BachHoa24.com
Tìm nâng cao      
  Ðăng nhập | Tạo tài khoản  
Trợ giúp
Sưu tầm » Du lịch » Du lịch quốc tế » Lào (Laos) » Chi tiết tin

Kỳ cuối: Luang Prabang

  Ngày: 24/11/2010
Sáng hôm nay trời có vẻ âm u nên Sima đòi đi Luang Prabang, trong khi đó thì Tony cứ nằng nặc đòi ở lại Vang Vieng để đi tubing. Thế là họ lại cãi nhau và đem tôi ra làm trọng tài, hỏi ý tôi muốn đi tiếp hay ở lại thêm một ngày.


Kỳ cuối: Luang Prabang
Lề đường phố của Lào, trông không khác Việt Nam là mấy.

Nghĩ trời âm u nếu tubing sẽ lạnh, không có gì thú vị nên tôi đòi đi Luang Prabang. Thế là mọi người ra mua vé xe giá 45.000 kip/vé. Tony vẫn có vẻ ấm ức lắm.

Đường đi khá quanh co, khúc khuỷu, xe chạy khoảng 7 tiếng là đến nơi. Chúng tôi đến Luang Prabang lúc 5h30 chiều. Từ bến xe đến khu trung tâm khoảng 3 cây số, chúng tôi thuê một chiếc tuk tuk cho 5 người đi (có cả ông bạn đồng hành người Đức - ông này có vẻ khá lạ - hành lý lỉnh kỉnh - không hiểu sao ổng lại không cho vào một cái ba lô lớn rồi vác đi cho tiện), mỗi người trả 5.000 kip.

Chúng tôi ở Goun Ghing Guesthouse (cạnh bên khách sạn sang trọng Mallay Villa), giá cho phòng twin (có hai giường đơn) hoặc phòng có giường đôi (double) là 60.000 kip, trông cũng khá sạch sẽ. Nhận phòng xong, mọi người cùng nhau ra chợ đêm ăn vegetarian buffet, khá rẻ chỉ có 7.000 – 8.000 kip/đĩa. Aeran chê nên không thèm ăn, tôi, Sima và Tony ngồi ăn ngon lành. Khu chợ đêm này là tâm điểm cho khách du lịch, chủ yếu ở đây bán lụa, quần áo, đồ lưu niệm. Tại đây cũng tập trung rất nhiều điểm đổi tiền, công ty du lịch, nhà hàng, tiệm truy cập net.

Sáng hôm sau chúng tôi ra Dara Market ăn sáng. Khu chợ này cũng chỉ bán quần áo và vải vóc. Sau đó, mọi người thuê xe tuk tuk đi thác Khuangsi, mỗi người trả 40.000 kip tiền xe đi đến chiều. Trên đường đi, xe dừng cho chúng tôi vào tham quan làng du lịch, nơi mà người dân vừa sản xuất vừa bán hàng luôn ngay trước cửa. Đặc biệt ở đây chủ yếu là tụi con nít bán hàng (chắc đưa con nít ra câu khách đây nhỉ?). Ở đây chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ, nhưng bán giá cũng khá mắc. Sima đem theo xà phòng lấy từ các khách sạn trước đấy tặng cho người dân nơi đây. Bà cũng phát bánh bích quy cho tụi trẻ. Khi xe chạy rồi, tụi nhỏ vẫn chạy theo xin bánh (hình như kiểu phát bánh này không hay cho lắm).

Thác nước Khuangsi khá đẹp và yên tĩnh, không khí trong lành và mát mẻ. Ở đây có cả một khu bảo tồn động vật hoang dã. Đúng là một nơi dã ngoại lý tưởng. Khi đến đây mọi người nhớ mang theo áo tắm bởi vì thác nước cực kỳ quyết rũ, đặc biệt là trò đu dây rồi phóng xuống nước. Du khách rất ghiền trò này. Ở Luang Prabang, đi nơi nào cũng phải mua vé vào cửa, giá vé ở đây thường cố định 20.000 kip cho một lần vào cửa (không rẻ tí nào). Kể cả lên đồi ngắm mặt trời lặn phải mất 20.000 kip.

Dọc theo bờ sông có rất nhiều nhà hàng bán đồ ăn sáng, trưa, chiều. Đặc biệt ngồi đây ngắm mặt trời lặn thì cực đẹp. Hôm sau, chúng tôi đi Pak Ou Cave, giá thuê tàu là 60.000 kip/4 người. Trên đường đi, chúng tôi ghé lại một làng thủ công mỹ nghệ bên sông. Nói chung sản phẩm ở đây tương tự như ở ngôi làng mà chúng tôi ghé trên đường đi Khuangsi Waterfall.

Ở Pak Ou Cave, vé vào cổng lại là 20.000 kip. Hang động này gồm 2 phần Lower Cave và Upper Cave. Ở Lower Cave có rất nhiều tượng Phật từ cổ chí kim, bằng đủ mọi chất liệu, kích thước. Trên đường lên Upper Cave, vài trẻ em Lào vừa bán hàng lưu niệm vừa múa hát giúp vui cho du khách, trông cũng khá điêu luyện. Upper Cave khá tối, khi đi phải chuẩn bị đèn pin, nếu không thì phải thuê đèn pin ngay trước cửa động. Bên trong hầu như không có gì đặc biệt, chỉ có bóng tối. 

