BachHoa24.com
Tìm nâng cao      
  Ðăng nhập | Tạo tài khoản  
Trợ giúp
Sưu tầm » Doanh nhân » Doanh nhân Việt » Chi tiết tin

Ông Đoàn Nguyên Đức: "Lặn sâu, nước đục, cá lớn"

  Ngày: 21/05/2010
Hai mươi năm gắn với nghiệp kinh doanh, được xem là "người giàu nhất" sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008, 2009 nhưng Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), vẫn chưa được thảnh thơi, lịch làm việc của ông lúc nào cũng dày đặc từ sáng sớm đến tối khuya với các dự án, cuộc hẹn, chuyến đi khảo sát nay tỉnh này, mai nước nọ. Mặc dù điện thoại luôn mở và sẵn sàng tiếp chuyện bất cứ ai, nhưng không dễ để có thể trò chuyện với ông..


Ông Đoàn Nguyên Đức: "Lặn sâu, nước đục, cá lớn"
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

* Có người nói, là người “giàu có” nhưng trông ông lúc nào cũng xuềnh xoàng, luôn tất bật và dáng dấp thì như một nông dân, chứ không lịch lãm như nhiều “đại gia” khác?

- Sinh ra ở một làng quê nghèo của miền Trung (xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định), gia đình lại đông anh em nên vừa bước qua tuổi thiếu nhi, tôi đã biết kiếm tiền để nuôi sống bản thân và gia đình. Năm 1965, cả gia đình tôi di cư lên An Phú, Pleiku, Gia Lai, nhưng vẫn sống trong cảnh thiếu thốn, nghèo khó, người làm ruộng, kẻ làm thuê. Có lẽ do vậy mà khi bước vào nghiệp kinh doanh, tôi rất “mê” kiếm tiền, suốt 20 năm qua, tôi luôn làm việc cật lực, dành tất cả thời gian cho công việc và tìm niềm vui, sự thư giãn cũng trong công việc.

Nhiều người bảo tôi “dư ăn rồi”, cần gì phải “cày” hoài, nhưng nghiệp kinh doanh là vậy. Khi nghèo thì mong kiếm tiền để thoát nghèo, để được sống đàng hoàng, nhàn nhã, nhưng khi có tiền rồi lại nghĩ đến tiếng tăm, đến nhiều người khác ở xung quanh mình và thương hiệu đã tạo dựng. Xa hơn là nghĩ đến trách nhiệm của một doanh nghiệp, phải làm rạng danh đất nước, nên cứ thế mà tìm tòi, lăn xả vào thương trường để tìm dự án và công việc mới.

Tôi không quan niệm khi có tiền là phải chú trọng tới hình thức. Với tôi, dù giàu hay nghèo thì bản chất con người vẫn không thay đổi. Nói chung, tôi thích sống và làm việc theo cách riêng của mình.

* Trong khi nhiều “đại gia” ở Việt Nam rất ngại được công bố là người giàu, thì ông lại có vẻ tự hào về điều đó. 

- Sao lại phải ngại khi thành quả mình làm ra, tiền mình kiếm được là từ chính mồ hôi, sức lực, trí tuệ, thậm chí là cả nước mắt. Bằng chứng là năm 2008, 2009, mặc dù bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng giá cổ phiếu của HAGL vẫn giữ ở mức 11.500 tỷ đồng. Là người có sao nói vậy nên tôi chẳng ngại khi được nhận danh hiệu người giàu và cảm thấy rất vui khi được công nhận là người giàu trên sàn chứng khoán trong ba năm qua. 

* Vậy, theo ông, “giàu có” có phải là nhiều tiền?

- Tôi không nghĩ vậy. Mỗi người sinh ra đều có đam mê, sở thích riêng: làm nhà giáo, kinh doanh, làm kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, làm nhà tâm lý... Và ở bất cứ lĩnh vực nào, nếu họ có đóng góp cho xã hội, mang lại lợi ích cho nhiều người và thành công thì họ đều là người giàu có, đó là giàu kiến thức, giàu tiền, giàu vốn sống...

