* Sau khi đầu tư 30 tỷ đồng vào 5 dây chuyền sản xuất sữa bột, bột dinh dưỡng, bột giải khát với công suất 200 tấn/tháng, năm 2003-2004, doanh thu của Hancofood đạt con số khả quan và không thua kém một số doanh nghiệp sữa trong nước. Năm 2006, Hancofood đầu tư tiếp 80 tỷ đồng cho 5 dây chuyền sản xuất bánh kẹo nhưng không hiệu quả, phải chăng việc mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bánh kẹo đã khiến Hancofood gặp khó?
- Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái nặng nề, rất nhiều doanh nghiệp tâm huyết với con đường đã chọn nhưng không vượt qua nổi khó khăn, chúng tôi cũng là một trong số doanh nghiệp đó.
Và nếu chỉ tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là sản xuất sữa cũng như có chiến lược đầu tư, phát triển sản phẩm và thị trường một cách đúng đắn, chắc chắn Hancofood sẽ kinh doanh ổn định và bản thân tôi cũng không phải trả giá cho những quyết định sai lầm, dẫn đến thiệt hại khá nặng nề này.
Song, mất mát lớn nhất với tôi không phải là tiền của mà là thời gian để tôi sửa sai và làm lại. Gần 5 năm nhà máy sản xuất bánh hoạt động không hiệu quả, dẫn đến phải đóng cửa. Năm 2011, tôi quyết định tái cấu trúc toàn bộ Công ty, đổi tên Hancofood thành Công ty Cổ phần DFB Hanco Việt Nam, xác định ngành cốt lõi là chuyên sản xuất sữa và thực phẩm dinh dưỡng.
* Sản phẩm của DFB Hanco Việt Nam được xác định phải có giá trị nhân văn, dinh dưỡng nhưng giá lại không rẻ, như vậy có vẻ không hợp lý lắm?
- Khi tái cấu trúc, chúng tôi đã đưa ra định hướng cho sản phẩm của DFB Hanco Việt Nam là phải gắn với cộng đồng, tạo giá trị cho nông sản và nông dân Việt Nam.
Trước đây, nông dân chỉ biết cung cấp nguyên liệu cho nhà sản xuất, không biết sản phẩm mình làm ra đi đâu, giá trị thặng dư ở đâu, DFB Hanco sẽ làm cho họ thấy điều đó cùng với việc cung ứng cây giống, kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm cho họ.
Ngoài ra, nhà máy của chúng tôi sẽ là môi trường để sinh viên các trường đại học thực tập, ứng dụng kỹ năng học được và thể hiện óc sáng tạo. Với người tiêu dùng, họ sẽ được đến tham quan nhà máy bất cứ lúc nào để biết quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm, được đưa đón tận nơi và mời ăn trưa. Tận mắt nhìn thấy quy trình sản xuất, tôi tin người tiêu dùng sẽ an tâm về chất lượng và tin dùng sản phẩm của DFB Hanco hơn.
Riêng về giá cả, tôi không ủng hộ quan niệm ngon - bổ - rẻ. Nhiều người hỏi tôi: "Đầu tư lớn như vậy, làm sao tính toán giá thành hợp lý được?". Tôi khẳng định làm được vì ngoài việc tính toán rất kỹ khấu hao cho đầu tư, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, chủ trương của chúng tôi là phục vụ số đông, chỉ cần 1 - 2% trong số 20 triệu trẻ em Việt Nam hiện nay dùng sữa của DFB Hanco là đủ và người tiêu dùng cũng không phải "thắt lưng buộc bụng" để mua sản phẩm ngoại với giá quá bất hợp lý nữa.
* Sau mỗi thất bại, có người đứng dậy đi tiếp nhưng cũng có người bỏ cuộc vì không đủ niềm tin và sức mạnh, với bà, ngoài niềm tin vào con đường đã chọn, động lực để bà đi tiếp là... "không biết sợ"?
