Mù Cang Chải thời nay...
Chúng tôi lên tới Mù Cang Chải cũng là lúc những thửa ruộng bậc thang La Pán Tẩn đã chuyển màu vàng óng, rung rinh những cây lúa trĩu bông. Đường lên La Pán Tẩn hôm nay đã khác, con đường đất ngoằn ngoèo năm xưa nay đã được mở rộng, bêtông hoá nhằm phục vụ khách du lịch đang ngày một đông hơn. Trong nhóm đi lần này nhiều người đã từng chinh phục Mù Cang Chải bằng cả xe máy và ôtô. Hình ảnh xe cộ ngược xuôi khiến những ai mới lần đầu tham gia hành trình này ít nhiều thấy rộn ràng.
Mừng cho cái không khí chuyển mình của Mù Cang Chải nhưng cá nhân người viết lại nhớ về một Mù Cang Chải của ngày xưa. Lần đầu đặt chân tới, tôi mải miết đi bộ theo con đường đất đỏ quanh co men sườn núi, thả mình vào trong sự tĩnh lặng của núi, bốn bề chỉ có tiếng lúa reo rạt rào quyện trong hương cốm. Xa xa, những gia đình người Mông tất bật gặt lúa chín, chồng gặt, vợ đập thóc trong những chiếc thùng gỗ, đám trẻ tung tăng nô đùa trên đám rạ. Tiếng cu xanh, cu đất gù gù giục giã, gọi bầy nhặt thóc vãi… Có vẻ như chính quyền ở đây đã bắt đầu hiểu ra mình đang có trong tay một tiềm năng du lịch không hề nhỏ. Nhưng nếu không biết làm du lịch đúng cách, không khí hoang sơ, tự nhiên, trong lành của vùng đất này khó tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong cái mừng không khỏi có chút băn khoăn.
Vẫn lấy nước nguồn tự nhiên
Con đường lên Mù Cang Chải đang được mở rộng theo nhu cầu du lịch ngày một tăng. Ảnh:
Người Mông ở Mù Cang Chải gọi tháng 9, tháng 10 là “mùa vàng”, mùa no ấm. Chính vì thế, lên Mù Cang Chải mùa này trong cái nắng nhẹ nhàng, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những cũi thóc mới nhấp nhô trên lưng bà con người Mông đi về nhà, tiếng nói cười, tiếng đùa vui râm ran. Người chủ nhà cầm tay khách lạ mời ăn bữa cơm mới, uống chén rượu vừa cất. Những bản làng Mù Cang Chải như vừa bước ra từ mùa đông dài, bỗng chốc tươi sáng lạ.
Thả bước chân dọc theo những khoảnh ruộng quanh co uốn lượn, chúng tôi thầm phục những người Mông sống nơi đây, những người vẫn lầm lũi ngày qua ngày, từ đời này qua đời khác với cây cuốc nhỏ và giã cào bằng gỗ tạo nên những tuyệt tác từ lao động.
Nếu bảo những người nông dân nơi đây là những nghệ nhân gia truyền thì việc đưa nước tưới cho những thửa ruộng tít trên đỉnh núi là cả một nghệ thuật. Không hề có kỹ năng khoa học, không dùng đến bất cứ một sản phẩm công nghiệp hay máy móc nào. Những ống luồng to, thẳng được khoét rỗng ruột nối liền nhau, buộc chặt bằng dây rừng dẫn nước từ trên đỉnh núi cao, nơi có những con suối nước chảy quanh năm, chạy một mạch xuống chân ruộng rồi lại leo lên “đồi quả”, cung cấp nước đều đặn cho hàng ngàn thửa ruộng bậc thang.
Mỗi bước chân chúng tôi đi là một trải nghiệm đáng quý trong đời, là bài học về sự sáng tạo vô hạn của con người, nét lạc quan yêu đời ở nơi gian khó mà lúa vẫn mọc lên trời ấy.
Bài: Hoàng Minh
Ảnh: Q. Trung