BachHoa24.com
Tìm nâng cao      
  Ðăng nhập | Tạo tài khoản  
Trợ giúp
Sưu tầm » Doanh nhân » Doanh nhân Việt » Chi tiết tin

Sóng cả không ngã tay chèo

  Ngày: 11/10/2011
Doanh nhân Việt Nam đón ngày hội của doanh giới với nhiều tâm trạng khác nhau trong bối cảnh kinh tế rơi vào thời điểm rất khó khăn. Cuộc đổi mới kinh tế đã đem lại cho Việt Nam các bước phát triển vượt bậc như trong thời gian vừa qua. Nhưng đến nay những động lực đó không còn đủ nữa, và trong thời gian qua thì doanh nghiệp Việt Nam đã đối mặt với những thách thức lớn.


Sóng cả không ngã tay chèo

Những khó khăn hiện nay về kinh tế tất nhiên đòi hỏi nhiều cải cách thêm nữa trên các mặt luật pháp, tài chính, ngân hàng, thuế... Cuộc trò chuyện nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này với các doanh nhân gắn liền với các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam:  

- Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Vinamit
- Ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc, Công ty Minh Long 1
- Ông Nguyễn Xuân Hàn - Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận - Maseco

Khó thêm khó

* Năm 2010 và 2011 là hai năm rất khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu loại trừ yếu tố ngoại cảnh của khủng hoảng kinh tế thế giới, theo các ông, còn khó khăn nào khác khiến doanh nghiệp Việt Nam đã khó lại càng khó?

- Ông Nguyễn Lâm Viên: Năm 2011 là năm cực kỳ khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam. Không ít doanh nghiệp đang trên bờ vực thẳm nhưng chưa dám công bố thôi. Ngoài khó khăn chung, doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Cụ thể, khi nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng thì các “công xưởng” lớn sản xuất hàng hóa của Trung Quốc đều không bán được sang các nước.

Vì vậy, lượng hàng này đổ vào Việt Nam, nhất là sản phẩm thuộc ngành cộng nghiệp nhẹ và vật liệu xây dựng. Thậm chí, có nhiều hàng Trung Quốc đóng mác các thương hiệu có tiếng ở trong nước rồi bán với giá rẻ hơn sản phẩm chính hiệu gần phân nửa như gạch Đồng Tâm, kính Đình Quốc... Chính điều này đã làm cho doanh nghiệp trong nước thêm khốn đốn.

Sóng cả không ngã tay chèo
"Trong ngành gốm sứ, tôi chỉ mong Nhà nước sớm có đường gas dẫn khí đồng hành tới các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ ở Bình Dương vì sử dụng khí đồng hành rẻ hơn khí gas lỏng rất nhiều". (Ông Lý Ngọc Minh)

- Ông Lý Ngọc Minh: Phải nói rằng, năm 2011 là năm nhiều khó khăn phức tạp đan xen khó giải quyết. Cho đến thời điểm này, lãi suất vay vẫn chưa giảm và đang ở mức 18 - 20%, thị trường trong nước chưa khả quan, sức mua yếu, giá nguyên liệu tăng nhưng doanh nghiệp khó tăng giá thành sản phẩm, vì nếu tăng giá mà xã hội không chấp nhận, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tự giết mình.  

Song song đó, cuộc khủng hoảng năng lượng kéo theo giá xăng dầu, nhiên liệu tăng đột biến, mà ngành sản xuất gốm sứ dùng rất nhiều chất đốt, trước đây, chúng tôi chỉ mua với giá 800 USD/tấn bây giờ là 1.300 USD/tấn. Các nguyên liệu khác cũng tăng từ 20-30%, nhất là cao lanh.

Một khó khăn cũng không kém phần áp lực cho các doanh nghiệp, đó là quy định của Nhà nước về chính sách điều chỉnh lương cho nhân viên. Vì ngoài việc tăng lương còn kéo theo nhiều cấp lương, chế độ, chính sách khác liên quan như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Vì vậy, tôi nghĩ việc tăng lương cho phù hợp với tình hình thực tế của chủ trương Nhà nước là đúng nhưng phải làm từng bước, chỉ tăng mỗi năm một lần thì tốt hơn.

