Từ “Doanh nghiệp chợ” đến Tập đoàn
Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn sinh năm Mậu Thân (1968). Lê Viết Lam, phó chủ tịch tập đoàn kém Vượng một tuổi. Nguyễn Thị Hương phó chủ tịch tập đoàn (Vợ của Phạm Nhật Vượng ) và Nguyễn Thị Hằng ( Em ruột vợ Phạm Nhật Vượng ) phó chủ tịch tập đoàn đều mới ngoài 30 …
Nhìn những gương mặt tươi sáng, hồn nhiên kia, tôi khó mà hình dung nổi họ đã từng tốt nghiệp đại học ở Nga, đã từng lăn lộn nhiều năm ở chợ “Vòm”, chợ “ Đuổi” … tại Mátxcơva. Đã và đang có hàng ngàn, hàng ngàn nười Việt kiếm sống như thế ở Nga và nhiều nước Đông Âu.
Nhưng, chỉ có những người biết nhìn xa, có chí lớn mới biết chuyển đổi cách làm, chuyển đổi nơi làm … Đến những nơi có tiềm năng hơn, ổn định hơn.
Có người nói với tôi rằng:
Người Việt ở nước ngoài rất giỏi với những cách làm kiểu buôn bán nhỏ, kiểu “ cò con”, vì họ từ nông dân mà ra, cách nghĩ, cách nhìn thường hạn hẹp nhưng học rất nhanh manh lới trên thương trường.
“Hầu hết, khi kiếm được mấy trăm ngàn đô cho đến một triệu đô là cảm thấy thỏa mãn, là tìm cách gửi vào nơi này, nơi khác, hoặc chuyển về nhà bằng vàng, hoặc hàng hóa đắt tiền, hoặc ăn chơi …”. Có đúng vậy không? Đó là cả một đề tài lớn đáng cho ta tìm hiểu!
Nhưng, cũng có những người Việt ở nước ngoài như Phạm Nhật Vượng không nghĩ như vậy. Không cúi đầu kiếm ăn ở một nơi, mà đã biết ngửng đầu lên, nhìn ra xa, thậm chí rất xa! Phải chăng chỉ có những doanh nhân lớn mới biết nhìn xa, nhìn ra thật xa để làm ăn lớn!
Trở lại với những người Việt ở Ukraina, họ đều là những người có học, vốn là những trí thức trẻ giàu lòng tự trọng, họ thấy kiểu làm ăn luôn bị xua đuổi, vây ráp ở các chợ “Vòm”, chợ “Đuổi” không có tương lai, họ quyết định tìm nơi làm ăn ổn định, lâu dài, được tôn trọng.
Vào thời điểm Liên Xô tan rã, nhiều nước trong liên bang tuyên bố độc lập. Họ tìm đến Ukrai na (Ukraina thuyên bố độc lập ngày 28/4/1991).
Cùng với những người Việt ở đây, họ quyết định mua một nửa nhà máy sản xuất xe tăng của khối quân sự Vácxôvi đóng tại thành phố Kharkov, lúc đó Nhà máy đã ngưng hoạt động do sự tan rã của Liên Xô. Họ sửa chữa nhà xưởng, biến nhà xưởng sản xuất xe tăng thành nhà máy sản xuất thực phẩm ăn nhanh. Họ còn thuê một số cán bộ ở đó tham gia bộ máy điều hành.
Tập đoàn TECHNOCOM ra đời từ đó (Thành lập chính thức ngày 8/8/1993 Có trụ sở chính tại Ukraina, thành phố Kharkov, phố Zabaikalsky số nhà 15).
PGS. TS Vũ Dương Huân, lúc đó là đại sứ Việt Nam tại Ukraina đã chuyển cho tôi ba tập tài liệu do ông soạn thảo. Ba tập tài liệu rất nhiều thông tin. “ Ukraina – quê hương thứ hai của cộng đồng người Việt Nam …” – mở đầu bản tài liệu viết.
Người Việt nam tai Ukraina theo tài liệu của đại sứ Vũ Dương Huân lúc đó có khoảng 8000 người. Trong đó có 5000 người sống và làm việc tại thành phố Kharkov. Tổng thống Ukraina đã ban hành luật cư trú mới theo tiêu chuẩn của châu Âu. Theo luật trên, chỉ có ba loại giấy tờ để sống hợp pháp tại Ukraina: Thẻ định cư ; giấy phép lao động và thẻ sinh viên.
