Khởi nghiệp trồng mai
Ông Ba Sơn quê ở Mỏ Cày, Bến Tre. Vì nghèo khó, gia đình ông dắt díu nhau tha phương cầu thực, rồi tìm đến Thủ Đức. Vì không tìm được nghề nào tốt hơn, cha mẹ ông nghĩ cách buôn bán cây kiểng. Lúc ấy ông 10 tuổi, xong buổi đến trường là theo cha mẹ bới xén đất bỏ vào chậu trồng cây. Ông nhớ như in mỗi độ Tết về, theo cha mẹ lùng sục các nhà vườn thu mua mai, bứng lên, cho vô chậu, chăm sóc rồi đem ra Chợ Lớn bán kiếm lời. Cứ thế, tuổi thơ ông trôi theo những mùa mai nở.
Phụ cha mẹ chăm sóc mai, buôn mai từ nhỏ, ông có chút ít hiểu biết về nghề trồng mai. Nhưng phải đi một ngày đàng mới học được sàng khôn. Năm 1980, lúc ông tròn 23 tuổi, TPHCM lần đầu tiên tổ chức hội hoa xuân, ông tuyển chọn những chậu mai ưng ý nhất, đẹp nhất mang vào nội thành chưng bán. Nhưng rốt cuộc, mai của ông ế ẩm, vì không thể... địch nổi với mai ghép của các nhà vườn khác cho bông lớn, nhiều cánh, lâu tàn hơn.
Buồn vì một mùa Tết thất bát, nhưng sự việc cho ông quyết tâm phải học cách làm mai ghép như người ta. Thế là với chiếc xe đạp cà tàng, ông rảo khắp nhà vườn, học lóm nghệ nhân ở khắp nơi; từ nghệ nhân Ba Thành ở Bình Chánh, Tư Liên ở Cầu Ông Dầu, ông Xương Rồng ở cầu Đúc Nhỏ, đến Hai Thọ ở An Giang. Người giúp ông nhiều nhất chính là nghệ nhân Hai Thọ, với giống mai ghép tai dão và mai trắng Miến Điện. Nghệ nhân Hai Thọ vì thương tính chịu khó của Ba Sơn, đã biếu ông một gốc mang về. Từ chậu mai tai dão ban đầu, ông gầy ra, ghép vào những gốc mai quanh vườn. Đầu tiên là 5 gốc, sau lên 10 gốc và số lượng cứ tăng dần.
Nhất nghệ tinh
Hiện ông Ba Sơn đang sở hữu hơn 10.000 gốc mai từ vài năm đến hàng trăm tuổi đời với đủ loại, đủ màu sắc như: mai xanh (phước mai), mai trắng, mai hồng, mai huỳnh tỉ (24 cánh), cúc mai (100 cánh), mai vàng tai dão... Ngoài hai cơ sở ở Thủ Đức, ông còn một vườn mai rộng 5 ha ở Tân Uyên, Bình Dương.
Ông Đỗ Văn Thiên, Chủ tịch Hội Nông dân phường Linh Đông - Thủ Đức, nhận xét: “Ba Sơn là người đầu tiên khởi xướng phong trào trồng mai ghép ở phường. Chúng tôi quý ông ấy ở tấm lòng, sống có tình, biết chia sẻ với mọi người”. |
30 năm gắn bó với nghề trồng mai kiểng đã giúp ông Ba Sơn từ một cậu bé con nhà nông nghèo, trở thành nghệ nhân giỏi về ghép mai. Dẫn chúng tôi tham quan nhà vườn, ông say sưa nói về kỹ thuật trồng mai. Theo ông, muốn mai tốt, ra hoa nhiều vào năm sau, phải chăm sóc mai ngay sau Tết. Qua rằm tháng giêng, cần đem mai ra ngoài trời, bắt đầu thực hiện các giai đoạn chăm sóc, tạo dáng. Muốn mai đẹp uyển chuyển, phải dùng kẽm, tạo dáng cong từ các cành. Từ tháng 7 âm lịch, không nên tỉa cành nếu không mai sẽ mất sức, không ra hoa. Nếu mai trồng trong chậu, mỗi năm nên thay đất một lần. Tùy vào vụ mùa cũng như thời tiết mà mai sẽ được bón phân, canh bông, lặt lá cho phù hợp...
Có một điều đặc biệt là ông không làm chỉ vì riêng mình. Hội Nông dân Thủ Đức luôn nhắc đến ông như người khởi xướng, giúp bà con nhân rộng phong trào trồng mai ghép, tạo nên sự khác biệt cho cả vùng mai ghép Thủ Đức. Ông tự hào nói: “Không ở đâu mai ghép có tiếng như mai Thủ Đức hiện giờ. Khác với ghép chồi ở Cái Mơn (Bến Tre), mai Thủ Đức được ghép mắt, cắt bỏ các cành, chờ cây đâm chồi bằng đầu đũa rồi mới ghép. Với phương pháp này, mầm và cây hợp nhất sẽ cho cây tuổi thọ cao”.
Tấm lòng của tỉ phú
Dịp Tết năm ngoái, Công ty Xăng dầu Khu vực 2 thuê mai của ông Ba Sơn về chưng với giá 20 triệu đồng. Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng là khách hàng thường xuyên thuê mai Ba Sơn... Rất nhiều công ty, cơ quan, người giàu có thuê mai hoặc mua mai của ông Ba Sơn như thế.
Ông Ba Sơn cho biết, trung bình mỗi dịp Tết, ông tung ra thị trường vài ngàn chậu mai ghép, đủ loại giá, từ vài triệu đến hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng. Dịp Tết này ông chuẩn bị 5.000 gốc và dự kiến sẽ bán được chừng 2.000 gốc. Hằng năm, sau mỗi mùa Tết, huê lợi ông mang về hàng tỉ đồng từ bán mai, cho thuê mai và dưỡng mai... Cũng từ vườn mai của ông, ngôi nhà đồ sộ được mọc lên, ba người con được ăn học thành tài và cũng nối nghiệp cha gắn bó với nghề trồng mai.
Ông Ba Sơn còn được tiếng là người sống rất có nghĩa tình. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh, ở Thủ Đức-TPHCM, làm công cho ông gần 10 năm, kể: “Chú Ba tốt với mọi người lắm. Ổng còn “bao đồng” nữa. Thấy đường sá hư hỏng là lấy cuốc, xẻng ra vá lại liền”. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lộc và chị Nguyễn Thị Hồng Hoa, quê ở Tiền Giang, làm công cho ông hơn 4 năm, nói: Mỗi khi vợ chồng hay con cái tôi ốm đau, ông Ba đều đứng ra giúp đỡ. Đầu năm học vừa rồi, ông còn gởi quà về cho con tôi để động viên cháu đến lớp”.