- Ông Nguyễn Xuân Hàn: Không nên tách rời khủng hoảng kinh tế thế giới và khó khăn của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn đã là một bài toán nan giải khi lãi suất lên quá cao trên 20%/năm. Doanh nghiệp cần có vốn mới có thể tái đầu tư sản xuất.

Trong tình hình chung hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc là ráng cầm cự hoặc là tự giải thể. Vấn đề tăng lương tháng 10 cũng vậy, tất nhiên tăng lương là tốt, nhưng về căn bản, có một số doanh nghiệp không còn khả năng nâng lương.

Bên cạnh đó, lượng khách hàng giảm sút, ngân sách dành cho chi tiêu co cụm lại, lạm phát tăng cao khiến tiền đồng trượt giá... cũng là những yếu tố khó khăn cho doanh nghiệp. Vì về cơ bản, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì phải có khách hàng.

* Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện có 20% doanh nghiệp bị phá sản, 60% giảm doanh số và phải cắt giảm lao động, số còn lại hoạt động khó khăn. Trong tình hình như thế này, doanh nghiệp của các ông mất nhiều hơn được? Tránh được khỏi áp lực này không phải là điều dễ dàng.

- Ông Lý Ngọc Minh: Tôi không có chủ trương tạo ra những chiến lược kinh doanh đột phá mà chỉ có kế hoạch đảm bảo tốc độ tăng trưởng của công ty mỗi năm tăng đều từ 15 - 20%, thậm chí, chấp nhận sụt xuống một chút như năm 2008, thay vì kế hoạch tăng 20%, thì Minh Long lại chỉ tăng 10%.

Vì vậy, chúng tôi không quá áp lực, căng thẳng để tìm cách ứng phó. Năm 2010, 2011, tuy Minh Long bị “mất” hơn chục tỷ đồng tiền lãi do lãi suất ngân hàng tăng cao, nhưng doanh thu tăng trưởng khoảng 20%.

Sở dĩ, doanh thu của Minh Long đạt mức tăng ổn định, ngay cả trong lúc nền kinh tế khó khăn, vì chúng tôi đã biết tận dụng một nguồn vốn cực kỳ quan trọng khác xài hoài không hết, đó là vốn tri thức. Và trong khó khăn, nguồn vốn này đã được phát huy bằng cách tìm ra giải pháp mới trong sản xuất, hay còn gọi là công nghệ mới để tiết giảm năng lượng hoặc vật tư nguyên liệu.

Chẳng hạn, trước đây chúng tôi mua nguyên liệu với giá cao, thì nay tìm mua nguồn nguyên liệu tận gốc, giúp giá thành hạ, song song đó là dùng công nghệ mới để nâng chất lượng, giảm tiêu hao nguyên liệu, cải tiến cách đốt, cách nung... Hoặc phế liệu sẽ được thu hồi lại và xử lý hết, không bỏ đi lãng phí như trước đây.

Sản phẩm Minh Long không có chì, camidium (chất tạo màu) rất độc, và nhờ áp dụng công nghệ Nano nên sản phẩm dù rửa ít xà bông vẫn sạch. Dù giá cao hơn khoảng 20% nhưng độ bền sản phẩm Minh Long tới ba năm, trong khi sản phẩm khác chỉ có 6 tháng đến 1 năm đã thấy cũ. Quan trọng nhất, sản phẩm Minh Long còn mang lại cho khách hàng những giá trị văn hóa ẩn chứa.

Sóng cả không ngã tay chèo
"Song, quan trọng nhất là chính sách tài chính về vĩ mô phải nghĩ đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ". (Ông Nguyễn Lâm Viên)

- Ông Nguyễn Lâm Viên: Theo tính toán, năm 2010, Vinamit đã có thể lãi to nhờ đánh giá đúng tình hình nguyên liệu, mua dự trữ từ tháng 3, tháng 4 khi vào chính vụ nhưng vì lãi suất ngân hàng tăng, giá bán không điều chỉnh nên cuối cùng lãi không bao nhiêu. Năm 2010, doanh thu của Vinamit bị sụt giảm từ 20 - 30% so với năm trước. 

Từ thực tế của năm 2010, qua năm 2011, Vinamit đã có những chiến lược mới về kênh phân phối, đó là thu nhỏ thị trường trong nước (chỉ còn 20 - 30%) và tập trung đẩy mạnh xuất khẩu. Cụ thể, chúng tôi đã xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc vì đồng Nhân dân tệ đang ổn định, không bị mất giá.

