Vào những năm 1990 về trước Phan Bá Giang (SN 1964) được mệnh danh là đại ca với biệt danh “Giang râu” bởi “thành tích” buôn gỗ lậu, chặt phá rừng. Rồi những cây gỗ quý, gỗ tạp, cây to, cây nhỏ của rừng Qùy Châu dần dần biến mất bởi nhiều đại ca lâm tặc khác cùng “Giang râu” góp sức triệt hạ. Tiếp đến 1991-1992 vùng đá đỏ xã Châu Bình, Qùy Châu (nơi Giang râu đang ở) sục sôi lên trong dòng người không chỉ ở tỉnh Nghệ An mà tứ xứ đổ về tìm vận may đổi đời. Đồi trọc, rừng trơ ở đây bị cày xới tung lên. Lúc này Giang râu đã có khối tiền từ lâm tặc vào cuộc, nhưng không phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt như bao người dân nghèo quần quật đào hang, bất chấp tính mạng mà chuyên săn lùng mua bán đá đỏ. Thời điểm 91- 92 mà anh ta đã có số tiền 4 tỷ đồng.
Nghĩ, với khối tiền khổng lồ này sẽ ăn cả đời không hết Giang râu bắt đầu lao vào ăn chơi. Rồi cơn lốc đá đỏ chóng vánh đi qua như nạn phá rừng. Một ngày anh ta giật mình khi tủ vàng lớn nhất miền tây Nghệ An đã bị bán sạch, vét tòan bộ tài sản chỉ còn 130 nghìn đồng “ Hôm đó trời mây mưa u ám như cuộc đời của tôi đang khép lại. Tôi nghĩ dù cả núi tiền không có mồ hôi nước mắt, chất xám thì chốc lát bay đi là chuyện thường tình. Phải làm gì đây từ tay trắng?”. Giang râu giải bày trong ăn năn, hối hận.
Vì ăn chơi mà một tủ vàng lớn đã hết sạch.
Đấy là câu chuyện u buồn của tỷ phú Giang râu khi hết nhẵn tiền và đầy bế tắc. Còn bây giờ Phan Bá Giang là tỷ phú của hàng trăm ha rừng trồng. Ngoài ra anh còn thúc đẩy hàng trăm hộ nghèo có đất vào cuộc trồng rừng bằng cách cho họ vay cây giống vật tư, hoặc thỏa thuận ăn chia trên đất sau khi thu hoạch. Nhưng để trả được món nợ rừng xanh hôm nay của anh quả là câu chuyện mấy ai biết đến.
Cuối năm 1992, Giang lấy vợ xin bố mẹ ra ở riêng như một cuộc thử thách. Tài sản của tỷ phú này chỉ có 1 chiếc kiềng sắt, một nồi nhôm méo mó và bốn chiếc bát. Chị Lê Thị Ngà (vợ Giang) bất chấp tất cả những nỗi khổ, vì tình yêu ngày đêm động viên chồng phục sinh, tìm lối thoát. Nhìn hàng nghìn ha đất trống, đồi trọc lở loét như bom B52 của vùng Châu Bình, anh thấy xót xa cho sự tan bạo của con người trong đó có anh góp sức.
Phải trồng rừng, một ý nghĩ chợt lóe lên! Nhưng tay trắng phải bắt đầu từ đâu? Đầu tiên anh đến UBND xã làm thủ tục xin cấp đất, tiếp đó mua sách kỹ thuật ươm giống cây. Thấy “đại ca” Giang râu làm chuyện kỳ lạ mà cả vùng quê này chưa ai làm, nhiều bạn bè không tin liền ra giá “Tôi đưa cho ông 1 triệu, nếu trồng được rừng thì biếu không luôn, còn không thì trả lại cho tôi gấp 10 lần”. Hàng chục người như thế đưa tiền đến thách thức làm chị Ngà vợ anh lo lắng “ Anh đã từng ôm tiền tỷ, quen sống sung sướng, bây giờ trồng rừng gian nan lắm, thôi trả tiền lại cho người ta đi, lỡ thất bại thì lấy đâu gấp 10 lần mà trả nợ”. Giang cười “Mình chết đuối vớ được cọc, sao lại thả cọc ra? Anh sẽ sống lại và sẽ trở thành tỷ phú từ rừng”. Đầu tiên anh làm một vườn ươm cây keo giống, trước tiên để mình trồng rừng. Năm tháng vợ chồng mồ hôi trộn nước mắt, 10 ha rừng keo dần dà lên xanh mướt mát, làm làng bản, bạn bè hết sức ngỡ ngàng khâm phục. Thấy việc hay, nhiều người cũng học theo Giang râu nhận đất trồng rừng. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều hộ có đất mà không sao trồng rừng được vì vốn đầu tư ban đầu không có.
