Đưa vào khai thác du lịch từ năm 1999, Vân Long được biết tới như một vùng đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc bộ, trải rộng trên gần 3.000ha thuộc địa bàn của bảy xã thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Ít được biết tới như tuyến Tam Cốc – Bích Động, bến đò trên triền đê thường hiu hắt vắng lặng suốt ngày, và ngay mặt nước mênh mông cũng ít khi xao động mái chèo. Rõ ràng thu nhập từ du lịch của cư dân bản địa có phần kém hơn so với bên Tam Cốc, nhưng biết làm thế nào, bởi sự đầu tư ở đây vẫn còn ở mức sơ khai. Thuyền chở khách đúc bằng ximăng phủ cốt phên tre, trông không mấy cảm tình cho du khách, song bù lại người chở đò thường chất phác, tất nhiên không có cảnh chèo kéo mua bán đồ thêu, chụp ảnh… như các nơi khác. Trên hành trình suốt ba tiếng đồng hồ được nghe người chèo rủ rỉ kể chuyện, mà chuyện hay được kể nhất vẫn là cuộc sống ở đây, tất nhiên rồi.
Lùng xem đàn voọc quần đùi trắng
Cho tới nay, theo thông báo của ông Tilo Nadler, giám đốc trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương thì tại vùng Vân Long còn tồn tại hơn 40 cá thể voọc quần đùi trắng, có thể hiểu xưa kia loài này đông đúc thế nào. Những chuyện săn bắn thú mới chỉ bị nghiêm cấm từ khi vùng này được quy hoạch du lịch, còn trước đó có mấy ai hiểu về bảo tồn thiên nhiên.
Hiện nay, quần thể voọc tại Vân Long chiếm số lượng lớn nhất trong cả nước, song không phải ai cũng có thể bắt gặp chúng, bởi thời gian du ngoạn mặt nước thường không trùng với thời gian chúng ra ngoài. Giữa trùng điệp nước vây bọc, những khối núi liền lạc thành mạch là nơi cư trú lý tưởng của chúng, cộng thêm vách núi gần như thẳng đứng, cao vài chục mét nên chuyện nhìn thấy voọc khá là hy hữu đối với du khách.
Chỉ khi quyết tâm dậy thật sớm, hẹn lái đò từ hôm trước để xuất bến từ 5 giờ sáng, chúng tôi mới có cơ duyên gặp được những con thú đang nằm trong Sách đỏ này. Ngay từ mỏm núi đầu tiên tại khúc quanh dẫn từ mé ngoài vào trong đầm nước, gã lái đò đã xuýt xoa bởi rất gần mép nước, một chú voọc to kễnh đang ngồi im như tượng. Có lẽ đây là con đầu đàn hay trinh sát cảnh giới gì đó. Nhìn mấy chiếc thuyền bơi trên mặt nước phía dưới bằng vẻ thờ ơ, voọc đủng đỉnh trèo sâu vào tán lá rậm rạp. Không hiểu nói thật hay nói đùa mà gã chèo đò thông báo loài voọc quần đùi trắng rất thích ăn lá duối, và ở mỏm núi đó có một cây duối to. Kể cũng lạ, hầu hết các loài linh trưởng đều ăn tạp, nhưng ăn lá duối thì tôi không tin lắm. Nhưng cũng không còn thời gian để tranh cãi, bởi ngay sau đó, ống kính của tôi đã không còn ngơi nghỉ phút nào. Trên vách núi thẳng tuột, cả một đoàn voọc kéo ra, có lẽ trên dưới chục con, và sự xuất hiện của chúng mang âm hưởng của một cuộc rượt đuổi đầy náo loạn.
Khó có thể tin voọc lại có thể di chuyển cực nhanh trên vách đá thẳng tuột như vậy. Nhảy từ trên cao xuống tán cây chìa ngang, bám và chạy thoăn thoắt trên vách, đàn voọc dường như đang đuổi theo con mồi hay có tranh chấp nội bộ. “Chúng nó đuổi theo một con chồn”, chị lái đò bên kia tường thuật. Cũng không ai dám tin vào thông báo đó, bởi làm sao chị ta biết đó là con chồn, và đây là voọc chứ có phải hổ báo gì mà đi săn mồi như vậy? Với khoảng cách hàng trăm mét, ống kính 200 của tôi cũng chỉ chụp được những tấm không rõ ràng, cộng thêm ánh sáng buổi bình minh còn nhập nhoạng. Cuộc rượt đuổi của chúng khiến những tán lá rung lên như có bão, và đàn voọc làm sôi động cả buổi bình minh suốt hơn 20 phút mới tạm ngưng. Cảnh tượng này ngay cả gã lái đò của tôi cũng thú nhận chưa gặp bao giờ. Bình thường chỉ thoáng thấy một, hai chú voọc từ xa chứ đâu thể gặp cả đàn như vậy.
Ngoạn cảnh vịnh, ngắm cò bay
Tiến sâu hơn vào đầm, những đàn chim trời chào đón nhóm khách bằng vẻ náo loạn thông thường. Lũ vịt nước lặng lẽ bơi rồi vụt bay khi có động. Đám cò đậu kín mỏm núi có vẻ bình yên, nhưng đôi lúc nháo nhào cất cánh, rồi lại trở về chỗ cũ. Ở khoảng cách quá xa, đám chúng tôi có vẻ không phải là mối quan tâm của chúng. Chiếm đa phần các loài chim ở đây là cò có chiếc mỏ rất giống mỏ bồ nông nhưng nhỏ hơn. Cư dân bản địa có cảm tình với loài cò này, vì chúng ăn khá nhiều ốc bươu vàng, một sự nguy hại tiềm tàng cho đời sống nông thôn. Nghe nói, cò chỉ cần kẹp mỏ là có thể bóp vỡ vỏ cứng của ốc bươu, và mỗi ngày một chú cò có thể xơi tái cả ký ốc. Với chiếc mỏ to dài, cặp chân khẳng khuột, cò mỗi khi tung cánh bay có dáng đẹp không kém sếu đầu đỏ ở miệt ngập nước U Minh. Các bậc thầy nhiếp ảnh địa phương vẫn miệt mài tới đây để săn những tấm hình tuyệt đẹp về hàng vạn cánh cò bay lượn trên đầm Vân Long buổi hoàng hôn, còn du khách từ nơi xa, chỉ lưu lại vài ngày đành bằng lòng với vài đàn cò lẻ tẻ vậy.
Cánh cò ở đây có dáng đẹp không kém sếu đầu đỏ ở miệt U Minh.
|
Được mệnh danh là “vịnh không sóng”, Vân Long đẹp một vẻ bình yên, từ mặt nước phẳng lặng soi rõ lớp rong dày đặc dưới mặt nước cho tới đám sen tự nhiên mọc tràn lan, từ dáng núi nhấp nhô cho tới đám cỏ lác ngả màu vàng rực vào mùa khô. Nhún nhường nằm sát mặt nước là những chiếc lá tròn như lá sen, từ đó nở ra bông hoa nhỏ xíu trắng muốt có tên hoa trang. Lác đác hoa súng, hoa sen khoe sắc, hợp cùng đám lau lác tạo thành bức tranh thiên nhiên yên hoà. Du lịch trên đất này là như vậy, cứ nhàn tản thưởng ngoạn, ngắm những vẻ đẹp bình yên để nhận ra, quá nhiều lúc trong đời mình đã phải hao phí vào những cuộc mưu sinh và giải trí náo nhiệt nhưng rõ là vô bổ.
Bài và ảnh: Thái A