Hơn nữa, khi xuất khẩu, chúng tôi còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như lãi suất xuất khẩu chỉ hơn 11%, không có VAT, chi phí tài chính thấp trong khi sản phẩm bán tại thị trường Trung Quốc lại có thể tăng giá. Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, đích thân tôi đã qua Trung Quốc tìm hiểu thị trường và nhận thấy nhu cầu những sản phẩm Vinamit rất cao.

Vì vậy, thay vì đi theo con đường từ “thương lái đến thương nhân” như trước đây, tôi chọn cách thuê sinh viên Trung Quốc đang học tại Việt Nam phân phối cho thị trường đại lục.

Nhờ những biện pháp này mà tình hình kinh doanh của Vinamit đến hết năm nay khá lạc quan, hiện nay 80% doanh thu của Vinamit đều do thị trường Trung Quốc mang lại. Sản phẩm thương hiệu Vinamit có mặt ở rất nhiều các siêu thị của Trung Quốc. Năm 2011, dự kiến tăng trưởng của Vinamit là 30% nhưng đến giờ này, có khả năng chúng tôi sẽ đạt 40%.

- Ông Nguyễn Xuân Hàn: Đến thời điểm hiện tại, Maseco đã không còn dư nợ. Bí quyết nằm ở chỗ dự đoán được viễn cảnh khát vốn trong năm 2011, từ năm 2010, Maseco đã chủ động tăng vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu, tăng thặng dư vốn lên đến 150 tỷ đồng, giảm dư nợ đáng kể.

Do đó, năm nay Maseco hoàn toàn chủ động trong nguồn vốn, thoát được bài toán tiền tệ, lãi suất và lạm phát như nhiều doanh nghiệp đang mắc phải. Năm 2011, Maseco có kế hoạch đạt tổng doanh thu 1.150 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2010, trong đó chủ yếu tăng doanh thu xuất khẩu nông sản và sản phẩm điện tử.

Đây chính là lúc doanh nghiệp cần thể hiện tính năng động, sáng tạo dựa trên năng lực sẵn có. Về sản xuất kinh doanh hàng điện tử, Maseco sẽ cho ra mắt sáu sản phẩm mới thuộc dòng hàng điện tử karaoke, phấn đấu tăng 10% sản lượng và doanh thu ngành hàng điện tử so với năm 2010.

Về kinh doanh nông sản xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh thu mua, chế biến xuất khẩu hai mặt hàng cà phê nhân và hồ tiêu, phấn đấu tăng 15% sản lượng xuất khẩu hồ tiêu chất lượng cao và 30% sản lượng cà phê nhân xuất khẩu, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 20 triệu USD.

Thử thách bản lĩnh

* Vậy mà thưa ông Viên, thời gian qua tôi nghe dư luận xôn xao rằng Vinamit đang thua lỗ và ông đang có kế hoạch “bán” công ty?

- Ông Nguyễn Lâm Viên: Nguyên nhân là do thời gian qua, tôi bị bệnh và phải ra nước ngoài điều trị. Trong thời gian đó, có một số công ty nước ngoài, Nhật Bản, Thái Lan có gợi ý muốn mua lại công ty Vinamit. Tôi cho rằng đây là một cơ hội nếu bên đối tác chấp thuận theo yêu cầu của tôi.

Hiện nay, Vinamit có ba khối kinh doanh: Khối Công ty nguyên liệu trồng trọt, khối sản xuất và khối kinh doanh bất động sản. Và tôi đang sở hữu công nghệ chế biến ra nhiều sản phẩm. Vì vậy, nếu đối tác muốn mua một phần khối nguyên liệu hoặc sản xuất, tôi sẽ chấp thuận.

Tuy nhiên, hiện các đối tác đang muốn mua hết khối sản xuất của Vinamit nên tôi không đồng ý và đang phải xem xét kỹ lưỡng. Hơn nữa, nếu bán, tôi chỉ bán khối sản xuất chứ không bán thương hiệu Vinamit.

Bởi Vinamit có một giá trị riêng và phải có khoản phí mua riêng. Trong khi đó, đối tác đòi lấy luôn thương hiệu và thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang nhập nhằng chuyện mua công ty cũng là mua thương hiệu.

