Anh kể, năm 1996 anh chính thức bước vào nghiệp kinh doanh với vai trò là nhà phân phối điện thoại di động.
Cũng nhờ thị trường còn mới, đất phát triển còn nhiều nên trong suốt khoảng thời gian 8 năm kể từ ngày thành lập, Thành Công Mobile liên tục được bình chọn là 1 trong 5 nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất cả nước với những thương hiệu hàng đầu: Nokia, Samsung, LG, Motorola, Sony…
Năm 2007, công ty chính thức trở thành nhà phân phối độc quyền cho thương hiệu điện thoại đến từ Hà Lan là Philips. 5 năm sau, cái tên Thành Công Mobile lại được xướng lên trong giới phân phối điện thoại di động khi liên tục trở thành nhà phân phối điện thoại Motorola và Alcatel tại Việt Nam.
* Vì sao trong bối cảnh thị trường khá ưa chuộng những dòng điện thoại như Samsung, Nokia… Thành Công Mobile lại chọn phân phối những thương hiệu như Motorola, Alcatel và đặc biệt là phân phối độc quyền cho Philips?
- Cái gì cũng có 2 mặt của nó, việc chọn những thương hiệu như Philips, Alcatel hay Motorola giúp chúng tôi giảm bớt áp lực cạnh tranh. Ngoài ra, riêng với Philips chúng tôi còn được phân phối độc quyền, có thể dễ đàng trong những khâu như marketing, bán hàng…
Còn nhược điểm là khi chọn những dòng chưa phổ biến, doanh thu sẽ không cao. Song, cũng cần phải nói thêm rằng chúng tôi luôn không ngừng tìm hiểu nhu cầu người tiêu dùng, cập nhật các dòng điện thoại di động chính hãng mới nhất, đang được ưa chuộng trên thế giới.
Chẳng hạn các dòng điện thoại Philips đều tích hợp công nghệ Chipset Xenium. Đây là công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay, giúp tiết kiệm điện năng tối đa, cho thời gian chờ lên đến 30 ngày, đảm bảo sức khỏe người dùng khi đàm thoại lâu không sợ nóng máy.
* Nhắc đến Thành Công Mobile người ta còn nhắc đến thương hiệu điện thoại di động Bavapen, nhưng vì sao sau một thời gian tung ra thị trường Thành Công lại tạm ngưng?
- Đầu năm 2014 chúng tôi sẽ lại đưa về Việt Nam nhiều mẫu mã mới của dòng sản phẩm Bavapen. Trong kinh doanh, thời điểm nào thích hợp thì tiến hành, còn không thích hợp phải tạm ngưng.
Tạm ngưng không có nghĩa là không thành công. Bởi theo tôi, không thành công là khi sản phẩm bị những phản ánh không tốt về chất lượng, còn những dòng sản phẩm Bavapen tỷ lệ hư hỏng chỉ dưới 2%.
Một trong những lý do cần nói đến là thời gian trước, sản phẩm này của chúng tôi bị nhái nhiều quá. Cứ 10 sản phẩm tung ra có 5 sản phẩm bán chạy thì ngay lập tức bị làm nhái và bán với giá rẻ hơn nhiều. Chính vì thế, nếu tiếp tục phân phối chúng tôi sẽ lỗ.
Chúng tôi chọn thời điểm 2014 để tung lại Bavapen ra thị trường vì đây là thời điểm thích hợp. Sau một thời gian, thị trường điện thoại di động đã bớt “lộn xộn” hơn, người tiêu dùng cũng có thể đưa ra những đánh giá xác thực hơn về chất lượng. Tất nhiên, cũng không loại trừ việc tiếp tục vấp phải nạn hàng nhái, hàng giả, nhưng chúng tôi đã có một chiến lược cho riêng mình.
* Suốt 17 năm tham gia trong lĩnh vực phân phối điện thoại di động, có khó khăn nào đến giờ vẫn khiến anh phải đau đầu?
- Cách đây khoảng 2 năm, chúng tôi phát hiện trên mạng có một website mang tên miền giống mình, chúng tôi là thanhcongmobile.com còn bên đó là thanhcongmobile.net. Họ bán những sản phẩm điện thoại kém chất lượng gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của chúng tôi. Có không ít khách hàng sau khi mua hàng của bên đó mang đến chúng tôi để bảo hành.
Chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để giải thích cho khách hàng hiểu. Cho đến nay, chúng tôi cũng không thể làm gì được họ. Đến địa chỉ ghi trên website thì chỉ là một địa chỉ ảo. Nhờ chính quyền vào cuộc cũng không đủ chứng cứ. Tôi biết cũng có nhiều DN rơi vào hoàn cảnh tương tự Thành Công Mobile nhưng cũng đành bó tay.
* Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, chiến lược của Thành Công trong thời gian tới ra sao?
- Cũng phải nhìn nhận một thực tế, khó khăn làm nhiều đơn vị phải đóng cửa, nhiều DN đang lỗ khá nặng. Nhưng ở một góc nào đó vẫn có những DN sống tốt, vẫn có lợi nhuận do biết quản lý các chi phí. Khó khăn cũng có thể xem là lợi thế cho những nhà bán sỉ như chúng tôi.
Vì đặc thù của nhà bán sỉ là không cần nhiều mặt bằng, chỉ cần kho trữ hàng, sau đó thuê các công ty giao nhận, thậm chí có thể sử dụng kho của những công ty này. Nhân viên cũng không quá nhiều nên việc tiết giảm chi phí không quá khó.
Cho đến nay chúng tôi đã phân phối sản phẩm hầu khắp cả nước, trong đó khu vực phía Nam chiếm khoảng 40%, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc 30%, còn miền Trung, Đông Nam bộ, Tây nguyên hiện mới chỉ chiếm khoảng 30%.
Thời gian tới chúng tôi sẽ tung ra những sản phẩm tập trung vào những khách hàng có thu nhập trung cấp và những khách hàng thu nhập chưa cao. Nhưng dù là sản phẩm gì chúng tôi luôn đảm bảo nguyên tắc 3T: sản phẩm tốt - giá tốt - dịch vụ tốt.
* Trước sự “đổ bộ” của những nhà phân phối ngoại cùng xu hướng kết nối với người tiêu dùng thông qua các nhà bán lẻ (thay vì qua nhà phân phối sỉ như trước) của một số nhà sản xuất, theo anh có tạo ra thách thức với những nhà phân phối nội?
- Việc này đương nhiên tạo thách thức với các nhà phân phối nội, tuy nhiên những thách thức này là không nhiều. Vì so với đối thủ ngoại, các nhà phân phối trong nước có thế mạnh thấu hiểu các vấn đề văn hóa địa phương, tập quán kinh doanh vùng miền.
Riêng với Thành Công Mobile, những kinh nghiệm trong suốt 17 năm qua cùng mối quan hệ chặt chẽ với các đại lý giúp chúng tôi vững vàng trước những phương pháp phân phối mới như hiện nay.
Nguồn: SGĐTTC