Dưới đây là những kinh nghiệm đúc kết sau 6 năm khởi nghiệp do anh Phạm Ngọc Thành - chủ doanh nghiệp phụ gia nhựa chia sẻ với bạn đọc.
Doanh nghiệp của tôi thành lập cuối năm 2008, với số vốn ban đầu khoảng 50 triệu đồng. Lúc đó, kinh tế bắt đầu suy thoái, các doanh nghiệp siết chặt chi tiêu và đã có rất nhiều công ty đóng cửa.
Tuy nhiên, thời điểm này cũng mang đến một số cơ hội tốt. Vì trong thời kỳ đầu suy thoái, nguồn hàng bắt đầu khan hiếm, một vài doanh nghiệp không có hàng để sản xuất (vì họ không tự nhập khẩu hoặc ngưng nhập khẩu vì giá rớt) nên bắt buộc phải mua trong nước.
Tận dụng cơ hội này, tôi đã liên hệ với các công ty lớn mà lúc trước có quan hệ (lúc còn đi làm thuê) để mua đi bán lại. Với số vốn bỏ ra ban đầu 50 triệu đồng, một ngày tôi cũng xoay vòng được hai lần. Tuy lợi nhuận ban đầu không nhiều nhưng nó đã duy trì doanh nghiệp của tôi tồn tại trong thời gian khá dài.
Ngoài ra, chính mối quan hệ và tìm được nguồn hàng cho khách có yêu cầu mà sau đó tôi có rất nhiều khách hàng thân thuộc. Mỗi khi họ cần nhựa hay phụ gia gì đều liên hệ với tôi trước.
Một năm sau, khi thị trường bình ổn trở lại, hạt nhựa đã có nguồn cung cấp dồi dào, tôi quay về phát triển ngành chính của mình đó là phụ gia nhựa. Khách hàng đã có, nhưng tôi lại gặp khó khăn về vốn.
Lúc ấy, với số vốn quá nhỏ khiến tôi khó có thể duy trì hàng trong kho và công nợ của khách. Tiền lúc nào cũng thiếu, đôi khi khách đặt hàng mà không có để giao vì nhà cung cấp không chấp nhận cho mua thiếu. Giai đoạn khủng hoảng bắt đầu xuất hiện. Hằng đêm, tôi vắt óc suy nghĩ về các hướng giải quyết. Một là vay tiền ngân hàng, nhưng đây là điều bất khả thi vì doanh nghiệp mới thành lập, chưa có báo cáo tài chính, tài sản thế chấp lại ở dưới quê nên không thể gõ cửa ngân hàng.
Hướng thứ hai là vay nóng với lãi suất 5% mỗi tháng, có thể vay trong thời gian ngắn. Ba là thương lượng lại với nhà cung cấp về thời gian thanh toán công nợ. Bốn là thương lượng với khách hàng về thời gian trả nợ sớm cho mình và chấp nhận giảm giá hoặc bán huề vốn để có tiền xoay sở và giữ được khách hàng. Trường hợp cuối cùng là tìm cách xoay nhanh đồng vốn mà mình đang có.
Sau khi đắn đo cân nhắc, tôi phải nhờ mối quan hệ riêng để vay nóng được 100 triệu đồng không thế chấp (lãi suất 5%). Sau 2 tháng lãi suất giảm còn 3%. Vì có tiền nên công ty đã thanh toán đúng hạn và bắt đầy xây dựng được chút uy tín. Sau đó, nhà cung cấp dần chấp nhận cho công ty nợ số tiền lớn hơn với thời gian dài hơn.
Cứ như thế, hai năm trôi qua, doanh nghiệp tôi đã duy trì hoạt động ổn định. Tuy nhiên, trong giai đoạn này lợi nhuận khá khiêm tốn. Nhưng suy nghĩ lại tôi thấy trong thời kỳ này doanh nghiệp không đi vào con đường tan rã đã là một điều mừng.
Sang năm thứ 3, một cơ hội mới lại xuất hiện khi có nhà cung cấp nguyên liệu đề nghị hợp tác. Họ cung cấp nguyên liệu cho công ty tôi và chúng tôi sẽ sản xuất hoặc gia công ở bất kỳ đơn vị nào mà mình muốn. Cũng từ đây, doanh nghiệp bắt đầu sang một trang mới. Mọi hoạt động tiến triển tốt hơn và công ty đã đầu tư được 3 dây chuyền sản xuất phụ gia nhựa để cung ứng cho thị trường cả nước.
Điều mà bất kể doanh nghiệp nào cũng phải nhức đầu đó là nợ xấu, nhưng đối với doanh nghiệp của tôi thì có lẽ quá may mắn khi nợ xấu chiếm rất nhỏ, chỉ khoảng 0,01% doanh số.
Đến nay, sau 6 năm hoạt động, từ một doanh nghiệp với vốn ban đầu chỉ 50 triệu đồng, thì nay doanh số trong hai năm gần nhất đều trên 20 tỷ mỗi năm. Một bước nhảy vọt mà nhiều khi nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến.
Tuy những thành công trên chưa phải là điều gì lớn lao, nhưng tôi cũng thấy được an ủi là đã có thể nuôi sống bản thân và giúp được một số lao động trong xã hội. Điều tôi trăn trở là có quá nhiều người trẻ, khó khăn lắm mới dành dụm được một số tiền, cũng cầu tiến, cũng tham vọng, cũng ước mơ…, nhưng mô hình kinh doanh vừa ra đời, sau đó không tồn tại được lâu.