* Tại sao việc mua bán công ty lại là cơ hội, trong khi nhiều người vẫn cho rằng, thời gian qua, việc mua bán, nhượng cổ phần của các công ty cho các đối tác nước ngoài thể hiện sự suy yếu của doanh nghiệp trong nước cũng như bản lĩnh vượt khó của doanh nghiệp kém?

- Ông Nguyễn Lâm Viên: Tôi cho rằng việc mua bán công ty là cơ hội bởi thông qua đó, tương tác giữa các doanh nghiệp sẽ tạo thành một khối mạnh hơn, tạo cho doanh nghiệp mình có nội lực mạnh hơn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều công ty yếu kém thật sự nên phải bán công ty và cũng có nhiều công ty đã và đang bị mua trên thị trường chứng khoán, bị thôn tính thì quá tội. Và đó là cái dở của doanh nghiệp.

Song, cũng có không ít doanh nghiệp bán công ty rất thành công như trường hợp Công ty ICP, sau khi hợp tác với Thuận Phát để “dán” mác công ty thực phẩm-một miếng bánh đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đã nhanh chóng chớp ngay thời cơ khi một công ty nước ngoài ngỏ ý mua công ty vì đang bị hấp lực của thị trường thực phẩm Việt Nam. Tôi cho đây là một thương vụ mua bán quá hay, quá thông minh và thành công!

- Ông Lý Ngọc Minh: Theo tôi, việc một doanh nghiệp nào đó có chiến lược liên kết, mua bán doanh nghiệp thì không hẳn doanh nghiệp đó không có bản lĩnh hoặc thể hiện sự suy yếu.

Ngược lại, nó thể hiện bản lĩnh doanh nghiệp, khả năng phán đoán và ứng phó tình hình nhanh nhạy. Tôi cũng từng chứng kiến một doanh nghiệp bạn đã bán công ty rất thành công. Song, cốt lõi của việc liên kết, mua bán thường xuất phát từ ba mục đích: Một là tìm vốn, nhân lực, hai là doanh nghiệp không muốn làm nữa, muốn bán công ty, ba là coi việc lên sàn như một cách kiếm lợi nhuận bằng đỏ đen, cờ bạc.

Vậy nên, trước khi quyết định phải xem mình thuộc mục đích gì. Nếu hai mục đích trên thì việc liên kết là một cơ hội, tạo thêm nội lực. Song, cần xem xét kỹ đối tác cần mình cái gì, cái mình cần họ đáp ứng được không và có sãn sàng đi cùng mình đến đích không... vì mua bán hay liên kết cũng giống như một cuộc hôn nhân, cần có sự thông hiểu, gắn bó và đồng hành lâu dài để đến đích chung. Còn nếu thuộc mục đích ba thì rất nguy hiểm.

* Còn thưa ông Hàn, đến bây giờ nhiều người vẫn còn nghĩ thương hiệu Arirang là của Hàn Quốc. Ông nghĩ sao về điều này?

Sóng cả không ngã tay chèo
"Trường phái “kinh doanh cơ hội” chưa bao giờ là chuẩn mực cho sự phát triển bền vững vì tính rủi ro cao". (Ông Nguyễn Xuân Hàn)

- Ông Nguyễn Xuân Hàn: Thực ra những sản phẩm Arirang đầu tiên của Maseco được sử dụng công nghệ của Hàn Quốc. Nên sản phẩm mang tính lịch sử và có giá trị kỷ niệm, khách hàng cũng đã quen với thương hiệu nên chúng tôi không muốn thay đổi. 

Nhưng ngay từ đầu chúng tôi đã rất thành thật với người tiêu dùng khi để rõ dòng chữ “hàng Việt Nam” trên bao bì và tư vấn minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Mà người ta nghĩ vậy cũng có phần đúng chứ. Lái theo kiểu Arirang là của Hàn, nhưng là của ông... Xuân Hàn.

* Xin hỏi ông Lý Ngọc Minh: Như chia sẻ của ông Viên thì chiến lược ứng phó hiệu quả của Vinamit là tập trung vào thị trường nước ngoài nhưng với Minh Long thì ngược lại, thành công là do tập trung vào thị trường trong nước và đánh vào phân khúc trung bình - thấp?

