Ông chủ ăn mì gói trừ bữa
Sóng gió
Thời điểm bắt đầu kinh doanh Dũng phải “vượt cạn” một mình, lợi nhuận chưa có khiến cuộc sống của anh chật vật phải vay mượn khắp nơi trang trải tiền thuê cửa hàng, nhân viên. Sóng gió trôi qua chưa lâu thì năm 2008 công ty lao đao vì khủng hoảng kinh tế, Dũng tiếp tục đối mặt với áp lực lớn ghê gớm khi các cổ đông đòi hoàn vốn. Có thời điểm công ty suýt rơi vào phá sản, Dũng đã định bán cả nhà để hoàn tiền cho đối tác. Tự nhận là “kẻ liều lĩnh” nhưng Dũng cho rằng mình chưa bao giờ làm ẩu, cẩu thả. Nhờ bản lĩnh và cẩn trọng Dũng đã nhiều phen vượt qua sóng gió để có được thành quả như hôm nay.
|
Là sinh viên khoa du lịch (Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội) nhưng suốt bốn năm sinh viên Dũng chỉ đam mê kinh doanh. Sau thời gian làm thuê cho các cửa hàng sửa chữa điện thoại di động và học lỏm được một số ngón nghề, Dũng chuyển qua săn tìm những điện thoại cũ, hỏng rồi về nhà tự mày mò sửa lại, “mông má” cho bắt mắt bán lại kiếm lời. Thời gian sau Dũng kiêm thêm nghề buôn bán xe đạp, xe máy cũ. Bạn bè trong ký túc xá từng kinh ngạc khi hầu hết dân “ét vê” lúc bấy giờ chung cảnh “viêm màng túi” thì Dũng đã tự tậu cho mình chiếc xe máy mới cáu giá 20 triệu đồng từ tiền làm thêm.
Năm 2003, cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành du lịch Dũng quay về quê Quảng Ninh làm lễ tân cho một khách sạn. Thế nhưng chỉ yên ổn được vẻn vẹn sáu tháng, Dũng lại... ngứa nghề, quyết định trở lại Hà Nội tiếp tục kinh doanh. Bạn bè, người thân của Dũng từng phản đối kịch liệt quyết định này và gọi anh là “kẻ liều lĩnh” khi đang có trong tay việc làm ổn định, ở cạnh gia đình bỗng chốc rũ bỏ tất cả để chạy theo mơ ước viển vông.
Bơ vơ giữa thủ đô với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, việc đầu tiên Dũng làm là bán chiếc xe máy để làm vốn. Cửa hàng điện thoại đầu tiên ra đời sơ sài, bé cỏn con, còn “ông chủ” vẫn hằng ngày cuốc bộ, ăn mì gói trừ bữa.
Một năm sau Dũng vay vốn và mời gọi thêm bạn bè chung sức mở rộng quy mô kinh doanh. Cuối năm 2004 anh đã gây dựng cho mình một chuỗi cửa hàng kinh doanh, sửa chữa điện thoại di động trên phố Bạch Mai, Khâm Thiên, Minh Khai...
Những bước đi... liều lĩnh
Năm 2006, cảm nhận được thị trường lúc bấy giờ đang thiếu nhiều thợ sửa điện thoại lành nghề, Dũng hợp tác cùng hai người bạn thân thành lập Công ty cổ phần Việt Fone do Dũng làm giám đốc, chuyên đào tạo nghề sửa chữa điện thoại. Lần lượt đến năm 2008 Dũng mở rộng công ty thêm mảng sửa chữa máy tính, hai năm tiếp theo thêm lĩnh vực đào tạo thợ sửa chữa ôtô. Từ vẻn vẹn ba thành viên, hiện nay Việt Fone có gần 100 người, từ hội đồng quản trị, ban giám đốc điều hành, đội ngũ giảng viên, thợ lành nghề, chuỗi trung tâm đào tạo nghề, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ sửa chữa. Mỗi năm Việt Fone đào tạo nghề vững vàng cho hơn 300 học viên, trong đó hầu hết là học sinh tốt nghiệp THPT ở nông thôn, bộ đội xuất ngũ chưa có việc làm.
Không dừng bước, tháng 4-2010 Dũng tiếp tục vận động thành lập Viện Công nghệ Hà Nội (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), đảm đương vị trí chủ tịch hội đồng quản lý kiêm phó viện trưởng. Viện có chức năng nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn, trong đó tập trung vào ngành ôtô. Tới nay đã có hàng chục gara ôtô ký kết với viện nhận học viên thực hành và tuyển dụng lao động sau khóa học. Viện còn phối hợp với nhiều cơ sở đào tạo khác trong lĩnh vực đào tạo nghề sửa chữa ôtô, sản xuất ứng dụng thiết bị định vị toàn cầu. Năm 2011 Dũng đặt ra mục tiêu đào tạo nghề sửa chữa ôtô cho 500 thanh niên, xây dựng một gara ôtô hiện đại.
Hiện Dũng đã hoàn thiện kế hoạch chuẩn bị tiến tới đưa công ty trở thành một mô hình nhóm tương tự tập đoàn với nhiều trung tâm trực thuộc, mỗi trung tâm đảm đương một chức năng độc lập nhưng liên kết, tương tác, hỗ trợ nhau. Đó là mô hình nhóm gồm Công ty Việt Fone (dạy nghề), Viện Công nghệ Hà Nội (nghiên cứu), Gara ôtô (dịch vụ, sửa chữa) và mảng đầu tư, xây dựng...
LÂM HOÀI