BachHoa24.com
Tìm nâng cao      
  Ðăng nhập | Tạo tài khoản  
Trợ giúp
Sưu tầm » Doanh nhân » Doanh nhân Việt » Chi tiết tin

Khởi nghiệp vì không thích có... sếp

  Ngày: 21/02/2011
Nguyễn Thế Lữ (Louis Nguyen), Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Saigon (Saigon Assets Management - SAM), là một gương mặt khá quen thuộc trong giới đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh những năm gần đây.


Khởi nghiệp vì không thích có... sếp
Tranh: HOÀNG TƯỜNG

Thành lập từ năm 2007, hiện SAM đang quản lý quỹ đầu tư Vietnam Equity Holding (chuyên đầu tư vào chứng khoán) và Vietnam Property Holding (chuyên đầu tư vào bất động sản) có tổng số vốn khoảng 125 triệu USD. Cả hai quỹ này hiện niêm yết tại Thị trường Chứng khoán Franfurt, Đức.  

Mười một tuổi, Nguyễn Thế Lữ theo gia đình qua Mỹ. Gia đình khó khăn về tài chính khiến anh vào đời khá sớm. Năm 14 tuổi, anh bắt đầu đi làm, kiếm tiền chia sẻ bớt gánh nặng với gia đình.

Anh làm nhiều việc, từ bán hàng trong siêu thị, phục vụ trong nhà hàng, rồi bán đĩa nhạc. Cũng nhờ bán đĩa nhạc mà anh mê nhạc, có thời gian chuyển sang làm DJ, chỉnh nhạc ở một số quán bar trước khi chuyển sang làm huấn luyện viên tennis cho trẻ em.

Việc anh lựa chọn ngành kế toán - tài chính sau khi hết bậc trung học cũng xuất phát từ mong muốn dễ kiếm được một việc làm ổn định để phụ giúp gia đình.

Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi diễn ra vào một ngày đầu xuân, lúc anh vừa trở lại Việt Nam sau khi về Mỹ ăn tết cùng gia đình. Cuộc trò chuyện bắt đầu cũng từ không khí đón tết ở gia đình anh:

Trong thời gian hai tuần ở Mỹ, tôi có đi thăm các cô, các dì bên ngoại. Mọi người đều cô đơn. Ngày Tết cổ truyền mà như ngày thường. Gia đình không quây quần, sum họp bởi con cái vẫn phải đi làm, các cháu vẫn phải đến trường.

Nói chung, văn hóa đại gia đình theo truyền thống Việt Nam ở Mỹ khá lỏng lẻo. Phần lớn những người lớn tuổi có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống thường gặp nhiều khó khăn trong việc hòa hợp với con cái, thế hệ thứ hai trưởng thành trên đất Mỹ.

Họ thụ hưởng văn hóa Mỹ, lập gia đình với người Mỹ, thậm chí nhiều người không còn nói được tiếng Việt.

Cách nay sáu năm, khi mới chân ướt chân ráo về Việt Nam, anh cũng đâu nói được tiếng Việt?

Thành thực là ký ức của tôi về Việt Nam khá mờ nhạt. Mãi đến năm 28 tuổi, chính xác là vào cái đêm cha tôi qua đời, tôi mới bắt đầu quan tâm đến cội nguồn của mình.

Chưa đầy hai giờ đồng hồ sau khi hay tin, nhiều bạn bè người Việt của cha mẹ tôi đã có mặt tại bệnh viện, nơi cha tôi nằm, để nói lời chia buồn với thân nhân người quá cố.

Sự hiện diện của mọi người khiến tôi vừa cảm động, vừa ngạc nhiên. Lúc đó tôi mới hiểu phần nào về hai chữ “tình nghĩa” trong văn hóa Việt. Tôi bắt đầu tìm hiểu về Việt Nam qua sách báo, qua những cuộc trao đổi với mẹ tôi, rồi có bạn gái là gốc Việt, và manh nha ý định đi Việt Nam một lần... cho biết.

Nhưng rồi công việc cứ cuốn tôi đi. Mãi đến năm 2003, tôi nhận được email của ông chủ tịch Công ty IDG, đang quản lý bốn quỹ đầu tư tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Ông ấy nói rằng có ý định mở một quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam và đề nghị tôi thực hiện một báo cáo đánh giá môi trường đầu tư.

