Tôi nhớ cách nay mười năm, lần đầu tiên được rủ “đi Lách” (cách nói tắt của người dân huyện Chợ Lách, Bến Tre) vào dịp tết Đoan Ngọ. Sau khi đi hết mấy vườn trái cây, cơ sở làm cây giống, kiểng thú, rồi ra cồn Tiên xem dân địa phương trẩy hội tắm bùn sông, chị Minh Hương, giám đốc một công ty du lịch, nhận định ngay “xứ này làm du lịch được đấy!” Nhưng suốt mấy năm sau, cầu, đường trong huyện đều nhỏ hẹp, nhà nghỉ sơ sài đã làm cho bao lượt công ty lữ hành về đây khảo sát rồi lại đi. Còn chúng tôi vẫn cứ mê những vườn sầu riêng, măng cụt, xoài tứ quý, nhãn, bưởi da xanh, chôm chôm…, mê những nhà vườn giỏi làm cây giống, trồng hoa kiểng, mê những nghệ nhân uốn kiểng thú nên ít nhất hai năm lại cùng gia đình về chơi.
Vào vườn no trái
Không còn cảnh chờ qua phà nữa, nên chỉ hai tiếng rưỡi ngồi xe từ TP.HCM, 9 giờ sáng chúng tôi đã về đến Chợ Lách. Đi lần này có bốn anh chị người Hà Nội vào Nam làm việc, rất muốn khám phá miệt vườn sông nước miền Tây. Chợ Lách thay đổi khá nhiều, đường sá rộng rãi, khang trang hơn so với những năm trước. Mùa trái cây nên đi đâu cũng thấy vườn trĩu quả, từ đường làng đến lộ lớn, nhà vườn chở trái cây ra vựa liên tục. Các anh chị người Hà thành háo hức vào vườn ăn cây trái Nam bộ mới hái xuống vì ở quê họ, phải bỏ ra gấp đôi ba lần tiền mới mua được.
Xem ra người dân Chợ Lách đã muốn làm du lịch, tìm một chiếc ghe để đi dọc sông, qua các cồn không khó như trước. Chiếc ghe của anh Tấn Đức ở xã Vĩnh Bình đóng mái khá đẹp, lòng ghe có ghế ngồi, có bạt che hai bên khi mưa. Ghe ghé vào vườn có tấm bảng “Điểm dừng chân vườn du lịch sinh thái Tám Lộc”, trên đó có tên công ty du lịch Bảo Duyên và phòng văn hoá thông tin huyện Chợ Lách. Hoá ra đến giờ tiềm năng du lịch ở Chợ Lách đã được các công ty du lịch nhìn thấy, có họ bắt tay vào, nhà vườn biết cách đón khách bài bản hơn. Mấy cây nhãn ngay lối vào oằn trái, nhưng chưa thơm; ông Tám Lộc đãi mọi người sầu riêng, chôm chôm rồi dẫn mọi người ra vườn bẻ trái, ghi hình... Nhà ông Tám Lộc cũng có nhận đặt bữa ăn cho khách. Tiếc quá, chúng tôi đã ăn trưa trên thị trấn, nếu không đã được dịp dùng bữa cơm gia đình nhà vườn miền Tây.
Ghe anh Đức tiếp tục đưa chúng tôi đến vườn xoài Thanh Sơn. “Giống xoài Thanh Sơn trái bốn mùa, trái nhỏ thì 800 – 900g, trái to đến 2kg, ăn giòn hay ăn chín đều ngon, giá ra chợ là 60.000 đồng/kg”, chủ vườn có vẻ tự hào về giống xoài do chính gia đình mình lai tạo. Không cần biết chúng tôi có mua hay không, chị chủ gọt ngay một trái vỏ màu vàng nhạt, một trái chín vàng đậm, trái nào cũng cả ký đãi khách, cũng là để quảng bá. Giống ngon và hột xoài nhỏ xíu. Mới vào hai vườn mà mọi người có vẻ muốn bỏ cơm chiều vì no trái cây!
