BachHoa24.com
Tìm nâng cao      
  Ðăng nhập | Tạo tài khoản  
Trợ giúp
Sưu tầm » Du lịch » Du lịch quốc tế » Lào (Laos) » Chi tiết tin

Kỳ 4: Vang Vieng

  Ngày: 22/11/2010
Sáng hôm sau tôi mua vé xe (45.000 kip) để đi Vang Vieng, giá vé bao gồm cả xe đến đón tại khách sạn. Dân Lào rất đậm đà phong cách nông dân nên họ hẹn tôi 9h sáng có xe đến đón. Thực ra 10h, xe mới đến. Chắc họ sợ tôi sử dụng "giờ dây thun" nên nói trước 1 tiếng chăng? 10h lên xe ngỡ rằng mình sẽ được đi thẳng đến bến xe luôn nhưng không phải như vậy, xe còn chạy thêm 1 vòng đón khách ở những khách sạn khác.


Kỳ 4: Vang Vieng
Một góc thị trấn Vang Vieng - Ảnh: PT

Cuối cùng khi người và hành lý đã đầy nhóc trong xe thì họ mới chịu chở chúng tôi ra xe đi Vang Viêng. Ngồi cạnh bên tôi là hai vợ chồng người Úc (Sima và Tony) và cậu con trai 17 tuổi tên Aeran. Nhờ thời gian rỗi nên chúng tôi bắt chuyện và làm quen nhau.

Vang Vieng

Khi ra được xe đi Vang Vieng thì chúng tôi phải chờ những người khách trên những chiếc xe trung chuyển khác và họ cũng bảo rằng không biết chờ đến khi nào bởi vì đủ khách thì xe mới chạy.

Lúc đó thì có một chiếc minibus chạy đến "dụ dỗ" chúng tôi qua xe đó, nhỏ hơn, đi ngay mà không phải trả thêm tiền vé. Gia đình người Úc, tôi và vài người nữa thế là "bị dụ". Té ra chiếc xe này do nhỏ hơn nên đã chạy chậm hơn chiếc xe buýt ban đầu của chúng tôi mặc dù khởi hành trước.

May là buổi sáng tôi có mua một hộp bánh AFC của Việt Nam và một chai sữa mang theo để ăn trưa. Buổi trưa xe có dừng ở một cửa hàng nhỏ cho hành khách vào ăn trưa. Nhưng lúc đó cả 3 chiếc xe khách đỗ cùng một quán, khách phải xếp hàng để chờ mua bánh mì. Ngán ngẩm tôi lấy sữa ra uống luôn, no bụng, đỡ tốn tiền.

Đường đi Vang Vieng khá quanh co. Cũng may tôi ngồi cạnh gia đình người Úc nên nói chuyện với họ cũng đỡ buồn. Khoảng 3h chiều xe đến nơi. Bến đỗ là khách sạn Malany trên đường Khaosan (các bạn thấy lạ chưa? Bến đỗ của xe lại nằm trong khuôn viên khách sạn? Mà lại có đường Khaosan, giống như ở Bangkok vậy). Nhiều người khách không thích ở đây bởi vì giống như "bị ép" nên họ gọi xe ôm chở qua chỗ khác. Gia đình người Úc vào hỏi giá phòng và ra hỏi ý tôi có muốn share với họ không. Họ định lấy 2 phòng đôi. Tôi và Sima ở chung một phòng. Tony và Aeran ở phòng kia. Giá phòng là 70.000 kip. Chúng tôi chia đôi, mỗi người trả 35.000 kip. Thấy cũng không tệ nên tôi đồng ý luôn. Ngoài ra, khách sạn này có phong cảnh khá đẹp. Đứng ở ban công nhìn thấy cả núi lẫn sông, rất thơ mộng.

Sau khi mang đồ đạc lên phòng, chúng tôi đi đến một công ty du lịch lấy tour one-day trip, giá 90.000 kip cho mỗi người. Lên chương trình cho ngày mai xong, chúng tôi đi dạo phố. Ngộ ghê, ở đây có rất nhiều du khách mặc bikini đi lại trên phố giống như ở bãi biển vậy. Hỏi ra mới biết là tubing nghĩa là mặc đồ tắm nằm trên bè trôi trên sông, dọc đường có những quán bar bán rượu bia ngay; vì thế sau khi tubing, ai cũng nạp kha khá rượu bia vào người nên "quậy" luôn. Đa số du khách trẻ đến đây rất mê hoạt động này. Họ có thể "quậy líp ba ga", mặc luôn cả bikini đi lại trên phố cũng không sao. Tôi trông chờ cho đến sáng mai để tubing.

Trở về khách sạn, tôi ngủ một giấc thật ngon cho đến sáng, khi mở mắt ra thấy không khí mát lạnh và tiếng lách tách ngoài cửa sổ. Ôi trời mưa hầu như cả đêm. Vậy là ông trời không muốn tôi "quậy líp ba ga" rồi. Mưa tầm tã và khi ấy ở ban công khách sạn nhìn ra xa, phong cảnh đẹp vô cùng.

