Chàng triệu phú trẻ giữa núi rừng ấy là Đinh Văn Vinh - ba năm nay giữ chức bí thư Đoàn xã Kông Lơng Khơng, huyện K’Bang (Gia Lai). Công việc của anh đã giúp giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động tại địa phương với mức lương 1,8 - 2,5 triệu đồng/tháng.
Vượt qua thất bại
Vượt hơn 20km đường đất sình lầy cùng vài con suối sâu từ thị trấn Đắk Pơ (huyện Đắk Pơ, Gia Lai) vào làng Đáp của xã Kông Lơng Khơng mới thấy hết sự hiểm trở của địa hình nơi đây. Thế mà giữa núi rừng, chàng trai Đinh Văn Vinh quyết tâm làm giàu bằng cách trồng mía nguyên liệu trên những cánh đồng giữa thung lũng, sườn núi của địa phương.
Thành công được như hôm nay, Vinh đã nếm mùi thất bại và tưởng chừng có lúc buông xuôi. Đó là khi thi rớt đại học năm 2004, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Khi ấy thấy phong trào nuôi bò, dê phát triển mạnh ở vùng núi của tỉnh Gia Lai, Vinh mượn ít vốn của gia đình đầu tư nuôi 21 con bò, 31 con dê trên mảnh đất 1,7ha. Quần quật ba năm làm trang trại, nhưng thời điểm xuất trại trúng vào lúc giá thị trường rớt mạnh, cộng thêm chất lượng gia súc không cao do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi nên trang trại lỗ hơn 60 triệu đồng. “Lúc ấy mỗi lần nghĩ đến chuyện lỗ nước mắt cứ ứa ra nhưng tôi vẫn quyết tâm làm lại”. Vinh kể.
Đúng thời điểm đó Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) vừa thành lập, người dân trong làng chuyển đổi các cây mì, lúa rẫy, kê... sang trồng mía nên Vinh cũng thử.
“Với diện tích đất rẫy của gia đình, ban đầu tôi đầu tư trồng 5ha mía nhưng do thiếu kỹ thuật và kinh nghiệm nên một lần nữa thất bại”, Vinh bùi ngùi nhớ lại. Không nản chí, Vinh mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội của huyện, đầu tư trang thiết bị máy móc kỹ thuật dốc sức vào trồng mía. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, bón phân đúng cách nên sau một năm, sản lượng mía đạt 60 tấn/ha, hiệu quả kinh tế khả quan. Khi ấy Vinh đầu tư và nhân rộng diện tích trồng mía lên gần 20ha.
Đổi đời nhờ mía
Ngoài Vinh, nhiều nông dân trong xã cũng mở rộng diện tích trồng mía, hiệu quả kinh tế cao. Lúc ấy, Nhà máy đường An Khê ủy thác cho Vinh mua mía của nông dân. “Đó là một may mắn vì nhờ thế tôi được nhà máy cho đi tập huấn nhiều kiến thức về kỹ thuật trồng, cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh... Vì vậy năng suất mía của tôi và bà con tăng từ 60 tấn/ha lên 75 tấn/ha chỉ trong một vụ” - Vinh chia sẻ.
Để đáp ứng việc mua và vận chuyển mía thuận lợi, Vinh đầu tư hai chiếc xe tải lớn, hai máy cày và một xe sạc bắp với chi phí hơn 700 triệu đồng. Ngoài lợi nhuận từ 20ha mía, Vinh đã dần hoàn lại vốn và có ít lãi nhờ việc mua và vận chuyển mía cho Nhà máy đường An Khê.
Thấy bà con buôn làng thiếu vốn, anh đã hỗ trợ hơn 20 gia đình vay vốn không lãi suất mua phân bón, thuê nhân công, khi nào thu hoạch mía anh thu lại. Không có thời gian chăm sóc đàn bò, anh hỗ trợ bò giống cho bà con chăn nuôi với phương thức lãi chia đôi, tăng thêm thu nhập cho bà con trong buôn làng.
Với hơn 30ha mía hiện có cùng việc mua mía, Vinh đã giúp hơn 20 lao động có việc làm ổn định, nhiều lúc vụ mùa thu hoạch lên đến hơn 50 nhân công. Vinh bảo: “Lập nghiệp ở vùng sâu không quá khó nếu chúng ta biết cố gắng, quyết tâm và đừng bao giờ nản chí với những thất bại”.
”Anh Vinh có nhiều sáng kiến”
Không những là một thanh niên làm kinh tế giỏi, Đinh Văn Vinh còn là một bí thư Đoàn năng nổ, nhiệt tình và có trách nhiệm cao. Dù bận rộn với công việc làm ăn nhưng Vinh thường xuyên đến tận nhà các bạn trẻ Ba Na thăm hỏi, động viên tham gia hoạt động Đoàn - Hội, tư vấn cách lập nghiệp cho thanh niên địa phương. Vinh còn tạo ra nhiều sân chơi cuối tuần, mô hình giúp nhau làm kinh tế cho thanh niên trong xã.
“Chính anh đã có nhiều sáng kiến, góp ý cho lãnh đạo địa phương cùng tuyên truyền xóa bỏ những tập tục lạc hậu của buôn làng. Tấm gương phát triển kinh tế của Vinh đã được Tỉnh đoàn Gia Lai nhân rộng cho thanh niên trên địa bàn tỉnh học hỏi, tham khảo” - anh Bùi Văn Phương, phó bí thư Huyện đoàn K’ Bang (Gia Lai), cho biết.
Đầu tháng 12-2010, Trung ương Đoàn vừa quyết định trao tặng giải thưởng Lương Định Của 2010 cho chàng triệu phú trẻ Đinh Văn Vinh.
|
PHƯỚC TUẦN