Dãy núi Carpat trải qua nhiều đất nước từ Trung sang Đông Âu, chiều dài đứng thứ hai châu Âu (khoảng 1.500km) nhưng chứa nhiều truyền thuyết ly kỳ bậc nhất bao bọc lấy vùng đất lịch sử Transylvania nằm chính giữa đất nước Romania ngày nay.
Thành phố Sinaia nằm ngay tại cửa ngõ bắt đầu cung đường núi ngoằn ngoèo nối các điểm chính trong vùng Transylvania. Chỉ có vỏn vẹn hơn chục nghìn dân nhưng lại là khu nghỉ dưỡng miền núi nhộn nhịp khách quanh năm với số lượt khách gấp hàng chục lần dân số, đặc biệt những người ưa thích môn trượt tuyết lao dốc vào mùa đông.
Ở độ cao khoảng 800m, Sinaia có khí hậu mát mẻ đặc biệt khiến ai đến đây cũng cảm giác trút được hết mệt mỏi, muộn phiền. Chỉ cần lưu lại nghỉ ngơi vài ngày đã thấy sảng khoái lạ thường. Nhiệt độ trung bình các tháng trong năm khoảng 8 độ C và mùa đông kéo dài từ cuối tháng 10 tới tháng 3, cảnh vật thường xuyên khoác bộ đồng phục trắng muốt của tuyết phủ dày.
Mạn thung lũng Câinelui còn có vài suối khoáng có lợi cho sức khỏe chứa nhiều khoáng chất hòa tan trong mạch nước ấm.
Sinaia không chỉ là một khu nghỉ dưỡng đơn thuần mà còn là một địa danh lịch sử lâu đời. Thành phố được thành lập từ thế kỷ 12 nhưng tên gọi chính thức Sinaia xuất phát năm 1690 từ tên của tu viện dòng Chính Thống giáo Orthodox nổi tiếng trong vùng. Về mặt địa lý, với điểm tiếp giáp kết nối vùng Muntenia phía nam đất nước Romania với Transylvania đã đem lại cho Sinaia vị trí trọng yếu từ thời Trung cổ.
Núi non hiểm trở, rừng già rậm rạp, dân cư sống rải rác khiến Transylvania nhuộm đầy màu huyền bí. Truyền thuyết về lũ ma cà rồng hút máu người đêm trăng tròn rất phổ biến trong dân gian Romania và một số nước có dãy Carpat chạy qua.
Bao câu chuyện xưa cũ tưởng vẫn văng vẳng thầm thì khi chúng tôi bước đi bên các bức tường dày bằng đá trong các lâu đài, cung điện cổ kính. Liệu Sinaia có phải là một trong những địa bàn hoạt động của Dracula trước kia?
Không chỉ là một cung điện mùa hè bình thường, Peleş là quốc bảo của đất nước Romania. Năm 1860 một lần đến thăm Sinaia, nhà vua Karl 1 của Romania nhưng dòng dõi quý tộc lâu đời công quốc Phổ (thuộc Đức ngày nay) đã bị phong cảnh tuyệt đẹp của thung lũng sông Prahova quyến rũ. Ông đã cho xây dựng cung điện mùa hè Peleş và hoàn thành năm 1883. Đây là chốn yêu thích của Karl 1 cho đến tận khi ông chết năm 1914.
Với kết cấu khung gỗ và những phần bao lơn tầng trên nhô ra ngoài dát toàn bằng gỗ, tòa nhà lớn theo trường phái Tân Phục hưng gồm 170 phòng bao gồm cả một nhà hát chứa 60 chỗ ngồi đã đem lại cho gia đình hoàng gia những hoài niệm về quê hương xứ sở trên đất Đức.
Tranh tường trong nhà hát và phòng danh dự nhiều phần do chính họa sĩ Áo tài ba Gustav Klimt vẽ. Các phòng đều trang bị nội thất tinh xảo, kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ và được đặt ở những vùng nổi tiếng tại Đông Âu và Trung Âu. Đồ sứ sang trọng từ Meissen của Đức, đồ da từ Cordoba (Tây Ban Nha), các bức tranh kính màu phần lớn từ Thụy Sĩ, chạm bạc, chạm ngà hay thảm từ vùng Trung Á… Mỗi phòng lại bài trí khác nhau và nối bằng những hành lang dài treo đầy tranh quý, trải thảm dày.
Mùa đông Sinaia hút khách trượt tuyết, còn mùa hè lại là lúc cao điểm tập trung rất đông người leo núi đường dài (hiking). Để thám hiểm vùng cao nguyên Transylvania có thế giới động vật hoang dã phong phú bậc nhất châu Âu, hãy bắt đầu hành trình của bạn từ đây, dãy núi Bucegi cao 2.000m.
Có rất nhiều cung đường cho bạn chọn, từ dễ đến khó, tình trạng đường và biển báo thường xuyên được kiểm tra, chất lượng đảm bảo cho những chuyến đi dài ngày. Bạn cũng có thể đi cáp treo lên trên cao để chiêm ngưỡng cảnh quan cả vùng, sau đó đi bộ dần xuống thung lũng, là cách nhẹ nhàng nhất và đỡ tốn sức nhất mà vẫn cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên của Transylvania.
Với người vẫn ám ảnh bởi truyền thuyết về Dracula thì chỉ cần cho vào túi vài nhánh tỏi sống, vậy là vững dạ xốc balô cất bước trên cao nguyên xanh này.
Từ thủ đô Bucarest đi Sinaia bằng ôtô chỉ khoảng hai giờ với khoảng cách 130km, nếu chọn di chuyển bằng đường sắt có rất nhiều chuyến tàu trong ngày khởi hành từ ga phía bắc, cũng chỉ mất chừng 1 giờ 40 phút. Với những người đi tàu liên vận quốc tế, có thể chọn tàu đêm nối vùng núi Transylvania với thủ Vienna (Áo) và Praha (CH Czech).
Nhiều đoàn khách nước ngoài tới bằng máy bay không kịp ghé thủ đô Bucarest cũng có chuyến tàu từ sân bay quốc tế Henri Coanda (tên cũ là Otopeni) đến thẳng Sinaia (100km) rất tiện lợi.
|
MINH LÝ - HOÀNG HẢI