An Giang mùa này nước ngấp nghé bờ đê, những cánh đồng lúa xanh ngắt mênh mông, những hàng thốt nốt vươn mình trong nắng sớm và khuôn mặt người dân luôn tươi vui rạng rỡ. Bạn sẽ gặp may mắn nếu tham gia tour mùa nước nổi đúng dịp lễ hội đua bò Bảy Núi trong dịp lễ Dolta.
Hằng năm, cứ đến tầm cuối tháng 8 đầu tháng 9 Âm lịch lại diễn ra lễ hội đua bò của đồng bào người Khmer vùng Thất Sơn. Cứ năm chẵn lễ hội diễn ra ở huyện Tri Tôn và năm lẻ ở huyện Tịnh Biên chứ không ở các nơi khác, vì đất ở đây có cát cứng, khi bơm nước vào thì không bị lún như các vùng khác nên bò có thể thỏa sức tung hoành.
Ngày lễ hội hàng chục ngàn người từ các vùng, phum, sóc đổ vể để thưởng thức và hòa mình trong không khí náo nhiệt. Kẻ ở xa thì đem theo thức ăn, nồi niêu để nấu ăn tại chỗ chứ quyết không để lỡ trận đấu nào, người ở gần thì đem trống, não bạt để cổ vũ.
Ngày thi đấu, cả sới trường sôi động tưng bừng bởi tiếng cổ vũ reo hò dậy đất vang trời cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Khmer, dành cho những đôi bò mạnh mẽ, hay những pha về đích đầy cam go quyết liệt. Phần thưởng ý nghĩa nhất cho người thắng cuộc là sự thán phục, tôn vinh của hàng xóm láng giềng và cả đối thủ.
Dĩ nhiên, các tour du lịch được khai thác tấp nập mùa này. Trong tour mùa nước nổi mà Bến Thành Tourist đang giới thiệu, An Giang còn quyến rũ du khách với những cánh đồng thốt nốt cao vút, những ngôi chùa cổ kính đậm kiến trúc Khmer, lễ hội bà Chúa Xứ núi Sam linh thiêng hằng năm và hơn cả là du khách được hòa mình trong cái tình của người dân chất phác, nụ cười thân thiện, chân tình đượm nét tình quê, là những món ăn dân giã đậm đà quyến luyến khách phương xa, và còn là chén rượu nồng cùng những câu vọng cổ ngọt ngào.
Du khách cũng có dịp đến với búng Bình Thiên, (An Phú, An Giang) trong chiều mát dịu. Cuộc sống náo nhiệt phố thị bị dòng sông Bình Di cuốn trôi tự lúc nào, thay vào đó một không gian thanh bình lắng đọng, trên con đường làng những cô thiếu nữ Chăm Islam bước nhẹ nhàng khẽ cúi đầu với chiếc khăn trùm đen bí ẩn, một cái ngước nhìn bất chợt, hàng lông mi cong vút với đôi mắt sâu thẳm huyền bí trên khuôn mặt thánh thiện, làm lữ khách ngơ ngác sững sờ như lạc vào vùng đất thiêng không dành cho kẻ phàm trần.
Tất nhiên, đến với An Giang không thể quên tới thăm rừng tràm Trà Sư nơi đất lành chim đậu. Du khách sẽ đắm mình trong không gian của một hồ nước mênh mông và khi chỉ tiếng máy nổ phá tan bầu không gian yên tĩnh, cả ngàn cánh chim cùng giật mình thức giấc, đây cánh chim tung bay lên trời cao, kia cánh chim lại chìm sâu xuống mặt nước phẳng như gương.
Chiếc tắc cứ phăm phăm lướt tới, cả rừng tràm mênh mông bỗng đổ ngược mình xuống nước để cả hai thế giới cùng song song tồn tại và chúng tôi đang bay trong không gian xanh ba chiều kỳ diệu. Những thảm bèo xanh chuối phủ kín cả khu rừng cả con đường nước, chiếc xuồng như xẻ thảm cỏ mà đi, màu xanh lá của triệu thân tràm, màu xanh lơ của bao la bầu trời, cứ quyện lấy nhau mà đem lại không gian thanh bình quyến rũ...
NGÔ TRẦN HẢI AN