Đó là Nguyễn Quốc Tâm (31 tuổi). Anh Tâm cho biết mảnh đất nhiễm phèn 2.000 m2 của mình tại xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM nếu trồng mía thì mỗi năm thu hoạch sau khi trừ mọi chi phí chỉ kiếm được vài triệu đồng là cao, nhưng cũng chừng ấy diện tích đất nếu trồng mai vàng bán tết thì mỗi năm thu về từ 200 triệu - 300 triệu đồng là chuyện bình thường.
Sau những ngày lân la đến những vườn mai lớn ở một số nơi để học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc và cách ghép mai sao cho hiệu quả, năm 2008, Tâm đã mạnh dạn chuyển từ trồng mía sang trồng mai trên mảnh đất của mình. Lúc đầu, do tự thân vận động và không có nhiều vốn nên anh chỉ trồng khoảng 200 gốc. Tuy nhiên, sau 3 năm trồng mai, lợi nhuận mỗi năm bao giờ cũng cao hơn trồng mía gấp nhiều lần.
Năm 2011, được sự giới thiệu của Hội LHTN xã Lê Minh Xuân, anh đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Hội để đầu tư mua thêm chậu và cây mai nguyên liệu để thực hiện ghép cành. Tết Nguyên đán 2012, vườn mai của anh cho thu hoạch trên 300 gốc mai, trong đó có trên 100 gốc mai bon sai với lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Tâm vui mừng nói: “Trước đây cuộc sống gia đình rất khó khăn, nhờ cây mai mà gia đình đã khấm khá hơn trước rất nhiều”.
Hiện vườn mai của anh Tâm có tổng cộng hơn 1.200 gốc, trong đó có những gốc mai “độc” có giá vài chục triệu đồng/gốc. Anh Tâm bộc bạch: “Đã nói là hàng độc thì giá cả không tính trước được. Những người giàu họ không tiếc tiền, miễn là cây mai đó có đẹp và bắt mắt với họ hay không. Và một khi họ đã “chấm” cây nào rồi thì mình nói giá nào họ cũng mua”.
Thời điểm này, anh đang dồn sức để chuẩn bị cho đợt mai bán tết. Tâm cho biết: “Mình đang làm hồ sơ vay 150 triệu đồng của Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp để đầu tư, chăm sóc cho vườn mai nhằm tung ra trong dịp Tết 2013. Nếu thời tiết tốt và mọi chuyện suôn sẻ như dự tính thì tết này mình kiếm lời từ việc bán mai khoảng từ 200 triệu - 300 triệu đồng là trong tầm tay”.
Sau 5 năm chuyển đổi từ cây mía sang cây mai, bản thân Tâm không những đã thoát nghèo bền vững mà còn tạo điều kiện cho 4 lao động có việc làm ổn định.
Không những thế, anh còn chia sẻ những kiến thức mà mình có được cho những thanh niên tại địa phương muốn học hỏi về kỹ thuật trồng mai. Tâm mong ước: “Mình hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng cho nhiều người, để họ có thể trồng mai ngay trên mảnh đất nhiễm phèn của họ nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn rất nhiều những cây trồng khác”.
Lê Thanh