- Là quốc gia xuất khẩu cafe thuộc hạng nhất nhì thế giới nhưng cafe Việt lại chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành, ông có thể lý giải điều này?
-Tôi nghĩ nguyên nhân cơ bản là chúng ta để cho bà con nông dân trồng tự phát mà không định hướng cho họ. Cây cafe có từ hàng nghìn năm và đối với nhiều quốc gia nó là một di sản. Vấn đề ở chỗ phải có tư duy chiến lược thay vì tư duy sự vụ thì mới giải quyết được.
Hãy tìm hiểu xem thế giới muốn nghe câu chuyện gì từ cafe Việt Nam. Không nên nhìn cafe dưới dạng nông nghiệp thực phẩm mà hãy nhìn nó như một thực thể sống gắn với đời sống buồn vui của người nông dân. Và cao hơn là hãy nhìn nó dưới góc cạnh văn hóa mang nhiều triết lý sống. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt của cafe Việt Nam với thế giới.
- Đại sứ Brazil cho rằng, các quốc gia trồng cafe có số lượng nhiều nhất nhì trên thế giới lại đem giá trị rất thấp, trong khi quốc gia không trồng hạt nào lại thu lợi rất cao. Theo ông nghịch lý này là vì đâu?
- Việt Nam là cường quốc trồng cafe nhưng lợi nhuận từ xuất khẩu còn ít. Việt Nam mới chỉ đứng đầu về sản xuất cà phê robusta trên thế giới. Tôi cho rằng, chúng ta cần xem xét lại tất cả các khâu, từ trồng, chế biến cho đến đóng gói. Để giá cafe Việt Nam không còn phụ thuộc vào New York và London thì thương hiệu cafe Việt phải được xây dựng vững chãi cả về chất lượng thay vì chạy theo số lượng như hiện nay. Theo tôi đã đến lúc các quốc gia trồng cafe nhiều như Brazil, Việt Nam, Indonesia ... phải ngồi lại bàn bạc đưa ra chiến thuật để thay đổi cuộc chơi.
- Chuyện thu hái cà phê quả xanh khiến chính người nông dân bị thiệt hại và ảnh hưởng đến chất lượng xuất khẩu đã trở thành vấn nạn. Vậy theo ông, đâu là giải pháp để ngăn chặn tình trạng này?
- Hội thảo 15 năm bàn tới bàn lui mà chúng ta không giải quyết được vấn đề này trong khi tôi nghĩ câu trả lời rất đơn giản. Vấn đề ở chỗ chúng ta có quyết tâm làm hay không mà thôi. Trước hết, tôi cho rằng, chúng ta cần phải xây dựng những tiêu chuẩn quốc tế cho cây cafe. Nếu bà con trồng đúng cafe có chất lượng thì chúng ta thu mua với giá cao. Ngược lại, nếu không đủ chuẩn, thì không được xuất cảng. Vấn đề ở chỗ phải cương quyết. Sao được mùa lại mất giá và được giá lại mất mùa. Tại sao mình là quốc gia trồng lớn mà không kiểm soát được? Bà con luôn có tâm lý "xanh nhà hơn già đồng". Nếu người nông dân hái quả xanh mà chúng ta vẫn thu mua thì họ sẽ không quan tâm tới chất lượng cây cafe.
- Trung Nguyên đã đặt văn phòng tại Mỹ. Vì sao ông lại chọn Mỹ?
- Chúng tôi chọn Mỹ để chinh phục thế giới vì tôi cho rằng đã đến được Mỹ thì sẽ đến được mọi nơi. Cafe không đơn thuần là đồ uống, mà nó vĩ đại hơn nhiều. Người Mỹ họ chứng thực điều này rất rõ. Cao bồi Mỹ đi khai phá miền Tây thì trong người lúc nào cũng mang một bình cafe để uống. Cafe không chỉ đơn thuần là một thứ đồ uống đơn giản mà đã trở thành một di sản của thế giới. Tôi cũng muôn thay đổi lại quan niệm về cafe của Việt Nam.
- Cây cafe được chọn làm một trong 5 thương hiệu quốc gia. Sắp tới, Việt Nam dự kiến xây dựng thủ phủ cafe ở Buôn Ma Thuột. Vậy cơ hội của ngành cafe Việt Nam đến đâu thưa ông?
- Đề án biến xây dựng Buôn Mê Thuột thành thủ phủ cafe toàn cầu đang được xây dựng. Thế giới có hàng nghìn thành phố, chỉ khi chúng ta tạo được thành phố mang nét đặc sắc riêng mới có thể thu hút được các nhà đầu tư. Cơ hội có nhiều nhưng tôi cho rằng vấn đề ở chỗ liệu chúng ta có kéo được thế giới đến Việt Nam hay không và thể hiện năng lực của Việt Nam ra thế giới đến đâu? Chúng ta cần có những sản phẩm cafe khác biệt chứ không phải bắt chước quốc gia này quốc gia kia.
Sắp tới chúng ta có lễ hội cafe. Tôi cho rằng cái khó nhất là phải biến lễ hội trở thành cuộc chơi của quần chúng chứ không phải chỉ là nơi trình diễn. Cafe Việt Nam đang có nguy cơ mà tôi cho rằng chỉ có hai con đường hoặc là thiên đường hoặc là địa ngục. Để nó trở thành thiên đường, chúng ta cần phải có chiến lược.
- Vậy theo ông chiến lược cafe Việt Nam sẽ là gì?
- Đó là định hướng cafe phát triển trong 10 năm. Trước đây khi tôi nói, trong 10 năm cần đưa ra chiến lược xuất khẩu cafe đạt 20 tỷ đôla mỗi năm, nhiều người đã giật mình. Nhưng đến khi họ nghe tôi phân tích từng chi tiết cụ thể thì gật gù đồng ý. Xuất khẩu dầu khí có thể xuất thu được được 25 tỷ đôla mỗi năm nhưng nguồn tài nguyên này gần hết rồi. Cafe như một mỏ dầu tái tạo hay nói cách khác như nồi cơm Thạch Sanh. Tôi cho rằng, nếu quyết tâm và có chiến lược chúng ta có thể hoàn thành chỉ tiếu xuất khẩu đặt ra trong 10 năm.
Từ 10/3 đến 14/3, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk sẽ diễn ra lễ hội cafe Buôn Ma Thuột lần 3. Lễ hội thu hút 160 doanh nghiệp tham gia trong đó có 18 công ty nước ngoài. Các sản phẩm trưng bày tại triển lãm gồm các loại cafe nhân, cafe chế biến, sữa đường bột kem, bánh ngọt... dùng kèm với cafe. Khách hàng tham dự sẽ được uống cafe miễn phí tại các quán cafe trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, du khách còn được hưởng văn hóa ẩm thực Tây Nguyên kèm tour du lịch ngắn khám phá các khu vườn trồng và một số nhà máy chế biến cafe.
Khác với hai lần trước, lễ hội lần thứ 3 có hội thảo “Phát triển cafe Buôn Ma Thuột bền vững” với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế đến từ Brazil, Indonesia, Columbia, Ethiopia. Đặc biệt, triển lãm còn diễn ra cuộc thi Đệ nhất pha chế cafe tại Việt Nam năm 2011. Trong vòng 15 phút, thí sinh sẽ phải hoàn thành 9 tách cafe. Ngày 11/3 sẽ có đêm thiết lập kỷ lục Phin cafe lớn nhất Việt Nam.
|
Hoàng Lan