- Thấy tôi quyết định quay lại lĩnh vực sữa vào thời điểm thị trường cạnh tranh khá khốc liệt, không ít bạn bè, nhân viên và cộng sự cũng có chút lo lắng, nhưng tôi đã động viên họ: "Tuy khó, nhưng sẽ làm được nếu quyết tâm". Hơn nữa, niềm tin của tôi vào thị trường sữa rất lớn.
Dù thị trường cạnh tranh nhưng thị phần sữa Việt Nam còn thấp, thu nhập bình quân, nhu cầu sử dụng sữa, sự hiểu biết về dinh dưỡng của người Việt cũng tăng đáng kể, hiện nay không chỉ trẻ em mà cả người trung niên, phụ nữ, người già cũng bắt đầu có thói quen uống sữa.
Vậy nên tôi không sợ cạnh tranh, vì đã kinh doanh thì lĩnh vực nào cũng có cạnh tranh, càng ngã đau càng biết sức mạnh của mình ở đâu. Từng đi lên từ tay trắng, bất quá làm lại từ đầu nên tôi không sợ bất cứ điều gì.
Hai mươi năm kinh doanh trong ngành sữa, từng xây lên, phá đi một vài nhà máy nên tôi có nhiều kinh nghiệm, biết áp dụng các tiêu chí nào cho nhà máy vận hành hiệu quả, đạt tiêu chuẩn cao nhất.
Hơn nữa, người tiêu dùng mua sản phẩm của tôi vì niềm tin chứ không vì thương hiệu nên tôi tin sản phẩm mình tốt thì sẽ có người mua. Đặc biệt, tôi biết rõ giá trị sữa mang lại và luôn có nhiều ý tưởng mới cho sản phẩm dinh dưỡng. Tôi nghĩ, khi tham gia lĩnh vực này, ai có định hướng đúng, ý tưởng thực tế sẽ đi đến đích.
* Bà có rút ra được bài học gì sau sai lầm của mình không?
- Giai đoạn tái cấu trúc là giai đoạn khó khăn nhất vì người lãnh đạo phải biết nhìn nhận khuyết điểm để sửa sai, kiên quyết cải tổ, dứt bỏ rất nhiều thứ từ quan niệm, cách làm, kể cả trong quan hệ tình cảm. Khi công cuộc tái cấu trúc thành công và dự án mới được triển khai, tôi ngộ ra: Trong thất bại, quan trọng nhất là biết nhìn lại mình và biết cái sai của mình ở đâu để sửa.
Cái sai của tôi là cả nể và không kiên định, để rồi đưa ra quyết định đầu tư vào các dự án rủi ro trong khi cổ đông có quá nhiều ý kiến trái chiều. Sau sai lầm, tôi rút ra: Công việc và tình cảm là hai phạm trù khác nhau.
Cái gì chưa chắc chắn thì không nên gắn tên tuổi công ty vào. Trước đây, tôi thích làm gì là đầu tư, nhưng bây giờ biết thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, và những con số nghiên cứu phải thật sự biết nói, việc đầu tư cũng phải thẩm định kỹ.
Trong ba năm cải tổ, tôi đã học hỏi rất nhiều từ những người đi trước, từ kinh nghiệm của bạn bè và sách vở. Đặc biệt, qua những bài viết về gương doanh nhân thế giới và trong nước, tôi đúc kết và học hỏi được nhiều kinh nghiệm vượt khó, có tới 90% doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đa ngành đều quyết định quay lại lĩnh vực cốt lõi và ổn định.
* Chắc hẳn bà đang rất nóng lòng tìm cổ đông chiến lược để đẩy nhanh tiến độ dự án vào giai đoạn hai, và tiêu chí chọn đối tác của bà chắc cũng khác sau nhiều cuộc "hôn nhân" thất bại trước đó?
- Khi thất bại người ta sẽ nhìn thấy nhiều điều có ý nghĩa hơn khi thành công. Tôi nghiệm ra: Thất bại là do mình, không ai đi nhanh mà không vấp, vậy nên cứ từ từ, liệu sức mình mà đi.
