BachHoa24.com
Tìm nâng cao      
  Ðăng nhập | Tạo tài khoản  
Trợ giúp
Sưu tầm » Du lịch » Du lịch quốc tế » Thái Lan (Thailand) » Chi tiết tin

Ghi chép dọc đường lang thang Lào, Thái Lan

  Ngày: 16/11/2010
Bạn Quỳnh Dung, chủ nhân Blog Thichdibui đã có một chuyến đi lang thang bằng đường bộ từ Việt Nam sang Lào, Thái Lan với những ghi chép dọc đường thú vị. Được sự đồng ý của tác giả, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xin giới thiệu và trích đăng nhật ký lữ hành nhiều kỳ đã đăng tải trên blog cá nhân của bạn Quỳnh Dung.


Ghi chép dọc đường lang thang Lào, Thái Lan
Cửa khẩu quốc tế Bờ Y ở Gia Lai, tiếp giáp với cực nam của Lào - Ảnh: www.kontum.gov.vn.

Kỳ 1: Tìm đường sang Lào

Qua Bờ Y

Thường từ Sài Gòn muốn đi Lào bằng đường bộ thì người ta ra Huế, rồi từ Huế đi xe đến cửa khẩu Lao Bảo ở Quảng Trị. Tuy nhiên, tôi muốn đi qua một cửa khẩu khác: cửa khẩu Bờ Y của Gia Lai, tiếp giáp ở cực Nam của Lào.

Đọc báo thấy từ Quy Nhơn có xe buýt đi Lào, thế là tôi mua vé xe lửa đi Quy Nhơn. Bởi vì đây là chuyến đi xe đầu tiên trong những tháng đi bụi sắp tới, tôi đã chịu chi 430.000 đồng cho một giường mềm, dự định ngủ một giấc cho thật đã rồi bắt đầu chuyến đi "lang thang”.

1. Khi đến Quy Nhơn rồi tôi mới biết ở đây chỉ thỉnh thoảng mới có xe đi cửa khẩu Bờ Y. Nếu muốn đi ngay, tôi phải đón xe đi Kontum. Thế là tôi có một ngày đêm bất đắc dĩ tham quan thành phố Quy Nhơn. Xung quanh bến xe Quy Nhơn có nhiều nhà nghỉ, yên tĩnh hơn và không khí trong lành hơn những khu khác. Tuy nhiên, tôi đã ở Nhà khách của Quy Nhơn nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Con đường có nhiều xe tải chạy nên rất bụi bặm và cách bến xe khoảng 5-7 km. Trong phòng có máy nước nóng, bình thủy nước nóng để pha trà và truyền hình cáp, giá chỉ có 100.000 đồng/đêm.

Thức ăn ở Quy Nhơn khá ngon và rẻ. Một tô mì Quảng chỉ có 7.000 – 8.000 đồng. Bánh xèo Quy Nhơn cũng đặc biệt hơn ở miền Nam. Ở đây, người bán lấy bánh xèo gói vào trong bánh tráng, người mua chỉ cần cầm lấy và chấm nước mắm giống như ăn gỏi cuốn vậy. Ốc luộc cũng khá ngon mà chỉ có 5.000 đồng/ tô.

2. Sáng sớm hôm sau, tôi ra bến đón xe đi Kontum, 75.000 đồng/vé. Lộ trình khoảng 4 tiếng. Tôi ở tại khách sạn Thịnh Quý 215 Phan Đình Phùng, giá 120.000 đồng/đêm, phòng hơi cũ nhưng rộng, có nước nóng nhưng ti vi không có cáp. Cũng may là khách sạn này cũng có xe đi Lào nên tôi đã đăng ký vé cho ngày hôm sau đi luôn. Vậy là tôi có một ngày đêm dạo phố Kontum.

Theo chân những người dân tộc đến khu hành hương của họ là Nhà thờ Gỗ ở thành phố Kontum thì tôi thấy những người dân tộc miền núi theo đạo Thiên Chúa khá đông. Họ ngồi chất đầy trên những chiếc xe buýt cũ kĩ hoặc lội bộ đến khu hành hương này. Hôm nay là ngày lễ đặc biệt của họ. Họ mang theo cả đồ ăn và chiếu ngủ. Họ ngồi khắp trong ngoài khuôn viên nhà thờ. Xung quanh hàng quán tấp nập. Quả là không khí của lễ hội.Tôi đi vào khuôn viên phía sau nhà thờ.

