Từ bóng tối và đớn đau, hạnh phúc nở hoa
Ở anh, điều tôi học được lớn nhất là tình yêu lao động, niềm ham mê học và tự học.
Những ngày cận Tết, công việc của anh càng thêm bận rộn. Vừa ăn xong bữa cơm trưa, nghỉ ngơi một lát anh và vợ lại tất bật vào bếp cất những mẻ rượu đã được đặt hàng.
"Nghiêng tai nghe từng giọt rượu nhỏ vào can anh biết vơi hay đầy. Đưa tay sờ vào bỗng rượu anh đoán định được rượu đã ngấu hay chưa...." - điều đặc biệt ở anh.
Là một người mù nên mỗi việc anh làm đều thật đặc biệt. Cách mà anh khám bệnh cho lợn là nhờ vợ nói cho những biểu hiện của lợn. Mắt có đỏ không? Da có sáng không? Mùi phân ra sao? Từ đó anh Việt sẽ biết lợn có bệnh gì và phải mua thuốc gì chữa trị....
Nói về chị Lê Thị Thảnh - người vợ của mình, anh mãn nguyện "tôi cảm được trong mắt không còn nhìn rõ kia của anh là niềm hạnh phúc đang ngập tràn. Biết bao năm nay, đôi mắt sáng của chị, sự kiên cường của anh và tình yêu bao la đã giúp họ vượt qua bao chặng đường khó khăn để có được hạnh phúc như ngày hôm nay."
Chị Thảnh vốn là một góa bụa khi chưa được hưởng đêm tân hôn. Cách ngày cưới 3 hôm thì chú rể mất vì tai nạn giao thông trên đường đi mời cưới. Nỗi đau đến quá đỗi đột ngột khiến chị ngất lịm đi.
Được gia đình nhà chồng cảm thông, chị Thảnh chịu tang chồng đủ 100 ngày rồi trở về nhà mẹ đẻ. Ngày đó bố của Hoàng Quốc Việt là một thầy lang, bốc thuốc gần nhà chị Thảnh. Thấy hoàn cảnh như vậy bèn mai mối, gá nghĩa cho người con trai mù ở nhà.
Vậy là, một người cần hàn gắn nỗi đau của con tim, một người cần đôi mắt dẫn đường. Hai mảnh ghép éo le và nghiệt ngã của số phận đã đến với nhau như thế.
Nước mắt anh Việt rưng rưng khi nói về người vợ: “Đời tôi may mắn khi lấy được Thảnh. Ngày ấy Thảnh xinh có tiếng ở vùng này. Lúc đó cô ấy lấy đâu chẳng được chồng lành lặn vậy mà vẫn nguyện gắn bó với tôi, làm đôi mắt cho tôi suốt cuộc đời này”.
Chuyện làm giàu
Đôi vợ chồng trẻ lấy nhau và cũng được bố mẹ hai bên cho chút vốn liếng, xây dựng cuộc sống gia đình riêng. Bố mẹ đẻ cho 50kg thóc, bố mẹ vợ cho 1 đôi lợn giống và 1 tạ thóc.
|
Anh Việt và vợ - chị Lê Thị Thảnh |
Người thanh niên vốn thông minh và năng động đó bàn với vợ, đem số thóc đó xát thành gạo rồi bán, cứ như thế họ trở thành những người làm hàng xáo từ bao giờ.
Anh Việt kể: “Ngày đó hai vợ chồng dải gạo ra nhà, chọn những hạt tấm để ăn, còn hạt gạo thì đem bán. Ngày ấy ngươi ta mua gạo bằng bơ chứ không tính cân như bây giờ. Những hạt tấm nhỏ có đổ vào cùng gạo thì cũng không tăng được số bơ vì những hạt nhỏ chui vào khe của gạo hết”.
Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc chỉ bằng những bữa cơm tấm, rau lang chấm tương gừng. Thế rồi chị Thảnh sinh cháu, vợ chồng phải gác lại nghề hàng xáo và chuyển sang nấu rượu và chăn nuôi.
Năm 2001 với nhiệm vụ làm đôi mắt cho chồng, chị Thảnh lại cùng chồng lặn lội sang Thái Lan những mong có cơ hội đổi đời.
