Đi đâu cũng nhớ ruộng
Khoa sinh năm 1970, nông dân thứ thiệt, thành thạo từ đào ao nuôi tôm đến làm vườn. Năm 2002, ruộng đất nhà anh bị thành phố thu hồi để làm dự án, anh đành bỏ nghề nông, lấy tiền đền bù mua xe tải chở hàng thuê. Lái xe tải bôn ba cả nước nhưng lòng vẫn nhớ ruộng đồng, muốn quay lại nghề xưa, Khoa đã chọn một con đường để quay về rất khôn khéo là làm cây cảnh. Cái nghề này anh âm thầm học trong quá trình chở thuê cây cảnh cho khách hàng. Anh học lỏm từ cách “săn” cây đẹp, cách chăm sóc, uốn, tỉa, và tìm hiểu cả về thị trường. Khi đã chắc tay rồi, anh bán bớt xe tải, đầu tư làm cây cảnh. Để có mặt bằng, anh xin Hội ND P.Hoà Cường Nam cho tạm sử dụng 6.000m2 đất thuộc dự án “treo” Công viên Xử lý nước thải Đà Nẵng nằm trên đường Lê Thanh Nghị.
“Khoa rất táo bạo. Mấy chiếc xe tải đang là cần câu cơm của Khoa nhưng Khoa quyết định bán để đầu tư làm cây cảnh. Nghề này đòi hỏi đầu tư nhiều, đã vậy lại đầu tư trên đất dự án, chuyện thu hồi không biết bất cứ lúc nào. Không phải Khoa “liều” như có người nghĩ, cái chính là Khoa tin việc mình làm sẽ thành công” – ông Ngô Văn Hưng- Chủ tịch Hội ND P.Hoà Cường Nam, người cho Khoa mượn đất sản xuất, nói.
Khoa chậm rãi trình bày: “Để tránh rủi ro, tôi phải để ý nhiều dự án “treo” cùng lúc, khi dự án mình đang làm bị thu hồi thì sẽ có ngay mặt bằng khác mà chuyển cây đến. Tất nhiên để chuyển cây cối qua địa điểm mới phải tốn vài trăm triệu đồng chi phí nhưng tôi chấp nhận. Tôi tin mình sẽ thắng”.
Anh không ngại lên rừng, xuống biển để mua cây đẹp, cây độc. Anh lại về các khu giải toả để mua cây ăn quả (cho rẻ) về chăm sóc, uốn tỉa rồi bán lại. Khoa ăn, ngủ với cây, tâm trí để hết vào cây. Có những cây mua về, anh vừa chăm sóc vừa ngủ bên cây vì sợ cây chết, mình mất tiền. Ngủ dậy, mở mắt ra là nhìn cây trước, xem nó có phát triển không. Cứ bán được cây nào, anh lại lấy tiền mua thêm cây về chăm sóc. Nhờ vậy mà Khoa có cả ngàn cây cảnh, cây ăn quả đẹp, trị giá khu vườn nhiều tỷ đồng. Nhiều năm lại đây, mỗi năm doanh thu của Khoa khoảng 2 tỷ đồng, lãi hơn nửa tỷ đồng, giải quyết nhiều lao động, cuộc sống ổn định. Nhờ đó, liên tục được tặng danh hiệu ND SXKDG cấp thành phố. Năm nay, anh là một trong 3 ứng viên của Đà Nẵng cho danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2014.
Nhiệt thành với công tác hội
Theo ông Ngô Văn Hưng, nơi Khoa sản xuất cây cảnh nguyên là đất dự án “treo” bỏ hoang cả chục năm trời. Nơi đây hôi hám, ô nhiễm, là điểm tập trung các đối tượng tiêm chích ma tuý khiến công an vất vả xử lý. Từ khi Khoa về đây, nhiều ND khác cũng về theo biến khu đất hoang thành vùng chuyên sản xuất kinh doanh cây cảnh đẹp mắt của thành phố, ô nhiễm không còn mà tệ nạn cũng biến mất.
Khoa sống rộng rãi, sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn. Từ năm 2008 đến nay, anh nhận nuôi cụ bà Lê Thị Tào (tổ 12, phường Hoà Cường Nam) neo đơn, nghèo khó, với mỗi tháng 2,5 triệu đồng, giúp bà không phải lo miếng cơm manh áo.
Anh dành một khoảng đất đẹp trong vườn cây cảnh của mình để làm nơi sinh hoạt định kỳ của CLB Nông dân với pháp luật của phường. Bản thân anh là Chi hội phó Chi hội Sinh vật cảnh của phường. Theo ông Ngô Văn Hưng, đây là chi hội mạnh nhất không chỉ của phường mà còn của thành phố. Chi hội anh có một ND đạt danh hiệu ND SXKDG cấp Trung ương, 4 danh hiệu ND SXKDG cấp thành phố, 15 ND SXKDG cấp quận (trong khi cả quận chỉ có 18 ND đạt danh hiệu này).
“Mỗi năm chi hội anh Khoa đóng góp cho hoạt động hội của phường bình quân 70 triệu đồng. Trong đó, anh Khoa bao giờ cũng đóng góp phần nhiều, đóng góp trước” – ông Hưng nhận xét.
Khoa ăn, ngủ với cây, tâm trí để hết vào cây. Có những cây mua về, anh vừa chăm sóc vừa ngủ bên cây vì sợ cây chết. Anh ngủ dậy, mở mắt ra là nhìn cây trước đã, xem nó có phát triển không.
|