- Nokia là một thương hiệu rất thành công ở Việt Nam. Có thể thấy Nokia hiện diện khắp mọi nơi, xin ông chia sẻ những suy nghĩ của ông về người tiêu dùng Việt Nam?
Việt Nam là đất nước có tốc độ tăng trưởng rất tốt, có dân số trẻ và đông dân. Người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ, tiếp thu rất nhanh những cái mới và khát khao làm chủ công nghệ, làm chủ thông tin. Đó là những tín hiệu lạc quan mà các doanh nghiệp đến làm ăn ở Việt Nam đều cảm thấy rất phấn khởi.
- Ông thấy phát triển kinh doanh của Nokia ở khu vực nông thôn và thành thị như thế nào?
Chúng tôi nhận thấy thị trường Việt Nam là một thị trường tiềm năng. Chúng tôi mong muốn phát triển Nokia rộng khắp trên toàn quốc. Bạn cũng thấy rõ, điện thoại di động trở thành một thứ rất phổ biến ở cả nông thôn lẫn thành thị. Chính điều này làm cho chúng tôi phải sắp xếp lại kênh phân phối. Chúng tôi chia thị trường thành 3 khu vực: miền Bắc (từ Đà Nẵng trở ra), Miền Nam (từ Đà Nẵng đến TP.HCM) và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
- Tôi thấy Nokia đã phân chia khu vực phân phối theo cách riêng của mình, không giống như nhiều công ty khác. Vì sao Nokia có sự phân chia khu vực như thế?
Hiện tại cạnh tranh trên thị trường điện thoại di động đang rất lớn. Vì vậy, Nokia phải phân vùng địa lý để tăng cường sự hiện diện ở những khu vực khác nhau, đồng thời thúc đẩy các nhà phân phối hoạt động tích cực và hiệu quả hơn.
Mặt khác, chúng tôi nhận thấy hệ thống bán lẻ cũng cần được cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hơn. Việc phân chia lại các khu vực của Nokia cũng nhằm tạo điều kiện để các nhà phân phối, nhà bán lẻ chuyên nghiệp hơn, phục vụ khách hàng tốt hơn, giảm thiểu cạnh tranh về giá.
Chúng tôi nghĩ rằng thị trường ĐTDĐ đang thay đổi, việc phân phối điện thoại di động cũng sẽ rất khác so với trước đây. Do đó Nokia sắp xếp lại hệ thống phân phối, phân chia khu vực là một điều cần thiết để thích nghi với sự thay đổi của thị trường.
Có 3 yếu tố quan trọng mà Nokia nhắm đến khi sắp xếp hệ thống phân phối và phân vùng địa lý: làm sao để phục vụ người tiêu dùng (nhất là ở vùng sâu, vùng xa) tốt hơn; thúc đẩy hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp hơn, nhất là tăng chất lượng dịch vụ. Và sau cùng là cùng với các nhà phân phối, giúp họ quản lý, kiểm soát, phân phối, quay vòng sản phẩm tốt hơn, hiệu quả hơn.
- Ông có cho rằng thị phần ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam của Nokia còn nhiều tiềm năng để phát triển?
Chúng tôi cũng nhìn thấy ở nhiều thị trường khác, không riêng gì Việt Nam, thông tin là vấn đề quan trọng giúp người dân làm tốt hơn công việc của mình. Chẳng hạn ở Thái Lan hay Indonesia, việc cung cấp thông tin về mùa màng, thời tiết cũng rất hữu ích và quan trọng. Do vậy, với những người dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi cũng sẽ cải thiện dịch vụ, cung cấp cho họ nhiều hơn nữa những thông tin cần thiết về mùa màng, thời tiết, thời vụ, giá cả… để họ có được nhiều thông tin, nhiều sự lựa chọn. Chúng tôi tin rằng thông qua công nghệ mới, dịch vụ mới, Nokia cũng sẽ góp phần cung cấp cho những người dân ở nông thôn có thêm nhiều dịch vụ thiết thực, giúp cải thiện cuộc sống của họ.
- Nhu cầu thì có, nhưng có lẽ vấn đề là làm sao để người dân ở khu vực này có thể tiếp cận được với dịch vụ, ông nghĩ sao?