Nếu đi cho đủ các loại vườn trái cây, có lẽ bụng ăn không thấu, nhưng không thể bỏ qua vườn măng cụt vì loại cây này chỉ có trái một mùa trong năm. Nhà vườn măng cụt không cho khách vào vườn tự hái vì trái măng cụt khó phân biệt trái chín ăn được, không như chôm chôm...; nhưng để khách thoả thích, chủ vườn đi theo chỉ cho khách trái có thể hái ăn được.
Nếu đi chơi nhiều nhà vườn trong mùa này e bụng không chứa nổi trái cây!
Ra chơi cồn, ăn ốc, tắm sông
Khúc sông ra cồn Phú Bình thật đẹp, mùa này nước trong veo, hai bên bờ sông, giữa những vườn trái cây là từng hàng bần xanh mướt soi bóng xuống mặt sông. Anh Hữu Vĩnh, phụ trách du lịch của huyện nói, ban đêm đom đóm sáng cả khúc sông, nhiều hộ làm vườn dọc hai bên sông đang tính tổ chức dịch vụ vừa ngắm đom đóm, vừa câu cá ban đêm cho khách du lịch.
Sông rạch ở Chợ Lách cũng cung cấp nguồn lợi thuỷ sản lớn cho người dân, đặc biệt ốc gạo cồn Phú Đa là đặc sản độc đáo của xứ này. Vào tháng 5 âm lịch, nhất là dịp tết Đoan Ngọ, người Chợ Lách cứ đãi khách thì làm mấy món: ốc gạo luộc chấm với nước mắm sả, ốc gạo cuốn bánh tráng với dừa nạo, gỏi ốc gạo, bánh xèo ốc gạo…, ai cũng thích thú những món dân dã mà ngon tuyệt này. Dân dã nhưng nó quý vì không phải mùa nào cũng có ốc gạo, thường chỉ có từ tháng 4 – 7 âm lịch, ốc ngon nhất là vào tháng 5. Quán Ba Ngói nổi tiếng cũng nhờ các món ốc gạo.
Ngày hội tắm sông ở cồn vào dịp tết Đoan ngọ là nét đặc trưng nhất của dân Chợ Lách, đã có hơn chục năm và cả vùng miền Tây Nam bộ, chắc không đâu có ngày hội trên sông độc đáo như vậy. Ngày hội dân gian này trước kia tự phát ở cồn Tiên, ba năm nay đã được dời về cồn Phú Bình, huyện đứng ra tổ chức cho an toàn để bà con và du khách vui chơi. Nhiều người khi nghe về ngày hội này thì tiếc vì họ không có dịp về chơi đúng dịp tết Đoan ngọ. Anh Công Ơn, chủ nhà nghỉ Bình An đã có sáng kiến tổ chức cho khách đi tắm cồn bất cứ ngày nào vì ngoài cồn Phú Bình, Bến Tre còn một số cồn cũng có bãi bồi nước cạn cho khách xuống chơi sông. Nhiều người trước giờ chỉ biết tắm biển, nay mặc áo phao xuống bì bõm trên sông một cách thích thú.
Xe buýt từ thành phố Bến Tre về Chợ Lách chạy liên tục trong ngày. Du khách đi theo đoàn có thể liên hệ bộ phận du lịch của phòng văn hoá thông tin huyện Chợ Lách (anh Hữu Vĩnh – 0917107111) để được hướng dẫn, tổ chức tour tham quan.
Chợ Lách có một số nhà nghỉ, trong đó đẹp nhất là nhà nghỉ Bình An (gần cầu Cây Da) ở xã Vĩnh Thành, giá chỉ 80.000 – 160.000 đồng/phòng, nhận khách đặt ăn theo yêu cầu (ĐT: 075.2244233). Chủ nhân nhà nghỉ còn có vườn măng cụt, khách có thể ăn nghỉ trong vườn.
Chợ Lách không chỉ có trái cây ngon, mà còn là xứ sản xuất hoa kiểng, cây giống. Khách tham quan các nhà vườn tạo hình kiểng bằng cây si, các vườn cây cảnh với nhiều loại kiểng lá, bonsai, các vườn ươm giống cây ăn trái, có thể mua về trồng.
|
Bài và ảnh: Các Ngọc