Còn được gọi là Prome, Pyi… thời gian trước đó Pyay được biết đến bởi các nhà khảo cổ nhiều hơn là khách du lịch. Vì những di tích xưa đặc sắc tìm thấy ở kinh thành cổ Pyu từ thế kỷ thứ 5 của vương triều một thời lừng lẫy Thayekhittaya gần đó. Nằm bên con sông vàng sánh phù sa Ayeyarwady, phố nhỏ Pyay bây giờ và vùng lân cận có nhiều di tích lịch sử, các điểm tham quan thường sẽ giữ chân du khách ở lại đây lâu hơn dự định – như nhiều nhận xét trên các diễn đàn du lịch. Rồi tôi cũng vậy!
Còn được gọi là Prome, Pyi… thời gian trước đó Pyay được biết đến bởi các nhà khảo cổ nhiều hơn là khách du lịch. Vì những di tích xưa đặc sắc tìm thấy ở kinh thành cổ Pyu từ thế kỷ thứ 5 của vương triều một thời lừng lẫy Thayekhittaya gần đó. Nằm bên con sông vàng sánh phù sa Ayeyarwady, phố nhỏ Pyay bây giờ và vùng lân cận có nhiều di tích lịch sử, các điểm tham quan thường sẽ giữ chân du khách ở lại đây lâu hơn dự định – như nhiều nhận xét trên các diễn đàn du lịch. Rồi tôi cũng vậy!
Tượng đá bên triền sông và tượng tre
Với khách du lịch tâm linh, sao có thể không viếng ngôi chùa Shwesandaw Paya, một trong những chùa cổ nhất và lớn nhất nhì Myanmar. Xây dựng lần đầu năm 589 trước Công nguyên (CN), chùa nổi tiếng vì được cho là nơi lưu giữ răng, tóc Đức Phật. Thật thú vị khi lang thang trên chiếc cộ bò cọc cạch đi thăm thành xưa huyền thoại Thayekhi taya (Sri Ksetra – “Thành phố Huy hoàng” theo tiếng Pali), có từ thế kỷ thứ 5, dù truyền thuyết dân gian cho rằng nó đã được xây dựng từ những năm 443 trước CN. Khách thích sông nước, mê điêu khắc đã có triền sông Phật tượng Akauk Taung. Từ mấy trăm năm trước, người dân nơi đây đã đục đẽo, chạm trổ trực tiếp vào vách đá dựng đứng bên dòng Ayeyarwady hàng trăm tượng Phật lớn nhỏ…
Hai pho tượng, tuy mới nhưng lạ và đẹp của Pyay trước tiên là pho tượng Phật ở ngôi chùa Shwesandaw Paya – pho tượng Phật đan bằng tre độc đáo. Sinh sống ở nước Việt tre xanh bạt ngàn, với bao nhiêu vật dụng thân thương trong nhà, ngoài ngõ… bằng tre kể không xiết, nhưng tôi chưa bao giờ nghe đến những pho tượng đan từ tre, kể cả những tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở đương đại... Nên dù sách du lịch chưa đề cập, nghe cậu tiếp tân ở nhà nghỉ giới thiệu, tôi vội tìm đến và nếu như không được biết trước, tôi sẽ khó mà biết pho tượng Phật kia được đan từ tre, rồi mới dát vàng. Cao đến 4m, pho tượng tre được đan rất tinh xảo, sinh động. Cả những đường nét nhỏ như nét mày, mi mắt, vành tai hay nếp gấp li ti trên vạt cà sa, đặc biệt là thần thái hiền từ, thanh cao của Đức Phật đều được thể hiện rất rõ. Qua những hình ảnh, thông tin treo gần đó, tôi càng sững sờ khi biết được pho tượng này được đan ngay tại vị trí hiện giờ và cũng chỉ mới thực hiện trong những năm đầu thế kỷ 21! Nhìn hình ảnh pho tượng lúc ban đầu, rồi từ từ nên hình nên dáng, thấy những cọng tre mong manh, hình ảnh những vị sư, các nghệ nhân cũng bé nhỏ bên pho tượng cao hơn 4m này, tôi càng khâm phục hơn tài năng và ý chí của người dân Myanmar. Nhất là trong thời gian đó, họ còn gặp rất nhiều khó khăn chứ chưa được thoải mái như bây giờ.
Tượng Phật đeo kính dát vàng
Mỗi khi làm vệ sinh pho tượng phải cần đến chín vị sư để khiêng chiếc kính dát vàng này.
Rời ngôi chùa Shwesandaw, tôi lên xe máy hướng đến ngôi chùa Shwemyetman Paya. Nằm cách Pyay 14km qua những con đường xanh êm, chùa Shwemyetman được xây dựng từ thời vương triều hùng mạnh Konbaung (1752 – 1855) trị vì Myanmar. Lúc đầu, pho tượng Phật to lớn trong chùa cũng bình thường nhưng từ những câu chuyện mang tính tâm linh huyền bí, người dân địa phương bèn cúng dường cho chùa cặp mắt kính để bảo vệ đôi mắt. Pho tượng Phật ở chùa Shwemyetman bắt đầu đeo mắt kính từ đó. Phải cần đến chín vị sư để khiêng chiếc kính có gọng dát vàng y này mỗi khi chùa làm vệ sinh cho pho tượng! Ngoài ra, chùa còn có cặp mắt kính lớn khác, quà tặng của một quan chức người Anh ngày còn trị vì miền đất này. Để cất giữ chiếc kính này, người ta cần đến cả một gian phòng. Đúng như lời cậu nhỏ tiếp tân giới thiệu, “có thể không thật cổ và đẹp rạng rỡ, tượng Phật đeo kính ở chùa Shwemyetman này là độc nhất trên thế giới!”
Rồi bị níu chân ở Pyay, lang thang đây đó, ngó tìm những di tích xưa cũ, những đền đài mới xây tinh tế của miền đất này, tôi thầm nghĩ, sao miền đất đẹp hiền như vậy mà đến giờ vẫn náu mình sau những con đường lấm bụi mù? Hy vọng với tình hình đổi mới tốt đẹp từng ngày của Myanmar hiện nay, sẽ có thêm nhiều du khách được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp lạ của miền Pyay.
Bài và ảnh: T. Trà Khúc