Forbes vừa công bố danh sách những doanh nhân quyền lực nhất lục địa đen năm 2012. Họ là những CEO của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu và có ảnh hưởng lớn đến kinh tế châu Phi. Thông qua các giải pháp và hành động của mình, họ là những người định hình tương lai kinh tế và chính trị cho cả châu lục.
1. Marius Kloppers
Vị trí: CEO BHP Billiton
Quốc tịch: Nam Phi
Kloppers năm nay 50 tuổi là chủ tịch của BHP Billiton - công ty khai mỏ lớn nhất thế giới. Ông tốt nghiệp khoa Hóa Đại học Pretoria, lấy bằng MBA tại INSEAD và học tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Massachusette. Kloppers đã từng làm việc tại Sasol (SSL), Mintek và McKinsey trước khi gia nhập người khổng lồ BHP Billiton năm 1993. Năm 2007, ông trở thành CEO của công ty này và chỉ vài tuần sau, Kloppers đã khởi động chiến dịch thâu tóm đối thủ lớn nhất là Rio Tinto. Tuy thất bại, nhưng CEO này cũng làm cho việc kinh doanh của BHP khởi sắc lên rất nhiều với 22,5 tỷ lợi nhuận năm 2011.
2. Aliko Dangote
Vị trí: Chủ tịch Dangote Group
Quốc tịch: Nigeria
Tỷ phú giàu nhất châu Phi này là một trong những doanh nhân có ảnh hưởng lớn nhất đến nền kinh tế của lục địa đen. Ông chính là sáng lập viên của Dangote Group - Tập đoàn công nghiệp lớn nhất Tây Phi chuyên kinh doanh đường, bột mì và xi măng. Công ty Dangote Cement của ông chiếm hơn một phần tư giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Nigeria. Dangote cũng dự định niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán London trong thời gian tới.
3. Brian Joffe
Vị trí: CEO Tập đoàn Bidvest
Quốc tịch: Nam Phi
Bidvest Group được ví như General Electric của châu Phi. Brian Joffe năm nay 65 tuổi và là sáng lập viên của Bidvest. Tập đoàn này được thành lập năm 1988 với số vốn 1 triệu USD và hiện là một trong những tập đoàn lớn nhất châu Phi. Giá trị vốn hóa của công ty này trên sàn chứng khoán Johannesburg là 7,2 tỷ USD. Bidvest hiện hoạt động trong lĩnh vực phân phối và thương mại tại 4 châu lục với hơn 100.000 nhân viên. Các tài sản chính của công ty là Bidvest Freight - công ty vận chuyển hàng hóa lớn nhất vùng cận Sahara và Bidvest Automotive - nhà phân phối ôtô xe máy lớn nhất châu Phi.
4. Jacko Maree
Vị trí: CEO Tập đoàn Standard Bank
Quốc tịch: Nam Phi
Jacko Maree năm nay 53 tuổi và từng được nhận giải thưởng cho sinh viên sau đại học xuất sắc tại Đại học Oxford, Mỹ. Ông hiện là CEO của Standard Bank Group - Tập đoàn tài chính lớn nhất châu Phi. Với mức vốn hóa 23 tỷ USD, tập đoàn này đang hoạt động tại 33 quốc gia, nổi bật nhất là Nam Phi, Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Argentina. Maree cũng là Chủ tịch của Hiệp hội Ngân hàng Nam Phi và là cựu Giám đốc của Diễn đàn Tiền tệ Quốc tế. Ông cũng 3 lần được vinh danh là CEO đáng tin cậy nhất châu Phi.
5. Cyril Ramaphosa
Vị trí: Chủ tịch Shanduka Group
Quốc tịch: Nam Phi
Ramaphosa năm nay 59 tuổi và là một biểu tượng quyền lực trong cả giới kinh doanh lẫn chính trị châu Phi. Ông tham gia chính trường vào thập niên 80 của thế kỷ trước với vai trò lãnh đạo của công đoàn nước này. Khi đó, ông đã thành lập Hiệp hội Công nhân mỏ quốc gia để cải thiện nhân quyền cho công nhân da đen châu Phi. Ông là thành viên của Quốc hội Nam Phi năm 1994 nhưng đã rút lui 3 năm sau đó để thành lập Shanduka Group. Tập đoàn này hiện nắm cổ phần lớn trong đại gia khai khoáng Nam Phi - Assore, Standard Bank, CocaCola Shanduka (liên doanh với Coca Cola) cùng nhiều công ty bảo hiểm, viễn thông và bất động sản khác. Ông cũng được đề cử làm lãnh đạo đảng Đại hội Dân tộc châu Phi (ANC) trong thời gian tới.
