Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc kinh doanh Công ty du lịch TransViet Travel, giá tour đi Thái Lan Travel Life đưa ra thấp hơn giá thị trường đến 20-30%. Khách hàng thường lấy số lượng lớn để ép mức giá thấp nhất, tuy nhiên nhiều dịch vụ như khách sạn, vé máy bay thì khả năng cung ứng có hạn nên nhiều trường hợp số lượng càng lớn giá tour càng cao.
Herbalife mỗi năm tổ chức hội nghị ở nước ngoài riêng từ Việt Nam có đến 2.000-3.000 khách đi cùng một thời điểm đã tạo ra sự thiếu hụt lớn về dịch vụ cung ứng. Travel Life đã không lường được điều này mà chỉ dùng chiêu giảm giá, chi hoa hồng để bằng mọi giá giành được hợp đồng. Thực tế họ đã không lo đủ chỗ hàng không, dịch vụ tour tại Thái Lan nên phải mua giá tour rất cao so với dự tính, dẫn tới thua lỗ lớn hàng tỷ đồng, mất khả năng thanh khoản.
Giải thích việc đối tác Thái ban đầu báo giá thấp 95 USD sau đó nâng lên 170 USD khiến Travel Life bị động, ông Đạt cho rằng do đối tác phát hiện thời gian đó bên Thái sẽ bị quá tải dịch vụ khách sạn, xe, nhà hàng… khi phải đón hội nghị của Herbalife lên tới 30.000 người. Mặt khác, phải phục vụ một lượng lớn khách hàng, nhưng Travel Life đã tỏ ra rất thiếu chuyên nghiệp khi không ký hợp đồng chặt chẽ với đối tác cung ứng ở Thái Lan.
"Chính vì rủi ro cao trong việc đáp ứng dịch vụ số lượng lớn, hoặc bị thiếu hụt không lo đủ chỗ... khiến không nhiều công ty du lịch lớn mặn mà phục vụ cho Herbalife. Cuộc chiến giành hợp đồng lớn tưởng như béo bở thường là sự tranh giành bởi những công ty nhỏ, thiếu khách và ít kinh nghiệm", ông Đạt nhận xét.
Ông Trần Văn Long, Giám đốc Du lịch Việt cũng chia sẻ, sai lầm của Travel Life là bán tour giá quá thấp (6,4 triệu đồng), chỉ ngang giá vé máy bay. Trong khi, ước tính vào thời điểm này, giá tour đi Thái mỗi khách phải xấp xỉ 8 triệu đồng. Khi giá dịch vụ tại Thái Lan tăng lên đã khiến cho công ty này thua lỗ, mất khả năng thanh toán.
Ngoài ra, ông Long đặt vấn đề trách nhiệm của người đại diện Herbalife bởi đã giới thiệu công ty du lịch không có uy tín, kinh nghiệm và thu hoa hồng cao (chênh lệch 1,4 triệu đồng mỗi khách). "Vụ việc này là tiếng chuông cảnh báo tình trạng các công ty không giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, song vẫn tổ chức tour. Hành vi lừa đảo, chụp giật này chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm, chỉ có khách hàng là người thiệt thòi nhất", ông Long nói.
Một số lãnh đạo lữ hành cho biết, vụ việc của Travel Life đã ảnh hưởng tới tâm lý của nhiều du khách khi đến Thái Lan. Một số du khách đã hủy tour Thái Lan hoặc chuyển sang nước khác. Tuy nhiên, theo bà Đoàn Thanh Trà, đại diện Saigon Tourist, khách hàng không nên quá lo sợ. Bà Trà khuyên khách hãy chọn lọc công ty đảm bảo năng lực tổ chức, điều hành, uy tín thương hiệu... Trường hợp tham gia vào chương trình do đối tác tổ chức, cần tìm hiểu kỹ và nắm thông tin về đơn vị triển khai dịch vụ.
"Khách hàng hãy là người tiêu dùng thông thái và người cung ứng hãy luôn chuyên nghiệp trong công việc và trách nhiệm với khách hàng", ông Nguyễn Tiến Đạt khuyến cáo.
Trước đó từ ngày 12 đến 18/6, công ty Herbalife Việt Nam mở hội thảo cho khoảng 3.000 người tại Thái Lan. Các nhà phân phối của công ty này đứng ra tổ chức đưa người sang dự hội thảo kết hợp với du lịch. Nhiều công ty trong đó Travel Life phục vụ khoảng 700 khách tham dự hoạt động trên. Sau 2 ngày kết thúc hội thảo, đoàn khách của Travel Life bị bỏ rơi ngay tại trung tâm hội nghị do công ty tổ chức tour và đối tác bên Thái Lan từ chối tiếp tục phục vụ.
Đoàn Loan