Do vậy, tôi muốn chia sẻ vài kinh nghiệm chủ quan đúc kết được sau 6 năm lăn lộn với nghề.
Trước hết là sự cạnh tranh. Trong bất kể môi trường nào thì cũng phải có sự cạnh tranh, nhưng phải luôn suy nghĩ một điều rằng, cạnh tranh để phát triển chứ không phải cạnh tranh để hủy hoại nhau.
Một số người có tư tưởng cạnh tranh cho đối thủ chết. Điều này sẽ không bao giờ thành công đối với doanh nghiệp mới ra đời hoặc doanh nghiệp nhỏ. Thị trường luôn biến động và luôn tạo cơ hội cho mỗi người, quan trọng là phải nắm bắt được cơ hội đó và phát huy nó lên. Muốn vậy, bạn cần phải làm việc cật lực và có tư duy chứ không phải là đi dìm người khác chết để mình phát triển.
Thứ hai là khi làm ông chủ phải làm việc nhiều hơn nhân viên gấp nhiều lần. Do đó, bạn đừng bao giờ có tư tưởng mình là sếp thì được quyền nghỉ trước nhân viên, được quyền quyết định mọi thứ. Vì đã là chủ thì càng phải làm việc nhiều để làm gương cho nhân viên.
Thứ ba là tâm lý bị áp lực khi làm chủ. Bạn cần hiểu trong một số trường hợp, khi đi làm thuê thì có thể rất giỏi và luôn đạt thành tích cao, nhưng lúc ra mở doanh nghiệp lại hay thất bại. Lý do là khi làm thuê, bạn không chịu áp lực về tài chính, áp lực về lời lỗ và nhiều áp lực vô hình. Còn khi bạn đã làm chủ thì những áp lực đó sẽ chiếm hết thời gian, tâm trí của bạn, khiến bạn bị hạn chế rất nhiều. Vì vậy, cần phải cố gắng vượt qua những áp lực tâm lý này.
Thứ tư là dòng vốn. Tiền là một điều kiện bắt buộc ban đầu để thực hiện những ước mơ, kế hoạch của doanh nghiệp, nhưng điều quan trọng là phải biết chi tiêu hợp lý để duy trì hoạt động và phát triển. Có những ông chủ muốn chơi sang, mua sắm trang trí bộ phận văn phòng hoành tráng với đầy đủ trang thiết bị mà doanh nghiệp ban đầu có thể chưa cần tới. Chính sự đầu tư vào văn phòng quá tay này đã ngốn một phần vốn không nhỏ và gây khó khăn về tài chính cho hoạt động của công ty, nhất là khi số vốn ban đầu khá khiêm tốn.
Thứ năm là quản lý dòng tiền. Khi thành lập doanh nghiệp, đại đa số đều bỏ qua khâu tài chính kế toán. Hầu như mọi người đều đi thuê dịch vụ bên ngoài. Chính vì thế họ sẽ không kiểm soát được dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp. Trong kinh doanh, đồng vốn nhiều mà nằm một chỗ thì trước sau gì cũng sẽ chẳng còn. Đồng tiền phải biết chạy vòng và xoay vòng càng nhanh càng tốt.
Thứ sáu là uy tín - trách nhiệm. Đây là điều bắt buộc cần phải thực hiện trong kinh doanh, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ và mới. Mặc dù uy tín với nhân viên, với nhà cung cấp, với khách hàng… không thực hiện được một cách dễ dàng, nhưng bạn hãy cố gắng hết sức để hoàn thiện những đức tính này.
Bởi để tồn tại và phát triển, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của khách hàng. Chính khách hàng là nguồn thu và nguồn nuôi sống công ty. Vì thế chọn khách hàng và luôn song hành cùng khách hàng là điều cần phải quan tâm. Ngoài ra, cần biết lắng nghe, chia sẻ và học hỏi từ khách hàng để có những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn nhằm đáp ứng cho họ sự hài lòng và thỏa mãn nhất.
Cuối cùng là vấn đề công nợ. Đại đa số những doanh nghiệp nhỏ hay gặp phải khi cung cấp hàng hóa cho khách hàng nhưng bị công nợ lâu, khó thu hồi. Chính áp lực lấy được khách hàng và cung cấp cho họ nên bị ép giá, ép công nợ…, dẫn đến đồng vốn "chết" ngày càng tăng lên, lâu dần sẽ mất khả năng tài chính. Vì thế phải thực sự bình tĩnh và biết thương thảo để dung hòa giữa doanh số và công nợ sao cho phù hợp với quy mô công ty của mình.
Qua những chia sẻ trên, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp rằng, trong thành công luôn có thất bại, và ngược lại, nhưng hãy biết hạn chế thất bại để có sự thành công lâu dài.
Con đường kinh doanh luôn mở rộng với nhiều người nhưng nó cũng sẽ dập tắt hy vọng của không ít người. Do đó, trong môi trường kinh doanh đầy biến động và khó lường này, trong mỗi chúng ta đều phải có ý thức hợp tác, liên kết nhau để tránh những rủi ro không lường trước được.
Đối với người mới khởi nghiệp, đồng vốn là bài toán hóc búa và gây ra rất nhiều trở ngại cho kế hoạch kinh doanh của mình. Tuy nhiên, nếu biết vận dụng đồng vốn một cách hợp lí và hiệu quả thì chắc chắc doanh nghiệp đó vẫn sống tốt trong thời kỳ sơ khai ban đầu.
Phạm Ngọc Thành