“Mấy hôm nay tôi lu bu lắm vì đang chuẩn bị cho dây chuyền sản xuất ống nhựa HDPE có đường kính lớn nhất Việt Nam (DN 1.200mm) hoạt động. Dây chuyền này sử dụng công nghệ đùn ống định hình chân không, khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm hoàn chỉnh. Đây là công nghệ tiên tiến trên thế giới, tiết kiệm năng lượng, sạch, ít chất thải”...
* Chắc hẳn dự án gặp nhiều khó khăn nên thấy ông có vẻ căng thẳng?
- Như đã nói, đây là dự án sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam hiện nay nên việc thực hiện cực kỳ khó khăn. Vừa đầu tư lớn (khoảng 80 tỷ đồng), vừa đổ nhiều công sức, còn phải cử hàng chục nhân sự chủ chốt ra Hà Nội (vì nhà máy sản xuất đặt tại tỉnh Hưng Yên).
Đã vậy, sản phẩm làm ra chưa chắc đã tiêu thụ được ngay vì muốn sử dụng phải có dự án và đấu thầu, khác với ống nhựa dân dụng.
Thế nên chúng tôi đã lường trước khó khăn và chuẩn bị tinh thần rồi, thậm chí còn sẵn sàng đón nhận tình huống sáu tháng “nằm im”, không sản xuất.
* Vậy liệu có mâu thuẫn không trong khi hiện nay nhiều doanh nghiệp đều đặt vấn đề lợi nhuận, phát triển “nóng” lên hàng đầu, thì Bình Minh lại đầu tư vào một dự án mà sản phẩm làm ra chưa biết tiêu thụ ra sao?
- Thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn nhưng chỉ là mâu thuẫn trong ngắn hạn, còn về dài hạn thì tôi nghĩ đây là dự án cho tương lai và phát triển bền vững.
Thực tế hiện nay, đúng là nhiều doanh nghiệp đang bị áp lực phát triển “nóng” và họ chỉ quan tâm đến doanh số, hiệu quả trước mắt, nhưng nếu chỉ tập trung vào lợi nhuận để phát triển “nóng” thì rất nguy hiểm vì không có tính bền vững.
Để chạy theo lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp thường bỏ qua những vấn đề về sức khỏe, môi trường... Những trường hợp như Vedan hoặc nhiều doanh nghiệp khác mới hôm nay còn vinh quang, ngày mai đã phải đối mặt pháp luật là một minh chứng cho sự phát triển thiếu bền vững.
Song, điều đáng nói là dự án này đã thể hiện quan điểm nhất quán của Bình Minh: luôn đi trước, đón đầu, chấp nhận rủi ro, nắm bắt công nghệ mới để không chỉ phục vụ khách hàng, mà còn định hướng cho người tiêu dùng, làm ra nhiều sản phẩm tốt phục vụ người tiêu dùng chứ không phải có cái gì bán cái đó.
Có thể chứng minh điều này bằng thực tế những ngày đầu, khi Bình Minh đang ở đỉnh cao của sản phẩm nhựa gia dụng, nhưng do nhìn thấy ống nhựa công trình sẽ rất cần với số lượng lớn, chúng tôi đã chuyển hướng sang sản xuất loại ống nhựa này và trở thành người đi tiên phong với bao khó khăn, vất vả. Đến nay, ống nhựa công trình đã trở thành sản phẩm cốt lõi và là nền tảng cho Bình Minh phát triển bền vững.
* Ông có thể cho biết đôi điều về ưu thế cũng như triển vọng khả quan của dự án sản xuất ống nhựa đường kính lớn?
|
Nhựa Bình Minh bắt đầu sản xuất ống nhựa có đường kính 1.200mm |
- Lợi thế đầu tiên của ống nhựa HDPE DN 1.200mm là sử dụng nguyên liệu trong nước, nên giá thành giảm khoảng 20% so với sản phẩm cùng loại từ trước tới nay vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất. Ngoài ra, dây chuyền sản xuất mới sẽ nâng tổng công suất của riêng Nhựa Bình Minh miền Bắc lên 30.000 tấn/năm, của cả Công ty lên trên 70.000 tấn/năm, góp phần vào việc ổn định tốc độ tăng trưởng của Công ty từ 15 - 20%/năm.