Ở đó có nhà trẻ Vinh Sơn 1, nơi nhận nuôi những đứa trẻ miền núi bị cha mẹ bỏ rơi hoặc quá nghèo không đủ tiền nuôi con nên gửi cho các sơ nuôi giùm. Nhân dịp lễ hội này, một số cha mẹ ghé vào thăm con. Ở đây có một du khách người Canada. Ông này đã về hưu nên mỗi năm đến Việt Nam 3 tháng để chăm sóc những đứa trẻ ở đây. Thật là một tâm hồn đẹp!

Nhìn thấy thái độ dịu dàng của ông khi bồng một đứa trẻ đang khóc ngất vì thiếu sữa và hơi ấm của mẹ mới thấy tình thương là không biên giới. Mấy đứa bé ở đây còn rất nhỏ, từ vài tháng đến 5-6 tuổi. Tôi đã ở đó nguyên buổi trưa bồng bế những đứa trẻ và trò chuyện với các sơ. Những đứa trẻ thật sự rất thiếu hơi ấm và rất hiếm khi được bồng bế.

Đa số những đoàn cứu trợ đến đây không đủ thời gian để chơi và bồng các em. Khi tôi bồng một bé trong tay, một bé khác giận hờn và tìm cách đẩy bé kia ra để ngồi vào lòng tôi. Thật tội nghiệp!

Những thành phố ở Nam Lào  

Ghi chép dọc đường lang thang Lào, Thái Lan
Phong cảnh dân dã ở Lào

 8 giờ 20, tôi ra xe đi Lào. Lái xe cũng là chủ xe và chủ khách sạn. Ông này trước đây là bộ đội. Hiện có doanh nghiệp tại Lào nên qua lại thường xuyên. Hôm đó chỉ có tôi là hành khách duy nhất. Chúng tôi đi trên chiếc Furtuna 7 chỗ của ông cùng với một nhân công qua đó làm việc. Ông biết tiếng Lào nên tôi cũng học lõm bõm được vài câu.

Cửa khẩu Bờ Y khá bụi. Rõ ràng đây không phải cửa khẩu du lịch. Có rất nhiều xe container chở hàng qua lại Việt Nam và Lào. Không hiểu sao hải quan Việt Nam ở đây khá "chảnh", trong khi hải quan Lào lại rất dễ thương.

Qua phía Lào, đường tráng nhựa khá đẹp chạy quanh co theo dãy Trường Sơn Tây. Nghe chủ xe bảo con đường này do Việt Nam xây dựng cho Lào nhằm hướng dẫn cho dân Lào kỹ thuật xây đường lẫn vá đường và đến bây giờ thì dân Lào vá đường còn giỏi hơn Việt Nam.

1. Khoảng 14 giờ, chúng tôi đến Attapeu - một tỉnh cực Nam của Lào. Chủ xe giới thiệu cho tôi nhà trọ mà theo ông là sạch sẽ và giá cả phải chăng. Đó là nhà trọ Aloonsotsai, giá phòng rẻ nhất là 50.000 kip. Chủ nhà trọ là một bác sĩ người Lào đã từng học ở Hà Nội và ở Việt Nam 8 năm nên có thể nói tiếng Việt khá sõi.

Thị trấn này khá buồn, không có nightlife (cuộc sống về đêm). Ở đây, tôi gặp một vài người đang làm việc cho chi nhánh của công ty Hoàng Anh Gia Lai tại Lào. Năm 2008, Attapeu đã chịu một trận lũ đầu tiên trong lịch sử. Có lẽ là hậu quả của nạn phá rừng chăng?

Tối hôm đó, tôi đi uống cà phê cùng với một anh tên Trung, nhân viên của Hoàng Anh Gia Lai, tại một quán cà phê do người Việt Nam làm chủ. Ở đây, tôi được giới thiệu uống sữa đậu nành Thái Lan khá ngon nhưng hơi ngọt, giá 5.000 kip/hộp.

2. Sáng hôm sau tôi ra bến xe mua vé để đi Pakse, giá vé 40.000 kip. Khoảng cách từ Attapeu đến Pakse là 225 km. Xe chạy khá chậm và dừng lại đón khách ở 2 bến Sekong và Paksan.

