Vừa qua, ông Tân là người duy nhất của thị xã Hương Thủy tham dự hội nghị biểu dương những người khuyết tật khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống do Chi cục bảo trợ xã hội - Bảo vệ chăm sóc trẻ em Thừa Thiên - Huế tổ chức.
Trong căn nhà khang trang tọa lạc nơi thượng nguồn sông Hương (xã Thủy Bằng, Hương Thủy), người đàn ông 57 tuổi này chậm rãi kể lại quá trình làm giàu trên mảnh đất trước đây là trận địa chiến tranh.
Sau ngày đất nước giải phóng, từ quê hương Triệu Hòa (Triệu Phong, Quảng Trị), ông Tân theo gia đình vào Huế học và lập nghiệp tại vùng kinh tế mới Tân Ba, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy cũ. Mùa hè năm 1976, trong lúc khai hoang đất canh tác, Tân vô tình cuốc phải quả bom M79 còn sót lại khiến nó nổ tung. Tỉnh dậy trong Bệnh viện Trung ương Huế, Lê Tân bàng hoàng khi thấy mình bị cụt hai tay, chân phải bị cụt dưới khuỷu.
“Khi ấy tôi đã cắn phần trên cánh tay đến ứa máu để quên đi nỗi đau thể xác. Tôi lâm vào bi quan, nghĩ đời mình như thế là hết, có sống cũng chỉ làm khổ mọi người… Nhưng dường như bản năng sống thôi thúc, tôi lại mơ được lên nương trỉa ngô, trồng sắn cùng bà con”, ông Tân lặng người nhớ lại tai nạn oan nghiệt của mình.
Ông cho biết đã mất gần một năm tập cầm rựa bằng hai khuỷu tay, rồi chống nạng lên nương phát rẫy trồng keo lai. Thời gian đầu đi làm rẫy bằng đôi tay cụt, phần cánh tay còn lại của ông Tân đã nhiều lần rỉ máu. Ông dùng miệng buộc lại vết thương và lắp cán gỗ dài vào chiếc rựa để tiện cho việc cầm, kẹp. Sau này chân phải được Trung tâm chỉnh hình Đà Nẵng hỗ trợ lắp chân giả thành công, công việc của ông mới đỡ vất vả.
|
Ông mua thêm máy xúc để các con có việc làm và thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Thấy ông Tân lên rẫy trồng rừng, ươm cây giống, người dân thôn Tân Ba ai cũng ngỡ ngàng vì trồng rừng với người lành lặn đã khó, huống chi là người cụt tay, cụt chân. Không ít người cười cợt cho rằng “Tân cụt” đang làm một việc ngoài khả năng của mình. Nhưng rồi thấy những vườn cây ươm của ông ngày một xanh tốt, cung ứng mỗi năm hơn 60.000 cây keo giống, bà con tấm tắc khen. “Lúc đó mọi người đều nhìn thấy nên mới tin”, ông Tân cười nói thế.
Khâm phục trước nghị lực của ông Tân, cô thôn nữ Ngô Thị Góc người cùng thôn đã chấp nhận lời tỏ tình của anh thanh niên khuyết tật. Đó là năm 1978, ông Tân bảo cưới được vợ là món quà vô giá mà Thượng đế đã ban tặng cho mình. Có vợ rồi, ngày ngày “Tân cụt” lại cùng vợ lên rẫy. Bốn đứa con trai lần lượt chào đời, cuộc sống của hai vợ chồng trẻ thêm chật vật. Ngoài ươm cây giống, trồng rừng, ông Tân xoay sở bằng việc chăn nuôi lợn, gà.
Năm 1997, người dân trong xã lại sốc trước quyết định của ông Tân: đấu thầu 10 hecta đất đồi để trồng keo lai. “Thực sự lúc chưa có gia đình, mình tập cầm rựa để trồng rừng chỉ mong làm đủ ăn, không phải dựa dẫm ai. Còn khi quyết định đấu thầu đất để phát triển diện tích rừng, mình nghĩ là trụ cột trong nhà, phải lo cho vợ con có cuộc sống như mọi người”, “lão cụt” lý giải về quyết định của mình.
|
Ông Tân có thể viết chữ bằng đôi tay cụt. Nhiều người trong thôn vẫn thường đến nhà thuê ông viết đơn từ vì nét chữ của ông đẹp. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Có đất rồi, ông Tân động viên vợ con cùng làm. Đến nay, mỗi năm ông Tân thu về gần 100 triệu đồng từ việc khai thác rừng và trồng cây giống. Ông còn mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua hai máy xúc để khai hoang đất đồi núi trọc và tạo thêm việc làm cho các con.
Những lúc rảnh rỗi, ông Tân lại tập viết chữ, chơi cây cảnh để tìm niềm vui nơi thôn dã. Trong căn nhà khang trang bên rừng keo lai xanh mướt, ông Tân cười hạnh phúc: “Mình tàn nhưng không phế. Người tàn tật hoàn toàn có thể làm được mọi việc như người bình thường khi họ có nghị lực và được xã hội quan tâm, giúp đỡ.”
Văn Nguyễn