Dĩ nhiên là tôi đồng ý. Không phải vì lời hứa sẽ nhận tôi vào làm việc mà chủ yếu là cơ hội đi Việt Nam.

Cần nói thêm ngoài lề một chút rằng tôi đã vài ba lần phản đối việc dịch từ “venture” là “mạo hiểm” vì vừa sai, vừa có nghĩa tiêu cực, gây bất lợi đối với tâm lý những nhà đầu tư... nhưng nhầm lẫn này lại được chấp thuận khá rộng rãi ở Việt Nam.

Đáng ra, nên dịch “venture” là đầu tư triển vọng. Trở lại với câu chuyện về IDG, tháng 10/2003, tôi về Việt Nam 10 ngày, gặp gỡ một số doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tham quan khu công nghệ cao ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh...

Trong suốt chuyến công tác đó, tôi phải có phiên dịch. Còn bây giờ, tôi nói tiếng Việt khá tốt.

Phải chăng chuyến đi ngắn ngủi đó đã khiến cuộc đời của anh rẽ sang ngả khác?

Không. Lúc đó tôi vẫn chưa có ý định về nước làm ăn, một phần vì đã làm đám hỏi. Muốn về Việt Nam làm việc thì phải được sự đồng ý của gia đình, tức là vợ.

Còn nếu chưa lập gia đình thì cần có sự đồng ý của cha mẹ. Sau chuyến đi đó, tôi có làm một báo cáo khả thi, ủng hộ quyết định đầu tư ở Việt Nam.

Tuy nhiên, có một sự thay đổi khiến tôi khá bất ngờ là IDG yêu cầu tôi báo cáo cho ban lãnh đạo tại Trung Quốc, thay vì trình bày trực tiếp với ông chủ tịch như thông lệ.

Tôi mơ hồ cảm nhận được có sự thay đổi trong nội bộ của IDG. Vậy là tôi vẫn tiếp tục công việc của mình.

Về đời sống cá nhân, kế hoạch hôn nhân của tôi và bạn gái đổ vỡ. Lúc đó, tôi mới có ý định về Việt Nam làm việc nhưng cũng chưa biết bằng cách nào.

Thời may, anh Don Lam, Tổng giám đốc của quỹ VinaCapital, rủ tôi về làm chung, giao cho tôi làm giám đốc điều hành. Chúng tôi quen biết nhau vì tôi có hỗ trợ anh ấy tìm vốn từ một số nhà đầu tư tại thị trường Mỹ.

Thời điểm đó, VinaCapital mới thành lập, quản lý khoảng 10 triệu USD. Còn bây giờ con số đó đã lớn gấp gần 200 lần.

Ngày hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất là 8/3/2005. Tôi nhớ rõ như vậy vì ở Việt Nam, đây được xem là ngày Quốc tế Phụ nữ. Ở Mỹ không có ngày dành riêng cho phụ nữ.

Với nhiều người, sự khác biệt về văn hóa, môi trường làm ăn, rào cản ngôn ngữ... được xem là những trở ngại đáng kể khi hội nhập vào một môi trường mới. Còn anh thì sao?

Đúng là môi trường làm việc ở Việt Nam có những khác biệt. Làm ăn ở Mỹ, sự tin tưởng được xây dựng trên những hợp đồng, hay có khi chỉ cần một cái email.

Còn ở Việt Nam thì sự tin tưởng lẫn nhau có khi lại hình thành thông qua những buổi gặp gỡ ngoài công việc, chẳng hạn như đi nhậu, đi hát karaoke hoặc là mời nhau đến nhà chơi.

Khi đó, tự nhiên có cảm giác đối tác như là những người bạn. Cái đó cũng hay, bớt lạnh lùng hơn là chỉ gặp nhau trong phòng họp, hay trao đổi qua tin nhắn, email...

Nói thực là nhiều người thân, bạn bè cũng như đồng nghiệp cũng e ngại tôi sẽ thất bại khi về Việt Nam làm việc.

Ở Mỹ, nhiều người còn chọc tôi là thế hệ chuối, tức là chỉ còn cái vỏ da vàng, còn ruột thì trắng, hàm ý rằng tôi đã bị Mỹ hóa. Tôi hấp thu văn hóa Mỹ, bạn bè chủ yếu là người Mỹ, tiếng Việt nói không được.

Chính sự lo lắng của mọi người được tôi xem như một thách thức. Tôi không muốn mình quay trở lại Mỹ trong tâm thế của một người thất bại.