Bên cạnh đó, qua khảo sát, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy trên thế giới hiện nay hầu hết các dự án lớn như: dẫn khí đốt ở Úc, dẫn nước biển cho nhà máy khử muối Chennal của Ấn Độ, các đường ống cấp nước ở Kuwait, cải tạo mạng lưới cấp nước ở London... đều sử dụng ống nhựa PE thay cho ống gang, ống thép vì ưu điểm của ống nhựa là không bị ăn mòn, hệ thống được hàn vững chắc, đường kính linh động...
* Hiện có rất nhiều thương hiệu cũng sản xuất ống nhựa như Tiền Phong, Đạt Hòa, Tân Tiến... Ở cương vị người đứng đầu doanh nghiệp, ông có cảm thấy bị áp lực và đã làm gì để duy trì vị trí hàng đầu cho thương hiệu Bình Minh?
- Một con người muốn khỏe thì phải duy trì lối sống khỏe mạnh. Doanh nghiệp cũng vậy, muốn tồn tại và phát triển bền vững thì sản phẩm phải có chất lượng cao và uy tín.
Ống nước chiếm chi phí không quá lớn trong một dự án, nhưng nếu sản phẩm không tốt, người sử dụng phải sửa chữa hoài thì sẽ tốn kém, vì vậy, chúng tôi đã tập trung thay đổi công nghệ và ống nhựa của Bình Minh được sản xuất trên nguyên tắc: “Hễ nhắc tới ống nhựa là mọi người phải nhớ tới Bình Minh”.
Tuy nhiên, khi đã ở vị trí hàng đầu, đạt đỉnh cao rồi thì áp lực kỷ lục càng lớn. Trong khi đó, chu kỳ của một sản phẩm là theo hình sin, có đỉnh cao, có thoái trào, vì vậy, mình phải luôn tạo ra nhiều hình sin.
Giữ vị trí hàng đầu không có nghĩa là chỉ duy trì chất lượng, mà còn phải tạo ra nhiều sản phẩm đi trước, định hướng cho người tiêu dùng và phục vụ cho nhu cầu cuộc sống. Bên cạnh đó còn phải kết hợp với các hoạt động khác, như: nâng cao chất lượng dịch vụ, kênh phân phối; chăm sóc, hỗ trợ khách hàng; bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và các hoạt động xã hội...
* Với quan điểm xây dựng thương hiệu bằng sản phẩm chất lượng cao, ông nghĩ thế nào khi hiện nay trên thị trường vẫn có những sản phẩm không tốt?
|
Kiểm tra thành phẩm trước khi xuất xưởng. |
- Không ít doanh nghiệp hiện nay vẫn sản xuất nhiều mặt hàng bằng những thiết bị rẻ tiền, nhưng cũng bởi thực tế có cầu thì ắt phải có cung. Đó cũng là sự đa dạng của thị trường.
* Ông chủ trương không vay tiền ngân hàng, vậy có ảnh hưởng đến sự phát triển của Bình Minh không, thưa ông?
- Có lẽ, điều tôi tự hào nhất trong nhiều năm ở Bình Minh là Công ty đã đi lên bằng chính nội lực. Trong kinh doanh, không vay tiền, không biết sử dụng nguồn tiền của người khác để làm ăn chưa hẳn đã tốt, nhưng quan điểm của tôi là không vay lấy được, mà chỉ vay khi có dự án tốt. Cách đi của tôi là từ từ, lượng sức để tới bến chứ không nhất thiết phải chạy đua quá sức.
Chẳng hạn, năm 1984, một số nhà máy ở Hàn Quốc bị phá sản, lúc đó chúng tôi đã mua được một nhà máy có các thiết bị đồng bộ với giá chỉ bằng 40% giá đầu tư mới. Nhờ vậy mà chúng tôi giảm được chi phí, sản xuất hiệu quả ngay, từng bước áp dụng công nghệ hiện đại, rồi nâng dần lên, chứ không làm ồ ạt. Mới đầu mua hai máy, bây giờ là 30 máy.
Quá trình này tuy phải mất cả chục năm nhưng nhờ vậy, chúng tôi có nhiều thời gian để chuẩn bị đội ngũ, củng cố năng lực, kiến thức mới để đón nhận sự phát triển.