- Ông Lý Ngọc Minh: Theo tôi, tùy từng lĩnh vực mà doanh nghiệp có những chiến lược và hướng đi khác nhau. Chẳng hạn, thành công của anh Viên vì sản phẩm của Vinamit ở Trung Quốc không có, khả năng tiêu thụ cao. Nhưng sản phẩm của chúng tôi thì ở nước ngoài lại cạnh tranh rất khốc liệt về giá.

 Vì vậy, dù doanh thu xuất khẩu vẫn rất tốt, nhưng tôi quyết định tập trung phát triển thị trường trong nước, khoảng 70%, còn xuất khẩu vẫn giữ mức 30 - 35%. Năm nay, Minh Long đang mở thêm thị trường tại Nhật.

Ở Việt Nam, thị phần trung bình thấp cho sản phẩm của chúng tôi còn rất màu mỡ và nhiều cơ hội. Vì vậy, nếu tập trung vào phân khúc này với sản phẩm chất lượng cao, mang lại nhiều giá trị cho người dùng như đã nói trên thì chắc chắn mình sẽ thắng. Và chúng tôi đã chứng minh đường đi của mình là đúng trong suốt thời gian kinh tế khó khăn vừa qua.

* Không nghi ngờ gì nữa, tình hình kinh tế đang ở tình trạng xấu nhất từ năm 1991 đến nay. Cũng loại trừ đi các yếu tố khách quan, nếu có quyền điều chỉnh chính sách dành cho doanh nghiệp, các ông sẽ điều chỉnh như thế nào?

- Ông Nguyễn Lâm Viên: Trước hết là điều chỉnh miễn thuế VAT cho doanh nghiệp để khuyến khích họ kinh doanh, sản xuất. Riêng lĩnh vực của chúng tôi phải được áp dụng VAT. Vì Nhà nước nói sản phẩm nông nghiệp của nông dân bán cho doanh nghiệp sản xuất là miễn thuế VAT, nhưng thực tế chúng tôi không được miễn.

Chẳng hạn, khi tôi mua của nông dân 5 đồng nguyên liệu, ra sản phẩm 10 đồng thì tôi chỉ đóng 5 đồng giá trị gia tăng thôi, vì 5 đồng miễn cho nông dân rồi. Ở các nước, doanh nghiệp đều được “thối lại” khoản thuế này, vì vậy, chí ít mình không được “thối” thì phải bớt.

Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng cần xem lại vì Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lương cho nhân viên, nhưng doanh nghiệp lại không được hỗ trợ gì thì lấy đâu ra tiền để tăng doanh thu và trả lương cao.

Song, quan trọng nhất là chính sách tài chính về vĩ mô phải nghĩ đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, phải cho ngân hàng tăng trưởng hạn mức tín dụng thì ngân hàng mới cho doanh nghiệp tăng trưởng hạn mức tín dụng.

Hiện nay, ngân hàng chỉ cho thế chấp tài sản thì làm sao doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều tài sản để thế chấp, vì vậy phải thay thế chấp tài sản bằng những cơ sở vật chất họ đang có.

- Ông Lý Ngọc Minh: Tôi chỉ kiến nghị Nhà nước có chính sách gì cũng được nhưng phải ổn định, phải có thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị. Ngoài ra, trong ngành gốm sứ, tôi chỉ mong Nhà nước sớm có đường gas dẫn khí đồng hành tới các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ ở Bình Dương vì sử dụng khí đồng hành rẻ hơn khí gas lỏng rất nhiều.

* Chứng khoán, địa ốc rồi vàng không còn là mảnh đất màu mỡ để kiếm tiền nữa. Có thể thấy “doanh nghiệp theo trường phái kinh doanh cơ hội” không phải là yếu tố giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững.

- Ông Nguyễn Lâm Viên: Tôi cho đó là xu hướng đúng và giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Trước đây, chúng ta hay nói doanh nghiệp đi mua đất đai không tốt, nhưng ngược lại chính đất đai đã cứu nguy, gỡ khó cho doanh nghiệp, giúp cho nhiều doanh nghiệp giàu có.

Thực tế, không có nhiều doanh nghiệp giàu lên từ sản phẩm, nếu có cũng không tạo nhiều đột biến. Bởi doanh nghiệp sản xuất luôn luôn phải phát triển, phải gia tăng vốn để bảo toàn quy mô, mà càng gia tăng bao nhiêu thì càng rủi ro bấy nhiêu.

