Người lính da cam
Tin ông “Hùng lợn” được vinh danh là công dân ưu tú của năm giờ là tin hót nhất ở mảnh đất xa xôi Trung Giã, Sóc Sơn (Hà Nội). Với chúng tôi cũng không quá khó để tìm đến nhà ông, một trang trại khép kín hiện đại nằm gần quốc lộ 3 với hơn 80 con lợn lái và gần 1000 con lợn thịt lớn bé. Khá bận bịu với việc họp hành, rồi tiếp báo chí và chăm đàn lợn “khủng” của mình, sau hai lần “hẹn hò” không thành chúng tôi cũng gặp được ông. Nhấp một nhấp trà ấm nóng, người lính quê chất phác cứ lắc đầu rồi lại cười xòa khi kể về cuộc đời mình cho chúng tôi nghe.
Sinh năm 1953 trong một gia đình truyền thống theo cách mạng, 18 tuổi, chàng trai trẻ viết huyết thư xin đi nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện ở Phú Bình, Thái Nguyên rồi về nhận công tác tại Tiểu đoàn 46, Sư đoàn 304 A , năm 1971 ông cùng với đơn vị tiến quân vào chiến trường Quảng Trị. Sau khi ông xung phong đi chiến đấu, hai người em của ông cũng lần lượt xin đi nhập ngũ năm 1974, và năm 1980.
Bị thương được về nghỉ dưỡng năm 1976, nhưng hai năm sau không thể ngồi yên khi đất nước còn sôi sục. Năm 1978 ông lại tái ngũ. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông trở về nhà với với chất độc da cam trong người và mỗi khi trái nắng trở trời lại bị bệnh sốt rét hành hạ. “Năm từ chiến trường trở về, người tôi xanh như cái tàu lá, hồi đó chắc chỉ có 41kg. Đi hỏi vợ mà bị nhà vợ trả lại quà ra mắt”- ông Hùng hóm hỉnh nói.
Lập ra đình, hai vợ chồng ông sinh được 4 người con, nhưng đến đứa cuối cùng thì chất độc da cam mới để lại di chứng. Đến năm 1985, hai vợ chồng cố đẻ ra thằng út ít Trịnh Văn Hải nhưng sức khỏe của nó rất kém, cứ èo uột như cái lạt, chẳng nói cũng chẳng cười, ốm vặt liên miên. Không biết bệnh, hai vợ chồng đưa thằng con đi khắp nơi khám chữa nhưng không khỏi. Sau này mới biết, trong người ông và đứa con đều có “cam”.
Anh hùng của thời bình
Vậy là cái nghèo cái khó cứ bám riết lấy gia đình ông. Hai vợ chồng bươn trải trên các chuyến xe ngược xuôi đi buôn khoai, buôn mít. Rồi có những năm đạp xe vào tận Thanh Trì (Hà Nội) học cách làm nghề bún. Nhưng cũng chẳng ăn thua, cuộc sống gia đình ông vẫn không thoát khỏi được cái nghèo. Với ý chí của một người lính cụ Hồ, ông không thể để những đứa con của mình đói khát, và ao ước chữa được bệnh cho thằng con út. Bà Nguyễn Thị Toán, vợ ông bùi ngùi chia sẻ: “Đất trên Sóc sơn này được cái rộng nhưng không màu mỡ lắm, có trồng lúa cũng không được là bao, thế là ông ấy chuyển sang chăn nuôi. Sau một lần lên trại giống ở Thái Nguyên học hỏi kinh nghiệm, nhà tôi đổi vườn, đổi đất rồi dồn hết vốn vào xây trai lợn”.
Với số vốn buôn bán có được và vay mượn khắp nơi, vợ chồng ông đã dựng lên được một trang trại lợn có quy mô hiện đại và quy trình khép kín sạch sẽ. Ban đầu với 30 con lợn nái, sau một năm nhà ông thu lại được với số lãi là 100 triệu đồng. Được đà tiến tới, cứ có vốn là ông lại xây thềm chuồng trại để tăng số lượng. Sau mười năm, điểm mặt số lượng lợn của ông đã đến gần 1000 con. Mỗi một con lợn nái một năm cho 2,5 lứa lợn con nhà ông đều giữ lại để nuôi làm lợn thịt, đem lại mức lãi 300 triệu/ năm.
Hiện nay, ngoài hai vợ chồng ông cùng vợ chồng con gái, trại lợn của ông có thêm 4 nhân công đều là con em nhà chính sách ở trong huyện đến làm thuê và học nghề. Ông Hùng chia sẻ bí quyết thành công của ông với đàn lợn khủng nhà ông đang có: “Nuôi lợn không khó, nhưng cái chính là mình làm chuyên môn hóa, làm công nghiệp hóa lên thì cần phải có kĩ thuật. Chuồng trại phải đúng quy chuẩn, sạch sẽ chống được các loại dịch bệnh theo mùa. Đặc biệt phải tuân thủ đúng các chế độ thuốc thang, tiêm phòng đúng cách…”.
Để có thành công như ngày hôm nay, hai vợ chồng ông Hùng đã bỏ ra bao nhiều mồ hôi và nước mắt. Ông bồi hồi nhớ lại 4 năm về trước tưởng chừng cả trại lợn của ông bị tàn lụi: “ Đó là năm 2008, gần 100 con lợn mặc dịch tả, bỏ ăn và ốm yếu. Không dám chạy chữa, gia đình đành tiêu hủy hết số lợn bệnh. Từ năm đó đến giờ chưa năm nào lợn nhà tôi mắc thêm bệnh lây lan nào nữa, dù có là tai xanh, long móng nở mồm”.
Nói đến dự tính sau này của gia đình, ông Hùng trăn trở: “Số lượng đất có hạn nên muốn mở rộng thêm chuồng trại cũng khó khăn. Tôi đang tính đi thầu vài mảnh đất và mở thêm chi nhánh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho con em trong xã. Với những kĩ thuật mình có trong tay, tôi tin chắc rằng những lứa lợn mới sẽ có nhiều thành công hơn…”. Với tấm lòng nhân ái và tâm niệm vì tương lai con em, mỗi năm dù có làm ăn thất bát thì gia đình ông Hùng cũng trích một số tiền không nhỏ từ 6-8 triệu vào quỹ khuyến học của xã Trung Giã để dành cho các cháu nhỏ vượt khó học giỏi.
Rời khỏi nhà ông Hùng khi trời đã ập tối, mặt trời đã tắt nắng nhưng công việc quanh những con lợn của ông Hùng chắc vẫn kéo dài đến đêm khuya. Dường như nỗi đau da cam không còn đeo bám gia đình ông nữa, dù có bệnh tật trong người nhưng với bàn tay và khói óc của người lính cụ Hồ năm xưa họ vẫn vượt qua tất cả để mãi tỏa hương trong cuộc sống.
Hòa Anh