Kỳ cuối: Luang Prabang
Chùa chiền ở thành phố nhỏ cổ xưa Luang Prabang của Lào - Ảnh: Báo Giác Ngộ (www.giacngo.vn)

Từ Pak Ou Cave, chúng tôi vào một nhà hàng cạnh bờ sông ăn tối. Ở Vientiane, tôi ăn lạp gà nên bây giờ tôi thử món lạp vịt (20.000 kip), cũng tương tự nhỉ, sao tôi không thấy có gì khác biệt. Trên đường về khách sạn, chúng tôi gặp một đám cưới Lào. Tương tự như ở Việt Nam, khách ngồi ăn ở những cái bàn đặt ở ngoài sân, thùng tiền cưới thì đặt ở ngay lối vào. Cô dâu chú rể mặc đồ truyền thống Lào. Khách đi dự tiệc thì từng đôi ra phía sân khấu múa truyền thống, trông họ múa khá tự nhiên và cũng khá vui.

Chúng tôi dự định ở Luang Prabang thêm vài ngày nữa. Đây là một nơi ở Lào mà tôi ở lại lâu nhất, khoảng 1 tuần lễ. Sáng hôm sau chúng tôi ra chợ Dara thuê xe đạp, 20.000 kip/xe, phải thế chân passport của một người trong đoàn. Những người Úc không ai mang theo passport, thế là tôi phải đưa cái của mình ra.

Chúng tôi đạp xe dọc bờ sông Nam Kha, khung cảnh rất đẹp và người Lào cũng biết khai thác vẻ đẹp này. Nhiều quán cà phê lãng mạn được dựng lên. Chúng tôi tìm đến bến sông để mua vé tàu đi Pakbeng. Sau một hồi tìm kiếm thì chúng tôi cũng đến được bến tàu nằm ngay sau lưng Viện Bảo tàng Quốc gia (National Museum). Cuối cùng chúng tôi cũng mua được vé đi Pakbeng, 120.000 kip/vé, khởi hành lúc 8h30 sáng.

Sau khi mua vé, chúng tôi đạp xe đến Chinese Market xem thử. Ở đây chủ yếu bán đồ điện tử và quần áo giày dép, không hấp dẫn lắm. Tôi rủ mọi người đến Phousi Market, cách đó khoảng 80m để xem. Trên đường đi thì chúng tôi lạc mất Sima và Aeran (về sau tôi mới biết, xe đạp của Aeran bị hư, Sima phải dừng lại giúp, lúc đó tôi và Tony đang xuống dốc nên không nhận ra, thế là lạc luôn (ở Luang Prabang đường dốc cũng khá nhiều).

Chợ Phousi khá dơ, trông giống như một cái chợ truyền thống ở Việt Nam, chợ hơi tối, đường thì lầy và ruồi thì rất nhiều. Khi về, Tony mệt quá nên ghé vào một nhà hàng bên sông Mê Kông uống bia (ở Luang Prabang có 2 con sông: Mê Kông và Nam Kha). Tôi đi thẳng về nhà tắm rửa, trả xe và ghé chợ thưởng thức vegetarian buffet ở một gian hàng khác, giá 10.000 kip, dĩa to hơn, no quá!

Sáng hôm sau là một ngày tự do, ai muốn làm gì cũng được. Chúng tôi lấy trái cây ra ăn điểm tâm chung với nhau; tôi gọt chuối, xoài và đu đủ để lên dĩa, mọi người lấy nĩa gắp ăn, ai cũng có vẻ uể oải, vì vậy, ăn xong, tôi một mình đi dạo luôn. Thế nhưng vừa ra đến cổng, tôi gặp lại cặp vợ chồng người Pháp mà tôi gặp ở Pakse. Họ đang cùng một bác sĩ người Pháp trên đường đến trường học làm hề cho bọn trẻ Lào. Vị bác sĩ này có một chút khiếu. Thế là tôi nhập bọn với họ luôn.

Xong việc, họ rủ tôi đến khu nhà trọ của họ chơi. Ở đây phòng trọ mắc hơn, giá 80.000 kip nhưng có thể nấu ăn và giặt đồ. Khu này người Pháp ở rất đông. Có thể họ giới thiệu nhau đến ở. Ở đây có Perol và cô vợ Lào, hôm đó cô ấy làm món tom yam Lào khá cay.

Chiều hôm đó, tôi đi bơi cùng với họ ở hồ bơi do một phụ nữ Pháp quản lý, giá vé là 20.000 kip cho người nước ngoài và 10.000 kip cho người Lào, nhưng tôi chỉ trả có 10.000 kip thôi. Biết tôi là người nước ngoài nhưng vì tôi là dân châu Á nên trả tiền ít hơn.

Tối hôm đó, tôi lại ghé chợ ăn vegetarian food, chắc tôi ghiền món này luôn quá! Vừa rẻ vừa ngon, dại gì không ăn! Ở bên kia sông Nam Kha có làng làm lồng đèn giấy, giá rẻ hơn so với mua ở chợ, chỉ cần băng qua cầu, đi bộ khoảng 15 phút là tới làng. Ở đó, lồng đèn nhỏ giá 5.000 kip; lồng đèn lớn giá 10.000 kip. Cái này là tôi nghe cặp vợ chồng người Pháp nói lại.

Theo Blog Thichdibui


Nguồn:  Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Các bài đăng trước cùng danh mục   Lào (Laos)
Kỳ 4: Vang Vieng - 22/11/2010
Kỳ 4: Vang Vieng NEWS1408
Sáng hôm sau tôi mua vé xe (45.000 kip) để đi Vang Vieng, giá vé bao gồm cả xe đến đón tại khách sạn. Dân Lào rất đậm đà phong cách nông dân nên họ hẹn tôi 9h sáng có xe đến đón. Thực ra ...
Xem thêm
Xem thêm :  Sưu tầm » Du lịch » Du lịch quốc tế » Lào (Laos)
Tìm liên quan » Kỳ cuối: Luang Prabang
Đang xem » Kỳ cuối: Luang Prabang