- Ông Lý Ngọc Minh: Tôi vẫn theo quan điểm: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy trong kinh doanh, có ngành chính, ngành phụ cũng là cách giúp doanh nghiệp chia rủi ro, “không cho trứng vào một rổ”, và nhiều doanh nghiệp nhờ chúng khoán, đất đai cũng tạo ra sự phát triển đột biến...

Song, khi đầu tư vào lĩnh vực nào, nhất là lĩnh vực đang có cơ hội nóng thì cũng phải đảm bảo nguyên tắc: Nghề chính mạnh rồi, mới làm sang lĩnh vực khác hoặc dư tiền rồi hãy đầu tư.

Cũng cần nói thêm, điểm yếu hiện nay của một số doanh nghiệp Việt Nam là thiếu vốn, tay nghề chứ không phải thiếu bản lĩnh. Muốn ra biển lớn, các doanh nghiệp này phải thay đổi con thuyền mình đang đi, phải thay đổi từ cách nghĩ, cách làm để nâng cao kiến thức và học hỏi kinh nghiệm, chuyên môn từ các doanh nghiệp lớn.

- Ông Nguyễn Xuân Hàn: Trường phái “kinh doanh cơ hội” hay nói cách khác là “lướt sóng” có thể là một hướng đầu tư khả thi khi doanh nghiệp có nguồn tiền nhàn rỗi và “gặp thời”. Nhưng cách kinh doanh này chưa bao giờ là chuẩn mực cho sự phát triển bền vững vì tính rủi ro cao.

Trong thời buổi khát vốn như hiện nay, doanh nghiệp muốn tồn tại bền lâu phải dựa vào sản phẩm chủ lực của mình cùng lúc khai thác triệt để những nguồn lực sẵn có trong mọi khía cạnh. Nên theo chúng tôi, nếu xu hướng này có phát sinh, trở thành phong trào đi chăng nữa thì cũng chỉ nhất thời.

Nhiều trường hợp trong thực tế đã chứng minh điều đó. Chứng khoán, địa ốc đã từng rất nóng, giờ cũng khó khăn. Ngay cả vàng cũng vậy, không ít người đã lao đao vì giá vàng lên xuống rồi.

* Xin cảm ơn các ông về buổi trò chuyện này và chúc cho các ông luôn vững tay chèo lèo lái những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam giữ vững được ưu thế!

