Giữa dòng sông Tiền mênh mông, cù lao Giêng với diện tích hơn 80 cây số vuông hiện ra trước mắt với màu xanh mát của những vườn cây trái tươi tốt và thấp thoáng những kiến trúc cổ đặc sắc.
Đặt chân lên bờ, chào đón mọi người là con đường nhựa hai bên có trồng râm bụt xanh um, thỉnh thoảng lại thấy mấy cây xoài, mận vươn lên tỏa bóng mát. Cù lao được khai hoang từ đầu thế kỷ XVIII này được thiên nhiên ưu đãi cho đất đai màu mỡ, lại không quá xa bờ nên đời sống người dân nhiều đời nay vẫn sung túc, yên bình.
Niềm tự hào lớn nhất của người dân cù lao Giêng có lẽ là nhà thờ Cù Lao Giêng được xây năm 1877, trước nhà thờ Đức Bà ở TP. Hồ Chí Minh đúng ba tháng. Việc xây dựng nhà thờ ở một vùng sông nước lúc bấy giờ có muôn ngàn khó khăn, kéo dài ròng rã 12 năm mới xong.
Giữa một cù lao khuất nẻo, một tòa giáo đường mang kiến trúc phương Tây uy nghi khiến nhiều du khách ngạc nhiên và thích thú. Nhờ được gìn giữ cẩn thận, sau 120 năm với bao thăng trầm, nhà thờ vẫn còn gần như nguyên vẹn: Tháp chuông chót vót, các trụ cột được thiết kế liên hoàn kết hợp các ô gió và tháp nhỏ tạo nét sang trọng đặc trưng.
Tham quan nhà thờ cổ xong, chúng tôi tản bộ đi ngắm những ngôi nhà xưa ở quanh đó. Những ngôi nhà gỗ rường ba gian hai chái, tường gạch bao tứ diện được xây dựng từ đầu thế kỷ XX đến nay hầu như chẳng hề thay đổi.
Nhà thờ Cù Lao Giêng |
Ngoài sân, những cây mai lâu năm, những chậu kiểng, chậu mai chiếu thủy tạo san sát bên nhau cảm giác thật thanh bình, nhàn tản.
Một kiến trúc đặc biệt khác của cù lao Giêng là lăng Ba Quan – phần mộ của ba anh em người cù lao Giêng được vua nhà Nguyễn mời ra Huế tham gia binh nghiệp. Ba vị võ quan này có nhiều công lớn với triều đình.
Sau khi các ông lần lượt hy sinh ngoài chiến trận, vua Gia Long phong cho họ chức Ngọc Hầu, còn người dân cù lao Giêng thì xây cho họ lăng mộ lớn tại quê hương. Lăng Ba Quan gồm ba phần mộ liền kề với lối xây dựng lạ mắt và độc đáo, có niên đại thuộc hàng cao nhất nhì miền Nam.
Nằm khuất trong vườn cây trái xanh um, kiến trúc này có màu sắc nổi bật, những trang trí đậm tính mỹ thuật là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách cung đình và phong cách dân gian..
Trong ba ngôi mộ, một ngôi mang hình con mực đầu lượn ra phía cửa, một ngôi có hình cá chép nằm ngược đang trở đầu uốn theo con mực, ngôi mộ còn lại có hình con rùa đang xoay theo con cá chép.
Ba mộ phần được mô phỏng hình dáng những loài sinh vật biển với bố cục như vậy vì có ngụ ý riêng. Ba con vật đọc theo tiếng Hán là mặc, lý, quy, có nghĩa là “về trong im lặng”.
Vậy mới thấy người dân cù lao Giêng xưa thật thâm thúy. Thông qua kiến trúc mộ, họ đã kể lại kết thúc của ba người anh hùng: Sau một thời gian ngang dọc rồi trở thành tướng quân có công lớn của triều đình, cuối cùng, ba võ quan lại lặng lẽ trở về nằm giữa cù lao quê hương.
|
Đường đi trên cù lao |
Một nét thu hút khác của cù lao Giêng là dọc các con đường rợp bóng cây, những mái chùa, những nhà thờ, đình đền nhỏ xinh thỉnh thoảng lại hiện ra thấp thoáng. Muốn ăn chén cơm chay nghe kể chuyện người xưa mở đất, du khách có thể đến chùa Thành Hoa của người Hoa.
Muốn tìm không gian thanh tịnh giữa vườn cây xanh mướt, du khách hãy đến với chùa Phước Minh. Ngọn tháp chín tầng và chiếc cổng tam quan nằm dọc ngay giữa con đường nhỏ vào chùa cũng là một nét đẹp ở nơi đây.
Ngoài ra, đến cù lao Giêng, du khách không thể không nếm thử món dưa xoài. Từ những trái xoài non, người dân chế biến thật cầu kỳ với mấy lần phơi, mấy lần ướp để tạo thành món dưa xoài nổi tiếng cả An Giang.
Đặc sản đơn sơ nhưng đã thể hiện tính cách của người cù lao Giêng: Cố gắng chăm chút những điều bình thường để cuộc sống giản dị không bao giờ trở nên tẻ nhạt.
NGỌC HẠNH/DNSGCT