Anh có thường phải đi nhậu vì... công việc không?

Tôi thường khó nói lời từ chối những lời mời đi nhậu bởi điều đó có thể bị xem là thiếu tôn trọng ở Việt Nam, trong khi nhậu nhẹt thường ảnh hưởng đến sức khỏe.

Xem ra công việc của anh cũng khá... mất sức?

Thực ra công việc tôi đang làm đòi hỏi phải có sức khỏe khá tốt. Cũng may là tôi mê và chơi thể thao từ khi còn nhỏ. Đến giờ, tôi vẫn tập gym, chơi tennis khá đều đặn. Tôi thường đánh đơn với huấn luyện viên, mỗi lần ra sân là chạy liên tục hai tiếng đồng hồ. Nhờ vậy nên thể trạng của tôi khá tốt.

Mặc dù vậy, trong những cuộc nhậu tôi đều hạn chế để không uống quá nhiều. Làm quản lý tiền cho người ta mà say xỉn, đánh mất sự tỉnh táo là không nên. Thêm nữa, rượu không có lợi cho tim mạch, huyết áp. Đây cũng là hai trong nhiều bệnh mà cha tôi mắc phải những năm cuối đời.

Nói tiếp câu chuyện về quá trình làm ăn của anh ở Việt Nam. Sau ba năm làm việc ở VinaCapital, đâu là lý do khiến anh quyết định tách ra làm ăn riêng, nhất là thời điểm đó số vốn quỹ đang quản lý đã lớn gấp hàng trăm lần? 

"Khi huy động vốn để thành lập quỹ mới, nếu những nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu rằng Việt Nam có hạ giá đồng tiền so với đồng USD thêm một lần nữa trong năm nay hay không thì các công ty quản lý quỹ sẽ khó đưa ra một câu trả lời thỏa đáng".
Tôi quyết định khởi nghiệp vì không thích có... sếp. Nói như vậy không có nghĩa rằng tôi thiếu tôn trọng những nơi mình từng làm việc. Người Mỹ nói rằng “phải đủ cánh thì mới bay được”.  

Thực tế là tôi học hỏi được nhiều từ các đồng nghiệp, nhất là anh Don Lam, trong gần ba năm làm việc ở VinaCapital.

Nếu một ngày nào đó cộng sự của tôi ở SAM tách ra làm riêng thì tôi sẵn sàng hỗ trợ, không hề giận hờn. Nếu họ thành công thì đó là niềm tự hào của mình.

Năm 2007 anh mở công ty quản lý quỹ thì chỉ một năm sau xảy ra khủng hoảng tài chính. Có vẻ như quá trình khởi nghiệp của anh không được hanh thông?

Năm 2008 là khoảng thời gian khó khăn cho tất cả mọi người, chứ không riêng gì SAM. Lúc đó chúng tôi mới giải ngân được khoảng 60%, còn lại là tiền mặt. Chính vì ra thị trường trễ lại là một may mắn đối với SAM.

Thị trường hoảng loạn, nhiều cổ đông ở một số quỹ đòi thoái vốn. Ở SAM cũng có một nhà đầu tư đặt vấn đề này. Nhưng sau khi trao đổi với hội đồng quản trị của VEH và VPH thì cổ đông này đồng ý giữ vốn cho đến tận bây giờ.

Một công ty như thế nào thì hấp dẫn SAM, thưa anh?

Tiêu chí đầu tiên đương nhiên là công ty phải có lịch sử hoạt động hiệu quả. Tiêu chí thứ hai là công ty nắm giữ sản phẩm và dịch vụ có lợi thế cạnh tranh đối với những doanh nghiệp cùng ngành, trong đó có cả những công ty nước ngoài chưa vào Việt Nam.

Bởi theo lộ trình cam kết với WTO, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường hoàn toàn vào năm 2012. Lúc đó, những doanh nghiệp trong nước không còn nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Thứ ba là đội ngũ điều hành doanh nghiệp. Cụ thể là chúng tôi ưu tiên những công ty mà tổng giám đốc có nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp. Bởi khi đó người điều hành và doanh nghiệp cùng ngồi chung một xuồng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới rộng tỷ giá giữa đồng bạc và đồng USD lên 9,3% và hạ biên độ từ 3% xuống 1%. Anh đón nhận thông tin này như thế nào? 

