Lam là con trai một người thợ xây dựng ở Hong Kong (Trung Quốc). Anh từng thi trượt đại học, khiến cả gia đình phải lo lắng về tương lai. Nhưng Lam cho rằng mình đã học được nhiều điều từ thất bại đó và sẽ làm tốt hơn trong lần tiếp theo.
Người nhà Lam khi ấy đều nghĩ anh nên đi theo cha mình và học nghề xây dựng. Cha Lam luôn đi làm khi anh chưa thức dậy và trở về nhà khi anh đã đi ngủ. Lam không muốn có cuộc sống như vậy.
Một ngày, anh quyết định sẽ chuyển tới Mỹ theo lời mời của một người chú đang định cư ở Los Angeles. Anh đã xin vào làm trong một nhà hàng Trung Quốc để trang trải học phí ở một trường Cao đẳng cộng đồng. Thành tích của Lam xuất sắc đến nỗi sau đó anh được chuyển tiếp vào Đại học California và tốt nghiệp năm 2010 với tấm bằng cử nhân kinh doanh, Entrepreneur cho biết.
Khi mới sang Mỹ, anh ra sức trau dồi tiếng Anh bằng cách nói chuyện với khách đến nhà hàng. Anh cũng phát huy óc kinh doanh bằng việc mua những chiếc iPhone đời đầu, tự mày mò cách phá khóa trên mạng rồi bán lại chúng trên eBay.
Anh còn mở dịch vụ sửa máy tính miễn phí, nhưng cho khách hàng biết mình đang phải làm việc cật lực để chi trả học phí. Bằng cách đó, anh cũng nhận được một khoản ủng hộ từ họ. Ở trường đại học, Lam rất thích tham gia vào các cuộc thi thực tế, làm việc chung với các kĩ sư và nhà thiết kế chuyên nghiệp.
Cuối cùng, Lam rời Mỹ trở về Hong Kong cùng một ý tưởng kinh doanh đầy triển vọng. Ở Mỹ, nhà hàng Trung Quốc thường để tờ rơi trong hộp đồ ăn in sẵn. Nhưng ở Hong Kong, người ta chỉ dùng những hộp xốp trơn. Ý tưởng của Lam là dán nhãn lên những chiếc hộp đó để quảng cáo sản phẩm. Không có đủ vốn để thực hiện hóa ý tưởng này ở Mỹ, anh quyết định trở về quê hương.
Với số vốn 50.000 đôla Hong Kong, Lam cùng vài người bạn mở công ty giao hộp đựng đồ ăn miễn phí cho các nhà hàng. Anh mua hộp ăn trưa, tự thiết kế nhãn dán lên bề ngoài và chào mời các công ty khác đặt quảng cáo trên đó.
"Chúng tôi bù đắp chi phí bằng hàng loạt quảng cáo trên các vỏ hộp", Lam cho biết. Ý tưởng này rất thành công khi họ hợp tác được với hơn 500 nhà hàng. Thời gian đầu, họ giao tới 10.000 hộp mỗi ngày.
Công ty phát triển liên tục suốt 9 tháng. Nhưng cứ cách vài ngày, họ lại phải ngưng giao hàng một lần do thiếu vốn và chỗ lưu trữ.
Lam cũng chẳng có đủ tiền tự mua phương tiện chuyên chở và đã phải sử dụng dịch vụ giao hàng qua tổng đài. Hệ thống này làm việc vô cùng kém hiệu quả. Có tới hàng trăm tổng đài cùng sử dụng sóng radio để liên lạc với tài xế. Xe luôn tới trễ và hậu quả là các khách hàng như Lam gặp khó khăn khi kiểm soát công việc kinh doanh của mình.
Đến một ngày, quá chán nản, Lam bước ra khỏi văn phòng và đi lững thững trên đường. Anh bắt chuyện với một tài xế xe tải và hỏi liệu anh có thể thuê người này giao hàng được không. Đó cũng là lúc Lam bắt đầu tìm hiểu về cách các tổng đài điều hành mạng lưới xe tải.
Anh phát hiện ra rằng những tổng đài lớn thường điều khiển tới hơn 3.000 phương tiện và thu phí hoạt động của họ hàng tháng. Tài xế không thể tự định giá để trang trải chi phí hoặc sắp xếp lịch trình. Họ không có khả năng đàm phán. Các tổng đài vì thế ra sức cạnh tranh về giá và chẳng màng tới lợi ích của tài xế.
Từ đó, Lam bỏ công việc giao hàng hiện tại và bắt tay xây dựng một hệ thống tương tự nhưng loại bỏ hết các khâu trung gian. Và thế là GoGo Van ra đời. Anh viết một ứng dụng trên điện thoại cho các tài xế, dạy họ cách sử dụng ứng dụng này và lập một cơ sở dữ liệu có số điện thoại từng người. Anh cho dán số điện thoại của họ lên cửa kính xe để cảnh sát có thể gọi nếu xe tải có lỡ đỗ sai vị trí khi đang giao hàng.
Để thu hút tài xế tham gia, anh đặt tờ rơi lên các cửa kính. Sau ba tháng, Lam đã có thông tin của hàng ngàn tài xế.
Với GoGo Van, mỗi khi khách hàng gọi xe thông qua ứng dụng, tài xế có thể trả lời ngay trong 10-15 giây, so với 20-30 phút qua một tổng đài thông thường. Lái xe nhờ vậy giảm được số thời gian rảnh rỗi. Một số còn có thu nhập tăng 20-30% từ khi tham gia mạng lưới này.
Với Lam, việc kinh doanh thành công không chỉ nhờ ý tưởng đột phá. Nó là kết quả của sự đồng lòng chia sẻ đam mê, cùng gây dựng doanh nghiệp và phát triển.
Trong quá trình huy động vốn, anh nhận ra rằng luôn có người sẵn sàng ăn cắp ý tưởng của mình. "Thương trường là chiến trường. Đó chưa bao giờ là chốn bình yên. Tất cả những người bạn nói chuyện cùng đều mang trong lòng ý đồ riêng của họ. Một sai lầm nhỏ cũng có thể hủy hoại cả công ty. Tôi từng tìm thấy một nhà đầu tư tiềm năng. Tôi tiết lộ cho anh ta tất cả kế hoạch của mình và giờ đây, anh ta trở thành đối thủ lớn nhất của tôi", Lam cho biết.
Nhưng Lam vẫn luôn tập trung cho tương lai. "Mắt tôi luôn hướng vè phía trước. Chúng tôi cố gắng hết sức mình và làm điều đó theo cách riêng. Áp lực từ những người khác chỉ làm chúng tôi có thêm động lực mà thôi. Người ta có thể ăn cắp ý tưởng của bạn chỉ trong một đêm. Nhưng cách hiện thực hóa nó mới là điều đáng quan tâm. Không gì có thể ngăn cản bạn xây dựng ước mơ của riêng mình", anh nói.
Hà Tường