thì mới nhớ hết. Ngày trước, lớp tôi có khoảng 100 người, nhưng tồn tại và làm nghề giống tôi hiện nay chỉ còn khoảng 5 người. Làm nghề này rất cực nhọc, nếu không yêu nghề sẽ không làm được.
* Vậy tại sao ông chuyển sang nghiên cứu công nghệ, cụ thể là chế tạo thiết bị sản xuất gạch không nung?
- Năm 2001, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010, tôi nhận thấy đây là cơ hội.
Bởi vì, thời điểm đó, Việt Nam chưa có bất kỳ một doanh nghiệp nào chế tạo thiết bị sản xuất gạch không nung. Nếu làm được chiếc máy này, tôi sẽ thắng và sẽ có sản phẩm của riêng mình.
Sau khi xem xét thị trường, tôi nhận thấy nhu cầu về thiết bị này là rất lớn. Vì thế, tôi mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu công nghệ, chế tạo thiết bị sản xuất gạch không nung. Nhưng đến năm 2005, Trung Hậu mới chính thức bắt tay vào sản xuất chiếc máy sản xuất gạch bê tông nhẹ đầu tiên.
* Đã nhận thấy cơ hội từ năm 2001, tại sao mãi đến bốn năm sau ông mới sản xuất chiếc máy đầu tiên?
- Năm 2001, Trung Hậu vẫn còn hai hợp đồng đã ký với khách hàng là thiết kế và chế tạo máy sản xuất tấm 3D, nên phải tập trung làm cho xong mới có thể bắt tay làm việc mới. Chế tạo máy sản xuất tấm 3D khó hơn chế tạo máy sản xuất gạch không nung rất nhiều.
Có thể nói, chúng tôi đang đi ngược, làm cái dễ hơn trước, nhưng như đã nói, máy sản xuất gạch không nung mới là “đứa con ruột” của tôi.
* Dân cơ khí nghiên cứu công nghệ có khó khăn lắm không, thưa ông?
- Theo tôi, thuận lợi nhiều hơn là khó khăn. Bởi, so với dân chuyên nghiên cứu ở lĩnh vực công nghệ thì dân cơ khí sẽ dễ hiện thực hóa những công trình nghiên cứu hơn vì họ đi từ thực tiễn đến lý thuyết.
Như tôi chẳng hạn, chỉ cần có ý tưởng, phòng thiết kế sẽ tiến hành nghiên cứu và thiết kế ngay. Nhiều khi để làm được như vậy, người nghiên cứu công nghệ phải mất 3 tháng, nhưng chúng tôi chỉ 3 ngày.
* Gạch bê tông nhẹ đã có mặt từ rất lâu trên thế giới với hai loại: bê tông khí và bê tông bọt. Nhưng tại sao ông chỉ chế tạo máy sản xuất gạch bê tông bọt?
- Thứ nhất, nó phù hợp với điều kiện nhiệt đới ẩm của Việt Nam. Thứ hai, nguồn nguyên liệu tro, xi măng, cát, đá để sản xuất loại gạch này mình rất dồi dào. Thực ra, ở Đức, công nghệ sản xuất gạch bê tông nhẹ phát triển đã lâu, nhưng công suất không lớn, khoảng 100m3/ngày.
Vì vậy, khi nghiên cứu công nghệ này, chúng tôi đã phát triển công nghệ tạo hình nhanh hơn, để tạo công suất lớn hơn khoảng 300m3/ngày, với chi phí đầu tư thấp, quy mô phù hợp với nhu cầu sản xuất của các cơ sở sản xuất nhỏ và tầm trung.
* Vậy Trung Hậu đã lắp đặt được bao nhiêu nhà máy sản xuất gạch bê tông bọt?
- Có 14 nhà máy ở các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Long An, TP.HCM... Hiện tại, chúng tôi đang tạm ngưng đầu tư vào thiết bị này, bởi nhu cầu thị trường tạm bão hòa.
Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa ra thị trường thiết bị sản xuất gạch ống xi măng cốt liệu thay thế cho gạch đất sét nung hiện nay, với mức phí đầu tư khoảng 3 - 4,5 tỷ đồng/nhà máy, công suất 10 triệu viên/năm.
* Mức phí đầu tư như vậy liệu có còn quá cao?
- Nếu so với những gì nhà đầu tư thu về thì rõ ràng không cao chút nào. Theo chúng tôi tính toán, giá gạch ống xi măng cốt liệu rẻ hơn gạch đỏ đang sử dụng rất nhiều, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại các địa phương, nên thời gian thu hồi vốn nhanh.
Vì thế, gạch ống xi măng cốt liệu chắc chắn sẽ có “đất sống” nhờ những lợi thế kể trên của nó.
* Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là người tiêu dùng, các công trình xây dựng trong nước vẫn chưa có thói quen sử dụng gạch không nung, các công trình có vốn đầu tư nước ngoài lại nhập khẩu vật liệu.
- Hiện giá thành sản xuất gạch nhẹ bê tông bọt vẫn còn cao so với gạch đất sét nung, chỉ có ưu điểm là không gây ô nhiễm môi trường.
Chính vì điều đó mà Trung Hậu mới tiếp tục tung ra thị trường thiết bị công nghệ sản xuất gạch ống xi măng cốt liệu, với nhiều ưu điểm vượt trội, dễ thâm nhập thị trường như: giá thành và giá thi công rẻ, khi dùng loại gạch này không cần dùng vữa xây mà chỉ cần dán.
