Tuổi thanh xuân bí ẩn
Cha của Chanel là một người bán dạo, mẹ cô là nông dân chết khi còn rất trẻ, không có một mảnh giấy nào về nguồn gốc của Gabrielle Chanel. Cô hội nhập thế giới một cách ngẫu nhiên vào cuối năm 1883 tại Saumur, sau đó theo học tại một tu viện ở Aubazine, nơi những dì phước cho cô mặc đồng phục màu đen. Dưới mái vòm của nhà dòng Cistercian, giữa một thị trấn đang còn như thời trung cổ, mặc dù thế kỷ 20 đã gần kề, cô âm thầm tập may vá.
Năm 25 tuổi, Chanel đi hát tại những quán rượu ở Moulins và trở nên nổi danh với tên Coco. Những người đàn ông là bạn hoặc gắn bó với cuộc đời cô đều hiểu rằng: cô gái nhỏ bé và xinh đẹp này yêu thích công việc hơn tất cả mọi thứ. Cô muốn sử dụng đôi tay, cái đầu, những yêu ghét rõ rệt của mình để làm nên một phong cách, khác với những gì xung quanh đang có.
Cuộc đời Chanel mở sang một chương mới khi cô có trong tay một xưởng thiết kế từ tầng trệt căn hộ độc thân của người bạn. Coco trở thành người may mũ nón. Cô bị thiên hạ cười nhạo vì những mẫu áo đầm nữ sinh cách điệu có vẻ sơ sài, hoặc kiểu mũ Boater (mũ may bằng sợi cói, vành tròn, dẹt), vì nó không diêm dúa như những mẫu tân thời mà chỉ trang trí bằng một chùm hạt huyền to.
Túi xách và mũ hiệu Chanel. Ảnh: AWT
Nhưng, vào những năm thế giới biến đổi đó, Coco đã đi đúng hướng. Thế hệ những cô gái trẻ bắt đầu thích trang phục đơn giản và trang nhã của cô hơn là những bộ đầm lộng lẫy với lông chim, tua ren và ngọc trai.
“Thần tài” chỉ lối
Khi Coco dọn nhà đến phố Cambon ở Paris vào năm 1910, cô mở một tiệm mũ tại số 21 dưới nhãn hiệu Chanel Mode. Người ta đến đó chen chúc, tấp nập và chỉ trong vài năm, cô mua luôn được những căn nhà số 27, 29, 31 trên cùng một con đường, làm thành một nhà may thời trang rộng lớn với thương hiệu “Gabrielle Chanel”, nhà may đầu tiên tại thành phố Deauville bên bờ biển phía bắc nước Pháp.
Người thợ may mũ trẻ tuổi bắt đầu thực hiện một số ít phụ trang nhỏ trên trang phục phụ nữ, mang cảm hứng từ những bộ trang phục của thợ thuyền và thuỷ thủ với phong cách thoải mái, cá tính. Một Chanel mới bắt đầu bước đột phá của mình…
Sau chiến tranh, ngành may cao cấp trở thành ngành công nghiệp quan trọng, phục vụ cho tầng lớp tư sản khá giả. Coco tiếp tục mở nhà may ở Biarritz, giới thiệu loại vải thun jersey. Cửa hiệu 31 tại phố Cambon lần đầu tiên tung ra thị trường nước hoa “số 5”, sản phẩm nước hoa đầu tiên nổi tiếng của Chanel và hàng loạt nhãn hiệu nước hoa khác. Tiếp nối những bước đi vững vàng của mình vào thương trường đầy cạnh tranh, bà tự tin đứng ra lập công ty nước hoa Chanel vào năm 1924.
Nước hoa Chanel số 5, vật bất ly thân của những người sành điệu. Nguồn: internet
Từ những năm 30, sự táo bạo của Chanel khi tự làm người mẫu cho những sáng tạo của mình đã cho phép bà ấn định được tư tưởng cá nhân lên ngành thời trang: “Tôi đã sáng tạo ra quần áo thể thao cho chính tôi, tôi đã định ra thời trang vì tôi là người phụ nữ đầu tiên của thế kỷ này làm việc đó”.
“Tôi là một sự lừa dối nói lên sự thật!”, câu nói này có vẻ đầy mâu thuẫn, nhưng đó là cả cuộc đời Chanel. Từ một cảm hứng ngẫu nhiên trong buổi tiệc tại hoàng gia, bà nghĩ ra ý tưởng táo bạo: tạo ra những trang trí lấp lánh trên áo các cô phục vụ rạp hát.
Nhà thiết kế đồ gỗ, nữ trang và trang trí nội thất tài giỏi Paul Iribe, người bạn, người đồng nghiệp của Coco đã ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách của bà. Ông là một mẫu giám đốc nghệ thuật cổ điển, hợp tác với những nghệ sĩ và nhà làm phim Hollywood tạo ra những bộ nữ trang làm toàn bằng platin mềm và kim cương thượng hạng. Chanel xúc tiến ngay việc ký hợp đồng may quần áo cho các ngôi sao diễn viên của United Artists.