Tôi không quá kỳ vọng vào doanh số, hoặc đặt ra kỳ vọng phải đạt hàng thứ mấy trên thị trường, chiến lược của tôi là đi vào nhu cầu thật sự của người dùng, sản phẩm không quá khác biệt nhưng mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe.
Chẳng hạn, việc ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất các sản phẩm sữa và ngũ cốc nảy mầm Gaba là sự khác biệt. Chúng tôi sẽ làm ra một số sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho từng đối tượng như sản phẩm dinh dưỡng chữa mất ngủ. Ngũ cốc nảy mầm Gaba là các sản phẩm đang được các nước trên thế giới hướng đến sản xuất.
Trước đây ngũ cốc rất thông dụng, nhưng việc dùng phương pháp nảy mầm sẽ thúc đẩy enzym phát triển (giống như DHA), làm tăng nhiều hơn các chất bổ dưỡng cho não bộ, giúp trẻ thông minh, lanh lợi hơn, người lớn không bị giảm trí nhớ.
Sau khi nhà máy sản xuất sữa và ngũ cốc nảy mầm Gaba hoàn thành giai đoạn một, nếu có đối tác đầu tư tốt, dự án sẽ tiến triển nhanh hơn, ước mơ của tôi sớm thành hiện thực hơn.
Song, hợp tác là sự kết hôn và đi cùng nhau suốt chặng đường dài nên tôi cần những người có cùng tâm huyết, tiềm lực, kinh nghiệm và phải minh bạch, luôn thông hiểu và biết chia sẻ. Tuy nhiên, kết thúc giai đoạn một, nếu chưa có đối tác, chúng tôi cũng đã mang lại sự thay đổi cho thị trường sữa và vẫn đủ nội lực để đi từ từ tới đích.
* Bà từng nói: "Ước mơ của tôi là muốn trở thành một doanh nhân thật sự", bà có thể giải thích rõ hơn ý nghĩa câu nói này?
- Hai mươi năm kinh doanh trong ngành sữa, thấy người dân Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi so với người dân nước khác, cộng với nhận thức: Cơ thể không khỏe mạnh thì làm sao có trí tuệ tốt, nên trong chiến lược tái cấu trúc Công ty, tôi quyết tâm đưa DFB Hanco trở thành một trong những công ty Việt Nam có sản phẩm ngang tầm thế giới, mang lại giá trị thật sự cho ngành sản phẩm dinh dưỡng Việt Nam và sức khỏe cho con người.
Ngoài việc kinh doanh có lãi để tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội và nền kinh tế, mong muốn lớn nhất của tôi là làm điều có ích, tạo giá trị cho nông sản Việt Nam chứ không chỉ xuất thô như hiện nay và tên tuổi của DFB Hanco sẽ gắn với cộng đồng.
Song, những giá trị đó phải được làm đúng, kinh doanh có tâm và bằng chính sức lao động chân chính của mình. Bản thân tôi còn thích có được sự thanh thản, ăn ngon ngủ yên, thích người ta nói đến mình với niềm yêu thương, đó mới chính là giá trị của một doanh nhân thật sự.
* Nhìn lại chặng đường thăng trầm đã qua, điều bà tâm đắc nhất là gì?
- Khi nhà máy bánh đóng cửa, mỗi ngày tôi mất đi không biết bao nhiêu thứ, nào là chi phí, hàng tồn kho, bao bì, máy móc, rồi uy tín, thương hiệu bị tổn hại. Ai đã từng kinh doanh và rơi vào hoàn cảnh như tôi mới thấy đau lòng và xót xa như thế nào.
