Sau thời gian dài chờ đợi, ngày 17/4, anh Quang Hưng đến một đại lý của Yamaha Việt Nam tại Biên Hòa, Đồng Nai với dự định mua chiếc Exciter 2011. Thế nhưng, anh được thông báo một mức giá hoàn toàn khác so với thông tin mà liên doanh Nhật đưa ra.
Phiên bản côn tự động Exciter R giá đề xuất của hãng là 34,6 triệu đồng và giá thực tế là 45 triệu đồng. Bản côn tay Exciter GP tăng từ 36,9 triệu đồng lên 47 triệu đồng.
Tại TP HCM, tình trạng khan hiếm Exciter 2011 cũng phổ biến tại các đại lý. Theo anh Quốc Công, ngụ tại quận Gò Vấp, tới một đại lý Yamaha trên đường Trần Quang Khải để mua xe và hoàn toàn bất ngờ khi mẫu xe Exciter GP - phiên bản 5 số côn tay được bán với giá 48 triệu đồng không bao giấy (ra bảng số).
Yamaha Town trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, trưng bày mẫu Exciter GP với giá niêm yết 36,9 triệu đồng. Khi khách hàng muốn mua nhân viên ở đây thông báo hiện chưa có hàng và khách có nhu cầu có thể mua tại các đại lý của Yamaha theo giá thỏa thuận.
Các đại lý của Yamaha thì trưng bày Exciter nhỏ giọt, chỉ với một đến hai chiếc. Tại Yamaha trên đường Hoàng Văn Thụ, trưng bày một chiếc Exciter R phiên bản 2011 được bán với giá 50 triệu đồng.
"Nếu anh không mua ở đây với giá 50 triệu đồng, anh ra ngoài chắc chắn không có xe để mua", nhân viên bán hàng khẳng định. Mức giá 50 triệu đồng đã bao giấy tờ, biển số. "Hóa đơn em xuất cho anh theo giá của hãng, hơn 34 triệu đồng, đóng thuế, ra biển số, còn anh trả 50 triệu đồng".
Theo các đại lý, khoảng 3 ngày nữa, nhà máy mới tiếp tục có hàng, nhưng số lượng và màu sắc thì không biết. Với tình trạng này, những khách hàng nóng lòng mua xe sẽ tiếp tục trả một khoản tiền chênh lệch so với giá niêm yết của Yamaha Việt nam.
Nếu Exciter là mới "nóng" thì Honda Air Blade đã kéo dài suốt nhiều năm. Sau khi trình làng phiên bản 2011, Air Blade tăng từ 35,99 triệu lên 43-46 triệu đồng, tùy từng đại lý.
Phản ứng của khách hàng Yamaha khá quyết liệt, khi họ cho rằng vì lý do kinh doanh, lấy thị phần, liên doanh này sẽ không để tình trạng tăng giá giống đối thủ Honda. Một số thành viên của các diễn đàn xe máy đã kêu gọi tẩy chay tất cả các mẫu xe bán cao hơn giá niêm yết để thị trường trở về tình trạng bình thường.
Một đại diện truyền thông của Yamaha Việt Nam cho biết việc định giá sản phẩm phụ thuộc vào từng đại lý, do chính sách tiền lương, thưởng, chi phí thuê mặt bằng khác nhau nên có thể có chênh lệch so với giá của nhà sản xuất. "Nói chung, giá phụ thuộc vào cung cầu. Nếu nhu cầu của khách hàng giảm thì giá sẽ giảm theo".
Honda Việt Nam, trong các lần trả lời giới truyền thông cũng khẳng định quan hệ giữa đại lý và nhà sản xuất là độc lập, mua đứt bán đoạn. Do đó, giá bán cho khách hàng hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình thị trường.
Ông Ngô Trọng Thanh, Giám đốc công ty tư vấn phát triển thị trường Mancom, trong một bài viết gửi VnExpress.net từng bình luận: "Vì mô hình bán hàng qua trung gian phân phối, Honda Việt Nam khẳng định không thể bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Honda có lý, đúng lý, và đó là quyết định kinh doanh của họ.
Nhưng, việc yêu cầu bán đúng giá hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của nhà sản xuất, cũng như tương quan quyền lực giữa họ và nhà phân phối. Những hãng có uy tín thường nêu điều kiện này trong hợp đồng, và cũng là điều kiện bắt buộc các nhà phân phối tuân thủ, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng".
Đức Quang - Trọng Nghiệp