Chiếc quần bó Spanx
Sara Blakely là một nữ doanh nhân có khẩu khí mềm mỏng nhưng ý chí sắt đá. Vào những năm 1990, chị đã có 7 năm ròng làm việc bán máy fax. Không chịu nổi áp lực công việc, có nhiều khi chị bật khóc lúc gặp khách hàng tiềm năng phải chạy xe lòng vòng để định thần lại, rồi mới có thể tiếp tục làm việc.
Vào một tối năm 1998, Blakely không hài lòng với trang phục và thử cắt bỏ phần chân của đôi tất da phụ nữ và ý tưởng Spanx ra đời. Với số tiền tiết kiệm 5.000 USD, Blakely nghiên cứu và xin cấp bằng sáng chế cho chiếc chiếc tất quần không chân. Sau đó, chị đi khắp bang Bắc Carolina để đề nghị chủ các nhà máy sản xuất sản phẩm cho chị. Tuy nhiên, hầu hết các chủ xưởng đều lắc đầu và cho rằng sản phẩm kỳ quái này sẽ không được người tiêu dùng chấp nhận.
Cuối cùng, một chủ xưởng quyết định cho cô cơ hội để biến “ý tưởng điên rồ” này thành hiện thực. Và quả thực, ý tưởng này đem đến thành công ngoài mong đợi. Trong ba tháng đầu tiên, chị đã bán được hơn 50.000 sản phẩm.
Và hai năm sau, Spanx Inc. ra đời, sản xuất hơn 200 loại trang phục ôm sát cơ thể, mà nổi trội là Mama Spanx, ôm sát cơ thể từ bụng xuống chân phụ nữ mang thai, đồ bơi và mới đây nhất là Spanx for Men.
Ngày nay, Spanx có doanh số bán lẻ tới 350 triệu USD với 105 nhân viên, cung cấp hàng cho 10.000 tiệm bán lẻ khắp thế giới.
“Từ lâu rồi tôi đã chuẩn bị tinh thần đến ngày nào đó mình có thể làm chủ doanh nghiệp. Vậy nên giây phút tôi cắt đi phần bàn chân của đối tất da và nhìn mình mặc nó trong gương thì tôi nhận ra đó là dấu hiệu cơ hội tôi mong chờ bấy lâu đã đến”, Blakely chia sẻ.
Hãng dọn rác 1-800-Got-Junk
Mùa hè năm 1989, anh sinh viên Brian Scudamore đang xếp hàng chờ lấy bánh tại khu vực phục vụ dành cho khách đi xe hơi của McDonald thì một chiếc xe tải nhỏ đập vào mắt anh. Lấy cảm hứng từ chiếc xe này, Scudamore mua một chiếc xe tải cũ với giá 700 USD để bắt đầu dịch vụ thu dọn phế phẩm cho các gia đình trong vùng Vancouver - một nhu cầu mà anh nhận thấy ngay chính trong gia đình mình cũng như trong những gia đình quen biết.
Với nỗ lực, Brian dần dần tạo được uy tín cho tên tuổi của dịch vụ The Rubbish Boys của mình. Say mê với công việc do chính mình tạo thành, Brian Scudamore quyết định nghỉ học cho dù cha anh không đồng lòng.
Công việc làm ăn của anh phát triển vào năm 1997 khi anh đã có trong tay 6 xe dọn rác ở Vancouver và hai chiếc ở bang Victoria. Năm 1998, anh đổi tên công ty thành 1-800-Got-Junk và một năm sau đó anh mở chi nhánh đầu tiên ở Canada. Hiện anh có nhiều đại lý ở khắp khu vực Bắc Mỹ và Australia với doanh thu lên tới 105 triệu USD.
Gối ôm hình thú cưng
Thấy cậu con trai cố đè những con thú nhồi bông xuống giường để gối, cô Jennifer Telfer bỗng nảy ra ý tưởng “biến hóa” thú bông thành gối ôm.
Năm 2003, cô Telfer cùng chồng quyết định sản xuất sản phẩm gối ôm hình con thú này và đem bán trên danh nghĩa công ty CJ Products có sẵn của mình.