6. Raymond Ackerman
Vị trí: Nhà sáng lập Pick n Pay
Quốc tịch: Nam Phi
Năm 1966, Raymond Ackerman bị nhà phân phối thực phẩm Nam Phi - Checkers sa thải khỏi chức vụ CEO. Sau đó, ông đã dùng số tiền bồi thường của Checkers để mua lại bốn chuỗi đại lý bán lẻ tại Cape Town (Nam Phi) và cho hoạt động với thương hiệu Pick n Pay. Dưới tài quản lý của Ackerman, số lượng chuỗi cửa hàng này đã tăng nhanh chóng lên 794 ở Nam Phi, Mauritius và Australia. Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại của Pick n Pay là 1,2 tỷ USD. Ackerman từ chức chủ tịch năm 2010 và người kế nhiệm là con trai ông - Gareth Ackerman. Ông cũng là một nhà từ thiện nổi tiếng khi đã hỗ trợ học phí cho 60 sinh viên thông qua quỹ Ackerman Family Educational Trust của gia đình mình.
7. Patrice Motsepe
Vị trí: Chủ tịch African Rainbow Minerals
Quốc tịch: Nam Phi
Motsepe năm nay 50 tuổi và tốt nghiệp chuyên ngành luật tại Đại học Witwatersrand. Ông là cộng sự da đen đầu tiên tại công ty luật Bowman Gilfillan ở Johannesburg (Nam Phi). Năm 1994, ông thành lập một công ty khai khoáng nhỏ và mua lại một vài mỏ vàng công suất thấp. Bằng phương pháp quản lý hiện đại, Motsepe đã giúp các mỏ vàng này ăn nên làm ra một cách nhanh chóng. Giá trị vốn hóa của African Rainbow Minerals hiện là 5 tỷ USD. Các sản phẩm của công ty này bao gồm bạch kim, nickel, chrome, sắt, than, mangan, đồng và vàng.
8. Christo Wiese
Vị trí: Chủ tịch Shoprite
Quốc tịch: Nam Phi
Christo Wiese là chủ tịch và là cổ đông cá nhân lớn nhất tại hãng bán lẻ số 1 châu Phi - Shoprite. Ông cũng nắm quyền kiểm soát tại hãng thời trang lớn nhất Nam Phi - Pepkor và là cổ đông lớn tại Công ty khai mỏ Pallinghurst.
9. Tony Elumelu
Vị trí: Chủ tịch Heirs Holdings và Quỹ Tony Elumelu Foundation
Quốc tịch: Nigeria
Năm 1997, Tony Elumelu dẫn đầu một nhóm các nhà đầu tư nhỏ mua lại một ngân hàng thương mại tầm trung đang bị khủng hoảng ở Lagos (Nigeria). Ông đã cải tổ thành công ngân hàng đó thành UBA Group với giá trị vốn hóa hiện lên tới 2 tỷ USD. UBA Group đang hoạt động tại hơn 20 quốc gia châu Phi với 12 tỷ USD tài sản và hơn 10.000 nhân viên. Năm 2010, Elumelu từ chức CEO và thành lập Công ty đầu tư Heirs Holdings. Ông cũng là sáng lập viên của quỹ Tony Elumelu Foundation, chuyên giúp các sinh viên hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh táo bạo.
10. Maria Ramos
Vị trí: CEO Tập đoàn Absa
Quốc tịch: Nam Phi
Maria Ramos năm nay 53 tuổi và là một trong số những CEO được yêu mến nhất châu Phi. Năm 2009, bà được chỉ định làm CEO của Absa Group - Tập đoàn tài chính lớn thứ nhì Nam Phi. Trước đó, bà đã từng làm Giám đốc của Kho bạc nhà nước Nam Phi và CEO của Transnet Limited - một công ty chuyên kinh doanh cảng, đường sắt và đường ống của Chính phủ.
Hà Thu (theo Forbes)