Ngay lập tức lá thư này làm dậy lên làn sóng bình luận khắp thế giới. Đa số ý kiến ủng hộ và đánh giá đây là một động thái tích cực của giới nhà giàu. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra hoài nghi về hành động quá hào hiệp này.
Theo báo Guardian, ý tưởng xin đóng thêm thuế này xuất phát từ tỉ phú Mỹ Warren Buffett khi mới đây ông than phiền mình đóng thuế ít hơn nhiều so với các nhân viên dưới quyền và kêu gọi chính phủ Mỹ đánh thuế cao hơn với những tỷ phú và người có thu nhập cao để cứu vãn nền kinh tế và giảm thâm hụt ngân sách tại nước này.
Lá thư được đăng trên trang web của tờ Le Nouvel Observateur có chữ ký của 16 người giàu có tiếng ở Pháp, trong đó có người thừa kế hãng mỹ phẩm L’Oréal bà Liliane Bettencourt và một số tổng giám đốc nổi tiếng nhất nhì nước Pháp như: Christophe de Margerie của hãng dầu Total, Jean-Cyril Spinetta của hãng hàng không Air France…
Thư có đoạn viết: “Chúng tôi muốn được đóng góp thêm một khoản thuế ngoại lệ. Khủng hoảng nợ công đe dọa tương lai của nước Pháp và châu Âu. Khi chính phủ yêu cầu mọi người sát cánh bên nhau, chúng tôi thấy sự đóng góp này là cần thiết”.
Hôm 24/8, Tổng thống Pháp Sarkozy công bố một loạt những biện pháp thắt lưng buộc bụng để tránh cho Pháp kết cục như Hy Lạp. Theo đó, mục tiêu của chính phủ là tiết kiệm ngân sách trong năm 2011 là 5,7 tỷ USD và 10 tỷ USD trong năm 2012. Theo các quan chức chính phủ, chính sách thắt lưng buộc bụng cũng sẽ bao gồm việc tăng thuế đối với các gia đình giàu có mặc dù vẫn chưa xác định mức doanh thu để đánh thuế tính trên đầu người một năm là bao nhiêu.
Đánh giá về chính sách này của Tổng thống Pháp, giáo sư kinh tế Philippe Aghion của ĐH Harvard tỏ ra bi quan: “Chính sách này chỉ như một kiểu trang trí hay biểu tượng. Về cơ bản, tôi không mong đợi ông Sarkozy thay đổi chính sách tài chính của mình.”
Ở châu Âu, ý tưởng đánh thuế người có thu nhập cao đã manh nha từ ba năm trước khi “lục địa già” bắt đầu rơi vào suy thoái. Trong năm 2009, chính phủ Anh tăng tỷ suất thuế thu nhập cận biên từ 40% lên 50%. Còn tại Italia, chính phủ đang xem xét tăng thêm 5% tiền thuế với người có thu nhập trên 90.000 euro/năm và 10% với thu nhập trên 150.000 euro.
Tuy nhiên, việc đánh thuế người giàu đối với ông Sarkozy là việc khá nhạy cảm. Năm 2007, ông Sarkozy trúng cử Tổng thống Pháp một phần nhờ vào việc hứa hẹn sẽ có những chính sách bảo vệ những người có thu nhập cao tại nước này. Ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng thống giới thiệu một “lá chắn tài chính” nhằm bảo vệ các gia đình giàu có phải trả trên 50% tiền thuế trên tổng thu nhập của họ. Tuy nhiên, khi cơn bão nợ công và khủng hoảng tài chính đang hoành hành tại Pháp, “lá chắn tài chính” lại trở thành một cản trở cho nền kinh tế Pháp và là điểm yếu nguy hiểm cho chiến dịch tái tranh cử trong năm 2012 của ông Sarkozy.
Lá thư xin đóng thêm thuế của 16 tài phiệt Pháp được đánh giá là giúp mở cho Tổng thống Sarkozy một lối thoát về tài chính.
Nhưng sau khi lá thư của 16 đại gia Pháp được công bố, một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ. Nhà bình luận Tim Worstall của tờ Forbes mỉa mai rằng đó chỉ là cách “tiết lộ sở thích” của những người giàu.
Thời điểm lá thư này được công bố cũng là khi những làn sóng phản đối người giàu tại Pháp đang lên cao. Giới thu nhập thấp và trung bình tại Pháp cho rằng các đại gia này được hưởng lợi rất nhiều nhất từ hệ thống phúc lợi nhưng lại có đóng góp cho xã hội ít nhất. Không chỉ người dân, Thủ tướng Pháp François Fillon cũng tuyên bố ông bị sốc khi biết mức lương “cắt cổ” mà một số công ty phải trả cho giám đốc điều hành.
Đầu năm nay, sau scandal liên quan đến tài chính của Liliane Bettencourt – người phụ nữ giàu nhất châu Âu, báo chí Pháp cho thấy các tỷ phú thường xuyên được hoàn lại tiền thông qua các chính sách tài chính như một phần của việc hoàn thuế hay “lá chắn tài chính” của Tổng thống Sarkozy. Ngoài ra, bà Liliane Bettencourt cũng bị cho là trốn thuế bằng cách gửi tiền vào các ngân hàng Thụy Sỹ hay tậu nguyên hòn đảo Seychelles, một hòn đảo nổi tiếng về du lịch ở Ấn Độ Dương.
“Đây không phải hành động của một người có mong muốn đóng thêm thuế để giúp đất nước”, Tim Worstall bình luận. Ông cho rằng nếu thực sự muốn giúp đỡ đất nước thì những tỷ phú và người thu nhập cao đã gửi thẳng một tấm séc đến tài khoản của chính phủ để tránh rắc rối trong việc sửa đổi luật pháp chứ không việc gì phải rêu rao ầm ĩ.
Như vậy, lá thư của 16 đại gia Pháp có thể được coi là một động thái tích cực. Nhưng cho đến khi có những bằng chứng cụ thể thì tất cả vẫn chỉ là “lời nói không mất tiền mua”.
Hải Anh (theo Forbes, Wallstreet Journal)