Năm 2012 Trần Nguyễn Lê Văn (tên thường gọi là Văn Trần) quyết định bỏ học ở Mỹ trở về Việt Nam lập công ty riêng với nhóm bạn của mình. Đó không phải là một quyết định dễ dàng…
Bánh đúc, thịt bò và những giấc mơ dang dở…
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM, khoa Công nghệ thông tin, nhưng Văn lại không yêu cái nghề này. Làm lập trình viên cho 2 công ty chỉ trong một thời gian ngắn, anh tự lập cơ sở kinh doanh bánh đúc, kinh doanh thịt bò bỏ mối cho các hệ thống siêu thị nhỏ, chuỗi Phở 24, chuỗi cửa hàng Vissan… trước khi sang Mỹ học tiếp cao học. Với dự án bánh đúc, Văn nuôi tham vọng sẽ xây dựng mô hình kinh doanh giống chuỗi tiệm Phở 24, tự mở rộng một số chi nhánh, sau đó sẽ sang nhượng quyền thương mại cho các nhà đầu tư có nhu cầu.
Trong mắt một cậu sinh viên ngày đó, chuỗi tiệm Phở 24 là đích thành công để vươn tới. Nhưng như chính anh cho biết, dự án đã thất bại hoàn toàn: “Tôi tính toán tại chợ Tân Bình với trên 1.000 tiểu thương kinh doanh hàng ngày. Chỉ cần 1/3 số người đó mua bánh đúc của mình để ăn sáng là đã thành công rồi. Thế nhưng chưa tìm khách hàng, chưa giới thiệu cho họ lại làm ồ ạt và kết quả là ôm bánh mà ăn và năn nỉ người khác ăn giùm”. Thay vì chỉ mua một chiếc nồi, xửng hấp bánh đúc để bán thăm dò thị trường trước Văn đã sắm ồ ạt mọi thứ, vốn liếng 20 triệu đồng bay vèo.
Giải thích tiếp dự án kinh doanh bỏ mối thịt bò khi đã ra trường, Văn kể, khi đang học cấp 3, gia đình đã có biến cố lớn liên quan đến tài chính nên cho dù đang đi học, anh luôn canh cánh trong lòng phải làm gì để giúp gia đình. “Gia đình ở ngay bên hông chợ Tân Bình (Q. Tân Bình, TP.HCM), hàng ngày chứng kiến cảnh mua bán kinh doanh theo văn hóa chợ rất thú vị, nhưng tôi thấy các tiểu thương làm kinh doanh theo thói quen truyền thống, chưa có hệ thống phân phối chuyên nghiệp. Vậy là tôi nhảy vào cuộc, tìm đến các lò mổ, đặt mua thịt bò với lượng lớn rồi đi bỏ lại, doanh thu vài trăm triệu đồng mỗi ngày là bình thường”, Văn nói.
Tuy nhiên, khi quyết định du học, cơ sở kinh doanh này được để lại cho người mẹ của Văn quản lý và đã đóng cửa do một mình bà điều hành không xuể.
Nhập cuộc và “cách mạng” ngành xe khách
Trị giá gói học bổng cao học mà Văn nhận được từ Mỹ là 86.000 USD trong hai năm. Để có thêm 10.000 USD chi phí cho tiền ăn trong 1 năm, Văn phải đi làm thêm.
Trong một buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm du học do Abroader tổ chức, Văn kể khi quyết định quay trở về Việt Nam để lập nghiệp, mẹ của anh phản đối rất dữ dội. “Bà nói: “Nếu về lúc này thì đừng nhìn mặt mẹ nữa”. Mẹ mong tôi trang bị cho mình đủ hành trang tốt trước khi về nước chứ không thể bỏ ngang. Thực tế, với cá nhân tôi từ bỏ giấc mơ Mỹ cũng không dễ dàng chút nào”, Văn nhớ lại.
Một trong những lý do thôi thúc anh về Việt Nam là vào năm 2012, một buổi sáng thức dậy Văn bỗng thấy thấy cả khu ký túc xá Đại học Thunderbird (Bang Arizona, Mỹ) thường ngày nhộn nhịp là thế, hôm ấy trống hơ trống hoác. “Cảm giác cô đơn kinh khủng. Bạn bè đã về nhà nghỉ đông hoặc đi du lịch xa, tôi không có tiền về quê hay đi chơi, tất nhiên phải chọn giải pháp ở lại ký túc xá để đi làm thêm”, Văn bộc bạch.