* Hai năm qua được coi là hai năm khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam nhưng được biết, Bình Minh vẫn gặt hái thành công. Theo ông, đó là do Bình Minh “may mắn” hay nhờ khả năng chèo chống, ứng phó tốt của lãnh đạo Công ty?
- Cũng có thể là may mắn, nhưng nếu chỉ ngồi chờ sung rụng, không xoay xở thì chắc chắn may mắn cũng không giúp được gì. Đầu năm ngoái, sản xuất của Công ty cũng bị trì trệ, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư thiết bị và mua nguyên liệu tích trữ. Nhờ vậy mà cuối năm, khi thị trường phát triển “nóng”, sẵn có thiết bị và nguyên liệu dự trữ nên tăng trưởng của Bình Minh đạt con số rất đẹp.
Còn năm nay, tuy giá nguyên liệu rất cao nhưng chúng tôi vẫn tăng trưởng hai con số. Từ thành quả này, tôi rút ra bài học: Trong khó khăn đừng hốt hoảng, mà cần phải bình tĩnh. Nếu mình đầu tư đúng hướng, nhận định, phân tích tình huống đúng thì trong cái khó vẫn có cái may, cái thuận lợi.
* Trong sản xuất, sử dụng nhân công giá rẻ đang được nhiều doanh nghiệp hướng đến, nhưng ông lại không đồng tình. Vậy bằng thực tế ở Bình Minh, ông có thể chứng minh là mình đúng?
|
Cùng đội ngũ kỹ sư và chuyên gia nước ngoài trong nhà máy |
- Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng của Bình Minh, bạn sẽ thấy doanh thu của chúng tôi theo hướng đi lên, trình độ nhân lực cũng tăng nhưng số lượng nhân sự lại đi ngang. Điều này chứng tỏ chúng tôi không sử dụng nhân công giá rẻ mà ngược lại, tập trung đào tạo, nâng cao tay nghề và tuyển dụng những nhân lực có chuyên môn và tay nghề cao.
Những năm qua, đội ngũ này đã góp phần giúp thương hiệu Bình Minh giữ được vị thế và đây cũng là thế mạnh của chúng tôi.
Song, để quy tụ và giữ được người tài, điều quan trọng nhất là phải xây dựng văn hóa trong Công ty. Nhiều người cho rằng, mặc chung một màu áo hoặc cư xử đúng mực với nhau là đã có văn hóa doanh nghiệp. Thực chất, văn hóa doanh nghiệp là nhân cách, là trí tuệ của cả tập thể mà người đi đầu phải làm gương, phải là người giương ngọn cờ định hướng.
Để làm được công việc tưởng như bình thường này là không dễ. Chính vì vậy, nhiều năm qua, dù rất khó khăn và mất nhiều thời gian để xây dựng nếp văn hóa cho Công ty, nhưng tôi vẫn theo đuổi.
Văn hóa của Bình Minh được chúng tôi xây dựng từ những việc nhỏ nhất như trang phục, cách cư xử, quan hệ nội bộ. Văn hóa đó không phải được thực hiện theo mệnh lệnh, mà là phải làm sao để nhân viên xem đó là lợi ích tinh thần. Chính vì vậy mà nhiều năm qua, “mái nhà chung” của chúng tôi rất ấm êm, mọi người sống hòa thuận như trong một gia đình thật sự.
*Trong thời gian ông lãnh đạo Bình Minh, đã có một vài trường hợp nhân sự ra đi, lúc đó ông phản ứng thế nào?
Bất kỳ người nào nghỉ việc ở Bình Minh tôi cũng đều quan tâm. Đầu tiên tôi tìm hiểu xem tại sao họ ra đi. Có nhiều trường hợp, nhân viên ra đi không phải vì phiền hà tôi, mà do bất hòa với anh em cấp dưới, tôi cũng rất buồn.
Không phải họ không trách mình thì mình vô can mà ngược lại, trách nhiệm của người lãnh đạo càng nặng nề hơn. Những lần đó, tôi thường tìm hiểu để hòa giải họ và đã thành công. Đến nay, họ vẫn tiếp tục làm việc với nhau rất vui vẻ và tích cực đóng góp cho Công ty.
* Ông sợ nhất tính cách nào của con người?
