Tại thời điểm mua chiếc Beech King Air 350, giữa năm 2008, rất nhiều những lời bàn ra tán vào xoay quanh người sở hữu nó là ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Người đồng tình thì cho rằng máy bay sẽ giúp Bầu Đức tiết kiệm thời gian đi lại cho vị doanh nhân bận rộn này. Thế nhưng, không ít ý kiến khác lại nói Bầu Đức chơi ngông khi bỏ ra 5,1 triệu USD chưa kể chi phí thuê phi công, sân đỗ, thuế phí... cho máy bay mà chưa biết hiệu quả công việc đến đâu.
Sau gần 5 năm nhìn lại, Bầu Đức chia sẻ mua máy bay riêng là lựa chọn đúng đắn. "Tôi mua máy bay để giải quyết nhu cầu công việc chứ không phải mua về chỉ để thỏa cái sở thích cá nhân. Tôi không thừa tiền để mua máy bay chỉ để thỏa mãn cái thú vui ngắm cảnh", ông Đức nói.
Bầu Đức cho biết trước khi quyết định mua, ông đã tham khảo ý kiến rất nhiều người. Bản thân ông cũng tìm hiểu rõ quy định Việt Nam để biết cái gì Luật pháp cấm, cái gì được phép làm. Ngay cả việc lựa chọn máy bay nào hạng nhỏ hay cỡ to để phục vụ yêu cầu công việc cũng được vị đại gia này tính đến.
Theo ông Đức ở quốc gia nào cũng vậy, nếu mua máy bay về để trưng bày hoặc không nhằm mục đích sử dụng thì thủ tục sẽ rất đơn giản. Nhưng khi đã bay lên trời thì kèm theo đó là rất nhiều quy định buộc người sở hữu nó phải theo. "Khi đó, an toàn không phải là riêng của cá nhân anh nữa mà nó là vấn đề của cả xã hội", bầu Đức nói.
"Anh muốn bay đi đâu, cất cánh vào giờ nào số lượng khách bay kèm, giờ hạ cánh... tất cả đều phải báo cáo cho nhà chức trách hàng không. Do vậy, ai đó nói rằng mua máy bay riêng về để phục vụ mục đích vui chơi, vãn cảnh... anh muốn đi đâu cũng được là suy nghĩ sai lầm. Tất cả các hoạt động này đều tuân theo các quy định và phải được cơ quan điều hành bay cho phép", ông Đức chia sẻ.
5 năm kể từ khi mua máy bay, ông Đức chưa khi nào sử dụng chiếc phi cơ này vào mục đích như du lịch hay vãn cảnh... "Khi có việc gia đình cần về Gia Lai, tôi sử dụng ôtô. Thường là có lái xe, đôi khi tôi tự lái. Đó cũng là thú vui riêng", ông Đức chia sẻ.
Theo ông Đức, sử dụng phương tiện nào là sở thích riêng của mỗi người, điều quan trọng là người đó phải xác định được mục đích mua để làm gì và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện kèm theo như thuê phi công, thủ tục giấy phép, hoạt động bảo dưỡng định kỳ... Khi đến hạn máy bay cần bảo dưỡng, nhà chức trách hàng không sẽ yêu cầu phải tuân thủ quy trình này. "Khi anh chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết rồi, việc đi lại sẽ rất thuận tiện, dễ dàng", ông Đức nói.
Ông kể máy bay giống như văn phòng di động. Có thời điểm, vì công việc gấp rút, ông cùng các cộng sự họp ngay tại chiếc bàn nhỏ trên máy bay. Thậm chí khi hạ cánh xuống, nhân viên báo tình trạng tắc đường trong thành phố, ông có thể huy động cuộc họp gấp ngay tại điểm chờ ở sân bay.
Bầu Đức cho biết sau gần 5 năm sử dụng máy bay riêng, ông tiết kiệm được khá nhiều thời gian cho việc đi lại. Trên không cũng như đường bộ, đôi khi cảnh "tắc" đường hàng không cũng xảy ra nhưng thời gian chờ đợi trên không chỉ khoảng 5-10 phút.
Ông Đức cho rằng máy bay cũng giống như ôtô, sau 3 năm liên tục sử dụng, người ta cũng có nhu cầu sắm mới. Ông Đức cũng đang có kế hoạch đặt mua một chiếc khác thiết kế theo ý mình để thuận tiện hơn cho công việc.
Mỗi tháng, Bầu Đức bỏ khoảng 300 triệu đồng cho chiếc phi cơ riêng.
Hồng Anh