Biết được khó khăn này anh Giang đã bán chịu cây giống, bày khoa học cho từng nhà. Khi rừng Châu Bình gần phủ hết một màu xanh, thì mùa khai thác keo đầu tiên của vợ chồng Giang cũng đã đến. Đó là vào năm 2002 anh khai thác 10 ha keo bán được 500 triệu. Nâng niu đồng tiền mồ hôi trộn nước mắt của gần 10 năm ròng, anh Giang tính toán chi ly: Phải trồng thêm nhiều ha rừng nữa, phải mở rộng vườn ươm giống để giúp nhà nhà cùng trồng rừng. Bây giờ thì rừng Châu Bình đâu đâu cũng một màu xanh bạt ngàn, dấu tích rừng tàn, đồi trọc chỉ còn lại trong ký ức của xã xưa. Ông Kim Văn Duyên chủ tịch xã Châu Bình nói “ Xã có khoảng 600 ha rừng nguyên liệu thì anh Giang đã có riêng 100 ha. Nếu anh Giang bán 100 ha rừng keo này với giá thời điểm cũng được khoảng gần 10 tỷ đồng, đó là chưa nói anh ta chung vốn chung đất trồng rừng ở các huyện như Quế Phong”.
Giang râu trìu mến ôm gốc cây rừng
Tìm hiểu được biết thêm hiện nay Phan Bá Giang còn có một vườn ươm hơn 80 vạn cây giống keo ở huyện Quế Phong, đủ trồng cho hơn 100 ha hàng năm. Hạt trưởng kiểm lâm ở đây cho biết “ Anh Giang đã có công rất lớn cùng hạt chúng tôi triển khai trồng rừng ở huyện Quế Phong. Phương thức của anh là bán cây giống cho bà con, ai không có tiền thì ghi nợ, ai có đất mà không đủ khả năng trồng thì anh thỏa thuận cùng các hộ : anh đưa cây giống và vật tư vào, công lao động và bảo vệ anh trả tiền hàng năm, đến mùa khai thác khấu trừ các khoản, còn lại chia đôi. Với phương cách “ thỏa thuận đôi bên” trên anh đã tạo việc làm cho hơn 50 công nhân với lương 2,5 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn có hàng trăm lao động khác làm theo thời vụ.
Chính cách làm mới trên của anh Giang đã tạo đà thúc đẩy để nhà nhà trồng rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều làng bản của vùng rừng hai huyện Qùy Châu, Quế Phong. Bây giờ anh đã có hai xe tải chuyên chở cây giống đến tận nơi người mua. Đến mùa khai thác hàng năm cũng chính hai xe tải này lại chuyên chở nguyên liệu đến nơi thu mua, nghĩa là làm tận gốc, bán tận ngọn. Trong một lần uống rượu Phan Bá Giang (tóc cắt trọc, râu cạo nhẵn) cười vang rừng nói “Đến bây giờ tôi đã trả được món rợ rừng xanh, nhưng vẫn là tỷ phú. Phải nói do nhận thức mà một thời mình quá ấu trĩ”. Hỏi về vợ con ở đâu mà không mấy lúc thấy mặt, anh bảo “ Vợ tôi lên thị trấn Qùy Châu, nấu ăn, giặt giũ, chăm lo, theo dõi hai đứa con đang học cấp 3. Có cháu gái Thùy Tiên học lớp 11 từ lớp 1 đến nay đều học sinh xuất sắc, giỏi cấp tỉnh. Vợ có nhiệm vụ trồng người, còn tôi trồng rừng. Vợ chồng con cái chỉ đoàn tụ ngày chủ nhật”.
Bây giờ thay vào một thời xa xưa vùng miền núi Qùy Châu, Quế Phong với cái tên “Địa ca lâm tặc, trùm buôn đá đỏ” người ta gọi anh với tên thuần khiết, đầy ý nghĩa mà trìu mến, khâm phục : Anh Phan Bá Giang trồng rừng.
Bài và ảnh: Hồ Hồng Tuyến