- Tôi thường bị phê bình là nóng tính, nhưng tôi thấy nóng tính không đáng sợ bằng sự vô cảm trước niềm vui và nỗi đau của người khác. Mà điều này hình như đang xuất hiện khá nhiều trong cuộc sống hiện nay. Vì vậy, ở Bình Minh, tôi đặt ra khẩu hiệu hai chống, đó là chống sự vô cảm và chống sự chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ.
Trí tuệ của tập thể là cực kỳ quan trọng, nó giống như một chuyển động Brown, tuy hỗn loạn nhưng nếu có mục tiêu chung thì sẽ tạo thành sức mạnh lớn, chứ không có khả năng triệt tiêu sức mạnh của nhau. Đáng sợ nhất là tính ích kỷ, cá nhân, đặt cái tôi lên trên mọi quan hệ.
* Ở cương vị lãnh đạo đã nhiều năm, ông có sợ mình bị chậm chạp, già đi trong suy nghĩ và cách điều hành, hoạch định chiến lược?
|
Bình tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, một trong những mặt hàng "ăn khách" của nhựa Bình Minh |
- Đó là điều không thể tránh khỏi. Tôi cho rằng cái gì cũng có hai mặt: khi được mọi người tín nhiệm, giao phó trọng trách điều hành doanh nghiệp thì tất nhiên mình rất vui, nhưng cũng phải tỉnh táo vì càng lớn tuổi, càng bị sức ỳ tấn công. Và để vượt qua thì tự thân phải vươn lên, tự thắng sức ỳ của chính mình.
Chẳng hạn, tôi đã tham gia nhiều khóa học, tập huấn, hội thảo. Tích cực phản biện để tận dụng chất xám, ý kiến của người khác. Trong các cuộc họp Công ty, tôi thường nói vui: Không phải các vị xin ý kiến của tôi, mà là tôi đang xin ý kiến của các vị đấy.
Tôi đang xây dựng đội ngũ nhân sự kế thừa một cách công khai. Tôi nghĩ, người lãnh đạo giỏi là người biết tạo ra đội ngũ kế thừa, biết sử dụng năng lực của người khác để thực hiện ý tưởng của mình.
Khi đưa ra một dự án, tôi thường tổ chức, thậm chí tổ chức cuộc thi để chọn dự án hay. Người lãnh đạo mà cứ tham quyền cố vị, giữ khư khư cái ghế của mình, không muốn tạo điều kiện cho ai thay thế mình là rất nguy hiểm cho sự trường tồn của doanh nghiệp.
* Ở tuổi của ông, nhiều người đã muốn buông công việc, nhưng ông thì dường như vẫn còn sung sức với nhiều dự án mới?
- Làm kinh doanh và lãnh đạo là công việc nhiều áp lực và mệt mỏi khủng khiếp. Nhưng bù lại nó làm cho mình trẻ ra, khỏe hơn vì lúc nào cũng phải vận động, không được hài lòng với chính mình, và nhất là luôn tạo cho mình sự ham muốn để làm việc “sung” hơn.
* Nhưng có lúc tôi lại nghe ông nói: “Lãnh đạo phải biết kiềm chế”...
- Đó là kiềm chế những ham muốn đời thường của mình. Đã là con người thì ai chẳng có những ham muốn đời thường, chẳng rung động trước cái đẹp. Tôi từng nói vui: Anh làm giám đốc thì hàm răng của anh sẽ sớm lung lay vì phải nghiến răng kìm nén những ham muốn. Ví dụ kìm nén trước sức cám dỗ của tiền bạc, sắc dục, hay trong một cuộc nhậu, anh em “vô” liên tục, còn mình phải biết chỉ nên “vô” đúng lúc...
* Liệu cứ cố gắng kìm nén như thế có làm cho người lãnh đạo trở nên đạo mạo, xa cách mọi người không, thưa ông?
- Theo tôi thì không. Xa cách hay không là do cách ứng xử, cách thể hiện của mỗi người. Cũng có người nói tôi hơi đạo mạo, nhưng trong các cuộc vui, tôi vẫn hòa đồng. Dù không biết nhảy, biết hát, nhưng tôi vẫn hô hào mọi người vui hết mình. Tôi thuê cả thầy về dạy khiêu vũ cho anh em ở Công ty và còn tổ chức các cuộc thi hát karaoke rất vui.
* Xin cảm ơn ông!
LỮ Ý NHI (Thực hiện)