Sản phẩm sáng tạo của Telfer được khách hàng tại các shop trong trung tâm thương mại rất ưa chuộng và sau đó tạo nên làn sóng gối ôm hình thú cưng trên khắp thế giới. Năm 2010, những con thú nhồi bông kiêm gối ôm này mang về cho chủ nhân của nó tới 300 triệu USD.
"Cuộc sống tươi đẹp"
Công ty bán hàng ngoài trời có trụ sở tại New England cho dán thông điệp lạc quan này lên tất cả các sản phẩm áo phông, bao tay đánh bóng chày và nhiều loại đồ dùng khác.
Chính nhờ khẩu hiệu này mà các sản phẩm của họ được khách hàng đón nhận và đem về con số doanh thu lên tới 24 triệu USD mỗi năm, một con số làm kinh ngạc giới kinh doanh trên toàn thế giới.
Hai nhà sáng lập của “Cuộc sống tươi đẹp” là Bert, 40 tuổi và John Jacob, 36 tuổi. Hai anh em vẫn nhớ khoảng thời gian trước đây, khi thần tài chưa mỉm cười với họ và cuộc sống còn đầy khó khăn. Năm 1994, khi tài khoản ngân hàng của họ chỉ có 78 USD, Bert và John từng phải sống tạm trong một chiếc xe tải thay cho ngôi nhà của mình, chào bán áo phông tới từng trường học, công sở và theo dõi kỹ càng từng đồng xu tiêu đi. Có lần, họ còn bị cảnh sát địa phương đuổi khỏi các khu chợ tạm họp trên đường phố.
Mọi việc bắt đầu thay đổi theo hướng tốt đẹp khi hai anh em xem một bộ phim hoạt hình có nhân vật Jake. Hai người bỗng nảy ra ý tưởng in ảnh nhân vật này kèm với khẩu hiệu "Cuộc sống tươi đẹp" lên các sản phẩm của mình.
Khi những chiếc áo có hình ảnh lạc quan này được khách hàng đón nhận nhiệt tình, anh em Jacob hiểu rằng họ đã dò đúng mỏ vàng. Quả thực, doanh số bán hàng của họ tăng không ngừng. Riêng năm 2010, doanh thu của họ lên tới 100 triệu USD.
Bia Boston
Dù có truyền thống kinh doanh bia từ thời cha ông nhưng khi các hãng bia sản xuất đại tra, Jim Koch quyết định từ bỏ nghề này. Năm 1984, Koch thấy rằng mọi người bắt đầu đòi hỏi một thứ gì đó khác biệt. Vì thế, anh lại bỏ công việc tư vấn quản lý, tìm lại công thức nấu bia của ông cố nội và bắt đầu nấu thử trong bếp gia đình.
Sau khi hoàn thành mẫu bia thử nghiệm, ông tới từng quán bar ở thành phố Boston để bán sản phẩm mang tên Samuel Adams Boston Beer Lager này. Công ty của ông hiện là nhà sản xuất bia thủ công lớn nhất, với hơn 30 loại bia khác nhau. Công ty còn giành được vô số giải thưởng quốc tế, nhiều hơn bất cứ sản phẩm bia nào trên thế giới. Doanh thu ròng của công ty trong quý 1/2011 đạt 102,2 triệu USD.
Hãng sản phẩm lau rửa Method
Ý tưởng về sản phẩm lau nhà thân thiện với môi trường đến với Adam Lowry và Eric Ryan khi họ sống cùng với nhau trong một căn hộ ở San Francisco. Họ để ý rằng, mỗi lần dọn nhà sau tiệc tùng, các chất tẩy rửa thường khiến họ bị ho.
Khi đó thực sự không có nhiều lựa chọn, phần lớn các sản phẩm lau rửa nhà đều chứa các hóa chất độc hại. Vì thế, Lowry và Ryan cùng nhau nghiên cứu và đưa ra Method vào năm 2000. Đây là một sản phẩm chăm sóc nhà cửa thân thiện với môi trường. 10 năm sau đó, các sản phẩm của họ được bày bán trên các kệ hàng khắp nước Mỹ và đem về doanh thu tới 100 triệu USD.
Theo CNBC