Thiệt hại không thể đo đếm
Theo đơn khởi kiện của Công ty cổ phần quảng cáo thương mại Việt Mỹ (gọi tắt là Việt Mỹ, quận 4, TP.HCM) gửi Tòa kinh tế TAND TP.HCM, vào tháng 10-2005 Việt Mỹ đã ký hợp đồng thuê dịch vụ hosting của FPT Telecom. Đây là dịch vụ lưu trữ website và sử dụng email theo tên miền, nôm na là lưu trữ thông tin của khách hàng trên mạng Internet. Đến ngày 6-2-2007, toàn bộ hệ thống email của Việt Mỹ bị kẹt mạng, ngày hôm sau khi truy cập vào email thì toàn bộ thông tin dữ liệu trên 10 email của Việt Mỹ bị mất sạch. Những dữ liệu bị mất bao gồm các thông tin email đã lưu của công ty, ban giám đốc, nhân viên, các tổng đại lý, thông tin khách hàng... cùng nhiều dữ liệu quí giá khác.
Ông Phan Quý Ngà, tổng giám đốc Công ty Việt Mỹ, cho biết hậu quả của việc mất dữ liệu trên khiến thiệt hại trong kinh doanh và uy tín của công ty khá lớn, không thể đo đếm được bằng vật chất. Mức đề nghị bồi thường 1 triệu USD là do ông đặt ra dựa vào những thiệt hại mà công ty ông phải gánh chịu.
Sáu tháng thay ổ cứng một lần?
Theo Công ty Việt Mỹ, phía FPT Telecom đã thiếu thiện chí trong việc giải quyết khiếu nại mặc dù Việt Mỹ nhiều lần liên lạc với FPT Telecom bằng điện thoại và văn bản. Gần một tháng sau, FPT Telecom gửi email đề nghị bồi thường một năm sử dụng dịch vụ miễn phí, tương đương
6 triệu đồng. Công ty Việt Mỹ không chấp nhận và yêu cầu khôi phục những thông tin dữ liệu đã bị mất, nếu không khôi phục được phải bồi thường 1 triệu USD. Còn ông Mai Xuân Khôi cho rằng FPT Telecom có thiện chí vì đã nhiều lần gửi công văn hoặc trực tiếp làm việc với ông Ngà để thương lượng bồi thường với mức lần sau cao hơn lần trước. Lần đề xuất sau cùng là đặt các logo quảng cáo cho Việt Mỹ trên các website trong một tháng với tổng giá trị tương đương 40 triệu đồng.
|
Ông Ngà nói đã phát hiện sự cố làm mất dữ liệu lưu trữ trên email xảy ra hàng loạt vừa rồi là do FPT Telecom đã sử dụng ổ cứng máy chủ hơn một năm, trong khi các nhà sản xuất máy tính khuyến cáo ổ cứng này chỉ nên sử dụng khoảng sáu tháng thì mới an toàn.
Tuy nhiên ông Mai Xuân Khôi, phó giám đốc Trung tâm truyền thông FPT, nói: “Không phải bất kỳ ổ cứng máy chủ nào cũng buộc phải thay mới sau sáu tháng sử dụng, việc thay mới hay không và vào thời gian nào còn tùy thuộc vào mật độ khai thác, sử dụng của từng ổ cứng máy chủ khác nhau”.
Ông Mai Xuân Khôi cho biết ngày 6-2-2007 do sự cố kỹ thuật, ổ cứng của máy chủ chứa hòm thư (khác ổ cứng của website) bị lỗi vật lý khiến các thư cũ trong 10 hòm thư điện tử của Việt Mỹ từng để trên máy chủ bị mất và làm gián đoạn quá trình gửi, nhận thư trong một ngày. Ngoài Việt Mỹ, sự cố này còn ảnh hưởng đến chín khách hàng khác có hòm thư tại ổ cứng này nhưng chỉ mỗi Việt Mỹ yêu cầu phục hồi dữ liệu bị mất.