 

Ông Đoàn Nguyên Đức: Lặn sâu, nước đục, cá lớn

Tôi cũng nghe nhiều người nói rằng, có tiền là sung sướng nhất, nhưng với người làm kinh doanh, có tiền chưa hẳn là sướng vì lúc nào cũng phải quay cuồng với con số, với bài toán thị trường, phải luôn tỉnh táo để bảo toàn đồng vốn, để làm cho tiền đẻ ra tiền. Vì vậy, càng kinh doanh nhiều càng khổ, không có cả thời gian để nghỉ ngơi và hưởng thụ. Tôi có triết lý kinh doanh riêng, đó là kinh doanh thì phải thành công vì nếu bị “ngã ngựa” thì rất đau. Nhưng với tôi, đích đến cuối cùng không phải là tiền, mà là danh dự, uy tín và những gì tôi làm được cho đời.

 * Nhưng ông nghĩ sao khi có người cho là ông thích chơi nổi khi mua chiếc máy bay riêng trị giá tới 7 triệu USD, cũng như tuyên bố có thể mua cả Câu lạc bộ Bóng đá Arsenal?

- Tôi không chơi ngông, tất cả những gì tôi làm đều phục vụ cho công việc kinh doanh và đều nằm trong khả năng của tôi, chứ không phải là muốn khoe khoang. Trong kinh doanh, tôi luôn biết nhìn xa, đưa ra những chiến lược ngắn, trung và dài hạn, chứ không phải một, hai bước ngắn hạn trước mắt.

Tuy nhiên, không phải lúc nào sự táo bạo, tiên phong cũng được ủng hộ, mà trái lại còn bị chỉ trích, thị phi. Nhưng thực tế, nếu không có quyết định táo bạo thì HAGL khó làm được việc lớn. Chẳng hạn, việc tôi bỏ tiền đầu tư cho đội bóng HAGL và mời cầu thủ Kiatisak về tham gia Câu lạc bộ Bóng đá HAGL đã giúp tiếng tăm thương hiệu HAGL vang xa hơn và nhanh chóng được nhiều người biết đến.

Hiện nay, HAGL là doanh nghiệp đầu tiên ở Đông Nam Á đặt biển quảng cáo trên sân Emirate, sân nhà Câu lạc bộ Arsenal, một câu lạc bộ hàng đầu ở châu Âu. Cũng nhờ có đội bóng mà các phương tiện truyền thông trong nước lẫn khu vực ASEAN, thậm chí cả châu Á đều biết đến thương hiệu HAGL. Bốn triệu USD đầu tư cho bóng đá trong bốn năm đã đem lại lợi nhuận “vô hình” vô cùng lớn cho HAGL, bằng chứng là sản lượng xuất khẩu của HAGL đã tăng 100% và chúng tôi được sở hữu một thương hiệu rất lớn. Tương tự, tôi mua máy bay không chỉ để phục vụ cho việc đi lại, kinh doanh, mà còn là làm thương hiệu theo cách riêng của tôi. Tôi nghĩ cũng có thể xem đây là niềm tự hào, vậy thì có gì là xấu?

* Thế còn việc ông tài trợ cho Lào 19 triệu USD xây dựng Làng Vận động viên Sea Games?

- Việc tài trợ này không chỉ tạo dấu ấn đẹp cho HAGL, mà còn cho cả Việt Nam đối với nước bạn, qua đó cũng chứng tỏ HAGL là doanh nghiệp thành công tại Lào với lợi nhuận thu được tại Lào năm 2008 là 100 tỷ đồng. Ngoài ra, trong số 19 triệu USD thì có 4 triệu USD là khoản vay không hoàn lại và 15 triệu USD là khoản vay không tính lãi trong ba năm. Mười lăm triệu USD này sẽ được Chính phủ Lào hoàn trả cho HAGL bằng gỗ khai thác lòng hồ và các dạng quota khác.

* Thành công nhiều nhưng thất bại cũng không ít, vậy kỷ niệm nào trong cuộc đời doanh nhân khiến ông nhớ nhất?

- Năm 2001, tôi sang Thái Lan để mua cầu thủ Kiatisak. Lúc bấy giờ kinh tế Việt Nam còn khó khăn, người Thái còn coi thường mình lắm, tôi sang họ không thèm tiếp, nên việc mua cầu thủ này được coi là chuyện không tưởng. Thương lượng ròng rã hai tháng trời, tôi nói với Kiatisak rằng sẽ trả lương cho anh ta cao hơn 20%, sẽ cung cấp đầy đủ biệt thự để ở, xe Mercedes để đi và các phương tiện khác. Cuối cùng, Kiatisak cũng đồng ý về với đội bóng HAGL. Lúc đó, báo chí Thái Lan đều đồng loạt giật tít: “Hoàng Anh Gia Lai là ai?”. Đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi và tôi đã chứng minh cho mọi người thấy: tôi dám nghĩ và dám làm.

