Trong nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, việc mua lại các công ty khác là lĩnh vực được các chủ doanh nghiệp quan tâm nhất. Mua lại, thôn tính công ty khác trên thực tế là một cuộc chiến bao gồm chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật sử dụng tiền vốn.
Giống như một cuộc chiến thực sự, các chiến thuật được áp dụng bao gồm trinh sát thăm dò, tiến công, phòng thủ, gây thanh thế, dương đông kích tây, chuyển từ bị động sang chủ động... Mua lại thôn tính công ty khác được giới kinh doanh gọi là “cuộc đọ sức tiền vốn, cuộc đọ sức về trí tuệ, sự khôn ngoan và nghệ thuật kinh doanh”, trong đó ngân hàng đầu tư đóng vai trò quan trọng. Lãnh đạo các ngân hàng này là tướng lĩnh chỉ huy điều binh khiển tướng, thậm chí có khi đóng cả vai trò của một nhà ngoại giao thuyết khách.
Trong các cuốn sách về ngân hàng thường có câu cửa miệng của giới chủ doanh nghiệp Mỹ: “Thượng đế đã tạo ra muôn loài, nhưng chính J.P Morgan mới là người tiến hành tổ chức, xắp sếp lại thế giới”.
Năm 1799, gia đình Morgan lập một ngân hàng nhỏ ở Manhatthan. Sau đó, gia tài nhỏ bé này được truyền lại cho J.P Morgan. Từ gia tài nhỏ bé này, với tài kinh doanh và nắm chắc thời cơ mua lại các công ty khác, J.P Morgan đã nhanh chóng nhân vốn lên trở thành ngân hàng đầu tư để thôn tín các công ty khác.
Đầu tiên là lĩnh vực đường sắt. Năm 1869, nhân lúc “Vua đường sắt” lúc đó là Vanderbilt cùng ngân hàng đầu tư của George Gould tranh giành tuyến đường sắt nối khu công nghiệp phía đông với mỏ than lớn phía tây, Morgan đã khéo lợi dụng mâu thuẫn hai bên, lần lượt đánh bại cả hai để giành được quyền kinh doanh tuyến đường sắt này. Tiếp đó, năm 1879, ông lại thôn tính tới 75% cổ phần của Vanderbilt giành quyền kinh doanh đường sắt. Năm 1871, vốn đã lớn mạnh, ông đã thành lập Công ty đầu tư J.P Morgan và bắt đầu có mặt khắp nước Mỹ. Năm 1872, J.P Morgan bắt đầu vươn sang đầu tư và thôn tính các công ty ở Châu Á. Tới năm 1900, Morgan nắm trong tay quyền kiểm soát tới 108.000 km đường sắt.
Thừa thắng trong lĩnh vực đường sắt, J.P Morgan chuyển mục tiêu sang thôn tính các công ty điện lực và sản xuất kinh doanh sắt thép. Năm 1892, J.P Morgan đã thôn tính hai công ty là Edison General Electric và Thomson-Houston Electric để thành lập Công ty mới là General Electric.
Tiếp đó, J.P Morgan tiếp tục thôn tính Federal Steel Company, Carnegie Steel Company và một số công ty khác, trong đó có Consolidated Steel và Wire Company để thành lập the United States Steel Corporation (Tập đoàn sắt thép Mỹ ). Thừa thắng xốc tới, năm 1901, Morgan đã thôn tính toàn bộ “Đế chế sắt thép” khi đó là Dale Carmegie với giá trên 400 triệu USD.
Chưa thỏa mãn với thành quả này, J.P Morgan đã mua luôn một số công ty khai khoáng đang nằm trong tay “Vua dầu lửa” Rockefeller để thành lập “Tập đoàn gang thép Mỹ” với số vốn tới 1 tỉ USD, tập đoàn đầu tiên trên thế giới có số vốn lớn tới 1 tỉ USD thời bấy giờ. Lúc này, sản lượng gang thép do các công ty, xí nghiệp thuộc quyền Morgan chiểm tới 65% tổng sản lượng gang thép của nước Mỹ. Năm 1907, tình hình kinh tế tài chính sau Chiến tranh thế giới thứ nhất gặp khó khăn, Morgan đã lần lượt thôn tính và cứu nhiều công ty tài chính khác đang gặp khó khăn, trong đó đã cứu Sở giao dịch chứng khoán New York tránh được tai họa sập tiệm.
Chỉ trong vòng mấy chục năm với chiến lược chiến thuật đúng đắn, với nghệ thuật thôn tính điêu luyện, Morgan đã “nuốt” rất nhiều công ty, bắt đầu xưng bá ở Mỹ và thế giới, trở thành “Đế quốc” trên nhiều lĩnh vực, trong đó có Công ty điện thông dụng Mỹ, Tập đoàn sắt thép, Tập đoàn đường sắt, Trung tâm Ngân hàng tài chính Mỹ.
Từ Ngân hàng đầu tư nhỏ bé năm 1799 ở phố Manhatthan, New York, J.P. Morgan đã biết lợi dụng vai trò, chức năng của ngân hàng đầu tư, biết lợi dụng thời cơ, tập hợp lực lượng, huy động vốn toàn nước Mỹ để tiến hành thôn tính các công ty khác. J.P Morgan đã trở thành tập đoàn lớn hàng đầu ở Mỹ và thế giới, chẳng những trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng mà bao gồm nhiều lĩnh vực khác. Bản thân J.P Morgan cũng đã trở thành nhân vật có ảnh hưởng nhất nước Mỹ và trên thế giới.
Kiều Tỉnh