Những tháng ngày biết bao là cơ cực nơi đất khách quê người, hai vợ chồng bươn trải đủ mọi nghề kiếm sống. Lúc thì họ đi mò cá thuê, chồng mắt kém thì mò cá dưới ao, vợ hì hục khênh cá trên bờ.
Mỗi đêm kiếm được vài trăm nghìn tiền Việt gửi về quê nuôi con. Giữa trời nắng như đổ lửa, anh leo lên từng ngọn dừa, làm cỏ, hái dừa, chị thì hái me, quả thốt nốt…
Nhiều lúc vợ chồng chỉ biết ôm nhau mà khóc, khóc vì nhớ nhà khóc vì thương con. Chị Thảnh tâm sự: “Có những đêm nằm nhớ con phát khóc, đã gấp quần áo định về rồi nhưng anh ấy lại động viên cố gắng một thời gian”.
Từ Thái Lan trở về Việt Nam, anh Việt đã tìm được hướng đi cho mình. Với đàn bò của chục con, gần chục con lợn nái, cộng với công việc nấu rượu và ao cá hàng năm gia đình thu nhập cả trăm triệu đồng.
Anh Việt còn chia sẻ những dự định mà mình đang ấp ủ. Nếu có vốn nhiều anh sẽ làm mô hình theo những gì anh học được từ Thái Lan đó là nuôi ba ba và cá sấu.
Chia tay chúng tôi vợ chồng anh Việt còn tự hào cho biết: “Con mình hai đứa đều mắt sáng cả. Cậu lớn đang làm công nhân may, còn em nhỏ đang học cấp 3. Năm ngoái vợ chồng mình bán đàn bò mua được mảnh đất cho thằng lớn ở Quảng Ninh rồi đấy”.
Thành công nhờ tự học
Dù đôi mắt không thấy đường nhưng anh Việt chưa bao giờ đầu hàng số phận. Việc học tiếng Thái Lan với anh vừa là niềm vui còn là bổ sung kiến thức.
|
Nhờ có chiếc đài thu thanh mà hàng ngày anh Việt có thể học tiếng Thái Lan. |
Niềm đam mê với tiếng Thái Lan của anh Việt bắt đầu từ năm 1998. Một lần vô tình nghe chương trình dạy tiếng Thái Lan trên đài tiếng nói Việt Nam, anh đã bắt đầu ham mê.
Hàng ngày cứ đến giờ dạy tiếng Thái trên đài anh lại chăm chú lắng nghe, ghi chép, khi bằng chữ nổi, lúc thì để mắt sát vào tờ giấy trắng ghi bằng chữ thường.
“Một ngày đài chỉ dạy khoảng 10 phút. Anh học chẳng có sách vở gì cả, chỉ nghe người ta nói rồi nhớ và nói theo” – anh nhớ lại: “Nhưng họ dạy tỉ mỉ từ cách phát âm, phiêm âm mũi thế nào… Cứ như thế anh học dần, một thời gian là nói được bập bẹ”.
Yêu tiếng Thái Lan rồi anh ước mong được sang đất nước chùa Vàng để được thực hành những gì đã học, thăm con người nơi đây. Năm 2001 ước mơ thành hiện thực. Ngoài việc nâng tầm tiếng Thái trên đất bạn, anh còn học được cách nuôi ba ba và cá sấu để có thể nhân rộng ở Việt Nam.
Anh nhớ lại, hồi còn nhỏ, nhà nghèo mắt lại mù nên việc tới trường với cậu bé Việt gần như không thể. Nhưng vì thông minh, ham học nên cậu xin và được nhà trường chấp nhận cho một chỗ ngoài cửa lớp.
Ngày ngày anh nhờ bạn bè dắt tới lớp, dùng chiếc ghế con ngồi ở đó, tai chăm chú nghe giảng bài. Ấy vậy mà năm nào cậu học trò Hoàng Quốc Việt cũng đứng đầu lớp. Lên cấp 3, do nhà quá xa, mắt lại kém nên đường học của cậu học trò nghèo đành lỡ dở.
Nhưng anh đã không đầu hàng. Hạnh phúc mà Hoàng Quốc Việt (xã Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên) có được ngày hôm nay là thành quả cho biết bao mồ hôi, nước mắt của chàng trai mù giàu nghị lực và lòng quyết tâm....
Văn Chung