* Trong các dự án đầu tư vào Lào, Campuchia, Myanma, nước nào được HAGL chọn để đầu tư nhiều nhất?

 

Ông Đoàn Nguyên Đức: Lặn sâu, nước đục, cá lớn
Báo cáo với Thủ tướng tiến độ xây dựng Làng SEA Games

- Hiện HAGL đang đầu tư vào ba lĩnh vực tại Lào là quặng sắt, thủy điện và cao su, với tổng vốn lên đến 450 triệu USD, và đến năm 2011, các dự án này sẽ mang lại lợi nhuận cho HAGL. Tổng diện tích đất trồng cao su của HAGL đã được Lào đồng ý là 31.000ha, cho thuê trong vòng 50 năm với giá thuê ưu đãi là 7 USD/ha/năm và miễn 8 năm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã trồng được 12.000ha cao su, thành lập 8 nông trường trồng cao su ở Attapeu.

 Theo kế hoạch, năm nay HAGL sẽ trồng thêm 12.000ha cao su ở Attapeu và thành lập thêm 12 nông trường, nâng tổng số nông trường lên 20. Ngoài cao su, HAGL hiện đang khai thác hai mỏ quặng chiến lược là mỏ sắt (Dak Chưng) và mỏ đồng (Xe Kông). Dự kiến, vào tháng 7/2010, HAGL sẽ khởi công xây dựng hai nhà máy thủy điện (Nậm Kông 2 và 3) công suất 120MW, và đầu tư 100 triệu USD vào hai dự án bất động sản khách sạn 5 sao ven sông và khu biệt thự tại Thủ đô Viên Chăn.

Sở dĩ chúng tôi chọn Lào để đầu tư nhiều nhất vì từ Gia Lai qua Lào chỉ hơn 200km, Chính phủ Lào lại thân với Việt Nam, có nhiều chính sách đầu tư cởi mở và người dân Lào rất hiền hòa.

* Theo ông, đầu tư vào Lào và Campuchia là chiến lược đúng đắn hay mạo hiểm?

- Còn nhớ có lần Thủ tướng Hunsen động viên tôi: “Cần gì phải đi đâu xa, ở các nước lớn, tuy nước trong nhưng toàn cá lòng tong, còn ở Lào, Campuchia tuy nước đục nhưng có cá lớn”.

Thực tế, cách đây 5 năm, nếu HAGL không vươn sang Lào, Campuchia để đầu tư thì 3 - 5 năm nữa, chúng tôi cũng chỉ là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi nếu hiện nay, hai lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và mang lại lợi nhuận cao là tài chính và bất động sản thì trong tương lai, hai lĩnh vực này sẽ không thu hút được đầu tư và còn bị cạnh tranh khốc liệt.

Vì vậy, việc tôi chọn con đường “lặn sâu” trong nước đục là một chiến lược kinh doanh đúng đắn, không hề mạo hiểm. Mới đây, Chính phủ Campuchia cũng đã chấp thuận cho HAGL khai thác một mỏ quặng mới sau khi hoàn thành thăm dò trên diện tích 160km2 xung quanh mỏ quặng hiện nay. Khai thác quặng có tỷ suất sinh lợi cao, chỉ cần đầu tư ban đầu khoảng 20 triệu USD là có thể sản xuất ra sản phẩm. Năm 2010, HAGL dự kiến thu khoảng 700 tỷ đồng lợi nhuận từ quặng và con số này có thể tăng gấp đôi vào 2011.

Cùng với khai thác mỏ quặng, HAGL còn được cấp 15.000ha đất trồng cao su. Năm nay là năm đầu tiên triển khai trồng thử, HAGL chỉ đặt kế hoạch trồng 1.000ha đầu tiên và trồng 5.000ha trong các năm tiếp theo.

Các dự án trồng cao su và khai thác thủy điện của HAGL hiện được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tài trợ 70% vốn đầu tư trong thời hạn 12 năm. Điều đáng nói là khi đến Lào và Campuchia, tôi được Thủ tướng, Phó thủ tướng và một số bộ trưởng đón tiếp rất trọng thị, niềm nở, và còn mời đến nhà riêng dùng cơm thân mật với sự gần gũi và phong cách giản dị.

* Nhiều người nói HAGL thành công là do ông biết dùng người tài và... chịu chi?