Ở Nam Lào, có khá nhiều đất bỏ hoang và cuộc sống còn đậm chất nông nghiệp.Xe khởi hành lúc 7 giờ 45 sáng và đến nơi vào lúc 13 giờ, hơn 5 tiếng cho đoạn đường 225 km.Tại Pakse, tôi ở tại Sabbaidii 2 (Sabbadii trong tiếng Lào nghĩa là Hello, chào), giá 40.000 kip/phòng.

Tôi ăn tối ở nhà hàng Xuân Mai. Ở đây người Việt Nam sang mở doanh nghiệp khá nhiều. Chủ nhà hàng là người Lào gốc Việt có thể nói được tiếng Lào, Việt Nam, Anh và Pháp.

Ở tại nhà nghỉ Sabbaidii 2, tôi quen với một cặp vợ chồng người Pháp. Người vợ là nông dân, chuyên chăm sóc trang trại cho người khác khi họ đi vắng. Người chồng làm thợ xây, chuyên phục hồi nhà cổ. Người vợ nói tiếng Anh bập bõm với tôi, còn người chồng hoàn toàn không biết tiếng Anh. Khi nghe họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, kiến thức tiếng Pháp của tôi dần dần được khôi phục.

Họ thấy rất vui khi ở Lào và dự kiến ở luôn 3 tháng. Qua họ, tôi biết rằng bởi vì Đông Dương trước đây là thuộc địa của Pháp nên khi người Pháp đến đây họ có cảm giác như về nhà.

Tôi ở Pakse 2 đêm thì đón xe đi Savannakhet, giá vé 35.000 kip, xe chạy lúc 10 giờ30 đến khoảng 15 giờ chiều thì đến, khoảng cách là 200 km. Xe tuk tuk từ nhà nghỉ Sabbaidii 2 đến Northern Bus Terminal là 15.000 kip, khoảng 5-6 cây. 

Ghi chép dọc đường lang thang Lào, Thái Lan
Đi bụi có cái thú là được ngắm cảnh ở những nơi không phải là di tích hay địa điểm du lịch.

3. Tại Savannakhet, tôi ở trong nhà nghỉ Sayamungkhun, phòng có giá 40.000 kip khá rộng và nhà tắm thì khá sạch sẽ. Tòa nhà có kiến trúc Pháp dù hơi cũ kỹ. Những nhà nghỉ xung quanh có giá mắc hơn, một phòng giá khoảng 50.000 -80.000 kip.

Ở đây có một công ty Việt Nam chuyên có xe đi tuyến Việt - Lào. Nhiều ngân hàng ở Lào, ngoại trừ ngân hàng Việt-Lào, không đổi tiền Việt. Ở đây có khá nhiều người Việt. Chủ yếu họ là những người có ba mẹ Việt Nam và được sinh ra ở Lào nên nói được cả tiếng Việt và tiếng Lào.

Dọc theo trục đường chính có khá nhiều nhà hàng do người Việt làm chủ. Tôi ăn cơm vịt cho buổi cơm chiều, cũng khá ngon và sạch sẽ.

Hôm sau, tôi thuê xe đạp (10.000 kip/ngày) đi tham quan Savannakhet. Buổi chiều trên con đường dọc theo sông Mê Kông có nhiều quán lẩu, người ăn ngồi theo kiểu Nhật, trông rất đẹp và khá hay nhưng tôi chưa ăn thử bởi vì sợ một mình ăn không hết một cái lẩu (đi bụi một mình bất tiện như thế ấy).

Người dân ở đây xuống sông bắt cá lên bán cho các hàng quán. Ở đây cũng có món cá nướng ăn với cơm và rau sống. Có vài bạn trẻ Việt Nam qua đây làm nail, đến mời tôi nhưng tôi từ chối. Họ đứng nhìn tôi ăn cá chép nướng và nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt (dĩ nhiên họ không nghĩ tôi là người Việt rồi): "Trông “nó” ăn ngon lành chưa kìa".

Ở đây một con cá chép nướng cho một người ăn giá 18.000 kip + 5.000 kip tiền cơm. Ăn cũng được nhưng so với giá cả ở Việt Nam thì mắc hơn. Chắc do tôi là khách du lịch.

Theo Blog Thichdibui


Nguồn:  Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Các bài đăng trước cùng danh mục   Thái Lan (Thailand)
 Không có bài nào. 
Xem thêm :  Sưu tầm » Du lịch » Du lịch quốc tế » Thái Lan (Thailand)
Tìm liên quan » Ghi chép dọc đường lang thang Lào, Thái Lan
Đang xem » Ghi chép dọc đường lang thang Lào, Thái Lan