"Tôi rèn luyện cho mình thói quen không mang những bực bội, lo lắng vào trong giấc ngủ".
Tôi không bất ngờ. Đưa tỷ giá về sát với tỷ giá giao dịch tại thị trường tự do là chuyện đã được đồn đoán từ trước Tết Nguyên đán.  

Việc hạ giá đồng bạc được kỳ vọng sẽ khiến những người găm giữ USD đổi qua tiền đồng, góp phần hạ lãi suất xuống nhưng đồng thời khiến nền kinh tế phải đối diện với khả năng lạm phát.

Còn đối với những quỹ đầu tư đã huy động vốn bằng USD và giải ngân trước thời điểm này thì... bỗng dưng bị mất thêm một ít tiền.

Còn SAM bị ảnh hưởng như thế nào, thưa anh?

Giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ do chúng tôi quản lý được tính theo euro nên việc tác động của việc phá giá đồng Việt Nam (theo tỷ giá với USD) đối với NAV của quỹ không hoàn toàn có tính một chiều do còn phụ thuộc vào sự biến động của tỷ giá giữa USD và euro. Tất nhiên, sự ảnh hưởng của quyết định này là không thể tránh khỏi..

Xem ra, những quỹ giải ngân bằng đồng USD sau khi mức tỷ giá mới được ban hành có vẻ như đang có lợi thế?

Về lý thuyết thì đúng như vậy. Nhưng khi huy động vốn để thành lập quỹ mới, nếu những nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu rằng Việt Nam có hạ giá đồng tiền so với đồng USD thêm một lần nữa trong năm nay hay không thì các công ty quản lý quỹ sẽ khó đưa ra một câu trả lời thỏa đáng.

Nói chung, có một mâu thuẫn về lợi ích giữa người dân găm giữ USD và những nhà đầu tư nước ngoài. Dung hòa được mâu thuẫn này là một thách thức đối với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Thông thường, các quỹ đầu tư đều có thời hạn hoạt động, có thể là năm năm, bảy năm... Còn với VEH và VPH mà SAM đang quản lý thì...

Đến cuối 2012 thì các cổ đông của hai quỹ chúng tôi đang quản lý sẽ quyết định tiếp đầu tư vào Việt Nam hay thoái vốn. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực hết sức nhằm tăng hiệu quả hoạt động của hai quỹ này để các cổ đông yên tâm về triển vọng đầu tư tại Việt Nam và đồng ý duy trì hoạt động đầu tư của quỹ.

Ngoài ra, trong năm nay, chúng tôi đang cố gắng huy động vốn để thành lập thêm một hay hai quỹ mới. Việc tìm được nhà đầu tư thành lập quỹ mới đang là một vấn đề đau đầu với các công ty quản lý quỹ.

Có bốn nguyên nhân. Một là khủng hoảng tài chính. Hai là giá cổ phiếu của nhiều quỹ niêm yết tại thị trường chứng khoán đang thấp hơn giá trị tài sản ròng. Thay vì phải trả 1 USD, thí dụ thế, để mua một cổ phiếu của quỹ mới, nhà đầu tư có thể chỉ cần bỏ 0,5 hoặc 0,7 USD để nắm một cổ phiếu những quỹ đang hoạt động.

Nguyên nhân thứ ba là niềm tin vào mức độ ổn định vĩ mô của nền kinh tế mà quỹ đang hoạt động, trong đó có nhiều vấn đề như lạm phát, tỷ giá...

Chẳng hạn, khi các nhà đầu tư bỏ đi, họ phải quy đổi ra ngoại tệ (chủ yếu là đôla Mỹ). Muốn có lời thì lợi nhuận phải vượt qua chỉ số lạm phát cũng như tiên liệu được mức độ trượt giá của đồng bạc đối với ngoại tệ đã quy đổi.

Nếu giải quyết được vấn đề ổn định vĩ mô thì Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Và cuối cùng là áp lực cạnh tranh của các quỹ ETF (Exchange Traded Fund) với phí quản lý thấp hơn và tính thanh khoản cao hơn nhiều quỹ đầu tư ở Việt Nam. Nếu như các quỹ đầu tư tính phí quản lý là 2% cộng thêm 20% lợi nhuận hằng năm thì các ETF chỉ lấy khoản phí
quản lý dưới 1%/năm.

Việc mở ETF có dễ dàng không, thưa anh?