Theo ông Khôi, FPT đã gửi ổ cứng bị hỏng đến nhiều trung tâm điện tử tin học lớn của Việt Nam để nhờ sửa chữa, khôi phục dữ liệu nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả do sự cố quá nặng.
Ông Khôi cho rằng đòi hỏi của Công ty Việt Mỹ là không hợp lý, vì nội dung các hòm thư điện tử nói chung hay nội dung trong từng thư điện tử là các thông tin cá nhân, người sử dụng phải tự quản lý. Nếu cho rằng dữ liệu quan trọng, tại sao Việt Mỹ không lưu trữ mà vẫn để trên email. Tuy nhiên, ông Ngà lại cho rằng FPT Telecom đã bội tín với Công ty Việt Mỹ vì trong điều 5 của bản hợp đồng ghi rõ trách nhiệm của FPT Telecom là “chịu trách nhiệm việc bảo đảm tính bảo mật về hệ thống, an toàn về cơ sở dữ liệu và tính hoạt động thông suốt”.
Việc bị kiện ra tòa, ông Khôi chỉ biết qua báo chí chứ chưa có thông tin chính thức.
Luật sư Phan Trung Hoài: Có căn cứ đòi bồi thường
Nếu điều 5 của hợp đồng ký giữa hai bên qui định nghĩa vụ của FPT Telecom phải “chịu trách nhiệm về việc bảo đảm tính bảo mật về hệ thống, an toàn về cơ sở dữ liệu và tính hoạt động thông suốt”, khi xảy ra sự cố kẹt mạng, làm mất thông tin dữ liệu điện tử mà lỗi xuất phát từ ổ cứng máy chủ bị hư hỏng, Công ty Việt Mỹ có căn cứ yêu cầu FPT Telecom đòi bồi thường thiệt hại theo qui định tại điểm 6, điều 522 Bộ luật dân sự do “làm mất mát, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin”. Tuy nhiên, nguyên đơn phải chứng minh các thiệt hại của mình.
Điều đáng quan tâm ở đây (nếu có), ý kiến của FPT Telecom cho rằng nguyên nhân sự cố là do lỗi ổ cứng của máy chủ bị hư vật lý và coi đây là trường hợp bất khả kháng, lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam, thì về mặt pháp lý tòa án sẽ phải đánh giá sự cố kẹt mạng do lỗi của ổ cứng máy chủ có phải thuộc trường hợp bất khả kháng hay không và các bên đã dự liệu trong hợp đồng những trường hợp được coi là bất khả kháng? Nếu được qui định trong hợp đồng hoặc pháp luật có qui định đó là trường hợp bất khả kháng, FPT Telecom có thể vận dụng điểm 2, điều 302 Bộ luật dân sự để viện dẫn lý do không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Luật sư Đặng Trường Thanh: Bồi thường 1 triệu đôla là khó
Thiệt hại cho Việt Mỹ là có nhưng Công ty Việt Mỹ đòi bồi thường 1 triệu USD là điều khó có thể được chấp thuận. Bởi lẽ để được số tiền này, Công ty Việt Mỹ phải chứng minh được là mình có thiệt hại. Theo tôi, vấn đề chứng minh Việt Mỹ có thiệt hại 1 triệu USD là hết sức khó khăn, vì theo luật, sự thiệt hại phải là thực tế chứ không thể xét thiệt hại chung chung hay trong thực tế chưa xảy ra.
Mặt khác, đây là sự cố hi hữu ngoài ý chí mong muốn của FPT Telecom. Nhưng nói như thế không có nghĩa là FPT Telecom hoàn toàn không có lỗi. Mặc dù họ không chịu trách nhiệm nội dung dữ liệu, nhưng theo hợp đồng họ phải đảm bảo tính bảo mật và chịu trách nhiệm an toàn về cơ sở dữ liệu. Đồng thời, chính Việt Mỹ sợ mất nên mới “gửi” cho FPT Telecom giữ, khi bị mất đi thì cho rằng mình không có lỗi là không đúng. Vì thế cần xác định mức độ lỗi của đôi bên mà có giá trị bồi thường cụ thể hơn.
|
MINH LUẬN - LÊ ANH ĐỦ