Đến hơn 8h sáng trời vẫn mưa tầm tã. Thấy trời không có dấu hiệu tạnh nên Sima mặc áo mưa đi ra công ty du lịch hủy chiến đi và lấy lại tiền cho chúng tôi. Chúng tôi mặc áo mưa đi ăn sáng. Sau đó gia đình này đi massage Lào, còn tôi đi bộ ra chợ xem và đi dạo ở một con đường bên hông chợ.

Con đường này dẫn đến núi nên phong cảnh rất đẹp nhưng vắng vẻ quá nên tôi không dám đi xa. Từ chợ quay về tôi thấy có một thông báo bằng tiếng Anh dán trước cổng một ngôi chùa cũng khá lớn. Thông báo kêu gọi khách du lịch đến dạy tiếng Anh cho các nhà sư ở đây từ 6-8h tối, chùa này chỉ cách khách sạn của chúng tôi khoảng 300m. Tôi vội vã quay về khách sạn định rủ gia đình Úc này tham gia nhưng họ vẫn chưa về. Tôi đi bộ dọc xuống bờ sông và thấy nhiều người mặc đồ tắm ướt sũng đang từ dưới bến sông đi lên. Thì ra dù trời mưa nhưng du khách vẫn không muốn bỏ qua tubing vì Vang Vieng rất nổi tiếng với hoạt động này mà. Thấy cũng tiếc vì đã không tham gia nhưng khi nhìn kỹ lại người của họ toàn bùn đất do con đường cạnh bến sông khi trời mưa đất nhão ra trơn trợt nên họ "chụp ếch" liên tục.

Trời lại mưa nên tôi chạy vội vào một nhà hàng gần đấy, thấy trong thực đơn có món sweet rice. Tôi gọi ăn thử, cũng ngon, nhưng hơi ngọt mà tôi lại không hảo ngọt lắm.

Gia đình người Úc mà tôi gặp ở Lào 

Kỳ 4: Vang Vieng
Lề đường phố ở Lào về đêm.

Trên chuyến xe từ Vientiane đến Vang Vieng tôi đã gặp gia đình này. Họ gồm có 3 người. Người vợ khoảng 58 tuổi, tên là Sima, người Israel nhưng định cư ở Úc. Hiện Sima đang dạy tiếng Do Thái cho một trường tiểu học ở Úc. Người chồng tên là Tony, khoảng 65 tuổi, người Úc, là nhà đầu tư tài chính. Trước năm 2008, ông là triệu phú. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế ông rớt luôn ngôi "triệu phú." Cậu con trai của họ tên Aeran, 17 tuổi, học sinh trung học, rất đẹp trai, một nét đẹp lai của Do Thái.

Họ rất cưng chiều cậu bé bởi vì họ có con muộn và chỉ có một người con duy nhất. Họ gắn kết nhau bởi cậu con trai chung chứ thật sự thì nhà ai nấy ở, tiền ai nấy xài, mạnh ai nấy sống và hai người chưa bao giờ kết hôn mà cũng không có ý định kết hôn.

Gia đình này mỗi năm chỉ đi du lịch chung với nhau một lần. Những lần khác chỉ có Tony và Aeran đi chung với nhau. Mỗi năm khi nghỉ Giáng sinh, Sima dẫn Aeran về quê ngoại là Israel để cho cậu bé không bị mất gốc Do Thái. Sau đó, họ hẹn gặp Tony ở Thái Lan và cùng đi chung trong 1 tháng.

Đi chung với họ trong 10 ngày nhưng tôi đã học hỏi rất nhiều từ gia đình này, đặc biệt là ông bố. Ông ấy quả là một tay mua bán "sừng sỏ". Cách ông ấy trả giá khi mua hàng thật đáng nể và ông hầu như luôn mua được món mình cần với giá tiền mình muốn.

Sima vừa cho tôi biết đầu năm tới (2011), lần đầu tiên họ sẽ không cùng nhau đi du lịch chung. Aeran đã lớn nên muốn tự đi du lịch ở Nhật một mình nhân tiện thực tập tiếng Nhật luôn, . Ở Úc, cậu bé học tiếng Nhật khá giỏi, Tony thì đi riêng. Sima dự định đi Lào một mình nên đã hỏi tôi có muốn đi chung với bà không?

Bà nói nếu tôi không thích Lào thì bà sẵn sàng đi chung đến nước mà tôi thích nếu không thì bà sẵn sàng qua Việt Nam bởi vì bà không thích đi du lịch một mình. Vậy đó, người nước ngoài luôn có chương trình du lịch của mình cho năm sau dù họ đang trong kỳ nghỉ năm nay, thật thán phục.

Theo Blog Thichdibui

Kỳ cuối: Luang Prabang


Nguồn:  Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Các bài đăng trước cùng danh mục   Lào (Laos)
 Không có bài nào. 
Xem thêm :  Sưu tầm » Du lịch » Du lịch quốc tế » Lào (Laos)
Tìm liên quan » Kỳ 4: Vang Vieng
Đang xem » Kỳ 4: Vang Vieng