- Tôi chưa phải “chịu chi” cho các dự án đầu tư, chẳng hạn dự án bất động sản thì tôi bỏ tiền mua vào thời điểm giá còn thấp. Bí quyết thành công của tôi là sử dụng người biết làm việc, chứ không phải người tài. Và điều quan trọng nhất là phải tạo được cuộc sống ổn định, đủ ăn đủ mặc cho người lao động, khiến họ tin tưởng đi theo mình.

Chẳng hạn, khi đầu tư vào dự án trồng cao su ở Attapeu, do công đoạn cạo mủ cao su phải là người làm chứ không thể dùng máy móc, nên để công nhân yên tâm làm việc ở nơi hẻo lánh này, tôi đã đầu tư 30 triệu USD xây 1.000 căn hộ, mỗi căn hai tầng, có diện tích 80m2, xây bệnh viện 200 giường, xây cầu có trọng tải 50 tấn để cư dân ở đây tiện đi lại, sinh hoạt, rồi xây dựng những ki-ốt bán tạp hóa, thực phẩm trải dài từ cây số 31 đến tận khu định cư mới. Cũng trong dự án này, giai đoạn đầu tôi có thể sử dụng 10.000 lao động và được phép đưa 10% lao động Việt Nam qua làm việc. Nguyện vọng của tôi là muốn đưa những người nghèo ở Việt Nam qua đây và xây dựng một thị xã cho người Việt trên đất Lào.

* Nhiều doanh nhân cho rằng, kinh doanh càng nhiều, giống như người leo lên đỉnh núi, càng dễ lạnh, mệt mỏi và cô đơn, ông có cùng suy nghĩ này?

- Tôi làm việc nhiều nhưng không bao giờ thấy mệt vì công việc mà chỉ thấy mệt mỏi khi phải đối đầu với những thị phi, đố kỵ và sự cạnh tranh không lành mạnh. Nhìn lại một năm qua, tôi thấy có quá nhiều tin đồn liên quan đến các khoản nợ, phá sản, rồi chuyện mua sắm phương tiện đi lại, chuyện kinh doanh bất động sản, bóng đá... khiến tôi phiền lòng, nhưng “sống chung với lũ” riết cũng quen.

* Là người “mạnh tay” trong đầu tư, cũng từng nếm trải cay đắng, thất bại, ông ngẫm ra điều gì?

- Tôi là người dám nghĩ, dám làm, mà đã dám làm thì cũng dám chịu, trong kinh doanh đôi khi phải biết liều một chút và phải tự tin. Tự tin, đam mê công việc là động lực giúp mình thành công.

* Trong chuyến đi thị sát những dự án HAGL đầu tư vào Lào cùng báo giới và các nhà đầu tư, ông đã tuyên bố: “Năm 2010, dự kiến lợi nhuận từ bất động sản của HAGL khoảng 1.800 tỷ đồng, nhưng trong những năm tới, sắt và cao su sẽ thay thế bất động sản trong cơ cấu dòng tiền của HAGL, ông có thể nói rõ hơn điều này?

 

Ông Đoàn Nguyên Đức: Lặn sâu, nước đục, cá lớn
Cùng Phó thủ tướng cắt băng khánh thành Làng SEA Games

- Hiện HAGL đang đầu tư vào bốn lĩnh vực chủ yếu là bất động sản, sắt, thủy điện và cao su. Lĩnh vực bất động sản đang là lĩnh vực kinh doanh khó khăn nhất. Dự kiến, lợi nhuận thu được từ lĩnh vực này trong năm 2010 là khoảng 1.800 tỷ đồng, và trên 2.000 tỷ đồng vào những năm tiếp theo là rất khó đạt được tại Việt Nam. Vì vậy, trong những năm tới, chiến lược kinh doanh của HAGL là sẽ đầu tư vào ngành tài nguyên như sắt, thủy điện, cao su tại Lào, Campuchia và các tỉnh lân cận Gia Lai.

 Trong đó, sắt là lĩnh vực đầy tiềm năng, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi nhuận cho HAGL trong năm 2011 và những năm tới, có thể sẽ thay thế được bất động sản. Đối với dự án cao su của HAGL, tính đến cuối năm 2008, Công ty đã trồng xong 7.000ha cao su. Sẽ khai thác được mủ sau khi cây cao su trồng được 6 năm. Như vậy, tính đến năm 2013 HAGL có thể khai thác mủ từ lứa cao su đầu tiên trồng trên 7.000ha đất.