Những người dân ở vùng sâu, vùng xa, ở nông thôn lại là những người có nhu cầu trao đổi thông tin, liên lạc nhiều hơn. Nokia cũng mong muốn tiếp cận với họ, và cung cấp những sản phẩm phù hợp với đời sống của họ với một giá cả, chi phí hợp lý. Nokia đã giới thiệu dịch vụ Nokia Life Tool tại Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và gần đây nhất là Nigeria. Dịch vụ này giúp người dân nông thôn cập nhật tình tình hình thị trường nông sản, giá cả sản phẩm, thời tiết v.v…, giúp người dân nắm bắt thông tin kịp thời về vụ mùa, giá cả…, tránh được đầu cơ, làm giá… Do vậy, Nokia tiếp tục lên kế hoạch để tiếp cận được nhiều phân khúc tiêu dùng khác nhau. Để làm được điều này chúng tôi sẽ phải tái cấu trúc, hoàn thiện đội ngũ nhiều hơn nữa.
- Ông nói rằng canh tranh đang rất khốc liệt, vậy theo ông cạnh tranh đang diễn ra nhiều nhất ở đâu?
Tôi nghĩ rằng giai đoạn hiện nay là giai đoạn chuyển đổi; người tiêu dùng có nhiều yêu cầu cao hơn, tinh tế hơn và đòi hỏi chúng tôi phải đáp ứng cho họ nhiều hơn. Việc quan trọng là tái cấu trúc công ty, tái cấu trúc hệ thống phân phối để tăng khả năng cạnh tranh. Chúng tôi phải cải tổ bộ máy, cải tổ hệ thống bán lẻ, tiếp cận được với người tiêu dùng nhiều hơn, đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn và chuyên nghiệp hơn…
- Có thể thấy ông rất quan tâm đến dịch vụ, có phải vì đó là yêu cầu của thị trường hay vì đối thủ đã tiến xa và buộc lòng Nokia phải thay đổi?
Thực ra hơn 10 năm qua Nokia luôn đứng đầu ở thị trường Việt Nam cả về thị phần lẫn giá trị thương hiệu. Tuy nhiên, nhìn về tương lai, Nokia sẽ không chỉ cung cấp điện thoại mà còn hướng tới nhiều dịch vụ đa dạng dành cho khách hàng. Chúng tôi cũng không quên quan tâm đến chăm sóc khách hàng và đã đầu tư vào hệ thống chăm sóc khách hàng trên toàn quốc. Song song với điều đó, hệ thống bán lẻ càng ngày càng phải chuyên nghiệp hơn, và đó là điều bắt buộc mà tất cả các hãng đều phải quan tâm. Tôi muốn nói mọi thứ phải đi song hành và phát triển đồng bộ mới đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tất cả những điều này sẽ làm cho mọi việc hoàn hảo hơn.
Chúng tôi nghĩ rằng mỗi hãng sẽ có một chiến lược kinh doanh riêng. Với Nokia, chúng tôi cũng có chiến lược riêng. Những thay đổi này cũng bắt nguồn từ chiến lược của Nokia toàn cầu và ở Việt Nam thì sự thay đổi này là sự chuẩn bị và tạo bước đệm để cả Nokia Việt Nam lẫn Nokia Đông Dương phát triển mạnh mẽ hơn. Nokia đã nhìn thấy Việt Nam là một thị trường năng động nhất ở Đông Dương và còn tiếp tục phát triển nhiều hơn nữa.
- Ông đã đi nhiều nơi, làm việc ở nhiều quốc gia, ông thấy môi trường làm việc ở Việt Nam thế nào?
Tôi thích làm việc ở Việt Nam. Tôi thấy Việt Nam có dân số trẻ, có nhiều người giỏi, tài năng. Tôi cũng thích các bạn trẻ Việt Nam làm việc nhiệt tình, say mê và chăm chỉ. Nếu để chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ trong công việc, tôi mong các bạn trẻ Việt Nam nên cố gắng lắng nghe, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi để đủ sức đảm đương công việc lớn. Đừng nôn nóng mà nhảy việc quá nhiều, bởi nếu kỹ năng và kinh nghiệm chưa chín muồi, khi gặp phải những thách thức và rủi ro lớn, các bạn sẽ khó vượt qua. Với các bạn trẻ, tôi mong các bạn hãy kiên nhẫn hơn.