Đạo luật trên đã giành cho người Việt Nam một sự ưu ái đặc biệt trong việc xin thẻ định cư.
Theo đó, cho phép người Việt Nam sang học nghề , lao động theo hiệp định ký kết giữa chính phủ CHXHCNVN với liên bang Xô Viết ( Cũ ) ngày 2/4/1981 có mặt tại Ukraina trước ngày 6/3/ 1998 được xin thẻ định cư tại Ukraina.
Đó là những thuận lợi cho cộng đồng người Việt ở đây. Phải nói rằng người Việt ở Ukraina đã không phụ lòng chính quyền địa phương. Họ làm ăn trong một cộng đồng biết đoàn kết, trật tự, tôn trọng pháp luật. Và họ cũng giúp cho người dân Ukraina ở đây có thêm công ăn việc làm, có thu nhập chính đáng.
“Làng thời đại” –với tượng thần Phù Đổng được dựng lên gữa trung tâm thật linh thiêng. Thực ra là một khu chung cư cao cấp của cộng đồng người Việt rộng hành chục héc ta ở thành phố Kharkov, nơi ở chủ yếu của cán bộ, công nhân viên người Việt của tập đoàn TECHNOCOM. Và không chỉ có thế, tập đoàn còn ưu tiên bán cho những nhiều gia đình người Việt ở đây với giá phải chăng. Tôi đã ở trong một căn phòng sang trọng, như khách sạn 5 sao tại đây, đã được xem những công trình phục vụ cộng đồng chất lượng cao như sân bóng, bể bơi, khu vui chơi, giải trí …
Cuộc thi “ Hoa hậu thế giới người Việt” năm 2007 khối các nước Đông Âu đã được tổ chức tại “ Làng thời đại”, phần thi áo tắm tổ chức tại bể bơi trong nhà …
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng từng có những ngày tháng lăn lộn ở chợ Vòm, chợ "đuổi"
Chất lượng cuộc sống, cho cán bộ, nhân viên trong tập đoàn, cho chính cộng đồng người Việt ở đây, đó là điều mà chủ tịch tập đoàn Phạm Nhật Vượng rất quan tâm. Có an cư mới lạc nghiệp, như ông cha xưa đã từng nói. Chất lượng cuộc sống và chất lượng sản phẩm của tập đoàn là sự tương tác tất yếu!
Tập đoàn TECHNOCOM với nhiều sản phẩm đạt giải thưởng quốc tế như:“Chất lượng vàng” ; “Chất lượng châu Âu” ; “ Sản phẩm số1 Ukraina";“ Chất lượng tuyệt hảo” ; “ Sự lựa chọn trong năm … Hội người Việt ở đây còn cho xuất bản một tờ báo bằng tiếng Việt và một tờ báo bằng tiếng Nga để phục vụ cộng đồng mọi người.
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng còn cho xây một ngôi chùa và mời các nhà sư từ Việt Nam sang làm lễ hô thần nhập tượng. Đây cũng là một trong những nơi sinh hoạt tinh thần, hướng tới văn hóa tâm linh của người Việt ở Ukraina.
Tôi đã gặp lãnh đạo hội người Việt ở thành phố Kharkov: Chủ tịch hội lúc đó là Lê Văn Thành, các phó chủ tịch: Nguyễn Hoàng Nam, Lê Minh Hải ; Nguyễn Trọng Cơ, Trần Minh Sơn …Tất cả họ đều nói về tập đoàn TECHNOCOM rất tốt.
Và linh hồn của người việt ở đây theo tôi không ai khác ngoài ông chủ của tập đoàn TECHNOCOM, doanh nhân Phạm Nhật Vương.
Lúc bấy giờ Pham Nhật Vượng là chủ tịch hội người Việt toàn Ukraina. (Bây giờ ông cũng là chủ tịch hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài )
Để trở thành một doanh nhân lớn, phải chăng phải luôn nghĩ tới cộng đồng, nghĩ tới những người cộng sự của mình và phải biết tạo điều kiện cho cộng đồng, cho những người đồng sự của mình cùng làm ăn, cùng phát triển!
Như doanh nhân Phạm Nhật Vượng và những người lãnh đạo của tập đoàn TECHNOCOM đã làm!
Họ đã đi từ “ Doanh nghiệp chợ” đến tập đoàn, một tập đoàn có uy tín như TECHNOCOM bằng chính những bước đi như vậy.
(Còn tiếp)
Dương Kỳ Anh