Ở Việt Nam thì không dễ. Tôi cũng ấp ủ ý định thành lập một ETF từ ba năm nay nhưng chưa thực hiện được. Thông thường, các quỹ ETF đầu tư vào một rổ chứng khoán nên bám rất sát chỉ số chứng khoán ở thị trường mà chứng khoán đó niêm yết, chẳng hạn như ở Mỹ là S&P, Nasdaq...

Ở Việt Nam thì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bị hạn chế về “room”, giới hạn tỷ lệ cổ phiếu sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thêm nữa, chi phí để thành lập một quỹ ETF khá lớn, khoảng 1 triệu USD.

Sau khi thành lập, phải tìm được nhà đầu tư rót thêm tối thiểu khoảng 10 triệu USD thì quỹ mới có đủ tiềm lực tài chính để được mọi người chú ý đến.

Với SAM, nếu thành lập ETF, chúng tôi buộc phải hợp tác với những ông lớn ở nước ngoài. Nhưng khoản chi phí quản lý vốn đã rất thấp, lại phải chia sẻ với đối tác, thì phần thu sẽ không đủ bù chi.

Thành ra, để tồn tại, một công ty quản lý quỹ có thể mở nhiều ETF, vì cùng một bộ phận nhân sự nhưng có thể quản lý hàng chục, hàng trăm ETF.

Công việc của một giám đốc điều hành xem ra chịu rất nhiều áp lực. Anh tìm sự cân bằng cho mình bằng cách nào?

Áp lực là chuyện khó tránh khỏi đối với những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Đã dấn thân vào ngành này cũng có nghĩa là chấp nhận mất đi một vài năm tuổi thọ trong cuộc đời. Tôi cố gắng không dồn hết áp lực vào người bằng cách chia sẻ bớt gánh nặng với những cộng sự của mình.

Tôi thích sự minh bạch. Càng minh bạch càng bớt mệt mỏi. Tôi cũng rèn luyện cho mình thói quen không mang những bực bội, lo lắng vào trong giấc ngủ. Sự phiền muộn chỉ làm mình mau có... tóc bạc. Tôi còn độc thân nên rất sợ bạc tóc.

Trong ngày Lễ Tình nhân 14/2 năm nay, liệu anh có kế hoạch gì đặc biệt?

Có thể tôi sẽ rủ mấy người bạn độc thân đi đâu đó, nhậu sương sương rồi về... nhà ngủ.

Có vẻ như sau lần đổ vỡ đầu tiên, anh khá thận trọng với đời sống hôn nhân?

Nếu không thận trọng thì có lẽ giờ này tôi đã lập gia đình.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