Vào năm 50 tuổi, Chanel đã nắm trong tay cả một hệ thống những xưởng chuyên ngành phát triển những loại nữ trang tinh xảo dùng cho y phục. Bà sử dụng 4.000 công nhân và bán ra mỗi năm 28.000 mẫu y phục trên khắp thế giới. Từ thương hiệu Mademoiselle, Gabrielle đến Coco, cuối cùng là Chanel, những logo bằng chữ màu vàng kim, màu đen, màu trắng, bà đã vươn lên để tham gia vào hàng ngũ cao cấp nhất của những nhân vật thời trang bấy giờ. Người ta nói với nhau: “Cô gái Coco mảnh mai đang được thần tài chỉ lối”.
Ngọc trai luôn quan trọng với trang phục của Coco Chanel. Nguồn: internet
Nỗi đau và sự trở về
Thật bất ngờ, sau cái chết vì một cơn đau tim ác nghiệt của người đàn ông có ý nghĩa nhất trong cuộc đời Chanel - ông Paul Iribe tại chính biệt thự của bà, Chanel gần như suy sụp. Bà đóng cửa nhà thời trang năm 1939 và tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng sẽ không còn những bộ y phục nữa”. Nhưng thực ra, ngọn lửa đam mê cháy bỏng vẫn âm ỉ trong lòng Coco.
Những năm chiến tranh thế giới thứ 2 chỉ còn duy nhất cửa hàng 31 âm thầm kinh doanh nước hoa và phụ trang. Mọi thứ dần dần thay đổi: sự ra đời bộ sưu tập “sắc thái mới” của Christan Dior, như một lời thách thức và phản đề đối với phong cách Coco. Người ta không còn dùng đến những “cô gái ốm nhom” trong những mẫu thiết kế của Coco nữa. Mặc, Chanel vẫn im lặng trong sự tự mãn của những nhà thiết kế mới đang say sưa tin rằng họ đã thống trị được số phận phụ nữ: “Mọi thứ đã gọi là trào lưu dù thế nào cũng sẽ đi qua rất nhanh”.
Và đầu năm 1954, Chanel quay trở lại. Người phụ nữ lúc này đã trên 70 tuổi, gương mặt lạnh lùng, nghiêm khắc với đôi lông mày kẻ chì thật đậm vòng dưới mái tóc đen, khinh miệt nhìn thị trường đang cười nhạo và hồ nghi sự trở lại của bà. “Tôi tạo ra thời trang cho một phần tư thế kỷ vì tôi là người của thời đại và điều cực kỳ quan trọng là làm đúng việc và đúng lúc, Các kiểu thời trang có thể thay đổi nhưng phong cách thì tồn tại mãi mãi”.
Bà về lại nhà may 31, tung ra một bộ sưu tập mới về vét jersey mang tên “số 5”: chiếc jắckét mềm không đệm, đính ngọc quý, nút giả trên thân trước, blue bằng lụa, váy cuốn, túi đeo vai may trần… Bộ sưu tập đầu tiên với sắc thái rất Chanel này thực sự là cuộc tái sinh.
Lúc ấy, giới báo chí còn đang cao ngạo với Chanel, Dior vẫn đang được hâm mộ cuồng nhiệt. Mặc, chậm rãi và chắc chắn, bộ máy Coco lại chuyển động. “Hiện có gì mới? Có Chanel!” đăng trên bìa tạp chí Elle. Chanel đã thuyết phục được người sáng lập tạp chí này ủng hộ cho kiểu dáng trang phục của bà.
Cameron Diaz – diễn viên "Thiên thần của Charlie" trong chiếc váy cổ điển
đúng kiểu Chanel. Ảnh: Getty Images
Người Mỹ tỏ ra nhanh nhạy hơn người Pháp trong việc nhận ra hiện tượng Chanel. Họ hoan nghênh và lao vào mua sắm. Nước hoa “số 5” của bà được trưng bày tại Viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở New York. Sau khi tung ra nước hoa nhẹ dành cho phái nam “Pour monsieur”, Chanel được giải Oscar về thời trang, do chủ nhân các cửa hàng bách hoá nổi tiếng Neiman Marcus ở Dallas trao tặng, vì ngưỡng mộ nhà thiết kết có sức ảnh hưởng mạnh nhất của thế kỷ 20.
Một năm sau cuộc trở về huyền thoại, Coco vĩ đại phục hồi được danh hiệu xưa, đi chinh phục tiếp phần còn lại của đế quốc mình, đặt ra một dây chuyền công nghệ và phong cách đặc biệt, tồn tại tới tận hôm nay.
Phương Duy (tổng hợp)