Anh lặng lẽ quay trở vào phòng mở máy lướt mạng đọc tin tức về Việt Nam cho đỡ nhớ nhà. Đập vào mắt là bài phóng sự về hàng ngàn công nhân, sinh viên Việt Nam đang chen chúc để xếp hàng mua vé xe về quê dịp Tết. Đọc xong bài báo Văn tự hỏi, tại sao Việt Nam không có một hệ thống bán vé xe kiểu như bán vé máy bay ở Mỹ thay vì phải xếp hàng mất quá nhiều thời gian?
Chính từ sự đồng cảm này, anh đã bỏ sự nghiệp học cao học ở Mỹ để về Việt Nam cùng với hai người bạn là Lương Ngọc Long (tốt nghiệp Đại học Bách khoa, đoạt giải Olympic tin học cấp quốc gia) và Đào Việt Thắng (quản trị viên tập sự tài chính ở Mỹ), sáng lập trang web vexere.com từ tháng 7/2013. Văn làm tổng Giám đốc. Hơn một năm hoạt động, theo Văn, vexere.com đến nay đã có 24 triệu lượt khách truy cập thông qua Google và cũng là hệ thống bán vé xe lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.
Văn chia sẻ, mỗi năm Việt Nam có 24 triệu lượt khách đi lại bằng xe đò, trên 1.000 hãng xe, chạy trên 3.000 tuyến đường. Nhưng bao năm qua, thông tin để mua vé, đặt vé vẫn còn rất sơ sài, điện thoại đặt vé chỉ có thể áp dụng với một số nhà xe lớn, còn lại cứ chạy ra bến xe mới tìm vé để đi, khi không có phải chờ đợi…
“Tôi muốn có một nơi tập trung tất cả thông tin về các tuyến xe trên toàn quốc, ngày giờ, nơi đi nơi đến… Khách tìm hiểu thông tin và đặt vé chỉ bằng một cú nhấp chuột. Đó là giấc mơ của chúng tôi khi sáng lập trang này”, Văn hào hứng nói.
Hỏi Văn động lực nào để kêu gọi được cả 1.000 chủ nhà xe tham gia bán vé qua vexere.com? Văn cho rằng, đó là nhờ tin tưởng chiến lược cách mạng hóa ngành giao thông vận tải do Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải quyết liệt thực hiện. Niềm tin thứ hai là những phản hồi hài lòng của khách sử dụng trang mạng để tìm hiểu thông tin, mua – đặt vé trong hơn 1 năm qua. “Tên gọi trang web là vậy, nhưng mỗi ngày chúng tôi có vô số việc để làm, như cung cấp thông tin các hãng vận chuyển hàng hóa gì, đi đâu, dịch vụ cho thuê xe du lịch…”, Văn cho biết.
Dự án web bán vé online này cũng từng nhận được nhiều giải thưởng
Chính nhờ thông tin tốt về dự án, trường Đại học Thunderbird (Mỹ) – nơi Văn đang dang dở việc học – đã đồng ý cho anh quay trở lại hoàn tất khóa học và lấy bằng MBA vào đầu năm nay. Hiện Quỹ đầu tư Cyber của Nhật đã đầu tư vào trang web này. Với nhiều thông tin lạc quan, Văn quả quyết rằng, trong vòng 2 năm nữa, giá trị của công ty (hiện có 18 nhân sự) sẽ lên tới 10 triệu USD.
Lạc Sơn
Dấu mốc đáng nhớ của Trần Nguyễn Lê Văn
- Nhận học bổng Endeavor của Chính phủ Úc, học bổng MBA của Đại học Quốc tế. Chọn học bổng toàn phần SHARE của Đại học Thunderbird (Arizona, Mỹ) để học thạc sĩ
- Đồng sáng lập và là Tổng giám đốc trang vexere.com từ tháng 7/2013 đến nay. Đây là trang web có 24 triệu lượt truy cập qua Google và tính đến thời điểm này là hệ thống bán vé xe online lớn nhất của Việt Nam
- Dự án đạt giải thưởng khởi nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giải Bạc cuộc thi Mekong Business Challenge 2014 do Công ty McKinsey tổ chức, Giải Nhất chương trình e27 (Echelon Ignite Vietnam 2014 – Cuộc so tài giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp)
Doanh Nhan