Theo tính toán của Công ty Địa ốc Đất Lành, sử dụng loại gạch này, chủ xây dựng có thể tiết kiệm được 50.000 đồng/m2 tường. Các đối tác ở Campuchia, Lào, Indonesia... cũng đã sang đây tìm hiểu.
Vừa rồi, Bộ Công Thương Campuchia cũng tổ chức đoàn gồm 19 doanh nghiệp đến Trung Hậu để tìm hiểu công nghệ. Chính điều này khiến tôi tin tưởng sản phẩm sẽ làm nên chuyện trong tương lai gần. Bởi khi đưa ra thị trường mức giá sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Dù chưa có thành phẩm nhưng chúng tôi đã ký được trên 12 hợp đồng rồi. Vụ Vật liệu - Bộ Xây dựng cũng đang chờ xem chiếc máy này của Trung Hậu.
* Nghe nói, thiết bị sản xuất gạch ống xi măng cốt liệu của Trung Hậu cũng có thể xử lý được nguyên liệu bùn đỏ?
- Chúng tôi đang “để ý” đến nguyên liệu bùn đỏ bô xít ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang còn là chuyện tranh cãi của các nhà khoa học.
Nếu xử lý được lượng bùn đỏ là chuyện rất cần làm, vì bùn đỏ rất phù hợp để sản xuất xi măng bền sunfat cho những vùng sát biển.
Cuộc gặp gỡ... định mệnh
* Vừa bận rộn nghiên cứu, vừa lo kinh doanh, ông làm thế nào cho tròn vai?
- Tôi phân việc cho mọi người cùng làm chứ không ôm đồm. Hiện nay, chúng tôi đang được chuyên gia Đỗ Đức Cường hỗ trợ trong việc lập hồ sơ để xuất khẩu thiết bị, và kiêm luôn việc hoạch định kinh doanh lẫn tìm thêm đối tác.
Tôi và các cộng sự còn lại trong công ty chỉ lo nghiên cứu chế tạo máy, vì đây mới là thế mạnh của tôi.
* Để mời được chuyên gia Đỗ Đức Cường, “cha đẻ” của máy ATM trên thế giới, làm cộng sự không phải là chuyện dễ, chắc hẳn ông cũng có bí quyết?
- Tôi biết anh Cường khá lâu, nhưng chưa một lần gặp mặt. Cách đây một tháng, tôi đã gọi điện mời, sau khi nghe tôi trình bày công việc tôi đang làm, anh đồng ý về làm việc với chúng tôi.
Tôi biết nhiều nơi đã mời anh với mức lương rất cao, nhưng anh vẫn về với Trung Hậu, có thể anh thấy “hứng thú” với cái máy làm gạch của chúng tôi chăng.
* Ông có nghĩ đến hình thức chia cổ phần?
- Điều đó là đương nhiên. Trước đây, doanh thu hằng năm của Trung Hậu chỉ đạt khoảng vài chục tỷ đồng. Nhưng trong năm nay, chúng tôi cũng kỳ vọng đạt con số vài trăm tỷ đồng và thời gian tới hứa hẹn sẽ ở mức 3 con số tùy theo nhu cầu thị trường.
* Vậy ông đánh giá thế nào nhu cầu của thị trường?
- Theo đánh giá sơ bộ, với công suất 4 máy/ngày thì 3 năm chúng tôi mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu về máy sản xuất gạch cho thị trường. Trong đó, thị phần máy của Trung Hậu chiếm đến 80% thị trường.
Về lâu dài, các lò gạch đất sét nung cũng phải chuyển đổi sang hình thức theo công nghệ không nung. Bởi giá đất sẽ càng ngày càng cao. Để chuyển đổi toàn bộ công nghệ này phải mất đến 6 năm, chưa kể xuất khẩu, vì để xuất khẩu phải có lượng gạch gấp 20 lần lượng gạch hiện hữu.
* Theo ông, các nhà sản xuất gạch sẽ xoay xở ra sao khi thị trường bất động sản đang khó khăn?
- Theo tôi, vật liệu chất lượng tốt và rẻ tiền luôn có người dùng. Thật ra, số lượng mình sản xuất ra vẫn chưa thấm tháp gì so với nhu cầu của thị trường. Dù có khó khăn như thế nào thì các nhà đầu tư bất động sản cũng phải mua gạch.
* Ông là người lạc quan và quyết đoán?
- Việc gì tôi nghĩ mình làm được là sẽ làm cho bằng được, thành công của chiếc máy sản xuất gạch nhẹ bê tông bọt và máy sản xuất gạch ống xi măng cốt liệu là ví dụ.
Vấn đề là tại sao trước đây người ta không làm, mình làm được mới là cái khác biệt. Có khi khách hàng đặt tôi làm những chiếc máy mà tôi chưa hề biết đến, nhưng khi nghe họ trình bày, tôi nghĩ mình làm được là quyết định ngay.
* Có bao giờ ông bị thất bại do cảm nhận sai?
- Từ trước đến nay, tôi chỉ thua một lần duy nhất đó là máy thổi chai thủy tinh tự động mà hệ thống máy tự động khác không làm được. Tôi thua do chủ quan, một cái duy nhất không thành công cũng đủ khiến tôi gần như trắng tay. Bởi thời điểm đó, chúng tôi chưa đủ mạnh, trong khi phải mất đến vài năm, khi có thành phẩm mới thu hồi được vốn.
* Ông có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang trên đường khởi nghiệp?
- Đã chọn con đường nghiên cứu và sáng tạo thì đừng làm lại những gì người khác đã làm. Đừng sợ mình làm không được, bởi không làm thì đâu thể có thành công.
* Xin cảm ơn ông!
BÍCH LOAN