THƯỢNG TÙNG thực hiện

Nguồn:  Doanh Nhân Sài Gòn
Các bài đăng trước cùng danh mục   Doanh nhân Việt
Người tình của Jimmii Nguyễn bàn chuyện kinh doanh - 20/02/2011
Người tình của Jimmii Nguyễn bàn chuyện kinh doanh NEWS3692
Ngoài vai trò được nhiều người biết đến là một ca sỹ, người tình của Jimmii Nguyễn - ca sỹ Ngọc Phạm còn đang là một nữ doanh nhân tài năng và giỏi giang. Đối với chị ca hát là trái tim, ...
Xem thêm
Ai là người giàu nhất Việt Nam (kỳ 4)? - 18/02/2011
Ai là người giàu nhất Việt Nam (kỳ 4)? NEWS3692
Còn nhớ, giải bóng đá Siêu CUP Quốc Gia lần đó do tôi làm trưởng ban tổ chức tại sân của đội Hoàng Anh – Gia Lai.
Xem thêm
Tom Trần: Đường xa không nản - 18/02/2011
Tom Trần: Đường xa không nản NEWS3692
Năm 2003, nhiều người quen biết nghĩ Tom Trần đã “đi sai nước cờ” khi quyết định về Việt Nam, bỏ lại công ty gia công phần mềm ở California. Thế nhưng, là người đam mê công nghệ, Tom nhìn ...
Xem thêm
Ai là người giàu nhất Việt Nam (kỳ 3) - 16/02/2011
Ai là người giàu nhất Việt Nam (kỳ 3) NEWS3692
Trong ấn tượng sâu đậm của tôi, Đào Hồng Tuyển là một ông chủ hào hoa. Có lần tôi đã hỏi ông câu này, ông bảo ông là người hào hoa theo nghĩa là một người rộng ...
Xem thêm
"Tôi đã trở lại!" - 16/02/2011
"Tôi đã trở lại!" NEWS3692
Năm 2008 được coi là thời điểm khó quên đối với Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Kỳ và Công ty Du lịch Vietravel: ông Kỳ, người đã gầy dựng thành công thương hiệu Vietravel, được bổ nhiệm giữ ...
Xem thêm
Triệu phú mía giữa rừng - 10/02/2011
Triệu phú mía giữa rừng NEWS3692
Lập nghiệp ngay giữa núi rừng của buôn làng, chàng trai người Ba Na đang có hơn 30ha mía nguyên liệu, ba xe tải lớn và hơn 20 con bò với thu nhập hằng năm trên 800 triệu đồng.
Xem thêm
Ai là người giàu nhất Việt Nam (Kỳ II) ? - 09/02/2011
Ai là người giàu nhất Việt Nam (Kỳ II) ? NEWS3692
Đầu những năm 90, tôi có một số chuyến công du nước ngoài, trong đó có chuyến đi Mỹ với hoa hậu Thu Thủy do một hãng nước ngọt nổi tiếng, nhiều năm tài trợ cho các ...
Xem thêm
Người cắt tóc cho Thủ tướng - 05/02/2011
Người cắt tóc cho Thủ tướng NEWS3692
Trước khi đi công tác, Thủ tướng nhờ anh đến cắt tóc, có khi vừa đáp máy bay về trong đêm, đến trưa ông đã gọi anh đến sửa sang lại "góc con người" để chuẩn bị cho chuyến công tác ngay ...
Xem thêm
Ai là người giàu nhất Việt Nam? - 02/02/2011
Ai là người giàu nhất Việt Nam? NEWS3692
Trên thế giới, hàng năm một số tờ báo có uy tín như tạp chí Forbes thường công bố những người giàu, với tài sản hàng chục tỷ đô la Mỹ. Cho đến nay, chưa thấy có tên ...
Xem thêm
‘Nữ tướng’ chăm sóc khách hàng - 01/02/2011
‘Nữ tướng’ chăm sóc khách hàng NEWS3692
Sau 8 tháng thử việc tại một tờ báo lớn mà chưa được ký hợp đồng, Phạm Thanh Vân rất bi quan với sự lựa chọn yêu thích của mình. Trong khi đó, cơ hội lại đến khi Vân nhận công việc không ...
Xem thêm
Cả làng thành tỷ phú nhờ "gã" buôn chuối - 31/01/2011
Cả làng thành tỷ phú nhờ "gã" buôn chuối NEWS3692
“Gã” tỷ phú đó là anh Ngô Văn Công, 43 tuổi, ở thôn Năm Mẫu, xã Tứ Dân (Khoái Châu, Hưng Yên).
Xem thêm
Vị doanh nhân vàng với những duyên lạ - 31/01/2011
Vị doanh nhân vàng với những duyên lạ NEWS3692
Trong giới kinh doanh vàng, ông Đỗ Minh Phú là trường hợp đặc biệt. Nhiều người biết ông là giám đốc công ty lớn, nhưng ít ai hay ông còn lấn sân vào cả những lĩnh vực "ngoại đạo" như nhà ...
Xem thêm
Doanh nhân không đợi Tết - 31/01/2011
Doanh nhân không đợi Tết NEWS3692
Có lẽ càng trưởng thành, tôi lại càng thấy mệt mỏi với ngày Tết, càng không còn cảm giác hân hoan, mừng rỡ khi nhìn mùa Xuân về.
Xem thêm
4 khuynh hướng cho người mới khởi nghiệp - 28/01/2011
4 khuynh hướng cho người mới khởi nghiệp NEWS3692
4 khuynh hướng kinh doanh 2011 mà doanh nhân mới khởi nghiệp cần biết để làm ăn thuận lợi và phát triển dài lâu.
Xem thêm
Hãy làm giàu khi tuổi còn trẻ - 28/01/2011
Hãy làm giàu khi tuổi còn trẻ NEWS3692
Họ là những bạn trẻ, tuổi đời chỉ trên dưới 30. Điều khác biệt là những bạn trẻ này luôn nhìn thấy xung quanh họ rất nhiều cơ hội để làm giàu và làm đẹp cuộc sống.
Xem thêm
Xem thêm :  Sưu tầm » Doanh nhân » Doanh nhân Việt
Tìm liên quan » Khởi nghiệp vì không thích có... sếp
Đang xem » Khởi nghiệp vì không thích có... sếp