LỮ Ý NHI - XUÂN LỘC thực hiện, Ảnh: Quý Hòa

Nguồn:  Doanh Nhân Sài Gòn
Các bài đăng trước cùng danh mục   Doanh nhân Việt
Biết nhận thì cũng phải biết cho - 07/10/2011
Biết nhận thì cũng phải biết cho NEWS7956
Sự thành công của Nguyễn Minh Trí là một hiện tượng hiếm hoi nhưng không ngẫu nhiên. Anh xác định mục tiêu nghề nghiệp từ rất sớm, tập trung toàn lực theo một lộ trình được phác thảo rõ ...
Xem thêm
"Tôi chê tiền..." - 03/10/2011
"Tôi chê tiền..." NEWS7956
Từ ngày bước chân vào nghề báo đến giờ tôi chưa gặp tay giám đốc doanh nghiệp nào "trong sáng" như gã này. Gã trong sáng đến mức có nhặt được... 2 tỷ đồng thì cũng mang trả lại để lương ...
Xem thêm
Tìm vui cho những ngôi nhà - 29/09/2011
Tìm vui cho những ngôi nhà NEWS7956
Ngay ngày đầu thành lập công ty, ông Nguyễn Thu Phong đã kỳ vọng: “Đưa Nhà Vui trở thành công ty thiết kế và xây dựng nhà ở dân dụng lớn nhất Việt Nam”. Mười một năm sau, Nhà Vui đã có ...
Xem thêm
“Kiến trúc sư” của Tasco - 28/09/2011
“Kiến trúc sư” của Tasco NEWS7956
Vốn là người có đam mê kinh doanh, doanh nhân Phạm Quang Dũng đã không ngừng mày mò tìm kiếm ý tưởng để lần lượt chinh phục những cột mốc trong con đường kinh doanh. Cũng với đam mê này, ...
Xem thêm
Nhiều doanh nhân lớn tham dự 'Tinh thần doanh nhân Việt' - 27/09/2011
Nhiều doanh nhân lớn tham dự 'Tinh thần doanh nhân Việt' NEWS7956
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cùng nhiều doanh nhân nổi tiếng khác sẽ tham gia tọa đàm "Tinh thần doanh nhân Việt" tổ chức vào ngày 29/9 tại Hà Nội và 1/10 tại TP
Xem thêm
Gặp “Bill Gates” Việt Nam: Bỏ học đại học đi mở công ty - 26/09/2011
Gặp “Bill Gates” Việt Nam: Bỏ học đại học đi mở công ty NEWS7956
Trong xu thế nhà nhà đổ xô đi học ĐH, quyết định của Phú khiến không ít người cảm thấy lạ.
Xem thêm
Biết người, biết ta - 21/09/2011
Biết người, biết ta NEWS7956
Gặp ông vào một buổi trưa, khoảng trống thời gian giữa hai chuyến bay. Không màu mè, không thủ tục chào hỏi phức tạp, Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Ô tô Trường ...
Xem thêm
Bầu Đức: 'Tôi làm quần quật không phải vì tiền' - 17/09/2011
Bầu Đức: 'Tôi làm quần quật không phải vì tiền' NEWS7956
“Tôi làm việc quần quật không phải vì tiền. Tiền tôi không thiếu, xài thoải mái ba đời cũng không hết. Tôi cũng không có nhu cầu hưởng thụ. Tôi làm việc chỉ vì đam mê...”
Xem thêm
Khát vọng vạn lý - 16/09/2011
Khát vọng vạn lý NEWS7956
Kinh doanh không phải là chuyện dễ dàng, dù chỉ là kinh doanh nhỏ. Việc thành công của Nguyễn Hoàng Khang - Tổng giám đốc Công ty CP Thế giới Vận tải (Letgo24) khiến không ít người trẻ ...
Xem thêm
Tỷ phú kỳ nam kể chuyện trúng hàng chục kg "vàng ròng" - 16/09/2011
Tỷ phú kỳ nam kể chuyện trúng hàng chục kg "vàng ròng" NEWS7956
Có lẽ, đã thấy việc tìm được kỳ nam năm 2006 giờ đã vô hại, ông Phạm Văn Coi (46 tuổi), ở thôn Nước Đang, xã Ba Bích, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi tiết lộ câu chuyện đi bắt rùa núi trúng hàng ...
Xem thêm
Giấc mơ bay - 15/09/2011
Giấc mơ bay NEWS7956
Trong lĩnh vực logistics, cái tên Đỗ xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Ngoại thương (Vinafreight) và Tổng giám đốc Công ty dịch vụ hàng không (Vector Aviation) được biết nhiều ...
Xem thêm
Chàng sinh viên năm thứ 3 có thu nhập tám con số - 14/09/2011
Chàng sinh viên năm thứ 3 có thu nhập tám con số NEWS7956
Là SV năm thứ 3 ĐH Thương Mại, Lại Thế Long đã là Chủ tịch CLB việc làm sinh viên HN kiêm Phó giám đốc Cty Giáo dục The Connect.
Xem thêm
Bầu Đức là doanh nhân quyền lực hàng đầu ASEAN - 13/09/2011
Bầu Đức là doanh nhân quyền lực hàng đầu ASEAN NEWS7956
Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức là người Việt Nam duy nhất được Wall Street Journal bầu chọn vào danh sách những doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Xem thêm
Ông chủ trẻ ở vùng quê nghèo - 11/09/2011
Ông chủ trẻ ở vùng quê nghèo NEWS7956
Đó là ông chủ của hãng xe Văn Minh mà có lần tôi đã kể với bạn trong một bài viết ngắn về văn minh thật khác với văn minh giả !
Xem thêm
Đổng Thị Hoài Thu: Shu 7, Thu 10 - 10/09/2011
Đổng Thị Hoài Thu: Shu 7, Thu 10 NEWS7956
Đến Shu Spa người ta thường thấy một cô gái trẻ, ăn mặc giản dị, ngồi nói chuyện say sưa với khách về cách thức làm đẹp và nhầm tưởng đó là nhân viên tư vấn của spa. Nhưng đó chính là Đồng ...
Xem thêm
Xem thêm :  Sưu tầm » Doanh nhân » Doanh nhân Việt
Tìm liên quan » Sóng cả không ngã tay chèo
Đang xem » Sóng cả không ngã tay chèo