Một nhà văn từng nói: cuộc đời của mỗi người được ví như những cuốn tiểu thuyết, có những người viết nên một câu chuyện với đầy hào hùng, và có cả những câu chuyện cho những cuộc đời đầy chông gai thách thức. Riêng đối với doanh nhân Trịnh Tiến Dũng, cuộc đời anh đã viết nên một câu chuyện đầy cảm xúc với đủ cả những cung bậc thăng trầm.
Duyên - nghiệp kinh doanh
Vào đầu những năm 1990, từ số vốn ít ỏi ban đầu và huy động thêm số vốn vay của những người thân trong gia đình, anh đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kết cấu thép, nhà thép tiền chế. Đây là lĩnh vực đúng với xu thế phát triển của nền kinh tế lúc bấy giờ.
Với ngọn lửa quyết tâm đó, năm 1995 anh đã thành lập một xưởng cơ khí nhỏ tại số 354 Hùng Vương (nối dài), An Lạc, huyện Bình Chánh, TP HCM. Anh nói: "Niềm vui song hành cùng với sự lo lắng, vui vì có những người cùng tâm huyết đồng hành, lo là làm sao để cho 30 công nhân “sống được” và đồng hành cùng mình suốt chặng đường phía trước đầy thách thức".
Sau hai năm khởi nghiệp, từ năm 1995 đến năm 1997 với tầm nhìn chiến lược đã được vạch ra từ trước, anh đã tiếp tục tiến thêm một bước lớn nữa là đặt chân mình đến khu công nghiệp để tạo điều kiện tiếp cận và tạo niềm tin với khách hàng mới. Cùng thời điểm đó, các khu công nghiệp cũng bắt đầu hình thành tại VN. Bằng tư duy và khả năng nhạy bén, anh đã nắm bắt ngay cơ hội và mạnh dạn đặt vấn đề với gia đình, bạn bè và các mối quan hệ của anh hỗ trợ vốn và tinh thần để thuê đất đầu tư xây dựng nhà xưởng trong khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Anh bộc bạch: "Thực ra, khi quyết định đầu tư tôi cũng rất lo lắng nhưng nếu tôi đặt chân đến đó thì tôi có thể vừa làm nhà xưởng cho các khách hàng bên ngoài vừa phục vụ các khách hàng trong khu công nghiệp, đó là lợi thế cạnh tranh số một. Bí quyết của tôi là ưu thế “nhất cự ly”.
Tạo lập giá trị thương hiệu
Chúng tôi luôn nhìn lại mình để khắc phục những khuyết điểm, đúc kết những kinh nghiệm, tìm ra những điểm mạnh.
|
Nhận thấy nhu cầu của thị trường là rất lớn đối với ngành nghề của mình nhưng anh vẫn quan niệm rằng nếu muốn doanh nghiệp được bền vững thì trước hết phải lấy chữ tín làm đầu, lấy chất lượng để xây dựng thương hiệu, lấy giá thành hợp lý để cạnh tranh. Với anh cũng như Đại Dũng thì “uy tín – chất lượng – giá hợp lý” bao giờ cũng là giá trị cốt lõi và là giá trị thương hiệu Đại Dũng mà anh xây dựng, vun đắp trong bao năm qua.
Theo anh, “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” là cơ hội cho mọi sự phát triển, nhưng sự phát triển bền vững của Cty thì anh xác định nhân tố con người là rất quan trọng. Từ đó, anh đã xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân viên ngày càng lớn mạnh về số lượng lẫn chất lượng, có kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cao để phục vụ cho những bước đi tiếp theo.
Với phương châm “uy tín - chất lượng - giá hợp lý”, anh Dũng luôn tâm niệm làm tốt về điều này chính là giá trị cốt lõi của một thương hiệu. Do đó, Đại Dũng đã đầu tư đồng bộ cả về máy móc và con người. Chính vì thế, các sản phẩm cơ khí của Đại Dũng không những khẳng định được vị thế hàng đầu trong ngành công nghiệp cơ khí trong nước và còn vươn đến các thị trường xây dựng quốc tế như: Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Đức, Italia, Bỉ, Hoa Kỳ, Thái Lan, Singapore… Và như vậy có thể kể tên hàng loạt các dự án, công trình tiêu biểu có sự “hiện diện” của Đại Dũng ở hơn hai mươi nước trên thế giới như: Mitshubishi Factory Viet Nam (Japan); Lotte- Sea Co.ltd (KOREA); Dry cell & Storage Battery Factory (Pinaco)…
Doanh nhân Trịnh Tiến Dũng tâm sự: Qua mỗi giai đoạn chuyển đổi chúng tôi đều lên kế hoạch cụ thể để thay đổi phù hợp với tình hình kinh tế. Bên cạnh đó chúng tôi luôn nhìn lại mình để khắc phục những khuyết điểm, đúc kết những kinh nghiệm, tìm ra những điểm mạnh để Cty vận dụng và các cơ hội nắm bắt trong quá trình phát triển. Vì thế, bí quyết mà tôi muốn nói tới chính là nên áp dụng biện pháp quản trị phù hợp với quy mô của Cty trong từng khoảng thời gian.
Ứng viên cho Giải thưởng EY – Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp 2014 này chia sẻ: Cái quan trọng nhất của một doanh nhân là kiểm soát được tài chính của Cty và luôn luôn thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề đã xảy ra để rút kinh nghiệm, và dự đoán những gì sẽ xảy ra trong tương lai để đón nhận nó với những giải pháp dự phòng, giống như chúng tôi đã nhìn thấy cuộc khủng hoảng kinh tế 2010 từ năm 2008 để đưa ra những định hướng đúng đắn cho Cty.
Trong thời gian qua có rất nhiều DN trẻ rất cố gắng, làm việc cật lực và hết mình nhưng vẫn không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng suy thoái. Vì vậy, các bạn cần xem lại năng lực quản trị và sự nhạy bén của người đứng đầu, và đặc biệt là không được phép chủ quan dù bạn đang ở vị trí tốt nhất.
|
M.Thanh