- Làm việc trong môi trường đa văn hóa, theo ông điều quan trọng cần phải thích nghi là gì?
Thay đổi trong tổ chức thường dẫn đến những ảnh hưởng về tinh thần, cảm xúc, đó là điều không thể tránh khỏi. Nhưng tôi nghĩ rằng các bạn trẻ hãy tập làm quen với những thay đổi và quản lý sự thay đổi, bởi có những thay đổi nhằm giúp cho tổ chức tốt hơn, công việc của mọi người thay đổi theo chiều hướng khả quan hơn thì chúng ta phải vì lợi ích chung mà làm quen với những thay đổi như thế.
- Vậy theo ông, có phải một số người nếu nghiêng về cảm xúc nhiều hơn thì sẽ dễ bị tổn thương về mặt tình cảm khi có những sự thay đổi nào đó?
Không hẳn là như vậy. Mọi người (không riêng gì người Việt Nam) cũng đều gặp khó khăn khi có bất cứ thay đổi nào xảy ra với họ. Tuy nhiên, vấn đề là thái độ của mình đối với sự thay đổi ấy ra sao.
- Chắc chắn mỗi người sẽ chấp nhận sự thay đổi theo mức độ khác nhau. Vậy kinh nghiệm của Nokia để giúp mọi người tiếp nhận sự thay đổi này như thế nào?
Ở Nokia, chúng tôi luôn quan niệm làm sao có được sự hỗ trợ tốt nhất cho nhân viên làm việc và phát triển. Nếu có cải tổ bộ máy, ban lãnh đạo luôn luôn là người phải thông tin rõ ràng cho nhân viên. Chúng tôi có những khóa huấn luyện để nhân viên học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Chúng tôi cũng đưa ra những mục tiêu, thông tin cần thiết cho nhân viên để họ hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu mới, tầm nhìn mới. Dĩ nhiên sẽ có một số người tiếp tục với những công việc này, có người sẽ có những lựa chọn khác, nhưng quan trọng là làm sao những người cũ và người mới cùng thống nhất mục tiêu, cùng nhau để bổ sung kiến thức, kinh nghiệm cho nhau, giúp tổ chức phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, ở Nokia chúng tôi cũng có thực hiện điều tra về phản hồi của nhân viên đối với công ty (Listening to you), qua đó chúng tôi có thể đo lường được mức độ hài lòng của họ như thế nào.
- Ông đã làm việc ở nhiều nơi như Pháp, Thái Lan, Philipines…Thực sự nơi nào khiến ông yêu thích nhất?
Trái tim của tôi ở Pháp. Tôi thích làm việc ở Việt Nam. Và sở thích của tôi là lặn biển ở Philippines.
- Nokia có một slogan rất hay: “Connecting people”. Trong thế giới công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, ông nghĩ gì về gia đình? Khi nào và lúc nào là lúc ông nghĩ đến và cần đến gia đình nhiều nhất? Ông có cảm thấy mình bị thiệt thòi khi phải dành quá nhiều thời gian cho công việc?
Dù là làm việc ở nhiều nước, nhiều nơi, nhưng tôi luôn cảm thấy mình vẫn giữ liên lạc được với mọi người thông qua điện thoại, internet... Điều này giúp cho các mối quan hệ và cuộc sống của mỗi người trở nên thay đổi rất nhiều. Chẳng hạn với gia đình tôi, ba má tôi ở Pháp, chúng tôi cách xa nhau, nhưng vẫn liên lạc thường xuyên. Bạn bè tôi cũng vậy, có những người bạn thân chúng tôi vẫn giữ liên lạc và trao đổi với nhau. Tôi biết công nghệ mới giúp mọi người “gần lại” dù ở xa nhau, chính vì thế năm nào tôi cũng cố gắng về dự Giáng Sinh với gia đình. Tôi thực sự quý những giờ phút gia đình gần nhau như thế.
- Xin cảm ơn ông!
Thiên Thủy
Doanh Nhân