Mỗi ngày nhìn hàng tồn kho phải đem thiêu hủy, nhiều nhân viên của tôi bật khóc! Lúc đó, tôi cũng lao đao, mệt mỏi nhưng bên ngoài vẫn cố mỉm cười để động viên mọi người và tự nhủ: "Mình còn có trách nhiệm lớn hơn là phải thúc đẩy, tạo niềm tin cho những người đi theo mình nên không được mềm yếu, thối lui". Và may mắn nhất là đội ngũ cộng sự đã không bỏ Công ty, không xa rời tôi ngay cả những lúc khó khăn tận cùng.
Để có được may mắn này, điều tôi tâm đắc nhất là mình đã sống đúng, có trách nhiệm với nhân viên. Suốt thời gian làm việc cùng nhau, tôi luôn dành cho họ tình cảm của một người chị, người bạn chứ không phải người lãnh đạo, chia sẻ với mọi người giá trị họ được nhận và những dự định tôi ấp ủ.
Thậm chí, những lúc khó khăn nhất, tôi sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình, lấy tiền túi để trả lương cho nhân viên, tôi chưa từng nợ ai một ngày lương ngay cả khi nhà máy bị đóng cửa.
Là người theo đạo Phật, tôi hiểu rõ luật nhân quả: Gieo giống tốt sẽ nhận quả ngọt nên triết lý sống của tôi là: Cho nhiều hơn nhận. Có lẽ vì vậy nên tôi có nhiều bạn bè và hạnh phúc nhất là chẳng bị ai ghét. Có người còn nói, gần tôi, họ được tiếp thêm sức mạnh vì lúc nào cũng thấy tôi lạc quan.
Thật ra, những lúc khó khăn dồn đuổi, tôi cũng thấy đuối sức, thế nhưng chỉ cần một cuộc điện thoại bạn bè cần tôi chia sẻ, tôi lại chạy đến an ủi, động viên để bạn mình có thêm nghị lực tiếp tục công việc.
* Nhiều người bảo bà rất ít nữ tính vì thấy nơi bà tính cách mạnh mẽ, dáng vẻ năng động, hoạt bát và giọng nói cũng rất nam tính...
- Nhiều người thường nghĩ, những phụ nữ mạnh mẽ, hơi nam tính thì nữ công gia chánh rất vụng, nhưng tôi thì ngược lại, đằng sau vẻ bên ngoài cứng cỏi, mạnh mẽ, tôi cũng là một phụ nữ rất tình cảm, dí dỏm, cũng thích làm đẹp, nấu ăn ngon, nội trợ giỏi và thích được... chiều chuộng.
Ra ngoài xã hội và trong công việc, tôi quyết đoán, mạnh mẽ là vậy, nhưng trong gia đình tôi vẫn là người mẹ nhẹ nhàng của hai đứa con và mềm mỏng với chồng, không thích nói nhiều và to tiếng trong nhà.
Tôi có một nguyên tắc: Không bao giờ đem chuyện buồn và công việc về nhà vì chỉ làm cho người thân lo lắng mà không giải quyết được gì. Hai mươi lăm năm qua, chưa bao giờ gia đình biết những lúc tôi gặp khó khăn, tôi luôn duy trì cuộc sống ở mức cân bằng. Với tôi, gia đình luôn là chốn bình yên.
* Trong ngành sữa Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp có "thuyền trưởng" là nữ như bà Lệ - Nutifood, bà Mai Kiều Liên - Vinamilk, bà Thái Hương - TH True Milk..., bà học được gì từ thành công của họ?
- Tôi ngưỡng mộ cả ba nữ "thuyền trưởng" này vì họ không chỉ có tài lãnh đạo mà còn là người mạnh mẽ, quyết đoán, giỏi việc nước, đảm việc nhà. Lợi thế của chị Mai Kiều Liên là có vốn nhà nước, gặp môi trường làm việc tốt nên phát triển đúng chuẩn mực, nhưng cái hay của chị là có tầm nhìn, chiến lược đúng đắn. Còn chị Lệ là người phụ nữ có nghị lực; chị Thái Hương là người dám nghĩ, dám làm những điều người khác không làm...
* Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện cởi mở!
LỮ Ý NHI thực hiện