* Một câu hỏi vui, ông từng nói mình là đại gia không có... “chân dài”?

- Tôi bận tối ngày và cũng không có thú vui dành thời gian cho cô này, cô nọ. Quan niệm của tôi: Vợ là người có công cực lớn trong sự nghiệp của mình vì đã thay mình lo cho các con, nhất là... tin tưởng mình tuyệt đối. Tôi nói vậy là vì nếu không có niềm tin thì tôi không thể yên tâm tập trung cho công việc. Bù lại, tôi cũng không cho phép mình làm điều gì không đúng với lương tâm. Hiện nay, vợ và các con tôi đang ở Singapore, thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp nhau, đó cũng là thiệt thòi lớn của cô ấy mà dẫu có thật nhiều tiền tôi cũng không thể bù đắp cho cô ấy được.

* Điều gì khiến ông cảm thấy hạnh phúc nhất vào thời điểm này?

- Làm việc, thực hiện dự án thành công và mọi người hiểu tôi đang làm gì.

* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này.
 

LỮ Ý NHI

Nguồn:  Doanh Nhân Sài Gòn
Các bài đăng trước cùng danh mục   Doanh nhân Việt
Lặn tôm nhí, thu tiền tỷ - 06/05/2010
Lặn tôm nhí, thu tiền tỷ NEWS467
Trong điều kiện ngư trường khai thác ngày càng thu hẹp, giá xăng dầu liên tục leo thang..., nhiều ngư dân ở xã đảo Tam Hải (Núi Thành) vẫn “sống được”nhờ vào nghề lặn tôm nhí (tôm hùm
Xem thêm
Dịch vụ cho thuê người yêu - 01/07/2009
Dịch vụ cho thuê người yêu NEWS467
Bị người yêu "đá", gặp khó khăn trong công việc cần người chia sẻ hoặc tham gia chuyến du lịch ngắn ngày..., chỉ cần click chuột, khách hàng có thể được đáp ứng nhu cầu. Phí dịch vụ từ ...
Xem thêm
Làm giàu nhờ nuôi thú lạ: Nuôi chồn lấy... cà phê - 25/05/2009
Làm giàu nhờ nuôi thú lạ: Nuôi chồn lấy... cà phê NEWS467
Tại Buôn Ma Thuột, nghề nuôi chồn lấy cà phê đã xuất hiện. "Cà phê chồn", loại hạt cà phê lấy từ phân chồn hương thải ra sau khi ăn quả cà phê.
Xem thêm
Chuyện về Tổng giám đốc IDG Venture Việt Nam - 09/02/2009
Chuyện về Tổng giám đốc IDG Venture Việt Nam NEWS467
Nguyễn Bảo Hoàng tốt nghiệp xuất sắc ngành văn học cổ điển tại Đại học Harvard khoá học 1991-1995.
Xem thêm
Cửa hàng bao cao su của cô chủ 8X - 21/01/2008
Cửa hàng bao cao su của cô chủ 8X NEWS467
Những người có dịp đi qua địa chỉ 435 Kim Mã, Hà Nội đều bị "sốc" bởi cái biển hiệu khá lạ mắt mang tên "Shop Người lớn". Ít ai biết rằng người nghĩ ra ý tưởng kinh doanh các mặt hàng khó ...
Xem thêm
Cô chủ chuỗi cửa hàng giá 50.000 đồng - 30/07/2007
Cô chủ chuỗi cửa hàng giá 50.000 đồng NEWS467
Không phải mặc cả, chỉ cần 50.000 đồng trong túi, khách hàng có thể ung dung bước vào cửa hàng để mua sản phẩm thời trang. Cô chủ chuỗi cửa hàng "Một Giá" Đậu Bích Ngọc muốn xóa đi quan ...
Xem thêm
Người từng gõ cửa nhà cựu TT Lý Quang Diệu - 29/04/2006
Người từng gõ cửa nhà cựu TT Lý Quang Diệu NEWS467
Đó là người có biệt danh “Nguyên Vina Cap” hay “Nguyên Tài chính” - một chuyên gia về tài chính chứng khoán được đào tạo bài bản, mới 37 tuổi
Xem thêm
Xem thêm :  Sưu tầm » Doanh nhân » Doanh nhân Việt
Tìm liên quan » Ông Đoàn Nguyên Đức: "Lặn sâu, nước đục, cá lớn"
Đang xem » Ông Đoàn Nguyên Đức: "Lặn sâu, nước đục, cá lớn"