Chúng tôi bắt chuyến tàu số hiệu 2012 rời Trương Gia Giới đi về ga Cát Thủ chỉ với 10 nhân dân tệ cho hai giờ tàu chạy. Bước ra khỏi ga trời đã sập tối tự bao giờ. Bến xe buýt ở bên phải, ồn ào những tiếng đập tay vào thành xe và tiếng rao “Phượng Hoàng cổ trấn” ra rả lôi kéo sự chú ý của khách. Vé về Phượng Hoàng 15 nhân dân tệ/khách và cứ nửa giờ sẽ có một chuyến. Không kịp ăn tối, chúng tôi quyết định lên xe ngay.
Lang thang cổ trấn
50km từ ga Cát Thủ về Phượng Hoàng cổ trấn dài và âm u tịch mịch, khiến mọi người hoang mang không biết liệu có đến nơi như đã dự tính. Sự bất đồng ngôn ngữ với dân địa phương biến năm người trở thành một “ốc đảo” riêng biệt trên xe, không biết mình đi qua những đâu và tới khi nào sẽ đến được nơi cần đến.
Sau hơn một giờ, cuối cùng chiếc xe dừng lại. Cuộc chạm mặt với Đà Giang ngay khi tìm kiếm khách sạn như một bằng chứng rõ ràng nhất đây chính là Phượng Hoàng cổ trấn của tỉnh Hồ Nam.
Phượng Hoàng có tuổi đời hơn 1.300 năm, được xây dựng từ đời Minh - Thanh nằm dọc bờ Đà Giang và là nơi cư trú của các dân tộc Hán, Miêu, Thổ Gia. Cổ trấn khá phát triển các dịch vụ du lịch nhưng vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt truyền thống bản địa.
Một cổ trấn đẹp với những căn nhà cổ nằm san sát hai bên bờ sông. Những cây cầu bắc qua sông, cái lộng lẫy cầu kỳ như Hồng Kiều, cái đơn giản chỉ là những mảnh gỗ ghép lại hay những cọc ximăng xếp bên nhau đều đặn. Những lối mòn lát đá âm u và cô quạnh trong đêm, dưới ánh đèn đường vàng vọt và những căn nhà gỗ cửa đóng then cài.
Sau bữa ăn đêm ở chợ món nướng nằm ngay đầu phía đông Hồng Kiều, chúng tôi không cưỡng được bước chân trên các lối mòn thành cổ dù đã 2g sáng. Đây đó dãy tường thành phía nam, cổng bắc, đền chùa, văn miếu, những căn nhà cổ, hậu cung, gia trang, dãy phố dài... Trong yên ả của màn đêm, thấy mình như lạc bước vào quá khứ, nơi từng là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của một vùng với những vương gia, vọng tộc...
Chúng tôi quyết định dành hẳn ba ngày lang thang chốn này. Sáng bị đánh thức bởi tiếng chày đập áo, chiều nghe tiếng trẻ con lảnh lót đọc bài, rồi theo chân lũ nhóc đi ăn quà vặt, đêm ngồi lặng trên bờ nhìn những con thuyền mơ ước được đốt lên, thả trôi trên sông. Cổ trấn với những ngọn đèn lồng đỏ treo trên mái hiên nhà, những quán nhỏ nằm sâu trong ngõ phố, những bước chân vô định cứ đi qua đi lại trên những cây cầu và những con đường...
|
Một ngõ phố cổ kính ở Hồng Giang - Ảnh: MỘC HÀ |
Hồng Giang cổ thương thành
Chúng tôi đi tiếp về Hoài Hóa để tìm một Hồng Giang cũ kỹ nhưng quyến rũ với những mê cung bí ẩn, nơi những con đường hẹp và những tòa nhà cổ kiến trúc kỳ lạ. Chặng đường không đơn giản. 92km từ Phượng Hoàng đi Hoài Hóa. Thêm 55km để tới thành phố Hồng Giang và 25km nữa mới tới được chính xác Hồng Giang cổ thương thành. Khi ấy khu phố đã vào đêm. Tìm được một nhà trọ nằm trong khu tập thể cũ, ở chung với chủ nhà, tất cả cảm giác như trở về nhà, ra vào không cần đóng cửa phòng, tự pha ấm trà nhâm nhi tán chuyện với ông chủ, người từng đến VN.
Hồng Giang cổ thương thành là một minh chứng huy hoàng của văn minh thương nghiệp cổ đại. Giao thương phát triển nên thương thành Hồng Giang ngày càng sầm uất, các hội quán, ngân hàng, tác phường, khách sạn, kỹ viện, nhà hàng... có mặt khắp mọi nơi. Những ngôi nhà được xây dựng với kiến trúc riêng biệt, tường cao, bao bọc kín kẽ, mái lợp ngói chồng lên nhau lớp lớp.
Lạc bước ở Hồng Giang. Thành cổ, tường cũ, lối đi lát đá sứt mẻ, rêu phong cỏ dại, liêu trai và u uẩn. Những căn nhà im lặng, những cánh cổng im lìm, những lối nhỏ dọc ngang ngoắt ngoéo. Tiếng bước chân trong đêm cô tịch, tiếng người gọi nhau chơi bài mạt chược hay một bóng người lặng lẽ di chuyển qua ngõ cũng khiến chúng tôi thảng thốt giật mình.
Khi ánh mặt trời dần bừng lên trong khu thành cổ, tiếng rao màn thầu phá tan không gian cô tịch. Người đàn bà gánh nước hối hả đi qua ngõ nhỏ. Lang thang kiếm tìm một không gian phồn thịnh thuở nào... nhưng chỉ thấy những dấu tích xa xưa hiện lên trong tưởng tượng. Ngó qua cánh cửa mở rộng nhìn vào sân nhà chỉ thấy lồng bàn đỏ úp trên mặt bàn gỗ, đồ đạc ngổn ngang... Một cổ thương thành xưa cũ hoang tàn và khác hẳn với dòng chảy tấp nập vòng ngoài phố. Vài ông cụ, bà cụ đang bắc ghế ra trước cửa nhà ngồi phơi nắng, uống trà... Một Hồng Giang như đang dừng lại, những nghĩ suy như đóng băng... Thời gian đang dừng lại trên cổ thương thành.
CHÂU GIANG